Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Nguyễn An Ninh và các vấn đề văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục


Nguyễn An Ninh và các vấn đề văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục

Bùi Khánh Thế - 1. Thuộc số “những người cần được nghiên cứu sau Nguyễn Ái Quốc vì đã sớm có công gieo hạt giống yêu nước theo xu hướng xã hội chủ nghĩa vào buổi đầu trong thanh niên, trí thức, học sinh chúng ta” (Hà Huy Giáp), và là người “có tầm vóc một nhà lãnh đạo một cuộc cách mạng” (Phạm Văn Đồng) (2), Nguyễn An Ninh quan tâm đến rất nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội Việt Nam thời bấy giờ. 

Không phải ngẫu nhiên mà ông bắt đầu chú trọng trong số đó từ những lĩnh vực ngôn ngữ, giáo dục và văn hóa nói chung. Bởi vì theo ông “văn hóa là tâm hồn của một dân tộc”, “ngôn ngữ là nhân tố giải phóng các dân tộc bị áp bức” và giáo dục góp phần đào tạo “những con người hiểu biết tâm hồn dân tộc, những nhu cầu tinh thần phù hợp với dân tộc, những con người có khả năng hướng dẫn từng bước đi cho dân tộc, soi sáng con đường đi của dân tộc”. 

Trên cơ sở một số tư liệu có giới hạn, bài viết này đề cập đến một vài khía cạnh trong sự nghiệp lớn của một nhân vật lịch sử Việt Nam vào những thập niên đầu thế kỷ XX. Đó là những ý tưởng của Nguyễn An Ninh về văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ. 

Những sự kiện cắm mốc khởi đầu cho hoạt động cách mạng của Nguyễn An Ninh trong nước (3) đồng thời cũng đánh dấu cho những đóng góp của nhân vật lịch sử này vào một phương diện rất cơ bản, liên quan mật thiết với việc lôi cuốn quần chúng trong quá trình vận động cách mạng, các cuộc thuyết trình về văn hóa, về lý tưởng thanh niên. Có thể nhìn chung những bài nói, bài viết về văn hóa trong toàn bộ sưu tập không cao, nhưng chúng có ý nghĩa rất quan trọng. Tầm quan trọng ấy không chỉ được biểu lộ một cách hiển ngôn do chính Nguyễn An Ninh khẳng định đã đành, mà còn như một chân lý khách quan mang tính phổ niệm. “Một quy luật của sự tồn tại một quốc gia chính là sự tồn tại của nền văn hóa dân tộc của mình” (Trần Văn Giàu). Nhà văn Pháp F.Mistral (4) phát biểu: một dân tộc bị nô dịch “nếu họ giữ được ngôn ngữ của mình thì tức là họ nắm được chìa khóa để tự cởi trói”. 

(“S’il tient sa langue, il tient la cle’
Qui de ses chaine le delivre”. F.Mistral.) 

2. Bắt đầu tìm hiểu quan điểm của Nguyễn An Ninh về văn hóa qua hoạt động ngôn từ của ông, người nghiên cứu ắt phải nêu câu hỏi: tại sao các vấn đề gắn liền với tinh thần yêu nước, ý thức tự hào dân tộc đặc biệt là vấn đề lý tưởng của thanh niên lại được diễn giả trình bày không phải bằng tiếng mẹ đẻ, mà bằng tiếng Pháp, điều mà sau đó mấy năm ông nghiêm khắc phê phán trên báo La cloche fêlée (21/12/1925)? Ở đây ta thấy ông lên án “nhiều người An Nam thích bập bẹ năm ba tiếng Tây hơn là diễn dạt ý tưởng cho mạch lạc bằng tiếng mẹ đẻ”, và ông cho rằng “chối từ tiếng mẹ đẻ đồng nghĩa với từ chối sự tự do của mình”… Như vậy phải chăng có sự mâu thuẫn giữa lý thuyết và thực hành? Có lẽ đây là câu hỏi không phải của ít người, trong đó có chính người viết những dòng này. 

Quá trình tìm hiểu vấn đề để giải đáp cho mình câu hỏi trên đã giúp tôi sáng tỏ thêm nguyên lý cơ bản nhất về ngôn ngữ: “Ngôn ngữ là phương tiện quan trọng nhất trong sự giao thiệp giữa người và người (V.I.Lênin). Trong định đề này từ ngôn ngữ được dùng theo ý nghĩa tổng quát, mà không phân biệt tiếng mẹ đẻ hay bất kỳ ngôn ngữ nào. Nguyễn An Ninh rõ ràng cũng đã nhận thức như vậy khi trong bài Lý tưởng của thanh niên An Nam ông dẫn lời của Ananda, một học giả Ấn Độ, ca ngợi nhà thơ ái quốc Ấn Độ Rabindranath Tagore “vì sự nghiệp giáo dục dân tộc của mình không chỉ đã sáng tác ra bao nhiêu tác phẩm văn chương bằng tiếng dân tộc” mà còn xây dựng các trường học, ở đó “người ta dạy bằng tiếng địa phương, tiếng Anh (như một ngoại ngữ B.K.T nhấn mạnh) tuy chỉ giữ vai trò thứ yếu, nhưng hãy còn rất quan trọng, (vì) người ta muốn tránh một tình trạng nguy hiểm là giới trí thức được đào tạo ra lại chẳng nói thông thạo được một thứ tiếng nào hết”. 

Cũng chính trong bài báo năm 1925 được dẫn trên, tác giả bài báo đã thể hiện rõ quan điểm của mình về mối quan hệ giữa tiếng mẹ đẻ và ngôn ngữ nói chung. Nguyễn An Ninh khẳng định: “Bất kỳ người An Nam nào vứt bỏ tiếng nói của mình thì cũng đương nhiên khước từ niềm hy vọng giải phóng giống nòi”. Mặt khác ông cũng phát biểu đầy xác tín “vai trò hướng đạo của giới trí thức chúng ta buộc ta phải biết ít nhất là một ngôn ngữ châu Âu để hiểu được châu Âu”. 

Có thể nhắc lại ở đây đầu đề của một bài viết công bố ngày 21/1/1925: Ngôn ngữ, nhân tố giải phóng các dân tộc bị áp bức (nguyên văn tiếng Pháp La langue, libératrice des peuples asservis). Và trong bài cùng với từ ngôn ngữ (la langue - được dùng ba lần) mà người đọc có thể hiểu với ý nghĩa rất tổng quát của từ này, tác giả còn dùng nó cùng với các định ngữ như tiếng mẹ đẻ (la langue maternelle - 2 lần), ngôn ngữ dân tộc/ ngôn ngữ nước nhà (la langue nationale - 1 lần), ngôn ngữ của ta, ngôn ngữ của mình (sa/leur/notre langue - 6 lần), tiếng Pháp/ tiếng châu Âu/ ngoại ngữ (la langue franscaise/ européenne/ étrangère - 4 lần); tiếng Việt (la langue annamite - 1 lần), ngôn ngữ thứ hai (la second langue - 1 lần). 

Như vậy, chúng ta có thể hiểu: trong các bài viết của Nguyễn An Ninh từ ngôn ngữ được dùng một mình là nhằm thể hiện đặc điểm mang tính phổ niệm của nó: Ngôn ngữ là nguồn (một nhân tố) giải phóng các dân tộc bị áp bức; Ngôn ngữ là người bảo vệ quý giá nhất nền độc lập của các dân tộc (La langue est la plus précieuse gardienne de l’indépendence des peuples); Phải quy lỗi cho sự nghèo nàn của ngôn ngữ hay sự bất tài của con người? (Faut il s’en prendre à la pauvreté de la langue ou de l’incapacité des gens?). Và khi được dùng với định ngữ dĩ nhiên các đặc điểm của những ngữ đoạn này được đề cập đến trong phạm vi ngoại diên có giới hạn với nội hàm phong phú của chúng. 

Chẳng hạn Nguyễn An Ninh dùng tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ khi phê phán những kẻ bị Tây hoá “chối bỏ tiếng mẹ đẻ, than phiền tiếng nước mình nghèo nàn”, kêu gọi mọi người “quyết tâm ra sức làm giàu ngôn ngữ của mình để nó thích nghi với các đòi hỏi hiện nay của thời đại,... nâng cao tiếng nói ngang tầm cao các đòi hỏi ấy”. Ông đề cao ngôn ngữ Nguyễn Du, đề cao thành tựu “dịch những tác phẩm Trung Quốc sang tiếng nước mình” và việc học biết từ ngữ Việt “ở những phụ nữ và nông dân Việt Nam”. 

Đối với Nguyễn An Ninh việc “sử dụng Pháp ngữ” hay “cần biết ít nhất là một ngôn ngữ châu Âu không hề nhằm lấy đó làm “dấu chỉ về tầng lớp quý tộc của mình”, mà là “để hiểu được châu Âu”, và “những kiến thức tiếp thu được đó không giữ lấy riêng mình, mà phải biến thành lợi ích cho cả đồng bào mình nữa”. Đồng thời Nguyễn An Ninh còn nhấn mạnh thêm: “Tiếng nước ngoài mà mình học được phải làm giàu thêm cho ngôn ngữ quốc gia dân tộc”. 

Ông cổ vũ thanh niên Việt Nam đương thời “hãy cứ chạy sang bên họ (tức ngay cả chính nước Pháp - B.K.T) xem cái gì đã tạo nên sức mạnh, đã tạo nên cái lớn lao của họ”, để rồi “ta lại sẽ trở về, tràn ngập niềm phấn khởi và ước mơ, đầy tình thương yêu… Ta sẽ nói lên bằng tiếng quốc ngữ, tiếng quốc ngữ đã được cọ xát với các tư tưởng châu Âu để lớn mạnh hơn lên” (Tôi gạch dưới B.K.T). Và quan điểm này được hiện thực hoá không chỉ bằng hoạt động của Nguyễn An Ninh từ 10/12/1923 đến 2/2/1928 với tư cách là người sáng lập và giám đốc tờ báo tiếng Pháp Tiếng chuông rè mà được thể hiện như ta thấy ngay trong các buổi ra mắt đầu tiên trước giới thanh niên, trí thức và các giới đồng bào trong nước như một trong những người truyền tin về cơn bão táp cách mạng đang đến gần của quần chúng nhân dân Việt Nam. 

3. “Cần xây dựng cho nhân dân Việt Nam một nền văn hoá” không chỉ là chủ đề của Nguyễn An Ninh trong buổi thuyết trình đầu tiên, mà còn được ông dành cho vị trí quan trọng ngay phần đầu của buổi thuyết trình lần thứ hai, bằng tiếng Pháp. Ở buổi thuyết trình lần đầu Nguyễn An Ninh dùng cách nói chung đúc học thức - mà theo ông cho biết đã hiệp ý với ông Nguyễn Háo Vĩnh (5) để dịch thuật ngữ culture từ tiếng Pháp. 

Bài tường thuật của báo Nông cổ mín đàm (6) ngày ấy cho biết: sau khi giải nghĩa tại sao gọi là culture, và tại sao dùng tiếng Việt là chung đúc học thức để dịch, Nguyễn An Ninh dành thời gian cho việc phân tích và so sánh hai nền văn hoá mà Việt Nam chịu ảnh hưởng là Trung Hoa và châu Âu, qua Pháp. Cảnh báo với giới thanh niên rằng nếu “cứ chăm chăm theo nẻo hoạn đồ, thì sau này dòng giống sẽ yếu ớt, lạc hậu”, Nguyễn An Ninh cổ xuý việc chuyển “theo nẻo khai hòa... làm cho con người trở nên toàn văn, toàn đức”, “có thể dắt người đến nơi đức sáng, sửa mình, trị nhà, rèn đúc vĩ nhân, nâng đỡ trình độ nước nhà, cho dân tộc nở nang hầu khỏi cái kiếp diệt vong”. Nhưng ông cũng nhắn nhủ “chẳng nên học thành tài rồi về cứ giục giã theo đường sĩ hoạn,... học lấy văn hoá hay mà không biết dùng”, “không biết truyền bá lại cho giống nòi, khử trừ cái lệ dã man”. 

Tiếp tục đề cập đến trong bài Lý tưởng của thanh niên Việt Nam cách theo học văn hoá và ứng dụng điều học được một cách hữu ích, Nguyễn An Ninh đề cao các mặt nên học theo. Ông “đòi hỏi phải thấu hiểu tường tận nguyên nhân và cội rễ của mọi hành động của con người”, vì “điểm mấu chốt trong học thuyết của Khổng Tử nằm trong con người, trong việc tu dưỡng bản thân của mỗi người”, cho nên “am hiểu hành vi con người tức là nắm được công lý” Nguyễn An Ninh cho rằng “chúng ta phải công nhận công lao to lớn của Khổng Tử là trong học thuyết lập nền trật tự, dẫn đến sự yên vui cho quần chúng, đã mang đến cho họ bao nhiêu nguồn hạnh phúc nho nhỏ” và rằng “nếu ta thấu suốt được lập luận của Khổng Tử thì giá trị con người sẽ được nâng lên, quan niệm về cuộc sống sẽ trở nên rộng rãi và độ lượng biết mấy”. 

“Nhưng rồi - Nguyễn An Ninh phân tích tiếp - theo dòng thời gian, học thuyết Khổng Tử bên Trung Quốc trở thành một món hàng xuất khẩu. Ta chống lại chính là chống lại cái món hàng xuất khẩu đó của nền văn hoá giả tạo đó trong giới trí thức Việt Nam của chúng ta, vì chính nó là nguyên nhân của thái độ kiêu căng thô bạo thường thấy nơi nhà Nho có tuổi của chúng ta”. 

Theo Nguyễn An Ninh, “hiểu biết của ta còn rất xa yêu cầu hiểu biết thực sự về nền văn hoá Trung Hoa”, mà “có hiểu thấu đáo văn hoá Trung Hoa thì mới đủ trình độ để tiếp thu mọi luồng tư tưởng của nhân loại”. Nguyễn An Ninh cũng phê phán “những người đã được nước Pháp đào tạo, vì cho đến nay chưa có một người Việt Nam nào tiếp thu đầy đủ ý nghĩa của văn hoá Pháp”. 

Do đó, khi đề ra “sự tổng hợp và hai lần chiến thắng” và “mỗi người châu Á chúng ta phải được trang bị hai phía, vừa phải tiếp thu văn hoá phương Tây và cả văn hoá Á Đông nữa”, Nguyễn An Ninh cuối cùng nhấn mạnh “sự cần thiết phải có một nền văn hóa cho dân tộc ta” trên cơ sở tìm cho ra “một di sản tinh thần thật vững chắc làm nền tảng cho việc thực hiện mong ước của chúng ta”. Bởi vì, theo Nguyễn An Ninh, văn hóa là tâm hồn của một dân tộc (tôi nhấn mạnh B.K.T). 

Tám mươi năm sau các cuộc diễn thuyết của Nguyễn An Ninh về văn hoá, về lý tưởng thanh niên, đọc kỹ lại các bài thuyết trình đó tôi vẫn thấy nhiều luận điểm của người thanh niên trí thức 23 tuổi này đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị thời sự. 

4. Trong bài Lý tưởng của thanh niên Việt Nam vấn đề giáo dục được Nguyễn An Ninh nhắc đến trong khuôn khổ của chủ đề văn hoá khi ông nêu tấm gương về nền giáo dục dân tộc, đặc biệt là các nhà trường điển hình, của Ấn Độ. Dẫn ra các thông tin do Ananda Coomaraswamy cung cấp, Nguyễn An Ninh cho rằng “đấy là những cố gắng hay, của một nền học vấn dân tộc” thể hiện “lý tưởng của những tâm hồn cao đẹp nhất của nước Ấn Độ”… 

Đặc điểm của hệ thống giáo dục đó là quay lại với những ý niệm triết lý của văn hoá Á Đông, biết kết hợp hài hoà giữa nền hiền triết cổ xưa và kiến thức thực dụng hiện đại. Để khêu gợi ước mơ và cổ vũ hành động (“ước mơ đi!” và “sống là hành động!”), Nguyễn An Ninh nêu gương “nước Ấn Độ dù trong cảnh áp bức của nước Anh, vẫn có những nhà thơ, những triết gia, những nhà khoa học của mình, những lãnh tụ đang lãnh đạo phong trào quần chúng”. 

Hai năm sau, trở lại vấn đề giáo dục trên báo Chuông rè, Nguyễn An Ninh trong một bài viết ngắn gọn đưa ra bức tranh tương phản với hệ thống giáo dục dân tộc Ấn Độ, phê phán nền giáo dục công cộng ở Đông Dương. Ở đây giáo dục công cộng được tổ chức rất kém, có sự lộn xộn trong nền giáo dục. Vì chính phủ thuộc địa “chưa nghiêm túc nghĩ đến việc tổ chức đàng hoàng chương trình cấp I bắt buộc bằng tiếng Việt”. Mà đáng lý ra, theo Nguyễn An Ninh, giáo dục tiểu học (l'enseignement primaire) “phải là nguyên tắc của việc giải phóng quần chúng” và giáo dục cao đẳng (l’enseignement superieur) “phải là nơi đào tạo các kỹ thuật viên, giới tinh hoa có khả năng quản trị, điều hành đất nuớc”. 

Bức xúc trước thực trạng nền giáo dục thuộc địa “cho trẻ em An Nam học chương trình tiểu học bằng tiếng Pháp ngay từ khi bắt đầu đi học...” trong khi đó chính phủ thuộc địa chỉ quy định một kỳ thi sơ cấp bắt buộc. Tất cả những điều ấy, Nguyễn An Ninh nhấn mạnh, “chỉ làm chậm trễ việc giáo dục trẻ em mà thôi”. 

Ông phê phán: sư phạm khoa học (thuật ngữ do chính Nguyễn An Ninh dùng để dịch Le type pédagogique - B.K.T) nói chung chẳng có gì là sư phạm. Trái lại các sai sót nghiêm trọng cho thấy những người biên soạn đều thiếu khả năng sư phạm và không có ý niệm đúng về tâm hồn trẻ thơ. Kết thúc bài viết hàm súc về nền giáo dục công lập ở Đông Dương, Nguyễn An Ninh đề cập đến Nghị định của Toàn quyền Merlin hủy bỏ quyền tự do giảng dạy (supprimant la liberté dõenseignement) “vốn trước đây đã từng có dưới chế độ cũ của An Nam (7)... Kết quả là hàng trăm ngàn người Việt Nam không biết là đi học ở đâu, vì không có trường”. 

Phê phán và nêu gương, Nguyễn An Ninh quan niệm người hoạt động trong lĩnh vục giáo dục không phải là “nhà truyền giáo hay người tuyên truyền” mà phải “vươn tới những vai trò cao đẹp hơn, phải tìm ra hàng ngàn con đường chưa khai phá”; theo gương Ấn Độ, ta “phải phát hiện cho thế giới những con người vĩ đại, cống hiến họ cho cuộc sống chung”. 

Với niềm tự hào và khêu gợi tinh thần tự hào của giới trí thức trẻ Việt Nam ở thời điểm ấy ông đặt câu hỏi: “Tại sao ta lại không có quyền nói đến vĩ nhân?”. Và ông khẳng định: “Trong thực tế ta có những bậc vĩ nhân phong phú dồi dào như trong một mùa hoa nở, những con người đã làm nên danh giá, đã mang lại một vị trí xứng đáng cho dân tộc mình.” 

5. Nguyễn An Ninh quan niệm: giao tiếp bằng ngôn ngữ, dù đó là tiếng mẹ đẻ hay một ngôn ngữ nào khác, cũng đều chủ yếu nhằm biểu hiện ý tưởng, truyền đạt hoặc tiếp nhận thông tin. Vì vậy trong sự nghiệp hoạt động của mình ông tuỳ trường hợp cụ thể mà khi thì sử dụng tiếng Pháp, khi thì dùng tiếng mẹ đẻ. Nguyễn An Ninh tham gia viết bài trên tờ Le Paris ở Pháp, viết cuốn Nước Pháp ở Đông Dương, khi về nước lập tờ La cloche fêlée bằng tiếng Pháp, vì thời ấy ở Sài Gòn ra báo, đưa tin tức, đăng tải bài trên báo bằng tiếng Pháp dễ dàng hơn ra báo bằng tiếng Việt, khi thực hiện đấu lý với thống đốc Cognacq và trùm mật thám Arnoux… 

Dùng tiếng mẹ đẻ trong hoạt động của mình, Nguyễn An Ninh vận dụng cả hình thức ngôn ngữ nói cũng như ngôn ngữ viết. Người gần thời với ông là Hà Huy Giáp gọi ông là “nhà cách mạng hùng biện”. Còn giáo sư Trần Văn Giàu thì nhớ lại: trừ trạng sư Monin không ai nói giỏi bằng anh, anh có tài lôi cuốn. Khi đi bán báo Chuông rè ở Sài Gòn cũng như khi bị mật thám theo dõi sát quá không hoạt động được ở Sài Gòn, Nguyễn An Ninh đi xe đạp về các tỉnh bán dầu cù là, hễ dừng lại đâu rao hàng thì cả chục, vài chục người tựu lại, và tất nhiên không chỉ để mua hàng mà còn để nghe ông nói. 

Tuy ngôn ngữ viết của Nguyễn An Ninh in thành sách tiếng Việt thường được nhắc đến chỉ có bản dịch Dân nước - Dân quyền - Dân đạo (1923), Hai Bà Trưng (Tuồng, 1928), Tôn giáo (Tiểu luận, 1932), những các bài viết bằng tiếng Việt thì có nhiều, đăng rải rác trên các báo như Trung lập, Đuốc nhà nam, Công luận, Dân chúng... Những sách vở, bài viết này được sưu tập, sao in lại và cùng gộp chung với các sách và bài viết bằng tiếng Pháp đóng thành bộ gồm 3 cuốn khổ lớn (24x16), dày như bộ ba từ điển trên 2000 trang, được lưu giữ trong tủ sách gia tộc. 

Tư liệu ngôn từ trong khoảng 20 năm hoạt động của Nguyễn An Ninh cho phép ta có thể nói đến những đóng góp không nhỏ của ông cho sự phát triển của tiếng Việt vào những thập niên đầu thế kỷ XX. Điều dễ thấy hơn cả là Nguyễn An Ninh đã lần lượt góp vào kho từ vựng tiếng Việt một vốn thuật ngữ, quán ngữ chính trị xã hội. 

Trong bản dịch có lẽ đầu tiên của ông từ một luận văn triết học Pháp đã xuất hiện những từ ngữ, quán ngữ mà ngày nay trở thành quen thuộc với chúng ta: luật pháp, xã hội, nhơn quyền, tự chủ, tuyển cử, tự do, nhơn loại, quyền lợi, quyền lực, chánh trị, luận về quốc sự, đè ép nhơn loại (áp bức nhân loại), hễ cái cường lực tan đi thì cái quyền lực cũng tan theo, từ bỏ tự do của mình, là từ bỏ bổn tánh (bản tính) con người của mình, hai tiếng nô lệ với nhơn quyền nó nghịch nhau,... 

Dĩ nhiên một số thuật ngữ được Nguyễn An Ninh dùng trong buổi đầu của phong cách chính luận chưa trau chuốt nhiều và ngày nay, sau nhiều thập kỷ đi vào cuộc sống, đã dần dần biến đổi uyển chuyển hơn: hội hiệp (= liên kết), người làm đầu (= người chỉ huy, người lãnh đạo), đồng đẳng (= bình đẳng) v.v. Cách chuyển dịch từ culture thành nền chung đúc học thức, idéal thành cao vọng cũng thuộc số từ ngữ mà sau nhiều thập kỷ đã có biến đổi. Nhưng thiết nghĩ đây là hiện tượng tất yếu đối với mọi ngôn ngữ một khi được mở rộng phong cách chức năng, mà cụ thể ở đây là tiếng Việt từ chức năng giao tiếp hàng ngày trong cộng đồng và làm yếu tố thứ nhất của văn chương chuyển sang chức năng thông tin báo chí, chức năng chính luận hay như cách nói thời ấy là luận thế sự, bàn chuyện thời cuộc. 

Đóng góp vào sự đổi mới của tiếng Việt thời đó là những nhân vật xuất thân từ các nguồn học vấn khác nhau: nguồn Hán học cổ điển, từ cựu học chuyển sang tân học, từ lớp trí thức tân học. Thiết tưởng Nguyễn An Ninh hoàn toàn xứng đáng được tôn vinh là ngòi bút tiêu biểu không chỉ cho sự đóng góp sớm nhất, mà còn để lại dấu ấn sâu đậm nhất của lớp trí thức tân học cho sự đổi mới của tiếng Việt trong giai đoạn chuyển mình của văn xuôi chữ quốc ngữ. 

Theo thuật ngữ lý thuyết tiếp xúc ngôn ngữ, Nguyễn An Ninh là một trong số người song ngữ Pháp - Việt thuộc lớp đầu tiên góp ảnh hưởng giao thoa tích cực cho sức sống của tiếng Việt (8). Đọc Dân ước - Dân quyền - Dân đạo, nhất là đọc tiểu luận bàn về Tôn giáo ta cảm nhận rõ ràng một điều là cách suy nghĩ lôgích về các vấn đề mới, được lịch sử đặt ra, đòi hỏi và dẫn đến cách diễn đạt lôgích tương ứng trong lối hành văn. Và về mặt này người trí thức Nguyễn An Ninh song ngữ ắt hẳn có nhiều thuận lợi vì đã sớm được tiếp xúc với các luận văn triết học Pháp giàu tính duy lý. 

Giáo sư Hoàng Tuệ khi Nhìn lại thời tiếng Việt tiếp xúc với tiếng Pháp đã đi tới kết luận: “Tiếng Pháp đã có mặt trong tiếng Việt. Sự có mặt ấy vẫn còn sức sống... Nó đã được đưa vào trong ý thức ngôn ngữ của tiếng Việt qua những câu thơ Việt, câu văn xuôi Việt”. 

Phương Lan, một nữ tác giả đương thời với Nguyễn An Ninh nhận xét: “Ninh đem từ châu Âu về một lối văn mới, lời ít mà nói nhiều, câu văn gọn không rườm rà dài dòng lê thê, không tối nghĩa... - một lối văn giản dị, quyến rũ người đọc và văn chương của nhà ái quốc Nguyễn An Ninh, bằng tiếng Pháp cũng như bằng tiếng Việt, trên tờ La cloche félée hay trên các báo Donnai, Trung lập v.v., trong sách đều có một lối hành văn gọn gàng, viết văn xuôi như làm một câu thơ, viết nhịp nhàng như tấu một bản nhạc có tiếng ngân như tiếng chuông”. 

Các bài viết của Nguyễn An Ninh còn đóng góp cho văn xuôi chính luận Việt Nam một đặc điểm quan trọng khác là đã đưa vào phong cách ngôn ngữ này lời ăn tiếng nói đời thường của người bình dân. Mở các trang viết của Nguyễn An Ninh bất kỳ ở bài ngắn hay dài, bản dịch hay bài báo, sách khảo luận ta đều có thể gặp ngay những câu, những từ ngữ mang hơi thở của người dân thường, “người phụ nữ và nông dân An Nam”: “Con người sinh ra tự do, mà ở xứ nào con người cũng bị đóng còng cả. Làm sao cho sự đổi ngược này hoá ra phải lẽ? Điều này có lẽ tôi chỉ giải ra được”. “Suy xét bề nào, rốt lại cũng không thấy con người được quyền bắt người ta làm nô lệ, vì quyền ấy đã trái lẽ mà lại vô lý. Hai tiếng nô lệ với nhơn quyền nó nghịch nhau” (Dân ước - Dân quyền - Dân đạo). 

“Trâu giành đồng, chó tranh miếng ăn, gà trống tranh gà mái, ấy là những gương ta thấy trước mắt mỗi ngày. Trên trời, dưới đất, dưới nước đâu đâu có những loại sống biết đi kiếm ăn, thì ta đều thấy mạnh hiếp yếu, mạnh lướt yếu, mạnh giết yếu... Mà nhơn loại cho đến ngày nay cũng còn sống trong cái luật ấy” (Tôn giáo); “Trong xã hội xưa, gia đình là hệ trọng nhứt. Bất lựa là Á hay Âu... Cái đạo thờ ông bà, là cái đạo thờ nhơn loại, còn sanh sanh nối nối vô cùng... Mà tôi lại có ý giúp cho phong trào phụ nữ giải phóng ở xứ này, lắm kẻ cho tôi là mâu thuẫn. Vì theo ý họ phong trào phụ nữ giải phóng phá hoại gia đình đó. Không đâu! Gia đình ngày nay phải thức họp lại hơn ngày xưa...” (Gia đình và phụ nữ giải phóng, Trung lập, ngày 7/3/1933). 

Đặc điểm này trước hết thể hiện phẩm chất riêng của người trí thức bình dân vốn luôn luôn đánh giá cao và kêu gọi học tập tiếng nói của hạng dân thường, “ra sức làm cho tiếng nói ấy phong phú hơn để có khả năng phổ biến tại An Nam các học thuyết đạo đức và khoa học của châu Âu”. Đồng thời đó cũng là sự tiếp nối truyền thống của những tờ Nông cổ mín đàm (1901-1924), Lục tỉnh tân văn (1907-1921) phản ánh sinh hoạt xã hội, sinh hoạt ngôn ngữ của người dân vào thời kỳ phôi thai của chữ quốc ngữ trên báo chí. 

Nguyễn An Ninh khiêm tốn tự nhận định “Tôi viết chữ quốc ngữ còn kém lắm, lắm khi không được mấy đúng”, “tôi không dám tự liệt mình vào hàng những nhà viết văn bằng chữ quốc ngữ lớn nhất hiện nay...”. Nhưng những người đương thời với Nguyễn An Ninh dựa trên ấn tượng và tác dụng khách quan của hành động ngôn từ đó đã trân trọng ghi nhận. “Con người sôi nổi, đại chúng đó, hùng hồn trên diễn đàn, bén nhọn trên cột báo...” (Trần Văn Giàu). 

Và ngày nay, căn cứ vào di sản ngôn từ mà ông để lại, chúng ta hoàn toàn có thể nói ngoài các thuật ngữ chính trị, xã hội, triết học mà ông đã làm giàu cho kho từ vựng tiếng Việt thời đó, Nguyễn An Ninh còn góp vào phong cách chính luận đang hình thành hai đặc điểm quan trọng; ấy là tính duy lý trong lập luận và tính bình dân trong việc sử dụng ngôn từ. 

6. Nét chung nhất về mặt nội dung các bài viết của Nguyễn An Ninh khi ông đề cập đến lĩnh vực văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục là sự phê phán các mặt yếu kém luôn luôn kèm theo việc chỉ ra các mặt tích cực và cái nhìn hướng về phía trước. Phê phán hệ thống giáo dục công cộng do chế độ thực dân Pháp thiết lập ở Đông Dương và việc tổ chức rất kém của hệ thống này, cũng như lối giáo dục khoa bảng cũ “muốn Khổng hoá tất cả những gì rơi vào tầm tay, biến mọi thứ theo tư duy hẹp hòi của... các nhà khoa học hay ho”. 

Nguyễn An Ninh đồng thời cũng nhắc lại “quyền tự do giảng dạy trước đây đã từng có dưới chế độ cũ của An Nam”, chỉ ra lề lối học mới “không suy tôn những mảnh bằng cấp, bất chấp các thành kiến xã hội, khinh miệt những lời ca ngợi các tài năng giả tạo, những năng lực bất lực”. Ông kêu gọi thanh niên phải “có được ước mơ và cao vọng”, “phải biết dang chân ra, một chân đặt vững chắc trong hiện tại, chân kia phải bỏ vào tương lai”, “phải được đổi mới trường cữu”, “tạo cho chúng ta những đầu óc sáng tạo”, “để có thể cùng nhau xem xét những ước mơ cao đẹp nhất của chúng ta, à có thể giải bài toán khó về tạo lập một nền văn hoá cho dân tộc chúng ta, à khôi phục phương châm của các đền chùa chúng ta”. 

Phải chăng qua những lời kêu gọi này chúng ta có thể rút ra những bài học về giữ gìn truyền thống, bám sát vào hiện thục của đất nước và hướng vào sứ mệnh xây nền văn hoá tương lai - một sứ mệnh mà thế hệ chúng ta ngày nay đang kế tục? 

Trong các bài thuyết trình, bài viết đầu tiên của mình, dù bằng tiếng Việt hay tiếng Pháp, bàn về giáo dục hay văn hoá, chính trị hay xã hội, hầu như tiếng mẹ đẻ bao giờ cũng là một trong những trung tâm chú ý của Nguyễn An Ninh. 

Ngay khi sáng lập tờ báo bằng tiếng Pháp La cloche phêlée ông đã khẳng định trong bài viết Gửi đồng bào: “Chúng ta cũng sẽ phải có một cơ quan toà báo bằng chữ quốc ngữ”. Công bố chính tại Paris (1925) tiểu luận Nước Pháp ở Đông Dương ông tố cáo chính quyền Pháp thực dân tước quyền của người Việt Nam “đứng ra... lập một tờ báo bằng tiếng Việt”. Không chỉ bày tỏ các quan điểm của mình về ngôn ngữ, về tiếng mẹ đẻ, Nguyễn An Ninh còn nêu một mẫu mực về việc sử dụng công cụ giao tiếp ấy trong đời hoạt động của mình. 

Trong toàn bộ sự nghiệp cao cả của Nguyễn An Ninh, những đóng góp của ông cho các lĩnh vực văn hoá, giáo dục và ngôn ngữ quả thật là có ý nghĩa rất to lớn. Với những đóng góp ấy, Nguyễn An Ninh hoàn toàn xứng đáng được xem là một nhân vật cự phách trong hàng ngũ các nhà văn hóa Việt Nam thuộc thế hệ mới xuất hiện trong những thập niên đầu thế kỷ XX. 

Tài liệu tham khảo: 


1. Can P., 1994. Interactionism. In The Encyclopedia of Langue and Linguistics (The ELL), Asher R. E (Editor in Chief) Vol. 4, 1994.

2. Eckert P. 1992. Quantitative Sociolinguistics. In International Encyclopedia of Linguistics (IEL), Bright W. (Editor in Chief), Vol. 4, 1992.

3. Hoàng Tuệ, 1997. Nhìn lại thời tiếng Việt tiếp xúc với tiếng Pháp. Tạp chí Ngôn Ngữ, số 3/1997.

4. Krysin L. P, 1976. Sự giao tiếp bằng ngôn từ và vai trò xã hội của người nói. Trong vựng tập Nghiên cứu ngôn ngữ học xã hội (Bằng tiếng Nga) NXB Khoa học, Moskva, 1976.

5. Nguyễn An Ninh, 1996. Vựng tập các bài viết và các viết do Nguyễn An Tịnh thực hiện. NXB Trẻ, TP. HCM. 1996.

6. Phương Lan, 1970. Nhà cách mạng Nguyễn An Ninh.

7. Các tư liệu về Nguyễn An Ninh:

- Nguyễn An Ninh, NXB Trẻ, 1996, do Nguyễn An Tịnh sưu tập.

- Lý tưởng của thanh niên Việt Nam, 1995. Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM ấn hành nhân cuộc Hội thảo về Nguyễn An Ninh.

- Bộ di cảo của Nguyễn An Ninh, trong tủ sách gia tộc.

Chú thích: 

(1) Như quan niệm phổ biến về văn hóa, ngôn ngữ và giáo dục là những thành tố của văn hóa. Như vậy, trong tên gọi của bài viết này ta cũng có thể chỉ cần dùng một từ VĂN HÓA chung là đủ. Tuy nhiên do tầm quan trọng và một số điểm đặc thù của ngôn ngữ và giáo dục trong bất kỳ nền văn hóa nào nói chung, cũng như trong sự nghiệp hoạt động của Nguyễn An Ninh nói riêng nên người viết bài này muốn làm nổi bật thêm hai yếu tố NGÔN NGỮ và GIÁO DỤC sau từ VĂN HÓA. 

(2) Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng là một trong những nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng và nhà nước ta, nguyên là Ủy viên Bộ chính trị nhiều khóa, cuối những năm 20 thế kỷ trước, bị thực dân Pháp bắt cầm tù, trong đó có một năm ở chung khám với Nguyễn An Ninh. Trong thời gian đó hai người đã có những cuộc bàn luận kỹ lưỡng về đường lối cách mạng Việt Nam. 

(3) Hoạt động của Nguyễn An Ninh thực ra đã bắt đầu ở Pháp khá lâu trong Nhóm Ngũ Long. Nhiều người Việt Nam yêu nước thời ấy dùng cách gọi biểu tượng này để nói đến các nhân vật Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền. Trong thời ấy cũng như sau này Nguyễn An Ninh đã có nhiều bài viết, trên tờ Le Paria. Xin xem thêm bài Nguyễn An Ninh và một số vấn đề về giáo dục. Kiến thức ngày nay số 467, tháng 7/2003. 

(4) Féderic Mistral (1830-1914) văn sĩ Pháp, quê ở Maillane, sáng tác theo ngôn ngữ Provence, là người sáng lập nhóm tác gia chủ trương chấn hưng tiếng miền nam Pháp, thế kỷ XIX (Félibrige), tác giả của bản trường ca mang tính sử thi Mireille. F. Mistral được tặng giải thưởng Nobel từ năm 1904. 

(5) Nguyễn Háo Vĩnh (1893-1941) thuộc lớp thanh niên tân học, hưởng ứng phong trào Đông du sang Nhật theo Phan Bội Châu, nhưng bị trục xuất về nước. Không có điều kiện hoạt động chính trị, ông chuyển sang hoạt động kinh tế và văn hoá, viết báo. Ông quan tâm đến các vấn đề ngôn ngữ, tiếng Việt, đã từng tranh luận với Phạm Quỳnh. 

(6) Nông cổ mín đàm (1901-1924) là tờ báo đầu tiên về kinh tế ở Nam Kỳ như nghĩa nôm của tên báo (Uống trà nói chuyện nghề nông). Nhưng thực ra báo này cũng đăng tải truyện dài, truyện ngắn, thi phổ tức các sáng tác thơ mới, văn học dân gian được sưu tầm, truyện Tàu dịch ra tiếng Việt, tổ chức cuộc thi truyện ngắn đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam. 

(7) Khi viết những dòng này hẳn Nguyễn An Ninh đã nghĩ đến hệ thống giáo dục thời phong kiến ở Việt Nam trước khi Pháp sang xâm lược. Chính các quan chức thuộc địa Pháp cũng phải thừa nhận tính tự do này trong sự dạy và học, cũng như ưa điểm của hệ thống giáo dục thời ấy. Toàn quyền Pasquier, có 37 năm làm việc ở Việt Nam, đã viết: “Rất ít người thất học, kể cả nông thôn khổ sở, bất hạnh cũng vẫn có người biết đọc biết viết vài trăm chữ” (trong Nước An Nam ngày xưa, Paris, 1907). 

Một toàn quyền Đông Dương khác là Lanessan nhận xét: “Có rất ít nước, kể cả những nước văn minh, mà việc học lại được coi trọng cho bằng ở An Nam... Có thể nói không một làng An Nam nào là không có một trường học của nó” (trong Đông Pháp, tìm hiểu chính trị và hành chánh, Paris, Alcan, 1889). 

(8) Những thập niên đầu của thế kỷ XX dĩ nhiên còn có những tập sách luận thế sự của các ngòi bút xuất sắc khác như Một bầu tâm sự của Trần Huy Liệu chẳng hạn. Sự đóng góp của lớp người từ cựu học chuyển sang tân học cho phong cách chính luận có một giá trị riêng mà người viết bài này đã có dịp đề cập đến trong một bài viết giới thiệu bản dịch của nghiên cứu sinh người Mỹ Alisson Truit.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét