Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Phong trào đòi dân sinh dân chủ 1936 - 1939

Phong trào đòi dân sinh dân chủ 1936 - 1939 (báo Tiền Giang)


Hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế và tình trạng kinh tế tiêu điều kéo dài trong những năm tiếp theo ở các nước đế quốc, làm cho mâu thuẫn xã hội ở các nước này càng thêm gay gắt và phong trào cách mạng tiếp tục lên cao. Bọn tư bản lũng đoạn ở một số nước đế quốc đã thi hành chính sách độc tài, phát xít. Bọn phát xít Đức, Ý, Nhật đã liên kết thành một trục, ráo riết chuẩn bị cuộc chiến tranh nhằm chia lại thị trường, xâm lược Liên Xô nhằm xóa bỏ thành trì cách mạng thế giới. Đại hội VII Quốc tế Cộng sản tháng 7-1935 chủ trương Đảng Cộng sản các nước phải tập hợp lực lượng thành Mặt trận Nhân dân rộng rãi chống phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do dân chủ, hòa bình và cải thiện đời sống.

Trong phong trào chống phát xít, Đảng Cộng sản Pháp đã giành được thắng lợi lớn trong cuộc Tổng tuyển cử tháng 5-1936. Mặt trận Bình dân Pháp lên cầm quyền, đã ban bố một số cải cách quan trọng đối với các nước thuộc địa, như ân xá chính trị phạm, lập ủy ban điều tra và cử các phái đoàn đến các nước thuộc địa. Sự kiện này có ảnh hưởng lớn đối với phong trào cách mạng ở Việt Nam.

Tháng 7-1936, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định mục tiêu trước mắt của cách mạng là đấu tranh chống bọn phản động thuộc địa, tay sai của chủ nghĩa đế quốc, đòi tự do dân chủ, cơm áo, hòa bình và chủ trương thành lập Mặt trận Nhân dân phản đế Đông Dương. Tầng lớp tiểu thương, tiểu chủ luôn trong tình trạng bị đe dọa phá sản. Ngay cả tầng lớp địa chủ nhỏ, tư sản dân tộc, do bị chèn ép, buôn bán thua lỗ cũng luôn đứng trước nguy cơ bị phá sản.

Đảng bộ Mỹ Tho và Gò Công chủ trương đẩy mạnh tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối chính sách của Đảng, lập thêm các đại lý sách báo, sử dụng rộng rãi các hình thức hoạt động hợp pháp, bán hợp pháp để tập hợp, vận động quần chúng đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ.

Mở đầu cao trào cách mạng mới là cuộc hưởng ứng phong trào vận động Đông Dương Đại hội. Hàng chục Ủy ban hành động được thành lập từ tỉnh xuống đến cơ sở. Các tầng lớp nhân dân từ thành phố đến nông thôn đã lập những bản kiến nghị gửi Thống đốc Nam kỳ đòi thi hành các quyền dân sinh, dân chủ như: Quyền tự do ngôn luận, tự do đi lại, tự do báo chí, giảm sưu, giảm thuế, tăng lương, bớt giờ làm, chia lại công điền, công thổ cho dân nghèo.

Các cuộc tập hợp quần chúng diễn ra liên tục, rầm rộ, nhất là các cuộc mít tinh và biểu tình trong ngày 1-1-1937 đón tiếp Phái đoàn Lao động Pháp do Justin Godard dẫn đầu sang điều tra tình hình thuộc địa đến Mỹ Tho. Ở Châu Thành đã tập trung hơn 1.000 người ở các xã Thân Cửu Nghĩa, Tam Hiệp, Long An, Tân Lý Đông, Tân Lý Tây, Tân Hương… biểu tình và tuần hành từ Thân Cửu Nghĩa đến Chợ Bưng. Ở Cai Lậy, hàng trăm người thuộc các xã Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Hạnh Trung, Tân Phú, Tân Hội tổ chức biểu tình và tuần hành. Dọc theo lộ Đông Dương (nay là Quốc lộ 1A), các xã vùng ven đã tổ chức nhiều cuộc mít tinh, biểu tình đón tiếp và đưa đơn thỉnh nguyện…

Trong những năm 1937-1939, phong trào đấu tranh tiếp tục phát triển sôi nổi và rộng khắp. Ngày 14-7-1937, Đảng bộ đã huy động hơn 4.000 quần chúng tiến hành 2 cuộc biểu tình lớn ở quận Châu Thành, từ ngã ba Tam Hiệp - Thân Cửu Nghĩa đến Lương Phú, Long An và từ Long Hưng xuống Chợ Giữa, Vĩnh Kim. Ở Cai Lậy, mít tinh lớn được tổ chức tại chợ Cai Lậy, có hơn 1.000 người tham gia. Ở Thị xã Mỹ Tho, phong trào đấu tranh của công nhân và người lao động cũng diễn ra liên tục dưới hình thức đình công, bãi công nhằm chống phạt vạ, sa thải công nhân, đòi tăng lương, ngày làm 8 giờ, thực hiện chế độ nghỉ phép hằng năm. Nhiều cuộc đấu tranh kéo dài nhiều ngày, như cuộc đình công của toàn bộ công nhân hãng Xáng kéo dài 40 ngày. Vào cuối tháng 12-1936, cuộc bãi công của 180 công nhân hãng dầu kéo dài từ ngày 29-3 đến 3-6-1938. Nhiều cuộc đấu tranh đã có sự phối hợp giữa công nhân các xí nghiệp, hãng xưởng, giữa công nhân với nông dân; tiêu biểu như ngày 10-4-1939, công nhân hãng xưởng bãi công, công nhân nhà đèn, sở thùng, sở Tràng Tiền, Giếng Nước và nông dân các quận Chợ Gạo, Châu Thành đã vận động quyên góp tiền bạc, lương thực để giúp đỡ. Ở Sài Gòn - Chợ Lớn có phong trào ủng hộ cuộc đình công của hãng Xáng rất mạnh. Sau hơn 1 tháng đình công, bọn chủ phải giải quyết một số yêu sách của công nhân.

Công tác tuyên truyền được Đảng bộ rất chú trọng. Tận dụng điều kiện hoạt động hợp pháp, Đảng bộ mở rộng mạng lưới các đại lý sách báo, tăng cường phát hành sách báo của Đảng và sách báo tiến bộ. Đại lý sách báo đặt tại hiệu Đông Phương thư xã. Ở các thị trấn đều có nhà sách, ở nông thôn nhiều nơi cũng có hiệu sách. Năm 1938, tờ Đông Phương Tạp chí của Đảng bộ được xuất bản, tòa soạn đặt tại số nhà 21 đường Galliéni (nay là đường Trưng Trắc) Thị xã Mỹ Tho, được phát hành rộng rãi trong tỉnh. Trên thực tế, các đại lý sách báo trở thành đại diện công khai của Đảng để liên hệ với quần chúng, giúp quần chúng tìm hiểu về chủ nghĩa Mác-Lênin, về đường lối chủ trương của Đảng, về phong trào cách mạng trong nước và trên thế giới. Tuyên truyền miệng không chỉ là những cuộc gặp gỡ nói chuyện năm, ba người mà còn có những buổi nói chuyện, diễn thuyết với số người dự đến cả trăm người. Chị Nguyễn Thị Lựu, nữ diễn thuyết được ca ngợi trong thời kỳ này.

Đến năm 1938, sau khi đồng chí Nguyễn Văn Côn ra tù (1) có điều kiện liên lạc với đồng chí Lê Thị Kim Chi (2) mới gầy dựng được 1 tổ Đảng ở làng Thạnh Nhựt gồm 5 đảng viên do đồng chí Ba làm tổ trưởng(3)

Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp bị đổ, bọn phát xít lên cầm quyền ở Pháp (năm 1938). Ở Đông Dương, chúng ra lệnh giải tán các tổ chức quần chúng của Đảng, thủ tiêu các quyền lợi dân sinh, dân chủ mà nhân dân đã đấu tranh giành được. Phong trào cách mạng ở Mỹ Tho chuyển sang thời kỳ mới.
 --------------------------------------------------------------------------------

(1) Đồng chí Nguyễn Văn Côn ra từ năm 1934 và bị quản thúc ở Gò Công.

(2) Đồng chí Lê Thị Kim Chi được Xứ ủy giao trách nhiệm về Gò Công gây dựng lại cơ sở Đảng.

(3) Sở dĩ có hiện tượng khác trong quá trình hợp nhất Đảng giữa hai tỉnh Mỹ Tho và Gò Công - một khu vực liền nhau và không rộng lớn lắm lại có quá trình phát triển gắn bó với nhau là do nhiều nguyên nhân mà nguyên nhân sâu xa là do (dù nhỏ) vị thế địa chính trị và vị thế địa kinh tế có sự khác nhau dẫn đến các tổ chức cai trị, đầu tư của thực dân Pháp có phân biệt; (ở Gò Công tổ chức hành chính không có cấp huyện, tỉnh trực tiếp xuống làng, từ tỉnh có đường ô tô đến 40 làng trong tỉnh - Gò Công cách Sài Gòn 50km, 3 mặt là sông nước, một mặt giáp với Chợ Gạo thì chỉ nhích về phía Tây khoảng 10km là kênh Chợ Gạo. Gò Công như một khu biệt lập, cả Pháp lẫn Mỹ sau này đều coi Gò Công là sân sau của chúng; ở Mỹ Tho, giữa tỉnh và làng có cấp huyện làm trung gian và tất nhiên dẫn đến sự phát triển không đồng đều về kinh tế, xã hội và phong trào cách mạng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét