Xô viết Nghệ - Tĩnh (12/9/1930)
Ngày 1-5-1930, kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động, ở nhiều địa phương trên cả nước, quần chúng treo cờ Đảng, rải truyền đơn, tổ chức mít-tinh, biểu tình, tuần hành thị uy... đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm cho công nhân; giảm sưu, giảm thuế cho nông dân. Đặc biệt, từ cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm 1930, cuộc đấu tranh của quần chúng đã phát triển đến đỉnh cao trên phạm vi toàn quốc, quyết liệt nhất là ở vùng Nghệ An - Hà Tĩnh.
Ở đây đã diễn ra hàng trăm cuộc đấu tranh của công nhân và nông dân trên quy mô huyện và liên huyện, liên tỉnh. Quần chúng tiến công huyện đường, nhà lao, ty rượu, kho bạc, buộc bọn thống trị phải ký vào văn bản yêu sách của nhân dân. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh của 3.000 nông dân huyện Nam Đàn (Nghệ An) ngày 30-8-1930, của 3.000 nông dân huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) ngày 7-9-1930.
Sức mạnh như chẻ tre của quần chúng cách mạng đã làm cho kẻ địch vô cùng hoang mang, lo sợ.
Trong lúc địch đang bối rối, thì ngày 12-9-1930 nổ ra cuộc biểu tình của 8.000 nông dân huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) kéo về thị xã Vinh. Sau khi nghe tiếng trống hiệu lệnh phát ra từ đình làng Xuân Hòa, lập tức tiếng trống, mõ, chiêng đồng từ làng này đến làng khác đồng loạt hưởng ứng, thôi thúc quần chúng xuống đường. Cuộc đấu tranh sau đó còn có sự tham gia của nông dân tổng Nam Kim (Nam Đàn) và công nhân Vinh - Bến Thủy. Đoàn biểu tình gồm có bốn cánh quân. Cánh quân thứ nhất từ chợ Rộng, cánh quân thứ hai từ Dương Pha, cánh quân thứ ba từ ga Yên Xuân, cánh quân thứ tư từ Lệ Xá, theo con đường Hoàng Cần, Thông Lãng, Thái Lão, Đoàn biểu tình đã bắt “sếp” ga Yên Xuân là Nguyễn Ngọc Mỹ đi theo, đồng thời cắt điện thoại liên lạc tại ga này. Nữ chiến sĩ Nguyễ n Thị Phia vừa đi vừa diễn thuyết. Khi đoàn biểu tình ra đến Thái Lão (cách Vinh 5km) thì bị hai máy bay địch đến ném bom vào lúc 8 giờ 30. Đến 16 giờ chiều cùng ngày, khi nhân dân đang thu lượm xác chết, địch lại cho máy bay đến giội bom lần thứ hai làm 217 người chết, hàng trăm người bị thương.
Trong cuộc đấu tranh này đã xuất hiện lực lượng vũ trang tự vệ để hỗ trợ cho lực lượng chính trị và đấu tranh chính trị. Trước khí thế đấu tranh của quần chúng, bọn thực dân, phong kiến hoảng sợ, nhiều tri huyện, lý trưởng nộp lại ấn tín hoặc chạy trốn, chính quyền tan rã ở nhiều nơi.
Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng đã dẫn tới sự ra đời chính quyền công - nông đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam - Xô-viết Nghệ Tĩnh. Chính quyền Xô-viết đã đem lại những thay đổi to lớn ở nông thôn như: chia lại ruộng đất công, xóa bỏ sưu thuế, đào mương chống hạn, xóa nạn mù chữ, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, thành lập các đội tự vệ đỏ để bảo vệ phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân...
Trải qua gần hai năm vượt lên mọi thử thách ác liệt, cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô-viết Nghệ Tĩnh đã bị thực dân Pháp và tay sai đàn áp đẫm máu, cách mạng tổn thất nặng nề, nhưng nó thực sự là cuộc Tổng diễn tập đầu tiên của cách mạng vô sản Việt Nam, đã giúp cho Đảng ta thêm tôi luyện và trưởng thành.
Khi phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh bùng nổ, Bác Hồ đang hoạt động ở nước ngoài. Sau khi nhận được báo cáo về cuộc đấu tranh và vụ thảm sát ngày 12-9-1930 ở Hưng Nguyên (Nghệ An), Bác Hồ đã viết thư đề nghị Quốc tế Nông dân và Quốc tế Cộng sản, trước hết là Đảng Cộng sản Pháp, mở một chiến dịch chống khủng bố của đế quốc Pháp ở Đông Dương.
Với tư cách là ủy viên Bộ Phương Đông, phụ trách Cục Phương Nam, trực tiếp chỉ đạo cách mạng Đông Dương, Bác Hồ đã soạn thảo nhiều tài liệu về Xô-viết Nghệ Tĩnh báo cáo quốc tế cộng sản và chỉ đạo phong trào trong nước.
Ngày 29-9-1930, Người đã gửi thư cho Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, khẩn thiết yêu cầu giúp đỡ những người bị đế quốc Pháp đàn áp đẫm máu ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Trong thư có đoạn: “... Chúng tôi khẩn thiết yêu cầu các đồng chí làm những việc có thể được để giúp đỡ các nạn nhân của cuộc đàn áp đẫm máu. Đề nghị cho biết ngay chúng tôi phải làm gì và các đồng chí có thể làm gì giúp họ thông qua tổ chức Quốc tế cứu tế đỏ”.
Nhận được thư của Bác Hồ, Quốc tế Cộng sản đã chỉ thị cho Đảng Cộng sản các nước trên thế giới, nhất là Đảng Cộng sản Pháp có những việc làm thiết thực ủng hộ Xô-viết Nghệ Tĩnh.
Nhân dân Pháp, Trung Quốc, ấn Độ, Thái Lan... đã xuống đường đấu tranh, với băng cờ, khẩu hiệu và hàng vạn tờ truyền đơn với nội dung “ủng hộ Nghệ Tĩnh đỏ”. Phong trào đấu tranh đó đã chia bớt máu lửa cho nhân dân Nghệ Tĩnh những năm 1930-1931.
Mặt khác, Bác Hồ đã đề nghị Trung ương Đảng phát động phong trào cả nước ủng hộ Nghệ Tĩnh. Theo lời kêu gọi của Trung ương Đảng, nhân dân Sài Gòn, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên, Hà Nội, Quảng Ninh, Sơn Tây, Thanh Hóa... đã đứng lên hướng về Nghệ Tĩnh.
Ngày 9-12-1961, trong dịp về thăm quê hương lần thứ hai, Bác Hồ đã đến dâng hương và đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong ngày 12-9-1930.
Trong Lời viết cho Bảo tàng Xô-viết Nghệ Tĩnh, ngày 3-2-1964, Bác Hồ nhấn mạnh: “Xô-viết Nghệ Tĩnh là chính quyền cách mạng đầu tiên của công nông, đã lật đổ chính quyền phản động của đế quốc và phong kiến ở mấy nơi trong hai tỉnh Nghệ Tĩnh... Truyền thống oanh liệt của Xô-viết Nghệ Tĩnh đã thúc đẩy phong trào cách mạng trong cả nước tiến lên và đưa đến Cách mạng Tháng Tám thành công rực rỡ... Cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên và toàn thể đồng bào Nghệ Tĩnh cần đoàn kết chặt chẽ, phấn khởi thi đua xây dựng Nghệ An và Hà Tĩnh thành hai tỉnh gương mẫu, xứng đáng là quê hương của Xô-viết Nghệ Tĩnh anh hùng”.
Tưởng niệm và di tích lịch sử
Ngày tưởng niệm phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh là ngày 12 tháng 9 hàng năm, đánh dấu bằng cuộc biểu tình của nông dân Hưng Nguyên và sự hình thành Xô viết đầu tiên. Hàng năm cứ đến ngày này lại có những hoạt động tưởng niệm phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh như dâng hương tưởng niệm, các chương trình biểu diễn, truyền hình...
Tên Xô Viết Nghệ Tĩnh được đặt cho một số con đường ở Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Vinh, thành phố Hà Tĩnh... và một cây cầu ở Cần Thơ.
Nhiều chiến sĩ, những người lãnh đạo phong trào đã được phong tặng liệt sĩ, anh hùng, nhiều người tên được đặt cho nhiều con đường, trường học như Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Kiệm, Lê Mao, Lê Viết Thuật, Nguyễn Đổng Chi...
Bào tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh
Bào tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh nằm trên đường số 6 đường Đào Tấn, thành phố Vinh, được thành lập vào ngày 15 tháng 1 năm 1960, là đơn vị ra đời thứ 3 của Hệ thống Bảo tàng Việt Nam. Bào tàng được xây dựng trong thành cổ, trên đất khu nhà lao Vinh trước đây, là nơi từng giam cầm hàng ngàn chiến sĩ cách mạng trong năm 1929 - 1931.
Phía trước nhà Bảo tàng có bia dẫn tích - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ và nhân dân Nghệ An khi ông về thăm quê năm 1957 và sân vận động Thành phố Vinh. Phía sau nhà bảo tàng có hào sâu bao quanh. Bên phải là cửa Tả, bên trái có cửa Hữu của thành cổ Vinh.
Đây là nơi lưu giữ các hiện vật, hình ảnh gốc chứng minh cho phong trào từng địa phương và các bộ sưu tập như ưu tập những chiếc trống dùng trong đấu tranh, sưu tập ấn loát, sưu tập vũ khí, sưu tập các con triện, sưu tập các hiện vật nuôi dấu cán bộ Đảng... và một danh sách hệ thống 49 di tích Xô Viét Nghệ Tĩnh được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.
Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh được mở từ 7 đến 17 giờ hàng ngày kể cả ngày lễ và ngày cuối tuần.
Di tích lịch sử
Có nhiều di tích Xô Viết Nghệ Tĩnh được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp thành. Trong đó phải kể tới:
* Đình Võ Liệt, xã Võ Liệt, Thanh Chương, Nghệ An: xã Võ Liệt là nơi hình thành Xô viết đầu tiên. Đình Võ Liệt được xây dựng vào năm 1859, là nơi thờ thành hoàng và lưu giữ truyền thống Nho học của Võ Liệt (có tấm bia ghi danh sách 443 người tổng Võ Liệt đỗ tú tài đến đại khoa). Đây là trụ sở của phong trào cách mạng của làng trong những năm 1930-1931, đặc biệt là nơi diễn ra cuộc họp ngày 1 - 9 năm 1930 để thành lập chính quyền Xô viết đầu tiên.
* Cụm di tích làng đỏ Hưng Dũng: Phường Hưng Dũng, Vinh, Nghệ An một trong những nơi tiêu biểu cho phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, một trong nơi mà phong trào phát triển mạnh mẽ nhất. Những di tích tiêu biểu trong cụm di tích:
o Đình Trung
o Cây sanh chùa Nia
o Dặm mụ Nuôi.
* Khu di tích Bến Thuỷ: Bến Thuỷ là nơi đánh dấu sự mở đầu của phong trào công nhân ở Nghệ Tĩnh, hiện nay còn lưu giữ nhiều di tích như:
o Cồn Mô: Nơi đặt Cột cờ Bến Thuỷ. Hiện nay đã được xây tượng đài kỉ niệm.
o Ngã ba Bến Thuỷ: Nơi diễn ra cuộc biểu tình ngày 1/5/1930 của công nhân Vinh - Bến Thuỷ. Hiện nay đã được xây Tượng đài liên minh công nông.
* Nghĩa trang liệt sĩ Thái Lão và khu tưởng niệm: Thái Lão là nơi diễn ra cuộc biểu tình ngày 12 - 9 -1930 của nhân dân Hưng Nguyên, Nghệ An và bị chính quyền Pháp đàn áp làm hơn 200 người chết. Hiện nay có nghĩa trang liệt sĩ Thái Lão và Đài tưởng niệm Thái Lão.
* Mộ các liệt sĩ Xô Viết Nghệ Tĩnh hy sinh ngày 7-11-1930 - xã Phú Diễn, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
* Đình Lương Sơn: nơi thành lập chính quyền Xô Việt Nghệ Tĩnh ở xã Bắc Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.
* Nhà cụ Vi Văn Khang và cây đa Cồn Chùa: nơi thành lập chính quyền dân tộc ở Môn Sơn, huyện Con Cuông.
* Ngã ba Nghèn, thị trấn Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh: Nơi ghi dấu cuộc đấu tranh của nhân dân Can Lộc, Hà Tĩnh. Nơi đây có Đài tưởng niệm, tấm bia ghi tên các liệt sĩ và hiện nay là nơi để đặt tượng đài Xô Viết Nghệ Tĩnh
* Di tích Rộc Cồn, xã Phú Phong, Hương Khê, Hà Tĩnh
* Đình Tứ Mỹ, xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn.
* Đài tưởng niệm 72 liệt sĩ Xô Viết Nghệ Tĩnh, làng Trụ Pháp, xã Mỹ Thành, Yên Thành: nơi tưởng niệm 72 chiến sĩ cách mạng bị Pháp xử bắn ở Yên Thành.
* Miếu Biên Sơn, xã Hồng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh
* Di tích Nhà cụ Mai Kính, xã Thạch Việt, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh: Nhà cụ Mai Kính, nơi thành lập Tỉnh uỷ Hà Tĩnh và là cơ sở của cách mạng nơi đây.
Trong văn học - nghệ thuật
Kìa Bến Thủy đứng đầu dậy trước
Nọ Thanh Chương tiếp bước, bước lên
Nam Ðàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên
Anh Sơn, Hà Tĩnh một phen dậy rồi
(Khuyết danh)
* Ca khúc Cùng nhau đi Hồng binh của Đinh Nhu, được coi là ca khúc đầu tiên của Tân nhạc Việt Nam, lấy cảm hứng từ phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (Hồng binh là chỉ những chiến sĩ cộng sản "đỏ"). Về sau lấy cảm hứng từ phong trào còn có những ca khúc nổi tiếng như Tiếng hò trên đất Nghệ An của Tân Huyền.
* Vở kịch múa Ngọn lửa Nghệ Tĩnh dàn dựng năm 1960, một trong 3 vở kịch múa đầu tiên và kinh điển của Việt Nam, được Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị và Đoàn Văn công Quân đội Miền Nam dàn dựng thành công. Vở kịch múa mô tả phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, hình ảnh anh hùng của những người chiến sĩ cách mạng. Tác phẩm này đã giành được giải thưởng Hồ Chí Minh đợt II (2000) cho tập thể lớp biên đạo múa Cục tuyên huấn và Tổng cục chính trị[9].
* Bức tranh Xô Viết Nghệ Tĩnh, vẽ năm 1958 (160 cm x 320 cm) do nhóm tác giả Nguyễn Ðức Nùng, Nguyễn Sĩ Ngọc, Huỳnh Văn Thân, Trần Ðình Thọ, Phạm Văn Ðôn, Nguyễn Văn Tỵ là một bức tranh sơn mài giá trị, hiện đang lưu giữ trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
(Nguồn internet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét