Bảo tàng Hồ Chí Minh
Cuối tháng 11, đầu tháng 12, sau khi đọc tin về khởi nghĩa Nam Kỳ (1) trên báo Quế Lâm, trong một buổi họp, Nguyễn Ái Quốc nhận định: “Tình hình chung thế giới và Đông Dương ngày càng có lợi cho ta, nhưng thời cơ chưa đến, chưa thể khởi nghĩa được. Song nay đã nổ ra rồi, thì cần tổ chức rút lui cho khéo để duy trì phong trào”.
Người viết ngay một bức điện gửi Đảng bộ Nam Kỳ (bức điện này sau không có cách nào chuyển được về nước). Người chủ trương nên chuyển hoạt động về sát biên giới, và tìm cách về nước.
---------------------------------------------------------------------------------
(1). Khởi nghĩa Nam Kỳ: Sống dưới hai tầng áp bức của Pháp và Nhật, nhân dân Việt Nam vô cùng cực khổ. Năm 1940, thực dân Pháp bắt binh lính người Việt đi đánh nhau với quân Thái Lan. Việc đó gây hoang mang và bất bình trong binh lính người Việt Nam và gia đình họ. Phong trào chống chiến tranh, phản đối việc điều ra mặt trận đã lan rộng và sôi nổi trong binh lính người Việt và nhân dân Nam Kỳ. Trước tình hình sôi sục đó, tháng 7-1940, Xứ uỷ Nam Kỳ quyết định khởi nghĩa trước khi xin chỉ thị của Trung ương.
Nhận định rằng cuộc khởi nghĩa đó chưa được chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, chưa có đủ điều kiện khách quan và chủ quan, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tháng 11-1940 đã quyết định đình chỉ cuộc khởi nghĩa và cử đồng chí Phan Đăng Lưu về truyền đạt quyết định của Trung ương. Nhưng lệnh khởi nghĩa đã được phát đi.
Đêm 23-11-1940, cuộc khởi nghĩa đã nổ ra rất anh dũng. Nhiều đồn bốt địch bị hạ, nhiều cầu, cống, đường sá... bị phá, chính quyền địch ở một số xã và quận hoang mang, tan rã. Chính quyền cách mạng những nơi đó được thành lập, đã thực hiện những quyết định dân chủ, bảo vệ trị an, xét xử bọn phản cách mạng... Lá cờ đỏ sao vàng đã xuất hiện lần đầu tiên.
Nhưng sau đó, thực dân Pháp điều động lục quân Pháp và cả lính lê dương từ Bắc Kỳ vào tàn sát rất dã man nhân dân khởi nghĩa.
Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ tuy thất bại, nhưng đã tỏ rõ lòng căm thù sâu sắc của nhân dân ta đối với bọn thực dân Pháp, tinh thần đấu tranh vô cùng anh dũng của quần chúng cách mạng. Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ cùng với cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra trước đó ít lâu là những tiếng súng báo hiệu cuộc khởi nghĩa toàn quốc đang đến, nhân dân các dân tộc Đông Dương đã kiên quyết đứng lên dùng bạo lực cách mạng để giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức của bọn thực dân và bè lũ tay sai.
Nguồn trích:
- T. Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1994, tr. 65-67.
- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 32.
- Hồ Chí Minh-Biên niên tiểu sử, Nxb.Chính trị quốc gia, 2006, t. 2, tr. 117
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét