Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Sáng lập Mặt trận Việt Minh, thực hiện sức mạnh đại đoàn kết dân tộc (03/01/2011)

Sáng lập Mặt trận Việt Minh, thực hiện sức mạnh đại đoàn kết dân tộc (03/01/2011)
Báo Đại Đoàn kết




 
 
Sự nghiệp giải phóng dân tộc bị áp bức trước hết phải dựa vào sức mạnh bên trong của mỗi dân tộc. Trong Tuyên ngôn của Hội liên hiệp thuộc địa (1921) do Hồ Chí Minh khởi thảo có viết: “Vận dụng công thức của Các Mác, chúng tôi xin nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em” . Năm 1924 Hồ Chí Minh đã nghĩ tới một cuộc khởi nghĩa vũ trang toàn dân. Người cho rằng: để có cơ thắng lợi, một cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Đông Dương “phải có tính chất một cuộc khởi nghĩa quần chúng chứ không phải một cuộc nổi loạn. Cuộc khởi nghĩa phải được chuẩn bị trong quần chúng”. Người đánh giá cao vai trò của nhân dân trong khởi nghĩa vũ trang. Sức mạnh của toàn dân vũ trang là một ưu thế tuyệt đối để đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Trong tác phẩm Đường kách mệnh, Người cho rằng: “Cách mệnh là việc chung của cả dân chúng”, lực lượng của cách mạng giải phóng dân tộc bao gồm cả dân tộc: “dân tộc cách mệnh chưa phân giai cấp, nghĩa là sĩ, nông, công, thương đều nhất trí chống lại cường quyền”, trong đó “công nông là gốc cách mệnh”, là “chủ cách mệnh”, còn “học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ... là bầu bạn cách mệnh”. Mọi giới đồng bào đều phải đoàn kết dưới ngọn cờ lãnh đạo của đảng cách mạng để chống lại kẻ thù của dân tộc.
 
 
 
Hội nghị thành lập Đảng do Nguyễn Ái Quốc chủ trì thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên, nêu rõ: Đảng phải thu phục đại bộ phận công nhân, nông dân, đoàn kết với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, tranh thủ hoặc trung lập phú nông, trung tiểu địa chủ và tư sản Việt Nam...; đồng thời thông qua chủ trương thành lập Hội phản đế đồng minh. Chủ trương tập hợp lực lượng cách mạng rộng rãi thể hiện tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh.
 
 
 
Xây dựng lực lượng chính trị là mối quan tâm hàng đầu của Người vì đó vừa là cơ sở cho việc xây dựng lực lượng vũ trang, là cơ sở cho đấu tranh quân sự, vừa là lực lượng trực tiếp đánh địch, đấu tranh từ hình thức thấp đến cao.
 
Lực lượng chính trị là đạo quân cách mạng vô cùng đông đảo, bao gồm tất cả quần chúng được giác ngộ và tổ chức. “Muốn có đội quân vũ trang phải có đội quân tuyên truyền vận động, đội quân chính trị trước đã, nên phải làm ngay, sao cho đội quân chính trị ngày càng đông. Phải có quần chúng giác ngộ chính trị tự nguyện cầm súng thì mới thắng được”.
 
 
 
Từ đầu năm 1941, Hồ Chí Minh chỉ đạo xây dựng thí điểm Mặt trận Việt Minh ở Cao Bằng nhằm rút kinh nghiệm cho phong trào cả nước. Hội nghị lần thứ Tám của Ban chấp hành Trung ương Đảng (5-1941) do Người chủ trì xác định chiến thuật hiện tại của Đảng ta là phải vận dụng “một phương pháp hiệu triệu hết sức thống thiết, làm sao đánh thức được tinh thần dân tộc xưa nay trong nhân dân”. Vì thế mặt trận của ta hiện tại “không thể gọi như trước là Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, mà phải đổi ra cái tên khác cho có tính chất dân tộc hơn”, đó là Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Các đoàn thể trong Việt Minh đều mang tên Cứu quốc nhằm đoàn kết mọi người Việt Nam có lòng yêu nước thương nòi. “Trong khi tổ chức một đoàn thể cứu quốc điều cốt yếu là không phải những hội viên phải hiểu chủ nghĩa cộng sản, mà điều cốt yếu hơn hết là họ có tinh thần cứu quốc và muốn tranh đấu cứu quốc”.
 
 
 
 
Trong thư Kính cáo đồng bào (6-6-1941), Hồ Chí Minh viết: “Hiện thời muốn đánh Pháp, Nhật, ta chỉ cần một điều: Toàn dân đoàn kết”. “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng”. “Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có tài năng góp tài năng”.
 
 
 
Tổng bộ Việt Minh do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ, đồng thời nêu rõ mục đích: “Liên hiệp tất cả các tầng lớp nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước, đang cùng nhau đánh đuổi Nhật – Pháp, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng nên một nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”.
 
Hồ Chí Minh kêu gọi quần chúng tham gia Việt Minh nhằm:
 
“Quyết làm cho nước non này,
Cờ treo độc lập, nền xây bình quyền”.
 
 
 
Viết Bài ca du kích (1942), Người kêu gọi tất cả già trẻ, gái trai, dân lính đều tham gia đánh giặc. Trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (22-12-1944) Người khẳng dịnh: cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến toàn dân, phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân. Khởi nghĩa vũ trang không phải là một cuộc đấu tranh quân sự thuần tuý. Trong tác phẩm Con đường giải phóng, Người cho rằng: khởi nghĩa vũ trang là nhân dân vùng dậy dùng vũ khí đuổi quân cướp nước. Đó là một cuộc đấu tranh to tát về chính trị và quân sự, là việc quan trọng, làm đúng thì thành công, làm sai thì thất bại.
 
Việt Minh là khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân, các đảng phái chính trị và tôn giáo yêu nước, có tác dụng cô lập cao độ kẻ thù đế quốc và tay sai để chĩa mũi nhọn đấu tranh vào chúng. Đó là nơi tổ chức, giác ngộ và rèn luyện lực lượng chính trị cho cách mạng, một lực lượng cơ bản, có sức mạnh và ý nghĩa quyết định trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
 
Phó giáo sư, tiến sĩ sử học Vũ Quang Hiển - Ảnh: TL

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét