Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

VĂN CHƯƠNG QUỐC NGỮ NAM BỘ CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẦU THẾ KỶ XX NHÌN TỪ QUÁ TRÌNH XÃ HỘI HOÁ CHỮ QUỐC NGỮ


VĂN CHƯƠNG QUỐC NGỮ NAM BỘ
CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẦU THẾ KỶ XX
NHÌN TỪ QUÁ TRÌNH XÃ HỘI HOÁ CHỮ QUỐC NGỮ
Nguyễn Văn Hiệu

                                                                    
1- Điểm qua những tên tuổi của nền văn học Quốc ngữ ở Nam Bộ cuối thế kỷ XIX như Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898), Huỳnh Tịnh Của (1830 – 1907), Trương Minh Ký (1855 – 1900), Nguyễn Trọng Quản (1865 – 1911), chúng tôi nhận thấy ở họ có một điểm chung: trong các công trình sưu tầm, dịch thuật, sáng tác tiêu biểu của mình, các cây bút này đều nêu rõ mục đích góp phần phổ biến chữ Quốc ngữ (Latin). Biểu hiện cụ thể qua các ghi chú ở đầu sách:
- Trong một lần in lại cuốn Chuyện đời xưa (xuất bản lần đầu năm 1866), Trương Vĩnh Ký viết: “Góp nhóp trộn trạo chuyện kia chuyện nọ, in ra để cho con nít tập đọc chữ Quốc ngữ, cùng là có ý cho người ngoại quốc học tiếng Annam, coi mà tập hiểu cho quen” và “nay ta in sách này lại nữa: vì đã hết đi, cũng vì người ta dùng sách nầy mà học tiếng, thì lấy làm có ích [TL tham khảo 1; trang 2].
Trên trang bìa Thông loại khoá trình (Miscellanées, 1888) - một tập san tư nhân, Trương Vĩnh Ký chua thêm tiếng Pháp: “ lectures instructives pour les élèves des écoles primaires, communales & cantonales”  (đọc bản bổ ích cho học sinh trường tiểu học, trường làng và trường tổng) và viết trong lời Bảo: “Coi sách dạy lắm, nó cũng nhàm; nên phải có cái chi vui pha vào một hai khi, nó mới thú. Vậy ta tính làm ra một tháng đôi ba kì, một tập mỏng mỏng nói chuyện sang đàng, chuyện tam hoàng cuốc chí, pha phách lộn lạo xào bán để cho học trò coi chơi cho vui…” [3;3]
- Trong Chuyện giải buồn, theo bản in lần thứ 5 năm 1911 (xuất bản lần đầu năm 1885), Huỳnh Tịnh Của ghi: “Rút trong các sách hay để giúp trong các trường học cùng những người học tiếng Annam” [4;2]. Trong Chuyện giải buồn cuốn sau , theo bản in lần thứ 3 năm 1895 (xuất bản lần đầu năm 1886), Huỳnh Tịnh Của cũng ghi: “Dịch rút trong các sách hay, lại phụ các án tấu, án đoán quan Annam làm, lập lời nói trang nhã, lịch sự, để giúp trong các trường học cùng giúp cho các người học tiếng Annam” [5;2].
- Nguyễn Trọng Quản viết Truyện Thầy Lazaro Phiền (xuất bản lần đầu năm 1887), trong nhiều mục đích có mục đích “trước là làm cho trẻ con ham vui mà tập đọc” và “kẻ thì cho quen mặt chữ, người thì cho đặng giải buồn một giây” [6; 16].
- Chúng tôi chưa tìm thấy những ghi chú của Trương Minh Ký về việc dịch sách để giúp người đọc học chữ Quốc ngữ, nhưng là một nhà giáo từng soạn nhiều tài liệu dạy tiếng, giảng giải đạo lý như Tập dạy tiếng Phansa và tiếng Annam(1892), Quốc ngữ sơ giải (1895), Tiểu học gia ngôn diễn nghĩa (1899)…chắc chắn các công trình dịch thuật tác phẩm văn học của ông cũng không tách rời với mục đích góp phần giúp người đọc vui học thêm chữ Quốc ngữ - một trong những nội dung quan trọng trong quá trình phát triển văn hoá của xã hội Nam Bộ cuối thế kỷ XIX. Trương Minh Kýgiúp Trương Vĩnh Ký diễn ra thơ Nôm những bài thơ chữ Hán trong mục Giải nghĩa câu chữ Nhu trong Thông loại khoá trình để người đọc “coi cho dễ nhớ” (Trương Minh Ký diễn Nôm tám bài) cũng cho thấy điều đó.
Công việc góp phần xã hội hoá chữ Quốc ngữ của các tác giả, học giả nêu trên có thể không tách rời với chủ trương của người Pháp: bằng mọi cách biến chữ Quốc ngữ vốn chỉ giới hạn trong phạm vi nhà thờ, giáo dân trước đó thành công cụ nô dịch, kể cả việc “dịch một vài tác phẩm Trung Hoa cơ bản và cổ điển” [7; 109]. Tuy nhiên cũng không thể loại trừ khả năng các ông này còn xuất phát từ nhận thức về vai trò văn hoá của chữ Quốc ngữ như Trương Vĩnh Ký đã viết trong lời mở đầu bộ Syllabaire Quốc ngữ (1876) của ông; “Chữ Quốc ngữ phải trở thành chữ viết của đất nước. Phải như thế vì sự lợi ích và tiến hoá. Vậy, người ta nên tìm cách phổ biến thứ chữ này bằng mọi phương tiện” [8; 130]. Thực tế cho thấy những hoạt động của các tác giả, học giả trên phần nào vượt quá yêu cầu của thực dân Pháp. Trường hợp “quyển Đại Nam Quốc âm tự vị vượt xa hơn cái việc trực tiếp phục vụ chính quyền Pháp mà biểu lộ cái ý thức của tác giả muốn “chuẩn thăng hóa tiếng Việt” như nhận định của các nhà biên soạn Địa chí văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh[10; 152] là một ví dụ tiêu biểu.

2. Gắn với truyền thống phong cách ngôn ngữ Nam Bộ và với yêu cầu xã hội hóa chữ Quốc ngữ, các tác giả, học giả trên đều chủ trương, và thể hiện khá rõ trong các công trình, tác phẩm của mình, cách viết giản dị, dễ hiểu, gần gũi với lời ăn tiếng nói thường ngày của nhân dân. Trương Vĩnh Ký chủ trương viết theo “cách nói tiếng Annam ròng; có nhiều tiếng nhiều câu thường dùng” [1; 2]; Nguyễn Trọng Quản chủ trương “lấy tiếng mọi người hằng nói mà làm ra một chuyện hầu cho kẻ sau coi mà bày đặt cùng in ra ít nhiều truyện hay” [6; 16]… đều xuất phát từ yêu cầu xã hội hoá chữ Quốc ngữ nêu trên. Có thể thấy thêm một yêu cầu có tính hệ quả của việc viết theo cách nói: “Annam ròng” hay viết theo cách “mọi người hằng nói”. Đó là phải viết, phải diễn đạt theo hình thức văn xuôi và thường là có tính thông tục. Nói đến văn chương Quốc ngữ trong buổi đầu trước hết là nói đến cách  viết mới với hình thức diễn đạt theo hướng ngày càng tiếp cận với ngôn ngữ đời sống. Theo chúng tôi, yêu cầu xã hội hoá chữ Quốc ngữ là một trong những tiền đề cơ bản của việc hình thành lối viết văn mới này và các ông Trương, Huỳnh cùng Nguyễn Trọng Quản là những người đặt những nền móng đầu tiên.
Đến đây nảy sinh một vấn đề khá lý thú: Tại sao trong một thời gian khá dài, đến quá nửa thế kỷ XX, hai ông Trương Minh Ký, Nguyễn Trọng Quản hầu như không được nhắc đến trong các bộ văn học sử cũng như không được biết đến nhiều trong đông đảo công chúng độc giả, dù như những nghiên cứu trong những thập niên gần đây cho thấy, hai ông đã có những đóng góp quan trọng trong tiến trình văn chương Quốc ngữ: một người đi tiên phong trong văn học dịch Hán - Việt và trong văn học dịch Pháp - Việt (Trương Minh Ký) [9; 87], một người đi tiên phong trong việc vận dụng kỹ thuật phương Tây để viết nên tiểu thuyết hiện đại đầu tiên và khá độc đáo trong lịch sử văn học dân tộc (Nguyễn Trọng Quản)? Trong khi đó,  cũng là những người đồng hành, tại sao hai ông Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của ngay từ đầu thế kỷ XX, chính xác là từ 1901, đã có người lập báo Nông cổ mín đàm, tuyên bố học theo hai ông mà “thuật điệu”, mà “lập ngôn” nghĩa là viết theo “điệu văn từ”, theo lối “đàm thuyết” hơn là theo “điệu ca ngâm” truyền thống [12; 2]; đến năm 1929 Phan Khôi vẫn thừa nhận hai ông là hai bậc “đại sư” trong lối viết văn Quốc ngữ ở miền Nam [13; 9]?
Trong nhiều nguyên nhân, theo chúng tôi, có một nguyên nhân khá cơ bản, không tách rời với đặc điểm và yêu cầu xã hội hoá chữ Quốc ngữ ở Nam Bộ cuối thế kỷ XIX. Nguyễn Trọng Quản và Trương Minh Ký đều có thể được coi là hiện tượng “độc sáng” trong công việc của mình. Nguyễn Trọng Quản có lối viết quá mới, cả về kết cấu lẫn nội dung thẩm mỹ của tác phẩm; Trương Minh Ký dịch tác phẩm văn học phương Tây là chủ yếu, tác phẩm văn học Trung Quốc ông dịch lại hầu hết là cổ văn và thơ nên không được chú ý nhiều trước yêu cầu viết những câu, những tiếng “trơn tuột” thường dùng. Nói chung tác phẩm, dịch phẩm của hai ông có phần, nếu không nói là phần lớn, còn xa lạ với thị hiếu thẩm mỹ của quần chúng. Trong khi đó, Trương Vĩnh Ký đi vào nguồn văn học dân gian, “lựa chọn những truyện hay và có ích”, còn Huỳnh Tịnh Của lại “rút trong các sách hay”, chọn nhiều truyện ngắn trong văn chương thông tục Trung Quốc - cả hai nguồn đều đã phổ biến và gần gũi với thị hiếu thẩm mỹ của công chúng bình dân. Nhờ vậy, tác phẩm của hai ông rất được đón nhận. Người đọc có thể vừa sử dụng những tập sách Chuyện đời xưa, Chuyện khôi hài của Trương Vĩnh Ký,Chuyện giải buồn của Huỳnh Tịnh Của để làm tài liệu học tập, vừa để giải trí .
Nhan đề tập sách Chuyện đời xưa của Trương Vĩnh Ký dễ gợi nên cảm tưởng ông ghi lại chuyện cổ tích, sưu tầm vốn cổ. Thực ra Chuyện đời xưa cũng hầu hết là các truyện khôi hài, hoặc có tính cách khôi hài, chỉ nêu tên truyện cũng đủ thấy điều đó như Chàng rể bắt chước cha vợ, Thằng chồng khờ, Hai thầy đi làm đám, Thằng cha nhảy cà tưng, Hai anh sợ vợ, Ông Cống Quỳnh, Ba anh dốt làm thơ…cho thấy mục đích chủ yếu của Trương Vĩnh Ký vẫn là giúp người đọc vui để học hơn là sưu tầm để bảo tồn nhìn từ bình diện văn  hóa. Có thể nói, bên cạnh việc biên soạn từ điển, hai ông Trương, Huỳnh đã rất khéo léo trong việc chọn con đường văn học trên cơ sở chú ý đến thị hiếu của người đọc để phổ biến chữ Quốc ngữ, nâng cao dân trí nên rất được nhiều người biết đến, ghi nhận. Tính đến năm 1914, Chuyện đời xưađã đựơc in lại lần thứ 5, Chuyện khôi hài được in lại lần thứ 4 năm 1909 (xuất bản lần đầu năm 1882), Chuyện giải buồn(cuốn đầu) in lại lần thứ 5 năm 1911, và Chuyện giải buồn (cuốn sau) in lại lần thứ 3 năm 1895 (ghi theo các bản chúng tôi hiện có). Các tập truyện trên còn được in đi in lại nhiều lần, tiêu biểu như các bản in của nhà sách Khai Trí (Sài Gòn) trong hai thập niên 1960, 1970 cho thấy sức sống lâu bền của các tập truyện này trong lòng độc giả.

3Trương Vĩnh Ký sưu tầm văn học dân gian, Huỳnh Tịnh Của dịch văn học thông tục Trung Quốc, như đã nêu trên, với tư cách là những học giả chứ chưa phải với tư cách là những nhà văn; là công việc góp phần xã hội hóa chữ Quốc ngữ chứ chưa phải là công việc sáng tạo văn học hoặc vì mục đích văn học. Tuy nhiên qua những tập sách này, chúng ta có thể nhận ra nhiều đặc điểm của nền văn chương Quốc ngữ sơ khai, nền móng. Ở đây chúng tôi chỉ đi vào một vài đặc điểm theo chúng tôi là nổi bật, rất đáng lưu ý:
- Thứ nhất là trong buổi đầu của mình, văn chương Quốc ngữ ở ta đã vận dụng những vốn sẵn có trong nền văn học dân tộc hoặc từ những vùng văn học gần gũi với mình (qua con đường dịch thuật, cải biên,…) để phát triển. Thành công của Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của có sự đóng góp quan trọng của sự lựa chọn đúng đắn này. Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của mỗi người mỗi cách nhưng đều có những đóng góp mới trên cơ sở xuất phát từ những giá trị gần gũi, có tính truyền thống để hướng đến đối tượng tiếp nhận. Về phương diện này, với Trương Vĩnh Ký vấn đề tưởng đã quá rõ. Riêng với Huỳnh Tịnh Của, có thể thấy ông đặc biệt chú ý đến thị hiếu của người đọc trong việc lựa chọn tác phẩm để dịch thuật làm tài liệu giải trí, vui học. Có lẽ do Huỳnh Tịnh Của không ghi xuất xứ các truyện dịch - hiện tượng phổ biến trong dịch thuật văn học cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, và phần nào do văn và truyện chọn dịch của Huỳnh Tịnh Của giản dị nên không ít người xem truyện dịch của ông là những sáng tác hoặc ghi chép từ truyện kể dân gian. Theo khảo sát của chúng tôi, hầu hết các truyện trong Chuyện giải buồn được dịch từ các sách truyện Trung Quốc nhưChiến quốc sách, Nam hoa kinh, Sử ký Tư Mã Thiên, Truyện truyền kì,…và nhiều nhất là Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh, đều là những truyện trọng nghĩa khinh tài, chí khí và phần nhiều là các truyện gần gũi với quan niệm nhân quả, khuyến thiện trừng ác của dân gian. Trong số 112 mục bài trong hai tập Chuyện giải buồn (không kể 7 “án tấu, án đoán quan Annam làm” ở cuối tập hai) đã có khoảng 70 truyện dịch từ Liêu trai chí dị. Như chúng ta đều biết, Liêu trai chí dị nổi tiếng ở các truyện hồ li mộng mị, thư sinh tài tử với mỹ nhân hồ, nhưng trong Chuyện giải buồn chỉ có một truyện về hồ li - Chuyện chồn đất Thơ Thủy, còn lại đều là những chuyện nhân quả, thiện ác đáo đầu rất gần gũi với quan niệm đạo đức - thẩm mỹ của nhân dân Nam Bộ. Đây là điều thể hiện rất rõ ý thức hướng đến đối tượng tiếp nhận rộng rãi là người đọc bình dân và thể hiện rất rõ mục đích góp phần xã hội hoá chữ Quốc ngữ của ông.
-  Đặc điểm nổi bật thứ hai là qua Chuyện đời xưa, Chuyện khôi hài và Chuyện giải buồn, chúng tôi nhận thấy có mối giao thoa rõ rệt giữa phong cách văn học viết với phong cách văn học dân gian. Giao thoa phong cách giữa văn học viết và văn học dân gian trong buổi đầu của một nền văn học hiện đại có phải là hiện tượng phổ biến trong các nền văn học thế giới hay không cần có những nghiên cứu riêng. Tuy nhiên ở đây vẫn có thể nhận ra đặc điểm có tính quy luật của một nền văn học đang có bước chuyển biến cơ bản là hướng về quảng đại quần chúng, nói bằng ngôn ngữ cuộc sống:
Với Chuyện đời xưa: lựa nhón lấy những chuyện hay và có ích (1866) và Chuyện khôi hài (1882), Trương Vĩnh Ký là người đầu tiên văn bản hoá chuyện kể dân gian bằng chữ Quốc ngữ ở đủ các dạng cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn, giai thoại,…và giữ được lối kể hồn nhiên, quê kiểng đậm màu sắc khẩu ngữ Nam Bộ. Trước và sau Trương Vĩnh Ký đều có những học giả văn bản hoá truyện dân gian như Lý Tế Xuyên với Việt điện u linh, Vũ Quỳnh, Kiều Phú vớiLĩnh Nam chích quái (thời trung đại), Nguyễn Văn Ngọc với Truyện cổ nước Nam, Vũ Ngọc Phan với Truyện cổ tích Việt Nam (thời hiện đại) nhưng mục đích và quan niệm của họ đều khác với Trương Vĩnh Ký khi Trương Vĩnh Ký gắn chủ yếu với mục đích xã hội hoá chữ Quốc ngữ. Trương Vĩnh Ký sưu tầm, văn bản hoá truyện kể dân gian không phải nhằm mục đích “làm người Nam, nên biết truyện cổ nước Nam” như quan niệm của Nguyễn Văn Ngọc {14; 11}; hay “để độc giả thấy được tinh thần đấu tranh của người dân lao động Việt Nam” như quan niệm của Vũ Ngọc Phan [15; 39]. Mục đích sưu tầm khác nhau dẫn đến những quan niệm ghi chép văn bản có phần khác nhau. Nguyễn Văn Ngọc sưu tầm truyện cổ trên tinh thần bảo tồn vốn cổ nên nhặt nhạnh, ghi chép cẩn thận, so sánh đối chiếu để phô diễn, sửa sang cho thành “câu chuyện có đầu, có đuôi, có ý nghĩ, có kì thú, có văn vẻ” [14; 10] còn Vũ Ngọc Phan thì quan niệm tôn trọng những nét lớn, “để sau khi viết lại, nếu đọc cho đồng bào ở thôn xóm nghe, đồng bào cũng vẫn nhìn nhận nó là truyện cổ tích Việt Nam đã từng nghe trong gia đình” [15; 39]. Trong khi đó, Trương Vĩnh Ký chủ yếu mượn chuyện kể trong dân gian để làm tài liệu giúp mọi người vui học nên ông có phần tự do “góp nhóp trộn trạo chuyện kia chuyện nọ”, thậm chí ông còn “thêm một hai chuyện thiệt tích mà có ý vị, vui, dễ tức cười” [1; 2].
Văn bản hoá truyện kể dân gian là một trong những cách làm cho văn học dân gian truyền miệng thành như sáng tác văn học thành văn, làm cho một câu chuyện để kể thành ra một truyện để đọc - một hình thức của văn học viết. Vì vậy người làm công việc văn bản hoá truyện kể dân gian, nhất là xuất phát từ mục đích chính như của Trương Vĩnh Ký, thường ít nhiều để lại dấu ấn qua cách kể và cách viết của mình. Chẳng hạn đoạn mở đầu trong Từ Thức lấy vợ tiênđược kể/viết như sau:
“Ở ngoài Bắc có một cái hòn tự nhiên bốn bề đá dựng; đêm ngày sóng tạt bể ầm ầm; người ta đặt tên là hang ông Từ Thức.
Do cái chuyện nó người ta bày thế nầy:…” [1; 35].
Rõ ràng đây là cách kể “vi phạm” nguyên tắc Trường cổ tích của các câu chuyện xưa. Cũng trong truyện này, nhân vật Từ Thức có dáng dấp của một nhân vật được xây dựng theo phong cách của văn học viết khi “tác giả” chú ý đến khai thác nội tâm, ngôn ngữ nhân vật…như:
“Sau về nhà, ông Từ Thức mới nhớ mường tượng hình nhan nàng con gái mình cứu; trong lòng nó bắt khoăn khoái nhớ thương, ước cho đặng gặp mặt lại mới phỉ lòng. Ra vô bâng khuâng tư tưởng, ăn chẳng ngon, nằm chẳng ngủ. Thao thức cả đêm; đang chừng nửa đêm, lồm cồm chổi dậy kêu một đứa thổi lửa, thắp đèn…” [1; 35].
Hoặc:
“Ông Từ Thức ở nhà nghĩ hoài: Mẽ! Nầy! Không biết ý làm sao mà biểu đừng mở cửa sau? Có khi bên kia có giống gì xinh tốt hơn bên nầy, nên cổ cấm mình vậy chăng? Lục tặc đem vùng mở phứt ra” [1; 35 – 36].
Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi không thể phân tích, trích dẫn nhiều. Điều chắc chắn là nhìn từ một hướng khác, khi “thêm một hai chuyện thiệt tích mà có ý vị, vui, dễ tức cười”, Trương Vĩnh Ký hẳn viết theo hoặc rất gần với chuyện kể dân gian. Do vậy đọc Chuyện đời xưa và Chuyện khôi hài, nhất là trong Chuyện khôi hài, có nhiều truyện không dễ phân biệt đâu là chuyện Trương Vĩnh Ký ghi chép lại, đâu là truyện ông viết thêm. Những vấn đề này cần có những nghiên cứu chuyên sâu hơn. Tuy nhiên qua Chuyện đời xưa và Chuyện khôi hài, có thể khẳng định sự giao thoa giữa phong cách văn học dân gian và văn học viết là có thật và có căn cứ.
Khác với Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của chọn con đường “dịch rút trong các sách hay” - một cách làm hoàn toàn thuộc về văn học viết. Khảo sát nhiều truyện trong Chuyện giải buồn, chúng tôi nhận thấy về cơ bản Huỳnh Tịnh Của theo khá sát nguyên tác từ nội dung, tình tiết, đến tên tuổi, địa danh…Đó là những truyện dịch hơn là những phóng tác, cải biên [Xin xem thêm 16]. Tuy nhiên bên cạnh việc theo khá sát nguyên tác ở các phương diện kể trên, Huỳnh Tịnh Của lại thường có những cách xử lý linh hoạt mà trọng tâm là hướng đến việc làm sao cho gần gũi, dễ hiểu và hấp dẫn hơn đối với công chúng bình dân. Chỉ xét riêng những bản dịch rút từ Liêu trai chí dị (LTCD), cũng có thể thấy có không ít nhan đề truyện ông dịch thoát đi, hoặc đặt mới dựa trên mới dựa trên nội dung truyện cốt cho dễ hiểu và hấp dẫn hơn, chẳng hạn Cầu tiếng chửi cho rụng lông vịt (từ Mạ áp - Mắng kẻ trộm vịt, LTCD), Chuyện ông tấn sĩ lưng mọc lông dê (Thiểm Hữu mỗ công – Ông nọ ở Thiểm Hữu, LTCD), Rủ nhau chết một lượt (Chúc Ông – Ông họ Chúc, LTCD),Nợ không trông trả (Kiểng thường trái – Hoá lừa đền nợ, LTCD), Quân bồ hóng (Hắc quỷ - Quỷ đen, LTCD)…;Huỳnh Tịnh Của cũng thường lược bỏ hoặc dịch thoát đi những yếu tố xa lạ, khó hiểu hoặc không cần thiết mà vẫn không làm ảnh hưởng đến nội dung truyện; ngược lại, ông lại thường “nới rộng” câu văn dịch bằng cách thêm từ ngữ để làm cho câu văn thêm sinh động và đậm màu sắc khẩu ngữ, đặc biệt là khẩu ngữ Nam Bộ. Chẳng hạn khi dịch Nghĩa thử (Con chuột có nghĩa – LTCD), câu “Dương Thiên Nhất ngôn kiến thị thử xuất, kì nhất vi xà sở thôn, kì nhất trừng mục như tiêu, tự thậm hận nộ, nhiên dao vọng bất cảm tiền” ông dịch là “Hai con chuột đi ăn, rủi thì một con bị rắn bắt, con kia làm bộ giận dữ, lòi hai con mắt như hai hột tiêu; song cũng ở xa xa mà ngó, không dám lại gần”. Ví dụ như thế có nhiều trong Chuyện giải buồn. Huỳnh Tịnh Của cũng chuyển hầu hết những truyện theo lối “đoản thiên” của LTCD sang hình thức chuyện kể. Những lời thoại trực tiếp đều được ông chuyển sang hình thức tường thuật làm cho các truyện trong LTCD vốn thuộc dòng văn học thông tục càng gần gũi với truyền thống tiếp nhận theo phong cách chuyện kể dân gian. Ngay tên tập sách và chữ chuyện ông thêm vào nhiều nhan đề truyện cũng cho thấy điều đó (Chuyện Vương Thập, Chuyện người Đinh Tiền Khê, Chuyện thây ma làm dữ,…). Chúng tôi xem những cách xử lý linh hoạt đã nêu là những nét thuộc về phong cách trong tình hình ý thức dịch thuật văn học chưa thật rõ nét và Chuyện giải buồn thể hiện rất rõ sự chi phối của mục đích dịch thuật, thể hiện rõ sự giao thoa của hai phong cách văn học – văn học viết và văn học dân gian.

4. Ở trên chúng tôi có nhắc đến thời điểm năm 1901 với Nông cổ mín đàm - một tờ báo tư nhân. Nông cổ mín (mính) đàm, như tên gọi của tờ báo, chủ yếu bàn về chuyện nông nghiệp, thương mại, kêu gọi cách làm ăn theo lối mới, nhưng đây cũng là tờ báo có những đóng góp đáng ghi nhận trong việc góp phần làm nên diện mạo văn chương Quốc ngữ ở Nam Bộ đầu thế kỷ XX và là mốc đánh dấu bước phát triển về chất của quá trình xã hội hoá chữ Quốc ngữ ở đây [Xin xem thêm 17]. Những người chủ trương Nông cổ mín đàm kêu gọi học tập theo Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của viết văn theo lối mới vì “Xin nghĩ lại hết cả thi văn của người Annam ta, những là Sử ký diễn ca, Chinh phụ ngâm, Tần cung oán, Cung oán, Ca trù thể cách, Kim Vân Kiều (…) thì toàn là những điệu ca ngâm mà thôi, chứ còn như điệu văn từ lội lạc như Tây như Tàu thì chúng tôi vẫn chưa từng thấy” [12; 1]. Đối với vấn đề dùng từ Hán - Việt gây khó hiểu cho độc giả như có người từng gửi thư phàn nàn, những người chủ trương Nông cổ mín đàm cũng có quan niệm đúng đắn. Họ xác định không thể bỏ từ Hán - Việt được vì tiếng nước ta còn nghèo. Họ chọn cách “cắt nghĩa dần sau mỗi câu chữ Nho” để cho những người không thạo chữ Hán có thể hiểu được [11; 5]. Bên cạnh những bài về cách làm ăn mới, Nông cổ mín đàm còn cho in nhiều sáng tác, dịch  thuật, tác phẩm cải biên từ văn học Trung Quốc, văn học dân gian, tổ chức thi thơ văn…
Điểm dễ nhận thấy là, nếu cuối thế kỷ XIX, công việc dịch thuật, sáng tác, cải biên của các ông Trương, Huỳnh, Nguyễn Trọng Quản chủ yếu gắn với mục đích phổ biến chữ Quốc ngữ thì đến Nông cổ mín đàm đầu thế kỉ XX tình hình đã khác. Người ta dịch thuật, sáng tác, cải biên hoặc sưu tầm văn học dân gian là để đáp ứng nhu cầu giải trí, thưởng thức của công chúng, góp phần thu hút độc giả, nghĩa là đã có chút ít tính thương mại - một trong những biểu hiện của sing hoạt văn học hiện đại, nếu có thể nói được như vậy.
Bước tiến của quá trình xã hội hoá chữ Quốc ngữ, dấu ấn của sinh hoạt văn chương Quốc ngữ có tính xã hội hoá cũng thể hiện khá rõ trên tờ báo này. Gắn với yêu cầu thu hút độc giả, các cây bút trên Nông cổ mín đàm càng chú ý đến thị hiếu thẩm mỹ của người đọc. Cũng là dịch, cải biên từ truyện Tàu nhưng trên Nông cổ mín đàm xuất hiện cả hình thức diễn Nôm truyền thống như các truyện Nghĩa KhuyểnTác thiện thiên giáng chi bá tường (Lương Dũ Thúc diễn Nôm), Tín nghĩa tương cảm (Nguyễn Liên Phong diễn Nôm) lẫn hình thức dịch ra văn xuôi. Điều đáng chú ý là việc diễn Nôm những tích truyện Trung Quốc theo lối truyền thống chỉ xuất hiện trong khoảng mươi số đầu, về sau chỉ còn lại hình thức diễn dịch ra văn xuôi như các bản dịch của Nguyễn Thiện Kế, Dị Sử Thị (Bút danh của Dũ Thúc Lương Khắc Ninh, chủ bút), Lương Hoà Quý, Trần Khắc Kỷ, Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn Dư Hoài, Nguyễn Đoan Khai…Điều đó cho thấy cả người viết lẫn người đọc đã quen và thích thú hơn với những truyện kể theo “ngôn ngữ đời sống”. Một điểm cũng đáng lưu ý là các cây bút trên Nông cổ mín đàm, so với Huỳnh Tịnh Của trước đó, lại càng chú ý đến thị hiếu của người đọc, của công chúng với truyền thống truyện Nôm khuyến thiện trừng ác phổ biến. Họ thậm chí còn đổi tên truyện cho phù hợp với quan niệm đạo đức - thẩm mỹ nêu trên. Chẳng hạn, truyện Thụy Vân (LTCD) được Lương Dũ Thúc dịch với nhan đề Thương người khác để thương thân, ghét người khác để vung phân cho người hoặc truyện Thuỷ mãn thảo (LTCD) được ông dịch với nhan đề Tác thiện thiên giáng chi bá tường, Nguyễn Chánh Sắt dịch truyện Vương Xảo Nhị (LTCD) với nhan đề Thiện ác đáo đầu chung hữu báo…Có người lấy hẳn bút danh là Khuyến Thiện Đạo Nhân và Chính Khuyến Thiện Đạo Nhân khi dịch truyện Nhiệm Tú (LTCD) cũng đổi thành Hoành tài bất phú…     
Nhà văn Sơn Nam có nhận định: “Nông cổ mín đàm do Lương Khắc Ninh làm chủ biên dành quá nhiều chỗ cho truyện Tàu dịch ra Quốc ngữ” [18; 5]. Theo chúng tôi, đó là điều bình thường, có khi là cần thiết. Trong giai đoạn đầu của sự hình thành nền văn xuôi hiện đại theo hướng đáp ứng nhu cầu của độc giả, dịch thuật thường đi trước sáng tác và các nguồn gốc, chất liệu văn học gần gũi, truyền thống thường được khai thác, diễn dịch lại bằng hình thức mới. Trên Nông cổ mín đàm, những chuyện kể dân gian hoặc có nguồn gốc từ văn học dân gian cũng được sưu tầm, viết lại bằng hình thức văn xuôi Quốc ngữ như Mài gươm dạy vợ (Lương Dũ Thúc), Nghĩa hổ tâm truyện (Nguyễn Dư Hoài thuật),Chuyện hai anh khùngChuyện anh hà tiện, Chuyện khôi hài (Trần Khắc Kỷ)…

5. Chính trong quá trình dịch thuật, sưu tầm, cải biên (tất nhiên vẫn chưa có sự thể hiện đầy đủ ý thức dịch thuật, sưu tầm như các giai đoạn sau), các cây bút trên Nông cổ mín đàm được trau dồi cách viết, hoàn chỉnh hơn câu văn xuôi Quốc ngữ. Không ít người từ dịch thuật, sưu tầm, cải biên trên Nông cổ mín đàm đã trở thành những cây bút sáng tác có tiếng ở Nam Kỳ đầu thế kỷ XX, tiêu biểu như Nguyễn Chánh Sắt - một trợ bút đắc lực của Nông cổ mín đàm, sau trở thành nhà văn, nhà dịch thuật chuyên nghiệp.
Trên Nông cổ mín đàm những năm đầu hiếm có truyện dịch từ văn học phương Tây, trong khi truyện dịch từ văn học thông tục Trung Quốc hoặc cải biên, ghi lại từ chuyện kể dân gian lại chiếm số lượng khá lớn. Điều đó góp phần khẳng định thêm nhận định của chúng tôi về sự vận dụng những chất liệu văn học gần gũi, truyền thống để sáng tạo lại, hoặc đơn giản hơn, chỉ ghi chép, diễn dịch những gì có sẵn để đáp ứng nhu cầu của độc giả đang ngày càng được xã hội hoá. Vận dụng nguồn văn liệu sẵn có, quen thuộc, hướng đến đối tượng là công chúng độc giả rộng rãi, bình dân, dù xuất phát từ mục đích xã hội hoá chữ Quốc ngữ như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của trước đó, hay xuất phát từ mục đích đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng như các cây bút trên Nông cổ mín đàm, các học giả, tác giả này cũng đều chọn cách viết gần gũi với tiếp nhận của công chúng nên cách viết của họ có sự giao thoa rõ rệt giữa phong cách văn học viết và văn học dân gian, có sự giao thoa rõ rệt giữa phong cách chuyện kể với phong cách truyện đọc.
Như vậy, quá trình xã hội hoá chữ Quốc ngữ có vai trò quan trọng trong việc hình thành lối viết văn mới, trong việc xã hội hoá công chúng văn học. Đến lượt mình, công chúng văn học lại có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của văn chương Quốc ngữ, của nền văn học Việt Nam hiện đại. Sự nở rộ của phong trào dịch truyện Tàu từ giữa thập niên đầu thế kỷ XX không tách rời với quá trình vận động tác động qua lại này.
Nghiên cứu quá trình phát triển và đặc điểm của văn chương Quốc ngữ Nam Kỳ từ trong buổi sơ khai của nó, do vậy, không thể không nhìn trong mối quan hệ với quá trình xã hội hoá chữ Quốc ngữ như chúng tôi đã nêu trên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
  • Trương Vĩnh Ký: Chuyện đời xưa. Imprimerie de Quinhon, 1914.
  • Trương Vĩnh Ký: Chuyện khôi hài. F. H. Schneider, Sài Gòn, 1909.
  • Trương Vĩnh Ký: Miscellanées. Imprimerie Commerciale & Curiol, Sài Gòn, 1888.
  • Huỳnh Tịnh Của: Chuyện giải buồn. Nhà in Phát Toán, Sài Gòn, 1911.
  • Huỳnh Tịnh Của: Chuyện giải buồn cuốn sau. Bản in Quản hạt, Sài Gòn, 1895.
  • Cao Xuân Mỹ (sưu tầm): Truyện dài đầu tiên và tuyển tập các truyện ngắn Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Nxb. Văn nghệ Tp. HCM, 1998.
  • Nguyễn Văn Trung: Chữ, Văn Quốc ngữ thời kì đầu Pháp thuộc, Nam Sơn xuất bản, Sài Gòn, 1975.
  • Bằng Giang: Sương mù trên tác phẩm Trương Vĩnh Ký. Nxb. Văn học, Hà Nội, 1994.
  • Bằng Giang: Văn học Quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865 – 1930. Nxb. Trẻ, Tp. HCM, 1992.
  • Địa chí văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh, Tập 2, Nxb. Tp Hồ Chí Minh, 1988.
  • Nông cổ mín đàm, số 7 (ra ngày 12/9/1901).
  • Nông cổ mín đàm, số 14 (ra ngày 31/10/1901).
  • Phan Khôi: Từ Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Trai cho đến Nguyễn Chánh Sắt, Đặng Thúc Liêng. Phụ nữ tân văn, số 28 (ra ngày 8/11/1929).
  • Nguyễn Văn Ngọc: Truyện cổ nước Nam. Nxb. KHXH, Tp Hồ Chí Minh, 1990.
  • Vũ Ngọc Phan: Truyện cổ tích Việt Nam. Nghiên cứu Văn Sử Địa xuất bản, Hà Nội, 1965.
  • Nguyễn Văn Hiệu: Góp phần tìm hiểu lịch sử phiên dịch “Liêu trai chí dị” ở Việt Nam. Tạp chí Hán Nôm, số 1 – 2001.
  • Nguyễn Văn Hiệu: Vài nét về dịch thuật và sáng tác trên Nông cổ mín đàm (1901 – 1924), trong sách Bình luận văn học, Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học Tp. HCM – Nxb. KHXH, Hà Nội, 1999.
  • Sơn Nam: Báo chí Sài Gòn xưa. Tạp chí Văn hoá, số 6 – 1997

TS Nguyễn Văn Hiệu
NguồnTạp chí Văn học – 2002

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét