Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

CUỘC KHỞI NGHĨA BẮC SƠN


CUỘC KHỞI NGHĨA BẮC SƠN

Khởi nghĩa Bắc Sơn (27/9/1940):
Trận đánh đồn Mỏ Nhài - Mở đầu cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn
Bắc Sơn - Đình Cả - Thái Nguyên, những địa danh thân thuộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đặc biệt, tại vùng căn cứ địa cách mạng này, ngày 27-9-1940 quân và dân ta đã tiến hành trận đánh đồn Mỏ Nhài, mở đầu cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên của cách mạng Việt Nam do Đảng ta lãnh đạo.
Từ đây, lực lượng vũ trang cách dần lớn mạnh, phát triển thành đội Cứu quốc quân II thành lập ngày 15/9/1941 tại rừng Khuôn Mánh, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, trở thành một trong những tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.


Từ Thái Nguyên theo quốc lộ 1B đi hướng Lạng Sơn, qua thị trấn Bắc Sơn (Lạng Sơn) bốn cây số đến chân đèo Tam Canh rẽ phải theo con đường nhựa qua địa phận các xã Quỳnh Sơn, Bắc Sơn khoảng 10 cây số, là đến xã Hưng Vũ của huyện Bắc Sơn. 67 năm trước, ngày 27-7-1940 tại nơi đây đã diễn ra một sự kiện lịch sử, các chiến sĩ cách mạng Châu Bắc Sơn và nhân dân xã Hưng Vũ đã anh dũng nổi dậy, tự vũ trang tiến đánh đồn Mỏ Nhài, mở đầu cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn - cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên của cách mạng Việt Nam do Đảng ta lãnh đạo.

Trong chuyến công tác lên huyện Bắc Sơn, chúng tôi đã liên hệ với Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn để nhờ giúp đỡ và được anh Dương Công Học, cán bộ của Bảo tàng đưa chúng tôi về thăm xã Hưng Vũ. Dọc đường vào xã, đến thôn Nông Lục, anh Học đã dẫn chúng tôi vào thăm di tích đình Nông Lục. Đình được kiến trúc theo kiểu đình làng cổ, lợp ngói âm dương, nằm ngay ven đường, trên một khu đồi nhỏ, xung quanh là cánh đồng, hiện đã được Nhà nước trùng tu, tôn tạo. Cách UBND xã Hưng Vũ không xa, là đồi Mỏ Nhài. Ngược con đường dốc xoáy vòng theo đồi, trên đỉnh đồi bằng phẳng có Đài tưởng niệm ghi dấu những chiến công oanh liệt của ngày Khởi nghĩa Bắc Sơn (27-9-1940). Đây là một trong số những di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh Lạng Sơn.

Dưới thời Pháp thuộc, xã Hưng Vũ nằm trong Tổng Bắc Sơn, châu Bắc Sơn, với địa hình là một thung lũng lớn, hai bên lại có rừng núi đá cao vút, nên về quân sự, có vị trí chiến lược quan trọng trong toàn bộ khu vực. Chính vì vậy tại thôn Mỏ Nhài, vào năm 1885 thực dân Pháp đã cho xây dựng một khu đồn binh rất kiên cố gọi là Đồn Mỏ Nhài. Đồn được xây dựng trên một quả đồi cao án ngữ và kiểm soát cả một vùng rộng lớn từ thị trấn Bắc Sơn đi vào Vũ Lăng, đỉnh đồi khá bằng phẳng và rộng, trên đó là cả một hệ thống đồn, bốt, hầm hào rất kiên cố, xung quanh được bao bọc bởi tường đá dầy, hàng rào dây thép gai chằng chịt và chỉ có duy nhất một con đường để lên xuống. Đây được coi là biểu tượng cho sức mạnh của thực dân Pháp trên đất Bắc Sơn. Từ vị trí đỉnh đồi có thể quan sát cả một vùng rộng lớn trong vòng bán kính vài ki-lô-mét. Với vị trí lợi hại và được xây dựng phòng thủ kiên cố như vậy thì việc đánh đồn Mỏ Nhài không phải là việc dễ dàng.

Ông Hoàng Doãn Thạch, 86 tuổi, cán bộ lão thành cách mạng ở thôn Xuân Giao, xã Hưng Vũ, nguyên là chiến sĩ Đội du kích Bắc Sơn tham gia đánh trận đồn Mỏ Nhài nhớ lại: “Lúc đó lực lượng của ta tuy còn rất yếu, vũ khí thì thô sơ. Thật không ngờ ta lại có thể đánh chiếm đồn chớp nhoáng như vậy”.
Trước khi đánh đồn Mỏ Nhài, ngày 22-9-1940, quân Nhật đánh vào Lạng Sơn. Sau vài trận chống cự yếu ớt, quân Pháp rút chạy tán loạn qua Điềm He, Bình Gia, Bắc Sơn về Thái Nguyên. Chính quyền thực dân, phong kiến bị tan rã ở nhiều nơi. Quan quân giặc ở Bắc Sơn hoang mang lo sợ. Trong bối cảnh đó, một số đồng chí cán bộ cách mạng: Hoàng Đình Ruệ, Nông Văn Cún, Đường Văn Thức... ở trại giam Lạng Sơn đã phá nhà tù của địch trở về địa phương, tiếp tục tìm đến với tổ chức Đảng để hoạt động cách mạng.

Đứng trước tình thế chín muồi cho cuộc khởi nghĩa vùng lên đánh Pháp, đuổi Nhật, vào tối ngày 26-9-1940, tại đình làng Nông Lục (xã Hưng Vũ), Chi bộ xã Hưng Vũ đã tổ chức một cuộc họp với sự tham gia trực tiếp của các đồng chí Châu uỷ Bắc Sơn: Hoàng Đình Ruệ, Nông Văn Cún, Đường Văn Thức để thảo luận, phân tích tình hình và quyết định phương hướng, hành động đánh đồn Mỏ Nhài và thành lập Ban chỉ huy khởi nghĩa.

Sau khi đã thảo luận, sáng ngày 27-9-1940, cuộc hội nghị quan trọng giữa các tổ Đảng Bắc Sơn và các chiến sĩ cộng sản từ Lạng Sơn về đã trao đổi tình hình, thông qua chủ trương khởi nghĩa và quyết định phát động đấu tranh vũ trang ngay trong ngày hôm ấy. Giờ khởi nghĩa đã được chọn vào lúc chập tối từ 7 giờ 30 đến 8 giờ. Mục tiêu đấu tranh đầu tiên là đánh chiếm đồn Mỏ Nhài.

Vào chập tối ngày 27-9-1940, hưởng ứng chủ trương của Ban chỉ huy khởi nghĩa, nhân dân các dân tộc xã Hưng Vũ cùng nhân dân xã Bắc Sơn, Chiêu Vũ, Trấn Yên và Ngự Viễn đã có mặt tại địa điểm tập trung, với trang bị vũ khí thô sơ: Súng kíp, giáo mác, gậy gộc chia làm 3 bộ phận sẵn sàng chờ lệnh đánh chiếm đồn Mỏ Nhài theo ba hướng đã định. Giờ hành động đã tới, 8 giờ tối 27-9-1940, cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn chính thức bùng nổ. Theo các hướng tấn công, đoàn quân khởi nghĩa dũng cảm xông lên, vừa nổ súng, vừa làm công tác địch vận, kêu gọi binh lính trong đồn về theo cách mạng. Đặc biệt dưới sự chỉ đạo của Chi bộ Hưng Vũ, nhân dân các làng xung quanh đồn Mỏ Nhài tập hợp lực lượng cùng nhau khua chiêng, gõ mõ... gây hậu thuẫn cho cuộc chiến đấu của quân khởi nghĩa trên các hướng tấn công góp phần hạ đồn Mỏ Nhài, chiếm châu lỵ Bắc Sơn. Đồn Mỏ Nhài đã bị quân khởi nghĩa chiếm được sau một thời gian tấn công chớp nhoáng, nghĩa quân đi kiểm soát khắp nơi, binh lính địch hoảng sợ bỏ chạy, chính quyền địch bị tan rã. Khởi nghĩa Bắc Sơn kết thúc thắng lợi. Tin chiến thắng truyền đi khắp nơi, nhân dân các dân tộc Hưng Vũ và các làng lân cận vô cùng phấn khởi, nô nức cùng nhau kéo về đồn Mỏ Nhài rất đông để dự cuộc mít tinh do Ban chỉ huy khởi nghĩa tổ chức tuyên bố thắng lợi của cuộc khởi nghĩa, xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến tay sai, mọi trật tự an ninh xã hội ở các thôn xóm, làng xã từ nay do nhân dân tự đảm nhiệm.


Hội nghị Trung ương 8 vàTổng khởi nghĩa năm 1945*Tác giả: Lê Đức Anh Bài đã được xuất bản
Sau 30 năm tìm đường cứu nước, tháng 1 năm 1941, Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc, bắt tay vào việc xây dựng cơ sở cách mạng, tổ chức quần chúng, chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng. Hội nghị đó đề ra nhiều nội dung quan trọng như: giải phóng dân tộc, đoàn kết dân tộc, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ,... Đại tướng Lê Đức Anh có bài: “Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 với việc tổ chức lực lượng vũ trang cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945". Nhân ngày thành lập Mặt trận Việt Minh (19/5/1941- 19/5/2010) và ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2010) chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Những tháng đầu năm 1941, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai lan rộng, lôi cuốn nhiều dân tộc trên thế giới vào cuộc chiến tranh này. Ở Đông Dương quân Pháp đầu hàng quân Nhật và câu kết với chúng đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân Đông Dương. Tháng 5-1941, sau 30 năm đi tìm đường cứu nước, về nước với tư cách là đại biểu của quốc tế cộng sản, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng ở Pắc Bó - Cao Bằng, họp từ ngày 10 đến 19-5-1941.
Hội nghị Trung ương 8 nhận định: "Nhiệm vụ cấp bách nhất được đặt ra lúc này là làm thế nào huy động mọi lực lượng để cứu nước giải phóng dân tộc... Muốn thế phải đoàn kết toàn dân, tập hợp các đoàn thể, hội cứu quốc, các tầng lớp nhân dân..."[1]. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh (19-5-1941); đổi tên các tổ chức quần chúng yêu nước chống đế quốc trước đây thành các hội cứu quốc cho phù hợp với nhiệm vụ cứu nước mới. Việt Minh công bố tuyên ngôn, chương trình và Điều lệ Việt Minh. Chương trình Việt Minh gồm 46 điểm. Đó là các chính sách về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao,v.v...
Tinh thần cơ bản của chính sách ấy là: "Cốt thực hiện hai điều mà toàn thể đồng bào đang mong ước: 1. Làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập. 2. Làm cho nhân dân Việt Nam được sung sướng tự do"[2].
Hội nghị quyết định xây dựng những tổ chức tiểu tổ du kích, du kích chính thức; ra Nghị định: "Điều lệ của Việt Nam tiểu tổ du kích cứu quốc", một tổ chức quân sự rộng rãi của quần chúng có khả năng tiến hành chiến tranh du kích và quyết định thành lập các căn cứ địa cách mạng. Đối với phong trào cách mạng Bắc Sơn, Hội nghị quyết định giao cho Ban Thường vụ Trung ương Đảng (gồm các đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ) trực tiếp chỉ đạo việc duy trì và phát triển lực lượng du kích Bắc Sơn; đồng thời cử một số cán bộ quân sự chính trị tăng cường cho Ban chỉ huy bổ sung lực lượng cho Đội du kích Bắc Sơn.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang của Đảng bước vào thời kỳ mới, đẩy mạnh xây dựng các đội vũ trang cách mạng tập trung làm nòng cốt cho phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật, chuẩn bị cho khởi nghĩa từng phần giành chính quyền từng địa phương. Thực hiện chủ trương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các lực lượng vũ trang và để cho phù hợp với nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8, Đội du kích Bắc Sơn được đổi tên thành Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn và được nâng lên thành Trung đội Cứu quốc quân 1 để làm nòng cốt phát triển lược lượng vũ trang và mở rộng căn cứ, cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc trong cả nước. Trung đội gồm có 37 người được biên chế thành 3 tiểu đội. Ban chỉ huy trung đội gồm: Phùng Chí Kiên, Ủy viên Trung ương Đảng - Chỉ huy trưởng, Lương Văn Tri - Chính trị viên, Chu Văn Tấn - Chỉ huy phó. Ban chỉ huy Trung đội Cứu quốc quân 1 và Trung đội Cứu quốc quân 2 đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Trung ương Đảng.
Ngày 15-9-1941, Trung đội Cứu quốc quân 2 được thành lập gồm 47 người (có 3 nữ). Ban chỉ huy Trung đội gồm chỉ huy trưởng Chu Văn Tấn, Nguyễn Cao Đàm - Chính trị viên - Chỉ đạo viên, Trần Văn Phấn Chỉ huy phó. Trung đội biên chế 5 tiểu đội. Nhiệm vụ trước mắt của Trung đội Cứu quốc quân 2 là đấu tranh chống địch khủng bố, diệt ác, trừ gian, củng cố và phát triển các đội tự vệ làm nguồn bổ sung cho Cứu quốc quân, củng cố và mở rộng địa bàn hoạt động ra các nơi, duy trì tiếng súng đấu tranh để cổ vũ phong trào cách mạng toàn quốc. Trung đội Cứu quốc quân 2 đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Trung ương Đảng.
Ban chỉ huy Cứu quốc quân 2 tổ chức tuyển chọn thanh niên, du kích gia nhập Cứu quốc quân. Đến cuối tháng 10-1941, Trung đội Cứu quốc quân 2 phát triển lên 70 người, biên chế 7 tiểu đội, do đồng chí Đào Văn Trường, Ủy viên Thường vụ xứ ủy Bắc Kỳ làm Bí thư Đảng ủy kiêm chỉ huy trưởng, đồng chí Cao Văn Đàm làm chính trị viên - Chỉ đạo viên; Các chỉ huy phó gồm Chu Văn Tấn, Lê Dục Tôn, Trần Văn Phấn. Trung đội Cứu quốc quân 2 thành lập một chi bộ, mỗi tiểu đội có một tổ Đảng lãnh đạo. Giữa vòng vây của quân thù, cán bộ và chiến sỹ Trung đội Cứu quốc quân 1 cùng tự vệ và quần chúng nhân dân anh dũng chiến đấu chống địch khủng bố, bảo vệ các đồng chí Trung ương về xuôi an toàn (7-1941). Trung đội Cứu quốc quân 2 vừa học tập chính trị, huấn luyện quân sự, vừa đánh một số trận tiêu biểu là các trận Khuôn Kẹn (2-10-1941), Khuôn Ba (5-10-1941), Khuôn Đã (15-10-1941), Mỏ Mùng (12-10-1941), Tràng Xá (31-10-1941)... gây cho địch nhiều thiệt hại. Ta bảo vệ, phát triển lực lượng và mở rộng được căn cứ. Chúng đã gọi Cứu quốc quân là " hùm xám Bắc Sơn".
Ngày 25-2-1944, Trung đội Cứu quốc quân 3 được thành lập gồm 30 người, do đồng chí Triệu Khánh Phương làm Trung đội trưởng, đồng chí Phương Cương làm chính trị viên, đồng chí Chu Phóng làm Trung đội phó. Đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Trung ương Đảng công nhận, trao cờ đỏ sao vàng và giao nhiệm vụ cho Trung đội chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến.
Trung đội Cứu quốc quân 3 ra đời đánh dấu sự phát triển của Cứu quốc quân. Từ một trung đội phát triển thành ba trung đội, hoạt động trên một địa bàn rộng lớn thuộc các huyện Võ Nhai, Đình Cả, Đại Từ, Định Hoá, Phú Lương (Thái Nguyên), Bắc Sơn, Bình Gia, Tràng Định (Lạng Sơn), Yên Thế, Hữu Lũng (Bắc Giang). Sau khi Trung đội Cứu quốc quân 3 được thành lập, địa bàn hoạt động của Cứu quốc quân đã mở rộng xuống Sơn Dương (Tuyên Quang), giáp Lập Thạch (Vĩnh Yên) và Hàm Yên, Na Hang (Tuyên Quang),...
Tại các địa phương này, Cứu quốc quân đã tổ chức và huấn luyện cấp tốc về quân sự, chính trị được nhiều trung đội, tiểu đội vũ trang, phối hợp với quần chúng bảo vệ trật tự, trị an làng bản, bảo vệ cơ sở cách mạng, tổ chức quần chúng vào các Hội Cứu quốc quân. Nhờ có lực lượng cách mạng hùng hậu bao gồm cả lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang nên căn cứ địa cách mạng ngày càng mở rộng, chính quyền cách mạng được xây dựng ở nhiều địa phương. Các đơn vị Cứu quốc quân ngoài việc khẩn trương củng cố, gây dựng cơ sở còn tranh thủ huấn luyện quân sự, phát động phong trào tự mua sắm vũ khí, lôi cuốn đông đảo quần chúng tham gia.
Giữa năm 1944, tình hình thế giới có những biến đổi nhanh chóng. Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn quyết liệt. Quân đội Xô-Viết phản công quân Đức thắng lợi trên nhiều mặt trận. Ở mặt trận Thái Bình Dương, lực lượng Pháp hoạt động ráo riết, chờ quân Đồng Minh đổ bộ vào các nước Đông Dương sẽ nổi lên đánh Nhật, khôi phục lại quyền thống trị của chúng.
Trước tình hình đó, ngày 7-5-1944, theo chủ trương của Trung ương Đảng, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị về "Sửa soạn khởi nghĩa" để đẩy mạnh phong trào cách mạng lên một bước mới.
Chấp hành chủ trương của Trung ương Đảng và chỉ thị của Tổng bộ Việt Minh, Ban chỉ huy Cứu quốc quân 2 và 3 khẩn trương triển khai xây dựng các đội tự vệ, du kích, huy động nhân dân quyên góp tiền của để mua sắm vũ khí. Đồng thời phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các tổ công tác của Cứu quốc quân đến từng địa phương tuyên truyền đẩy mạnh công tác chuẩn bị khởi nghĩa và tổ chức huấn luyện quân sự, chính trị ngắn ngày cho tự vệ, du kích.
Không khí cách mạng sôi sục khắp các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang. Địa bàn hoạt động của Cứu quốc quân ngày càng mở rộng. Hoảng sợ trước phong trào cách mạng của nhân dân, cuối tháng 10-1944, thực dân Pháp tập trung bao vây mở cuộc càn quét lớn vào khu căn cứ Võ Nhai, tiến hành khủng bố phong trào cách mạng Võ Nhai, tiêu diệt Cứu quốc quân. Cứu quốc quân cùng tự vệ và nhân dân đã mưu trí, anh dũng đánh lui nhiều đợt tấn công của địch.
Những tháng cuối năm 1944, trong lúc trên thế giới phe Đồng Minh đang phản công và tiến công phe phát xít trên khắp các mặt trận, thì ở Việt Nam, theo chủ trương và kế hoạch của Liên tỉnh ủy Cao-Bắc-Lạng, nhân dân các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn đã sẵn sàng khởi nghĩa. Giữa lúc đó, đồng chí Hồ Chí Minh từ Trung Quốc trở về Cao Bằng. Người chỉ thị hoãn cuộc khởi nghĩa Cao-Bắc-Lạng và khẳng định phải đẩy mạnh đấu tranh chính trị hơn nữa để phong trào đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang chuẩn bị đón thời cơ.
Để đáp ứng với yêu cầu cách mạng, đồng chí Hồ Chí Minh chủ trương thành lập đội vũ trang tuyên truyền và vạch ra những nét chính về hình thức tổ chức, xây dựng và hoạt động của nó. Theo tinh thần đó, tháng 12-1944, Người viết Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và uỷ nhiệm cho đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp tổ chức, chỉ đạo khi Đội hình thành.
Thực hiện chỉ thị của đồng chí Hồ Chí Minh, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập. Đội gồm 34 cán bộ, chiến sĩ, do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm chính trị viên, đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách kế hoạch tác chiến, đồng chí Văn Tiên quản lý. Đội biên chế thành 3 tiểu đội. Thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, cán bộ và chiến sĩ đẩy mạnh công tác vũ trang tuyên truyền trong mọi hoạt động. Đến đâu, Đội đêù tuyên truyền đường lối, chính sách của Mặt trận Việt Minh, vân động quần chúng tổ chức cơ sở chính trị và lực lượng tự vệ chiến đấu của địa phương.
Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời trong lúc Cứu quốc quân đang chiến đấu quyết liệt chống địch khủng bố ở Võ Nhai. Trước tình hình đó, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân khẩn trương chuẩn bị hoạt động. Đội đã liên tiếp đánh thắng hai trận Phai Khắt (25-12) và Nà Ngần (26-12). Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần cùng với những thắng lợi của Cứu quốc quân, các đội du kích, tự vệ ở các địa phương đã góp phần củng cố, mở rộng khu căn cứ Cao-Bắc-Lạng và Thái Nguyên-Tuyên Quang; đồng thời cổ vũ và động viên toàn dân đẩy mạnh phong trào đấu tranh, chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang.
Chấp hành chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta"(12-3-1945) của Ban Thường vụ Trung ương Đảng và hưởng ứng phong trào kháng Nhật, cứu nước, các trung đội Cứu quốc quân 2, 3 cùng Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và các đội du kích, tự vệ chiến đấu hỗ trợ nhân dân nổi dậy giành chính quyền. Ngày 26-3-1945, Cứu quốc quân 3 cùng tự vệ địa phương tiến đánh quân địch ở Chợ Chu (Thái Nguyên), giải phóng châu lỵ, hỗ trợ quần chúng phá trại giam Chợ Chu, giải thoát hơn 30 tù chính trị, phá kho thóc chia cho dân nghèo, xoá bỏ chính quyền địch, thành lập Uỷ ban giải phóng dân tộc lâm thời phủ Định Hoá. Tiếp đó, chiều 29-3-1945, Cứu quốc quân cùng tự vệ địa phương tiến công bao vây, làm chủ phủ lỵ huyện Đại Từ.
Trong khi đó, một bộ phận Cứu quốc quân hoạt động ở Tuyên Quang đã phối hợp cùng tự vệ và nhân dân các địa phương khởi nghĩa giải phóng các châu Sơn Dương (11-3),Yên Sơn, Na Hang, Hàm Yên (1-4). Ở Thái Nguyên,một bộ phận Cứu quốc quân cùng tự vệ và quần chúng giải phóng La Hiên (10-4). Ở Bắc Giang, Cứu quốc quân cùng tự vệ địa phương đột nhập vào phủ lỵ Yên Thế (15-4), tiếp đó bao vây châu lỵ Hữu Lũng...
Tại Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân chia thành ba bộ phận: Một bộ phận đánh chiếm đồn Sóc Giang, giải phóng châu lỵ Hà Quảng rồi tiến sang Bắc Quang (Hà Giang). Một bộ phận chiến đấu dọc biên giới Việt - Trung từ Bảo Lạc sang Thất Khê, vòng xuống Bình Gia. Một bộ phận thực hiện giải phóng các châu lỵ Ngân Sơn, Chợ Rã, Chợ Đồn (Bắc Cạn) rồi tiến xuống Chợ Chu (Thái Nguyên)... Ở Quảng Ngãi, Đội vũ trang xung kích Ba Tơ đã mưu trí, dũng cảm đánh chiếm đồn Ba Tơ, giải tán chính quyền địch (11-3). Tại các vùng giải phóng, chính quyền cách mạng được thành lập.
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc đánh Nhật, từng bước giành thắng lợi, tiến tới chuẩn bị tổng khởi nghĩa, từ ngày 15 đến 20-4-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ tại Hiệp Hoà (Bắc Giang) do đồng chí Trường Chinh Tổng Bí thư của Đảng chủ trì. Đây là Hội nghị quân sự đầu tiên của Đảng. Về xây dựng lực lượng vũ trang, Hội nghị quyết định thống nhất Cứu quốc quân và Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân cùng các tổ chức vũ trang khác thành một lực lượng vũ trang thống nhất mang tên Việt Nam giải phóng quân để cùng nhân dân tiến hành khởi nghĩa từng phần, tiến tới tổng khởi nghĩa.
Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, ngày 15-5-1945, lễ thống nhất Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với Cứu quốc quân và các tổ chức vũ trang cách mạng khác được tổ chức ở Định Biên, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên.
Việt Nam giải phóng quân có chỉ huy thống nhất và hệ thống tổ chức do Đảng lãnh đạo. Bộ Chỉ huy của Việt Nam giải phóng quân gồm các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh và Chu Văn Tấn.
Ngày 4-6-1945, Tổng bộ Việt Minh triệu tập Hội nghị cán bộ sáu tỉnh Việt Bắc để bàn việc lập khu giải phóng. Tại Hội nghị, lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ thị công nhận tên "Việt Nam giải phóng quân" cho toàn thể bộ đội trong nước, đồng thời chỉ thị thành lập Khu giải phóng.
Đầu tháng 6-1945, Việt Nam giải phóng quân cùng du kích, tự vệ và nhân dân đánh bại cuộc tiến công qui mô lớn của Nhật, bảo vệ vững chắc căn cứ địa cách mạng của cả nước. Thắng lợi này đánh dấu bước tiến bộ nhanh về trình độ đánh du kích của Việt Nam giải phóng quân.
Được thống nhất về lãnh đạo, chỉ huy, Việt Nam giải phóng quân sớm trở thành lực lượng nòng cốt trong chiến đấu, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng. Khi thời cơ đến, các đơn vị giải phóng quân cùng tự vệ chiến đấu, du kích và quần chúng nhân dân tiến đánh một số thị trấn, thị xã và những vị trí quan trọng, góp phần cùng toàn dân giành chính quyền thắng lợi trên cả nước.
Trong khi Việt Nam giải phóng quân đang tiến đánh thị xã Thái Nguyên, Tuyên Quang, thì một sự kiện lịch sử vô cùng trọng đại đã diễn ra: Ngày 19-8, nhân dân Hà Nội đã khởi nghĩa giành được chính quyền. Khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội đã động viên mạnh mẽ phong trào khởi nghĩa trong cả nước.
Các đơn vị Việt Nam giải phóng quân ở khu giải phóng Việt Bắc, ở các chiến khu Quang Trung, Trần Hưng Đạo và chiến khu Vĩnh Sơn - Núi Lớn đã phối hợp với tự vệ, du kích và nhân dân nổi dậy giành chính quyền tại các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Ninh Bình, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ngãi.
Ngày 23-8-1945, chi đội 3 giải phóng quân sau khi tham gia giải phóng Thái Nguyên, tiến về Hà Nội. Ngày 2-9-1945, tại Ba Đình (Hà Nội), Việt Nam giải phóng quân, tự vệ chiến đấu cùng hàng chục vạn nhân dân mít tinh mừng thắng lợi của Tổng khởi nghĩa tháng Tám. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Việt Nam giải phóng quân, tự vệ và đồng bào diễu hành, biểu dương quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc. Giữa tháng 9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chấn chỉnh, mở rộng và đổi tên Việt Nam giải phóng quân thành Vệ quốc đoàn - quân đội của Nhà nước Việt Nam dân chủ công hoà.
Như vậy, chúng ta có thể khẳng định: việc xây dựng lực lượng vũ trang là một điều kiện quan trọng nhất của cuộc đấu tranh cách mạng. Như chúng ta biết, trong cuộc vận động cách mạng cuối năm 1940, các cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta đều thất bại và không duy trì được lực lượng vũ trang, chỉ có khởi nghĩa Bắc Sơn thì mới duy trì được lực lượng vũ trang.
Hội nghị Trung Đảng lần thứ 8 chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang tập trung. Từ đội du kích Bắc Sơn nâng lên thành trung đội đội Cứu quốc quân. Các trung đội Cứu quốc quân đã duy trì được tiếng súng đấu tranh để cổ vũ được phong trào cách mạng toàn quốc. Sau này Đảng tổ chức Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân; rồi thống nhất Cứu quốc quân với Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và các đội vũ trang khác trong cả nước thành Việt Nam giải phóng quân, phát triển được phong trào, hỗ trợ quần chúng đấu tranh, tiến lên tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Thực tế lịch sử cho thấy, khởi nghĩa vũ trang là quần chúng khởi nghĩa rộng khắp cả nước két hợp với Đội Việt Nam giải phóng quân thành lực lượng vũ trang ba thứ quân trong cả nước. Mà khởi nghĩa vũ trang của quần chúng đẻ ra lực lượng vũ trang trong cả nước cùng với lực lượng vũ trang có sẵn như Việt Nam giải phóng quân thành lực lượng vũ trang của cả nước.
Lực lượng vũ trang cách mạng được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng không ngừng lớn mạnh trở thành Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng lập nên những chiến công hiển hách, cùng nhân dân đánh bại hai kẻ thù xâm lược lớn là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, bảo vệ độc lập tự do của dân tộc, hoàn thành sự nghiệp vẻ vang thống nhất đất nước.
Quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ chiến đấu giỏi mà còn công tác và sản xuất tốt. Trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Quân đội nhân dân vừa thực hiện tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vừa tích cực sản xuất, xây dựng kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần đưa nền kinh tế đất nước ta phát triển vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét