Trần Trọng Đạo - Bộ môn Mác-Lênin - Trường Đại học Nha Trang
Kỷ niệm 80 ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2010)
Từ thực tiễn tầm quan trọng của đoàn kết đối với sự phát triển bền vững của dân tộc, nên ngay từ khi ra đời, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề này. Sự quan tâm đó thể hiện ở việc ngày 18.11.1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra chỉ thị thành lập Hội phản đế Đồng minh nhằm tập hợp, đoàn kết mọi giai tầng trong xã hội để đánh Pháp, giành độc lập cho dân tộc. Trải qua 80 năm hình thành và phát triển, ở mỗi giai đoạn, Mặt trận dân tộc thống nhất có những hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau để phù hợp với nhiệm vụ cách mạng cụ thể, nhưng mục tiêu, tôn chỉ hoạt động của Mặt trận không đổi - là nơi tập hợp, đoàn kết mọi giai tầng trong xã hội vì độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Qua 80 năm hình thành và phát triển, Mặt trận dân tộc thống nhất đã có các tên gọi cụ thể:
1. HỘI PHẢN ĐẾ ĐỒNG MINH (18/11/1930 - 3/1935)
Từ thực tiễn phong trào cách mạng trong cả nước sau khi Đảng ra đời, với đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh đã giành được nhiều thắng lợi to lớn. Tuy nhiên, từ trong phong trào đấu tranh đã xuất hiện hiện tượng mất đoàn kết, phân biệt đối xử với các giai tầng khác ngoài công - nông. Vì vậy, để khắc phục thực trạng này và củng cố, tăng cường hơn nữa khối đoàn kết toàn dân, ngày 18/11/1930 Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế đồng minh - hình thức đầu tiên của Mặt trận dân tộc thống nhất.
2. PHẢN ĐẾ LIÊN MINH (3/1935 - 10/1936)
Sau thời kỳ cách mạng (1930 - 1935) gặp nhiều khó khăn bởi chính sách đàn áp của Pháp, tháng 3/1935, Đại hội Đảng lần thứ nhất được tổ chức và thông qua nghị quyết về công tác Phản đế liên minh. Chủ trương thành lập Phản đế liên minh là để tập hợp tất cả các lực lượng yêu nước, cách mạng toàn Đông Dương. Qua Điều lệ của Phản đế liên minh, có thể thấy, đây là tổ chức tập hợp lực lượng rộng rãi và linh hoạt hơn Hội Phản đế đồng minh.
3. MẶT TRẬN THỐNG NHẤT NHÂN DÂN PHẢN ĐẾ (10/1936 - 6/1938)
Để khắc phục những sai lầm, khuyết điểm trong công tác tập hợp lực lượng cách mạng, xây dựng khối liên minh giữa các giai tầng ở các thời kỳ trước, tháng 10/1936, Đảng đã quyết định thành lập Mặt trận thống nhất nhân dân Phản đế. Khác với các Mặt trận trước đó, Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế chủ trương bày tỏ sự đồng minh với nhân dân Pháp - những người yêu chuộng hòa bình, công lý và chủ trương "tất cả các đảng phái chính trị, tất cả các tầng lớp nhân dân Đông Dương tham gia Mặt trận nhân dân Đông Dương".
4. MẶT TRẬN DÂN CHỦ ĐÔNG DƯƠNG (6/1938 - 11/1939)
Sang năm 1938, tình hình thế giới có sự thay đổi quan trọng, Mặt trận nhân dân Pháp (nòng cốt là Đảng Cộng sản Pháp) lên cầm quyền với nhiều chính sách tiến bộ. Tình hình trong nước cũng có nhiều thay đổi lớn, sau những năm tháng đấu tranh khó khăn, gian khổ cùng nhiều hy sinh mất mát, nên yêu cầu cấp thiết nhất của toàn dân lúc này là đòi các quyền tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình…Vì vậy, để phù hợp với điều kiện lịch sử mới, tháng 6/1938 Đảng ta đã quyết định thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương.
5. MẶT TRẬN THỐNG NHẤT DÂN TỘC PHẢN ĐẾ ĐÔNG DƯƠNG (11/1939 - 5/1941)
Ngày 01/9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp đã phát xít hóa bộ máy chính quyền, đặt Mặt trận Dân chủ Đông Dương ngoài vòng pháp luật và thẳng tay đàn áp. Thực tiễn này làm cho vấn đề sống còn của các dân tộc Đông Dương được đặt ra hết sức cấp thiết. Để phù hợp với tình hình mới và đưa cách mạng tiếp tục tiến lên, tháng 11/1939, Đảng đã quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận Dân chủ Đông Dương nhằm đoàn kết tất cả các giai tầng, đảng phái, cá nhân có tinh thần đấu tranh chống đế quốc và tay sai trong toàn cõi Đông Dương.
6. VIỆT NAM ĐỘC LẬP ĐỒNG MINH HỘI, GỌI TẮT LÀ VIỆT MINH (19/5/1941 - 3/1951)
Tháng 9/1940, Nhật vào đánh chiến Đông Dương, thực dân Pháp đầu hàng và làm tay sai cho Nhật. Trước sự thay đổi nhanh chóng của tình tình, Đảng đã quyết định thành lập Việt nam Độc lập đồng minh hội - gọi tắt là Việt Minh (19/5/1941). Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Việt Minh đã thu hút, tập hợp được mọi giai tầng yêu nước (bao gồm: công nhân, nông dân, trí thức, tiểu tư sản, tư sản dân tộc, phú nông, địa chủ...) để chống Pháp, đuổi Nhật. Thắng lợi của cách mạng tháng 8/1945 là thắng lợi của khối đoàn kết toàn dân trong Mặt trận Việt Minh.
7. HỘI LIÊN HIỆP QUỐC DÂN VIỆT NAM, GỌI TẮT LÀ HỘI LIÊN VIỆT (29/5/1946 - 3/1951)
Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vừa mới ra đời đã đương đầu với giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Để đoàn kết hơn nữa mọi giai tầng trong xã hội qua đó phát huy thuận lợi, đẩy lùi khó khăn, đưa cách mạng tiếp tục tiến lên, tháng 5/1946, Đảng đã chỉ đạo thành lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam - gọi tắt là Liên Việt
Sự tồn tại và phát triển của Mặt trận Liên Việt và Việt Minh đã thực sự trở thành chỗ dựa vững chắc cho chính quyền cách mạng trong cuộc đấu tranh với thù trong, giặc ngoài.
8. MẶT TRẬN LIÊN VIỆT (3/3/1951 - 9/1955)
Sang năm 1951, cuộc trường kỳ kháng chiến của nhân dân ta đã bước sang giai đoạn quyết liệt, việc thống nhất các hình thức Mặt trận để đoàn kết toàn dân, tập trung mọi lực lượng đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng trở thành yêu cầu cấp bách. Từ thực tiễn này, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt đã hợp nhất thành Mặt trận Liên Việt.
Mặt trận Liên Việt đã hoạt động tích cực và động viên được tối đa sức người, sức của của toàn dân qua đó góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên phủ lẫy lừng, đưa đến thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
9. MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM (10/9/1955 - 2/1977)
Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, đất nước bị chia cắt làm hai miền, miền Bắc được giải phóng, miền Nam nằm dưới sự thống trị của Mỹ. Cách mạng Việt Nam có hai nhiệm vụ chiến lược là: thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà.
Trước bối cảnh lịch sử mới, ngày 10/9/1955, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra đời với mục đích đoàn kết mọi lực lượng trong nước để đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và các lực lượng tay sai.
10. MẶT TRẬN DÂN TỘC GIẢI PHÓNG MIỀN NAM VIỆT NAM (20/12/1960 - 2/1977)
Trong cao trào đấu tranh quyết liệt của đồng bào miền Nam, đặc biệt là phong trào đồng khởi, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời (20/12/1960) nhằm đoàn kết toàn thể đồng bào miền Nam trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và nguỵ quyền để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
11. LIÊN MINH CÁC LỰC LƯỢNG DÂN TỘC, DÂN CHỦ VÀ HÒA BÌNH VIỆT NAM (20/4/1968 - 2/1977)
Bước sang cuối những năm 60 của thế kỷ XX, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt với không ít hy sinh mất mát, để quy tụ các phong trào đấu tranh của sinh viên, học sinh, trí thức, đồng bào các tôn giáo, thương gia, nhân sĩ tại các thành thị miền Nam, Đảng đã chỉ đạo thành lập Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hoà bình Việt Nam.
Trên cơ sở mục tiêu chung là đánh đuổi Mỹ, giải phóng miền Nam, bảo vệ và xây dựng miền Bắc tiến tới thống nhất nước nhà, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hoà bình Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ nhau trong công tác tập hợp, đoàn kết mọi giai tầng để tạo nên sức mạnh vô địch cho kháng chiến, chính sức mạnh này đã góp phần làm nên thắng lợi mùa xuân năm 1975.
12. MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM (4/2/1977 - nay)
Sau khi nước nhà được hoàn toàn độc lập, cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội với 2 nhiệm vụ chiến lược là: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để đáp ứng yêu cầu của cách mạng giai đoạn mới, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất họp từ 31/1 đến 4/2/1977 tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định: thống nhất Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hoà bình Việt Nam thành một tổ chức duy nhất trên đất nước ta lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời phát huy truyền thống vẻ vang của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đang tiếp tục mở rộng, củng cố và tăng cường đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội, động viên nhân dân tích cực phấn đấu xây dựng thành công một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Một số hình ảnh về Mặt trận dân tộc thống nhất
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân tộc
|
Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” do TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét