Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Mặt trận Việt Minh, mốc son chói lọi về sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc


Mặt trận Việt Minh, mốc son chói lọi về sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc
Báo Bắc Ninh
Đầu năm 1941, cuộc chiến tranh thế giới thứ hai ngày càng lan rộng và ác liệt, Nguyễn Ái Quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước quyết định trở về Tổ quốc để trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Ngày 28-1-1941 (mồng 2 tết Tân Tỵ), Nguyễn Ái Quốc cùng đoàn cán bộ đứng lặng hồi lâu, xúc động khi đặt chân đến bên cột mốc 108 trên biên giới Việt-Trung, thuộc địa phận xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng. Mảnh đất Pác Bó, nơi có địa thế hiểm trở, núi non hùng vĩ, được chọn làm nơi đặt cơ quan chỉ đạo phong trào cách mạng, hang Cốc Bó làm trụ sở chỉ huy.
Từ ngày 10 đến 19-5-1941, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị lần thứ VIII của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tại Khuổi Nậm (Pác Bó, tỉnh Cao Bằng). Hội nghị xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết hàng đầu của cách mạng Đông Dương; tạm gác khẩu hiệu “Tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho dân cày”, chỉ đưa ra khẩu hiệu “Tịch thu ruộng đất của đế quốc, Việt gian chia cho dân cày nghèo”, thực hiện giảm tô, giảm tức; xúc tiến chuẩn bị mọi điều kiện để tiến tới khởi nghĩa vũ trang coi đó là nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng, toàn dân trong giai đoạn mới; chủ trương mỗi nước Đông Dương thành lập một mặt trận riêng, ở Việt Nam thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh).
Về hệ thống tổ chức, ở các xã có Ban chấp hành Việt Minh do các đoàn thể Việt Minh ở làng hay xã cử ra; tổng, huyện (hay phủ, châu, quận), tỉnh, kì có Ban chấp ủy Việt Minh cấp ấy; Việt Minh toàn quốc có Tổng bộ. Mặt trận Việt Minh gồm các thành viên là Đảng Cộng sản Đông Dương và các hội có tính chất chính trị, cách mạng rõ rệt như Hội Công nhân cứu quốc, Hội Nông dân cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc, Hội Thanh niên cứu quốc, Hội Quân nhân cứu quốc… và những hội hoạt động công khai hoặc bán công khai như Hội cứu tế thất nghiệp, Hội tương tế, Hội hiếu hỉ, nhóm học Quốc ngữ, nhóm đọc sách, xem báo,… Đây là một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân, các đảng phái chính trị và tôn giáo yêu nước, thành một lực lượng cách mạng hùng mạnh để chống kẻ thù chính của dân tộc Việt Nam lúc ấy là thực dân Pháp và phát xít Nhật.
Phản ánh về sự kiện lịch sử này, trong tác phẩm “Theo chân Bác”, nhà thơ Tố Hữu viết:
“Việt Minh, hai tiếng dậy chiến khu
Truyền khắp dân gian, đuổi giặc thù
Cây đá mừng reo theo mỗi bước
Sớm hôm xóm núi bóng Già Thu”.
Kể từ khi Việt Minh ra đời, “toàn bộ phong trào chống phát xít Pháp-Nhật của nhân dân ta mang tên Phong trào Việt Minh, cái tên tiêu biểu cho lòng yêu nước, chí quật cường của dân tộc ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Minh là lực lượng chính trị quan trọng, giành chính quyền từ tay quân phiệt Nhật. Quốc dân Đại hội do Tổng bộ Việt Minh triệu tập họp ở Tân Trào đã thông qua lệnh tổng khởi nghĩa, quyết định quốc kỳ, quốc ca, cử ra Ủy ban giải phóng dân tộc tức Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh, tuyên bố thành lập chính phủ lâm thời của Việt Minh, khai sinh nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Việt Minh là hình thức tiêu biểu, điển hình nhất của mặt trận đoàn kết dân tộc, đoàn kết toàn dân đã thực hiện được mục tiêu giành độc lập cho nước Việt Nam, giành chính quyền cách mạng về tay nhân dân. Đây là bước phát triển lên đỉnh cao của các hình thức mặt trận trước đó.
Sau cách mạng tháng Tám thành công, theo chủ trương của Đảng nhằm mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất để kháng chiến và kiến quốc, Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam ra đời (gọi tắt là Liên Việt). Việt Minh đã gia nhập Liên Việt cùng nhau vận động nhân dân tham gia cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp. Ngày 3-5-1951, tại đại hội Mặt trận thống nhất dân tộc toàn quốc, đã thống nhất hai tổ chức Việt Minh và Liên Việt thành mặt trận Liên Việt, song hai tiếng Việt Minh đã khắc sâu trong tâm trí và tình cảm của mỗi người Việt Nam yêu nước. Việt Minh là lực lượng cách mạng đã làm nên chiến thắng Điện Biên lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, lập lại hòa bình ở Đông Dương, miền Bắc nước ta dược giải phóng, chặt đứt mắt xích đầu tiên của hệ thống chế độ thực dân cũ, nêu một tấm gương sáng cho phong trào giải phóng dân tộc trên hành tinh này.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc thắng lợi, để đáp ứng tình hình và nhiệm vụ mới, ngày 10-9-1955, Mặt trận Liên Việt được tổ chức lại thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Kế tục và phát huy vai trò lịch sử vẻ vang của Mặt trận Việt Minh và các hình thức tổ chức Mặt trận Dân tộc thống nhất (Hội Phản đế đồng minh, Mặt trận Dân chủ Đông Dương, Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam…), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, tập hợp và động viên các tầng lớp nhân dân, tích cực tham gia các phong trào cách mạng do Đảng ta lãnh đạo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và trong công cuộc đổi mới đất nước.
Hồng Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét