Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Nguyễn An Ninh và Báo Tranh Đấu


Nguyn An Ninh và Báo Tranh Đu
BS Trần Nguơn Phiêu

Trong hai thập niên 1930-1940, tình hình chánh trị ở miền Nam đã có một thời sôi động mãnh liệt do sự xuất hiện của Nguyễn An Ninh trên diễn đàn công luận. Tốt nghiệp cử nhân Luật năm 1920 sau một thời du học ở Pháp, nơi mà ông đã được dịp gặp gở, học hỏi, tranh luận với những nhân vật ái quốc lưu vong trên đất Pháp như Phan Văn Trường, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Tất Thành (Nhóm Ngủ Long)..., Nguyễn An Ninh đã nghe theo lời khuyên của Phan Châu Trinh trở về nước tìm cách mở mang dân trí, trực diện tranh đấu chống chánh quyền thực dân thuộc địa. Bài diễn văn Cao vọng thanh niên của ông đọc trong đêm 15-10-1923 tại hội Khuyến học SAMIPIC đã có kết quả như một quả bom được phát nổ, mở màn cho một phong trào cách mạng trong lòng dân chúng miền Nam.
Hình ảnh một trí thức khoa bảng Nguyễn An Ninh đứng bán báo Chuông Rè (La Cloche Fêlée) của ông ở góc đường Catinat - Lagrandière đã đánh động lương tâm của giới trẻ trí thức miền Nam. Nguyễn An Ninh được giới thanh niên ngưỡng mộ, xem ông là một thần tượng. Những người có tâm huyết yêu nước như Phan Văn Hùm, sau khi tốt nghiệp nghành Công chánh ở Hà Nội, đã trở về Nam sát cánh với Nguyễn An Ninh di chuyển khắp vùng Lục tỉnh để vận động quần chúng. Cả hai nhà cách mạng đều đã phải vào tù sau vụ bị mật thám Cai Nên khiêu khích ở ga xe lửa Bến Lức. Phan Văn Hùm đã nhân vụ nằm Khám Lớn sau vụ án ga Bến Lức viết lên tác phẩm Ngồi Tù Khám Lớn, vạch trần các đối xử dã man của chế độ lao tù thực dân cho đồng bào thấu rõ. Chánh quyền thực dân đã phải ê mặt cho tịch thâu ngay sách vừa xuất bản. Một nhà cách mạng khác là Tạ Thu Thâu trong thời trẻ vẫn đặt hình Nguyễn An Ninh nơi trang trọng nhất ở phòng khách của một căn phố nhỏ ở đường Thốt Nốt (Gia Định) để tỏ lòng ngưỡng mộ.
Sự xuất hiện của tờ báo La Cloche Fêlée của Nguyễn An Ninh đã mở đầu ở miền Nam, một hình thức mới, công khai trực diện tranh đấu với chánh quyền thực dân thuộc địa. Sau cuộc khởi nghĩa Yên Báy của Việt Nam Quốc Dân Đảng bị thất bại và bị thực dân Pháp đàn áp khốc liệt cũng như phong trào được gọi là Xô viết Nghệ Tỉnhcủa Cộng Sản Đệ Tam bị thảm bại, việc sử dụng bạo lực đấu tranh đã đi vào một giai đoạn thoái trào tưởng chừng như không lối thoát.
Cuộc án xử tử 13 vị anh hùng Yên Báy đã được những người ái quốc Việt Nam ở Pháp dấy lên một phong trào phản đối rầm rộ để đánh động dư luận quần chúng Pháp. Cuộc tổ chức biểu tình xin giảm án tử hình trước dinh Tổng thống Pháp ngày 22- 5-1930 đã đưa đến việc Pháp trục xuất về Việt Nam 19 sinh viên đang du học (1). Chuyến tàu Athos II rời cảng Marseille ngày 24-6-1930 để đưa những người phần tử làm rối an ninh trên đất Pháp đã thật sự đưa những ngọn lửa đấu tranh về mảnh đất miền Nam đang khao khát tự do. Chánh quyền Pháp đã vô tình đưa trả về rừng một đàn mãnh hổ trẻ trung đầy nhiệt huyết. Kể từ đó, trên báo chí miền Nam đã xuất hiện nhiều bài viết phổ biến lý tưởng cách mạng xã hội của những trí thức đã có dịp tiếp xúc với trào lưu văn hóa Âu Mỹ.
Năm 1932, Nguyễn Văn Tạo cùng Nguyễn An Ninh cộng tác ra báo tiếng Việt Trung Lập cùng với Phan Khôi và Bùi Thế Mỹ. Trần Văn Thạch đã được dân chúng biết đến tên nhờ những bài báo chống nhóm Lập Hiến của Bùi Quang Chiêu và các bài đề cao vai trò công nhân. Đồng thời trên các báo Phụ Nữ Tân Văn hoặc Đồng Nai của Phan Văn Hùm đã bắt đầu có những bài viết của Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Chánh, Nguyễn Văn Tạo v.v...Ở miền Nam, sự tranh đấu đối đầu với thực dân bằng hình thức bạo động hoặc báo chí bí mật nay đã chuyển sang hình thức trực diện đấu tranh với phương cách vận động quần chúng bằng báo chí công khai.
Ngay sau khi bị cưỡng bức hồi hương về miền Nam, các sinh viên tả phái thân Tạ Thu Thâu đã bắt tay tổ chức nhóm Tả đối lập. Nhóm này đã nhen nhúm thành hình ở Pháp dưới danh xưng Đông Dương Tả Phái Cộng Sản với tờ báo Tiền Đạo. Nhóm khởi đầu gồm Tạ Thu Thâu, Phan Văn Chánh, Huỳnh Văn Phương...là những người tán thành ý kiến của nhóm A. Rosmer trên báo La Vérité ở Pháp, chống đối đường lối của Quốc tế Cộng Sản stalinien . Tờ Tiền Đạo đã viết:Quốc tế Cộng sản đã nói rất nhiều, nhưng đã làm rất ít, không có một tờ  báo nào để cổ xúy chủ trương cộng sản ở các thuộc địa, không xuất bản được một sách nào về các cuộc cách mạng ở các thuộc địa, nhất là ở Đông Dương.
Tháng Giêng năm 1931, Hồ Hữu Tường từ Pháp về đã liên kết được thêm với nhóm Vùng Hồng của Đào Hưng Long, một thành viên của Đảng Cộng sản miền Tây, vùng Bạc Liêu. Đào Hưng Long theo xu hướng của Ngô Gia Tự nhưng trách đảng đã không chú ý đến giới thợ thuyền. Nhóm này đã sát nhập với nhóm tả phái đối lập từ Pháp về, thường được gọi là nhóm Tháng Mười. Đến tháng Tám năm 1932, một phần đảng Cộng sản Đông Dương ở chi bộ thành phố Sài Gòn dưới sự điều động của Lưu Sanh Hạnh, đã tách riêng khỏi đảng vì tranh chấp nội bộ để đồng ý gia nhập vào nhóm của Tạ Thu Thâu.          
Ngày 6-8-1932, đảng Cộng sản ở miền Nam đã bị chánh quyền thực dân ra tay đàn áp phá hủy. Nhóm trốtkít vừa mới phôi thai thành hình cũng bị phá tan khi 12 thành viên phải ra tòa lãnh án ngày 1-5-1933. Trong ba năm sau đó, nhóm Đệ tứ ở miền Nam kể như bị tê liệt.
Rút tỉa các kinh nghiệm về các khó khăn, trở ngại, bị gò bó khi phải hoạt động trong tình huống hoàn toàn bí mật, ý muốn thành hình công khai báo Tranh Đấu đã nảy sinh từ đó. Người có công trong việc này là Nguyễn An Ninh, một nhà cách mạng độc lập, có xu hướng thiên mạc xít nhưng đã chọn thế đứng giữa chủ trương stalinít và trốtkít. Tình thế chính trị thời bấy giờ cho thấy đảng Cộng sản Đông Dương có cơ sở bí mật vững chắc nhất là ở vùng nông thôn nhưng thiếu cán bộ trí thức có tầm vóc. Nhóm trốt kít thì tương đối có cán bộ có bản lĩnh hơn nhưng chưa đặt được các tổ chức chặt chẽ trong giới thợ thuyền và nông thôn. Nếu hai tổ chức trên được phối hợp lại thì mới mong có thể thành hình cuộc tranh đấu công khai với chánh quyền thực dân.
Cuộc bầu cử Hội đồng Thành phố Sài Gòn ngày 30 tháng Tư và 7 tháng Năm năm 1933 mở màn cho một chuyến tuyến thống nhất của hai cánh tả để đối phó với phe Lập Hiến, phe độc nhất có mặt trong các cuộc bầu cử trong quá khứ. Liên danh Nguyễn Văn Tạo - Trần Văn Thạch đã lần đầu tiên nêu lên các yêu sách giới công nhân về các nhu cầu cơm áo cho lao động mất việc, thành lập nhà giữ trẻ cho công nhân, quyền đình công, 8 giờ làm việc mỗi ngày, phổ thông đầu phiếu v.v...Cổ động bằng báo Việt ngữ  Trung Lập không đủ nên cần phải ra ngay một báo Pháp ngữ vì dễ xuất bản theo các thủ tục dành cho báo Pháp. Tờ La Lutte (Tranh Đấu) số đầu tiên vì thế được phát hành ngày 23 tháng Tư năm 1933, đánh dấu một giai đoạn mới
Năm 1930, sau cuộc khởi nghĩa Yên Báy bị thất bại, Việt Nam Quốc Dân Đảng hầu như bị thực dân Pháp tiêu diệt hoàn toàn. VNQDĐ chỉ còn vài tờ báo bí mật ở biên giới Trung Hoa. Về sau, VNQDĐ mới gây được ảnh hưởng nhờ tạp chíPhong Hóa (1932-1936) và Ngày Nay (1935) của Nguyễn Tường Tam. Đảng Cộng sản Đông Dương cũng ở vào tình thế bị phá nát sau sự thất bại của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bị thực dân thẳng tay đàn áp.
Quốc tế Cộng sản đã tìm cách hỗ trợ đảng Cộng sản Đông Dương trong các năm 1931 và 1932 nhưng đã không thành công. Để giúp đảng CSĐD gầy dựng lại tổ chức, tiếp tục hoạt động xây dựng phong trào quần chúng công nhân, Quốc tế Cộng sản đã bí mật chấp thuận đề nghị của đảng Cộng sản Pháp, tán thành chủ trương của Nguyễn An Ninh. Ông Ninh ra phương án kết hợp các anh em trí thức trẻ, đầy nhiệt huyết trong giới cộng sản Đệ Tam như Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Nguyễn...và trong giới Đệ Tứ như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, Phan Văn Chánh, Huỳnh Văn Phương, Hồ Hữu Tường...để thành lập nhóm Tranh Đấu. Lợi dụng các dễ dãi khi xuất bản báo tiếng Pháp ở Nam Kỳ, nhóm cho ra đời tờ La Lutte, cơ quan tranh đấu để cổ động tranh cử vào Hội đồng thành phố Sài Gòn. Ngày 7-5-1933, nhóm đã đưa được hai người trúng cử và hai năm sau, ngày 12-5-1935 có bốn người đã ngồi vào Hội đồng thành phố. Tuần báo La Lutte chỉ ra được 4 số nhân cuộc vận động bầu cử năm 1933. Việc tái bản của La Lutteđánh số 5, đầu tháng Mười 1934 và phát triển mạnh đến năm 1937 có thể nói là do công trình của Nguyễn An Ninh.
Hồ Hữu Tường đã có viết gần một chương về các vận động của Nguyễn An Ninh (40 Năm Làm Báo)(2) để thành hình nhóm Tranh Đấu. Nguyễn An Ninh đã có các tiếp xúc với phái đoàn của phái bộ cộng sản Pháp Paul Vaillant Couturier (tháng 8 năm 1933) và nhất là Gabriel Péri (tháng 2 năm 1934). Ông Ninh cho biết ý định thành lập nhóm để xuất bản một tờ báo tranh đấu công khai với giới thực dân Pháp. Các thành viên viết bài sẽ không ký tên vì đồng có lập trường chung. Chỉ khi bài viết không được cả ban biên tập đồng ý, lúc đó mới để tên người viết. Cả hai bên Đệ Tam và Đệ Tứ sẽ không tranh luận đả phá nhau về vấn đề lập trường. Nhà cầm quyền thực dân là đối tượng hứng chịu mũi nhọn. Nguyễn An Ninh có đề cập trong buổi hội quan trọng này là có thể có được nguồn tài trợ cho tờ báo nhưng sau này, Hồ Hữu Tường có cho biết là tờ Tranh Đấu chưa hề nhận được tài trợ nào của Quốc tế cộng sản.
Khác với tờ La Cloche Fêlée của Nguyễn An Ninh đã được phát hành không định kỳ, La Lutte là tuần báo được phát hành liên tục và từ ngày 1-11-1936 trở về sau mỗi tuần lại ra được hai số. Từ ngày 14-1-1936 khổ báo tăng gấp đôi và đến tháng 11 năm 1936, số báo in đã tăng gấp đôi hơn trước. Các đơn xin cho phép ra ấn bản bằng tiếng Việt  đều được phủ Toàn Quyền từ chối, một lần vào ngày 13-5-1935 và lần thứ hai vào năm 1937. Tuần báo viết bằng Pháp ngữ, lúc khởi đầu chỉ in được độ 500 số vào năm 1933 nhân dịp vận động tranh cử vào Hội đồng Thành phố tuy chỉ ra được 4 số nhưng  đã được giới trí thức ủng hộ nồng nhiệt. Chương trình tranh cử đã được những trí thức, công, tư chức phổ biến lại bằng tiếng Việt. Đặc biệt ông Nguyễn An Ninh là người có tài đem các vấn đề thời sự của báo ra bàn cãi với các đám đông mỗi khi có được dịp. Tháng 10 năm 1934, La Lutte được tục bản trở lại với số in 1000 đến năm 1936, tăng lần lên 2000 trong cuối năm đó và ổn định ở mức 3000 năm 1938. 
Thống đốc Nam kỳ là Pagès trong báo cáo chánh trị ngày 29-10-1935 đã viết (3)Tuy số in nhỏ nhoi, ngay từ 1935, báo La Lutte được chuyền từ tay người này qua người khác, và khi cần, được giải thích miệng cho từng nhóm nhỏ. Nó trở thành cuốn sổ yêu sách của mọi phần tử bất mãn, tự phát hay bị sách động, gởi tới các cấp công quyền, tổng hợp những yêu cầu trước kia lẻ tẻ và biệt lập. Nó biểu thị dũng khí của lực lượng  quần chúng, ý thức về quyền của mình, dám biểu lộ trước quyền lực, và trước làn sóng như thủy triều dâng cao như vậy, chánh quyền cảm thấy hoang mang.
La Lutte tuần nào cũng có bài phân tích về tình hình chánh trị quốc tế và Pháp. Đó là những bài bình luận được đánh giá hay nhất ở Đông Dương. Ban biên tập La Lutte viết rất thuần nhất nhờ việc thảo luận tập thể. Bài trên nguyên tắc không có ký tên cá nhân. Lê Văn Thu làm Thư ký tòa soạn. Phan Văn Chánh viết các bài trong Tin Quốc Tế, Trần Văn Thạch nổi tiếng với mục châm biếm Những cái đinh nhỏ” (4). Mục này của Trần Văn Thạch đã giúp cho sự thành công của La Lutte do một phần lớn đọc giả Pháp mua báo để đọc mục này; một số người Pháp có khi lại giúp cung cấp đề tài để tác giả viết! Hồ Hữu Tường và Phan Văn  Hùm phụ trách trang văn hóa. Các bài chánh trị do Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Nguyễn, Tạ Thu Thâu đảm nhiệm. Theo nhân chứng Hồ Hữu Tường, linh hồn của tờ báo là Tạ Thu Thâu phụ trách các bài xã luận. Khi Tạ Thu Thâu sang Xiêm vào tháng 7 năm 1937 thì báo ngưng xuất bản.
Julien Godart, bộ trưởng thuộc đảng Cấp tiến được Mặt trận Bình Dân gởi sang thăm Đông Dương đã viết: (5)Tôi phải nói lên ở đây ý kiến của tôi về những nhà báo, những trí thức mà tôi vừa kể. Đó là những thanh niên xuất bản tờ Le Travailở Hà Nội và tờ La Lutte ở Sài Gòn, và tổ chức bênh vực thợ thuyền. Báo của họ rất hay, tương phản hẳn với báo chí chánh trị Pháp ngữ mà trình độ quá thấp. Đó là những tờ báo chiến đấu, do những người trẻ tuổi đầy nhiệt huyết làm ra, khi họ bình luận về những xác thực đã làm cho người lao động bị thiệt thòi, thì họ không nương tay. Các bản báo cáo chung về kinh tế và xã hội mà họ đã thảo ra và trao cho tôi đều xuất sắc. Chính quyền tìm đủ mọi cách cấm đoán Le Travail và La Lutte, nhưng điều này không thủ tiêu được những sự kiện mà họ phát hiện’.
La Lutte thật ra là một doanh nghiệp rất nghèo nàn. Tòa soạn lúc đầu là một căn phố thuê của Chú Hỏa ở số 25 bis đường Lagrandière, gần Khám Lớn Sài Gòn. Sang tháng Ba năm 1937 mới được dọn sang một căn hộ rộng rãi hơn cũng của Chú Hỏa ở số 95E cùng đường cũ. Trong tòa soạn chỉ có vài máy đánh chữ. Phương tiện sang là một xe hơi cũ do Tạ Thu Thâu mua. Tòa soạn trang bị sơ sài thật ra cũng do suy tính phần nào của anh em tòa báo. Năm 1935, khi ban biện tập nhận được giấy đòi thuế và đòi tiền phạt, họ đã nói đùa: Tòa soạn chúng tôi là sắc sắc, không không. Đầy những thứ hầm bà lằng. Giá trị tổng cộng không đến mấy chục. Nhưng đối với sở thuế thì chẳng có chút giá trị phát mại nào. Xin mời quý ngài! Quý ngài chộp được không khí thì cứ tịch thâu”.      
Việc phát hành báo là một việc vô cùng khó khăn vì các ngăn cản của chánh quyền thực dân. Mua một tờ La Lutte nơi công cộng kể như làm một chuyện nguy hiểm có thể bị theo dõi. Chỉ có người Pháp là những người mua báo bày ở các quầy. Các bản khác được phổ biến nhờ các em bán báo cất giấu để bán hoặc các học sinh đi bỏ báo ở nhà hoặc ở các trường vì các biên tập tòa báo phần lớn là giáo sư của các em ở các trường tư.  Thu nhập của báo La Lutte vì thế thường không đều đặn. Tài chánh chủ yếu dựa trên sự đóng góp mỗi người trong nhóm: Chúng tôi đứng trụ được hoàn toàn do sự hy sinh tiền bạc của chính chúng tôi và của bạn bè thân tín...Từ khi La Lutte ra đời, cách đây ba năm, các biên tập viên đã bỏ vào quỹ những món tiền lớn, và cố nhiên, không người nào trong chúng tôi nhận tiền thù lao của tờ báo cả. Việc này đã có thể thực hiện được nhờ ở đồng lương khá cao của trí thức biên tập viên phần đông là giáo sư ở các trường tư thục. Phan Văn Chánh dạy khoa học, Hồ Hữu Tường dạy toán, lương tháng của họ vào khoảng 300 đồng, gấp 10 lần một người làm công trong tiệm buôn. Trần Văn Thạch, giáo sư Pháp văn lãnh 400 đồng. Tạ Thu Thâu được trên 500 mỗi tháng. (6) Ngoài ra, do động cơ yêu nước, báo La Lutte đã nhận được sự tài trợ của các trạng sư, bác sĩ , kỹ sư, địa chủ, doanh nhân, các chủ công ty đã đăng quảng cáo trên báo... Hồ sơ sở mật thám Pháp đã kê khai danh sách nhiều cảm tình viên của tờ báo. La Lutte có thêm được một cơ sở kinh doanh khi thành lập chi nhánh Sài Gòn bán chiếu  của công ty dệt chiếu Fabrinat ở Phát Diệm. Người sáng lập công ty là Nguyễn Thế Rục, một người được đào tạo ở trường Phương Đông ở Moskwa từ 1925 đến 1928, bị Pháp bỏ tù năm 1931. Nguyễn Thế Rục là người đã phát hành báo Le Travail ở Hà Nội. Quản lý chi nhánh Fabrinat, đối diện với tòa báo La Lutte là bà Tạ Thu Thâu (7), tức Nguyễn Thị Ánh, một cựu sinh viên Việt Nam đầu tiên đã thi đậu bằng Tú tài ở Pháp. Ngoài ra trong giới tiểu thương vùng Sài Gòn, Chợ Lớn còn có 51 người đăng quảng cáo trên báo. Theo Hồ Hữu Tường cho biết, La Lutte không tính tiền đăng quảng cáo nhưng khi tờ báo gặp khó khăn tài chánh thì các tiểu thương này sẵn lòng giúp tài trợ ngay.
La Lutte đặt cho mình nhiệm vụ gây ý thức trong giới lao động về quy trình của các tương quan xã hội. Giúp sự giác ngộ để mở rộng nhản quan lịch sử của các tầng lớp nhân dân. La Lutte tự xác định là: một kho tư liệu, một cơ quan giáo dục và định hướng cho phong trào công nhân Việt Nam, một công cụ huấn nghiệp để tìm hiểu thế giới. Lần đầu tiên, La Luttelà tờ báo công khai cung cấp nhiều thông tin về chủ nghĩa Mác và phong trào công nhân quốc tế. Có thể nói La Lutte đã bổ sung cho các báo bí mật như Tạp chí Cộng sản hay Bôn Sơ Vic. Trong số 16, La Lutte đã đăng lại bài về trại tù Lao Bảo của Tạp chí Cộng sản số 7. Việc cộng tác giữa hai phái Đệ Tam và Đệ Tứ trong mặt trận Thống nhất Tranh Đấu xảy ra suông sẽ cho đến năm 1937.
Tuy nhiên, ngày 2 tháng Năm 1935, một tiếng sét nổ ra làm xáo trộn giới cách mạng: Stalin ký với Laval của Pháp Hiệp ước Hổ tương Pháp – Sô. Stalin chính thức chấp nhận cho Pháp phát huy lực lượng quân sự để bảo đảm an ninh. Đảng Cộng sản Pháp liền ngoan ngoãn theo chỉ thị Stalin, dập tắt mọi tinh thần chống quân sự và ra mặt ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của Đế quốc Pháp, giải tán bộ máy hoạt động bí mật trong quân đội Pháp. Tại Moskova, Quốc tế Cộng sản nhóm Đại hội lần thứ 7 và cũng là lần cuối cùng, từ 25-7 đến 20-8-1935 hủy bỏ các chỉ thị năm 1928 về chánh sách thời kỳ thứ ba, chánh sách lật đổ chế độ tư bản toàn thế giới. Để ngăn chặn nguy cơ Hitler, Stalin tìm cách liên minh với chủ nghĩa đế quốc Pháp. Năm 1938 đảng CS Pháp kêu gọi người An Nam hãy cùng người Pháp bảo vệ cho nước Pháp đang bị (Nhật bản) đe dọa ở Đông Dương. Đảng Cộng sản Đông Dương phải điều chỉnh con đường cách mạng của đảng. Ngày 1 tháng 7 năm 1935, tuyên ngôn Đại hội Macao còn viết: Cách mạng chống đế quốc và cách mạng ruộng đất ở Đông Dương muôn năm!. Nhưng đến cuối năm 1935, khẩu hiệu phản đế và cách mạng điền địa năm 1930 đã được ĐCSĐĐ thay đổi cho phù hợp với các quyết định cải lương của Đại hội 7 QTCS: ĐCSĐD nối gót theo ĐCS Pháp, hô hào cùng phòng thủ Đông Dương!
Vì đã có sự giao ước giữa hai nhóm Đệ Tam và Đệ Tứ trong ban biên tập, tờ La Lutte im tiếng không bàn luận đến hiệp ước Laval- Stalin cũng như không phê phán đến chủ trương mới của QTCS. Sự giao ước không chỉ trích nhau về chủ trương của mỗi đảng trong mặt trận thống nhất Tranh Đấu đã khiến vài thành viên như Hồ Hữu Tường cảm thấy ngứa ngáy không chịu được. Hồ Hữu Tường đã bí mật thành lập Chánh đoàn Cộng sản Quốc tế. Phái tán thành Đệ tứ Quốc tế với Lữ Sanh Hạnh, Ngô Văn Xuyết, Ngô Chỉnh Phến và sinh viên Trịnh Văn Lầu (học trò của Tạ Thu Thâu). Tháng 10 năm 1935, tổ chức này xuất bản tạp chí lý luận Cách Mạng Thường Trực và tờ báo chiến đấu Tiền Đạo để trình bày các quan điểm của Tả Đối lập đối với các vấn đề thời sự quốc tế. Tổ chức này nhắc lại các chủ trương của những người cộng sản đối lập, không chấp nhận vai trò phải ngoan ngoãn phò trợ chánh sách đối ngoại Liên Sô. Nếu có chiến tranh đế quốc, các đảng cộng sản phải biến đổi đế quốc chiến tranh thành nội chiến cách mạng. Đó mới là hành động cách mạng của giai cấp vô sản để bảo vệ Liên Sô.
La Lutte đã nhờ được sự cộng tác của giáo viên, các thanh niên có học ở khắp xứ. Diễn Dàn Bạn Đọc là một mục rất phong phú, chuyên đăng về đời sống công nhân ở các doanh nghiệp lớn, các công sở, các nhà tù, kể cả Côn Đảo và đã thúc đẩy đến nhiều việc điều tra tại chỗ. Các thơ của đọc giả đã trở thành một động lực chánh trị mà La Lutte đã biết cách phát huy. Tòa soạn La Lutte đã trở thành điểm hẹn của những người bị ức hiếp, được nhà báo bênh vực. La Lutte đã phát động được sáng kiến chủ động của quần chúng.
Có thể nói là tờ La Lutte đã mở ra một chu kỳ đấu tranh chính trị công khai mới ở miền Nam Việt Nam. Các báo chí ở Đông Dương từ trước đã bị chánh quyền thực dân gò ép tê liệt trong những khuôn khổ chật hẹp. Sự vận động quần chúng với nội dung phong phú của La Lutte đã chứng tỏ khả năng lôi cuốn của tờ báo trong hoạt động công nhân và nông dân. Chánh quyền thực dân phải thú nhận đã bị tờ La Lutte phá tan cái thế chủ động của họ trước kia.
Nguyễn An Ninh là người có công chủ trương hình thành tái bản báo La Lutte kể từ số 5 tháng Mười năm 1934 với sự kết hợp hai phái Đệ Tam và Đệ Tứ ở miền Nam trong việc đồng thanh góp sức chống đối hữu hiệu với chủ quyền thực dân thuộc địa. Trên thế giới, sự bắt tay hi hữu giữa  Đệ Tam và Đệ Tứ này chỉ có xảy ra độc nhất ở miền Nam. Hồ Hữu Tường đã gọi việc này là một quái thai lịch sử. Việc hợp tác hữu hiệu và lợi ích này đã phải chấm dứt năm 1937 sau khi Cộng sản Đệ Tam Việt Nam được chỉ thị từ đảng cộng sản Pháp đưa sang. Bức thơ của Gitton (8) , phụ trách phân bộ thuộc địa của đảng Cộng sản Pháp gởi cho phái Đệ Tam ở Sài Gòn ngày 19-5-1937 được người thủy thủ chuyển thơ đưa lầm cho Tạ Thu Thu Thâu thay vì cho Nguyễn Văn Tạo. Gitton viết: Chúng tôi xét rằng không thể nào tiếp tục hợp tác giữa Đảng và những người xu hướng Trotsky, theo các chỉ thị (ở Moscou) chúng tôi đã nhận được để truyền lại các đồng chí, về thái độ đối với những người xu hướng Trotsky ở Đông Dương. Phe Đệ Tam liền ly khai khỏi tờ La Lutte và tung ra tờ L'Avant Garde (Tiền Phong) ngày 29-5-1937. Kể từ đó, La Lutte hoàn toàn do nhóm Đệ Tứ điều hành. Sau ngày quân Nhật đảo chánh thực dân Pháp ở Đông Dương ngày 9 tháng 3 năm 1945, tờ La Lutte tái bản toàn bằng Việt ngữ và xuất hiện trên các sạp báo Sài Gòn với tên Tranh Đấu.
Hồ Chí Minh, thủ hạ làm việc có ăn lương của Đệ Tam Quốc tế Cộng sản, tuân hành các chỉ thị thượng cấp, cũng đã từ ngoại quốc gởi về thêm Ba lá thư từ Trung Quốc”(9)ký tên P.C. Line để ngăn chặn loại hợp tác này. Lời lẽ trong các bức thơ với những danh từ thô bỉ, các khẩu hiệu chửi rủa của Staline đối với những người trốt kít trong thơ của Hồ Chí Minh đã làm ngạc nhiên những ai đã biết Hồ Chí Minh dẩu sao cũng là một người có hấp thụ được phần nào văn hóa Khổng Mạnh Đông phương!

Đầu Thu 2007, Amarillo, Texas

Chú thích:
- Danh sách 19 sinh viên bị trục xuất gồm có: Tạ Thu Thâu, Nguyễn Văn Tạo, Trần Văn Giàu, Hồ Văn Ngà, Huỳnh Văn Phương, Phan Văn Chánh, Lê Bá Cang, Trần Văn Chiêu, Ngô Quang Huy, Trần Văn Tự, Đặng Bá Lân, Lê Thiếu Tự, Đặng Tấn Phát, Vũ Liên, Nguyễn Văn Tân, Trịnh Văn Phú,Trương Duy Tam, Nguyễn Duy Đạm, Nguyễn Trọng Đắc -(Phan Văn Hùm và Hồ Hữu Tường may mắn thoát được qua Bĩ ). Năm 1945, Trần Văn Giàu, Chủ tịch Lâm Ủy Hành Chánh Nam Bộ đã ra lịnh thủ tiêu 4 người đồng hành trong chuyến tàu Athos II đã đưa Giàu về Việt Nam: Tạ Thu Thâu, Hồ Văn Ngà, Phan Văn Chánh, Huỳnh Văn Phương! (T.N.P.)
- Hồ Hữu Tường, 41 Năm Làm Báo, Hồi Ký, Đông Nam Á (Paris) xuất bản năm 1984, trang 86- 92
- Daniel Hémery, Révolutionnaires vietnamiens et pouvoir colonial en Indochine. Communistes, trotskystes, nationalistes à Saigon de 1932 à 1937”(Các nhà cách mạng Việt Nam và chánh quyền thực dân ở Đông Dương. Cộng sản, trốt-kít và quốc gia ở Sài Gòn từ 1932 đến 1937) , Paris, Maspéro, 1975.
4 - Một người con gái của Giáo sư Trần Văn Thạch ở Toronto, Canada, hiện đang sưu tầm tài liệu ở Văn khố Pháp quốc Hải ngoại (Archives Outre Mer) ở Aix en Provence (Pháp), nhất là mục “ Petits clous” của tuần báo La Lutte để viết một sách về thân phụ, G.S Trần Văn Thạch (T.N.P.)
- Daniel Hémery, sách đã dẫn.
6 - Daniel Hémery, sđd.
- Bà Tạ Thu Thâu, 97 tuổi(2007) hiện đang cư ngụ ở Saint Germain en Lay, ngoại ô Paris.(T.N.P.)
8 - Ngô Văn VIỆT NAM 1925- 1945, Cách Mạng và Phản Cách Mạng thời Đô Hộ Thuộc Địa”, California 2000, nxb L'Insomniaque & Chuông Rè, 63 Rue Saint Mandé, 93100 Montreuil, France hoặc Hải Mã, Po Box 19543, Amarillo, TX 79114, trang 241.
9 – Hồ Chí Minh Toàn Tập, (tập 3 trang 97-98-99-109-113)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét