Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Cao trào Xô viết Nghệ-Tĩnh - bước đầu hình thành nghệ thuật chỉ đạo đấu tranh cách mạng của Đảng


Cao trào Xô viết Nghệ-Tĩnh - bước đầu hình thành nghệ thuật chỉ đạo đấu tranh cách mạng của Đảng

Tạp chí Quốc phòng toàn dân
alt
Tượng đài Xô viết Nghệ-Tĩnh
Vào đầu thập niên 30 của thế kỷ XX, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới tác động trực tiếp đến nước Pháp. Nhằm giải quyết những khó khăn và mâu thuẫn trong nước, thực dân Pháp đã tiến hành mọi thủ đoạn, biện pháp tăng cường vơ vét, bóc lột và đàn áp nhân dân các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam. Điều đó càng làm cho mâu thuẫn đối kháng giữa nhân dân ta với thực dân Pháp và bè lũ tay sai lên tới đỉnh điểm. Trong bối cảnh đó, Đảng ta chủ trương phát động và lãnh đạo nhân dân cả nước đứng lên đấu tranh; lấy địa bàn Nghệ An-Hà Tĩnh là một trọng điểm, do các tổ chức đảng ở đó trực tiếp tổ chức lãnh đạo. Phong trào Xô viết Nghệ-Tĩnh nhanh chóng phát triển thành cao trào, đã làm thực dân Pháp vô cùng hoảng sợ. Xô viết Nghệ-Tĩnh với biểu tượng điển hình là “Tiếng trống năm 30” còn vang vọng mãi trong lòng dân tộc. Nó là cuộc “diễn tập, rèn luyện” lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, để lại nhiều bài học có ý nghĩa lịch sử (có thành công và chưa thành công); trước hết là bài học bước đầu hình thành nghệ thuật chỉ đạo đấu tranh cách mạng của Đảng.
Ngay sau khi thành lập, để thực hiện nhiệm vụ cách mạng, Đảng ta đã ra sức xây dựng lực lượng cách mạng gồm cả lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang; tích cực tổ chức và chỉ đạo đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang. Nhờ đó, đã từng bước động viên, tập hợp được đông đảo quần chúng thuộc mọi tầng lớp, giai cấp: công nhân, nông dân, một bộ phận địa chủ, phú nông, trí thức, tư sản nhỏ... tham gia vào các hoạt động đấu tranh cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Theo đó, các đội Tự vệ Đỏ1 - tiền thân của lực lượng vũ trang - dần được thành lập để làm nòng cốt trong đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang chống chính quyền thực dân, phong kiến (tính đến tháng 6-1931, tại Nghệ An, Hà Tĩnh đã có tới 411 đội tự vệ với 9.148 đội viên, trong đó có hàng trăm đội viên cảm tử). Nhờ đó, đã tổ chức được nhiều cuộc đấu tranh (từ tháng 8-1930 đến tháng 5-1931 có 1.223 cuộc đấu tranh, quy tụ hàng trăm nghìn quần chúng tham gia)2 và đặc biệt, do có sự lãnh đạo của Đảng các cuộc đấu tranh như được tiếp thêm sức mạnh đã thổi bùng ngọn lửa cách mạng, làm cho phong trào đấu tranh của quần chúng ngày càng dâng cao, làm cho địch lúng túng, bị động. Từ những cuộc bãi công, biểu tình đòi giảm sưu, giảm thuế được kết hợp và chuyển sang bạo động vũ trang, như: trừng trị bọn phản động, cường hào, đốt phá huyện đường, thiêu hủy hồ sơ của bọn quan lại, phá nhà lao... Ngoài ra, các đội Tự vệ Đỏ còn được giao nhiệm vụ canh gác bảo vệ tổ chức cơ sở đảng, bảo vệ các Xô viết non trẻ, các tổ chức quần chúng, cũng như tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân thực hiện các chính sách mới của chính quyền Xô viết. Tuy lực lượng chủ yếu của Phong trào đấu tranh là công-nông, nhưng với việc huy động đông đảo các tầng lớp nhân dân được giác ngộ cách mạng, thấy rõ mục tiêu của phong trào, nên đã xây dựng được lực lượng chính trị quần chúng hùng hậu và những đội quân vũ trang đầu tiên của cách mạng. Xô viết Nghệ-Tĩnh đã thể hiện bước đầu hình thành nghệ thuật tập hợp lực lượng, tổ chức, chỉ đạo đấu tranh cách mạng phong phú, sinh động của Đảng ta.
Ngoài hai hình thức đấu tranh cơ bản là đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, Cao trào Xô viết Nghệ-Tĩnh còn thể hiện rõ sự chỉ đạo khôn khéo, tài tình của Đảng ta trong đấu tranh địch vận. Các tổ chức đảng đã chú ý công tác địch vận, trong đó thực hiện đấu tranh nhằm phân hóa kẻ thù, đánh thức lòng yêu nước trong một bộ phận binh lính người Việt và một số binh lính người nước ngoài. Ban Binh vận Trung Kỳ và Ban Binh vận thuộc Tỉnh ủy Nghệ An, Hà Tĩnh... đã tích cực vận động binh lính địch bằng nhiều hình thức: truyền đơn, khẩu hiệu, tuyên truyền miệng... để các cuộc đấu tranh đạt được những yêu sách và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hành động khủng bố của thực dân Pháp và tay sai. Từ tháng 10-1930, khi Trung ương Đảng ra Nghị quyết về tăng cường công tác vận động binh lính trong hàng ngũ địch, công tác binh vận được đẩy lên một bước. Tiếp đó, ngày 27-12-1930, Xứ ủy Trung Kỳ ra Nghị quyết, đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh vận động binh lính địch, kể cả binh lính người Việt và lính lê dương. Tháng 1-1931, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Thông cáo gửi các xứ ủy về việc chống chính sách khủng bố trắng của địch, nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác vận động binh lính địch. Tháng 2-1931, Xứ ủy Trung Kỳ thành lập Ban Binh vận của Xứ ủy, cùng với Thành ủy Vinh-Bến Thủy tăng cường vận động cách mạng trong binh lính lê dương đóng tại Vinh. Kết quả, tại Nghệ An, ta đã xây dựng được một chi bộ Cộng sản trong đơn vị lính lê dương đóng tại Vinh. Hà Tĩnh cũng xây dựng được chi bộ Đảng trong lính khố xanh tại đồn Nghèn (Can Lộc) và đồn Thị xã. Các chi bộ đã có một số hoạt động ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân địa phương. Đây là phương châm đấu tranh mềm mỏng, ít tốn xương máu, nhưng hiệu quả và cao hơn là làm thay đổi so sánh lực lượng có lợi cho phong trào, bất lợi cho địch. Như vậy, bước đầu Đảng ta đã hình thành tư duy: “hai chân” (quân sự, chính trị), “ba mũi” (quân sự, chính trị, binh vận) để tiến công địch, tạo cơ sở phát triển đường lối, phương pháp chỉ đạo cách mạng của Đảng.
Thực tiễn cách mạng chỉ ra rằng: không có một cuộc cách mạng nào là dễ dàng, bằng phẳng mà không có đổ máu, hy sinh. Để giảm thiệt hại cho Xô viết Nghệ-Tĩnh, Đảng ta chủ trương phối hợp đấu tranh giữa các vùng, miền, buộc kẻ thù phải phân tán lực lượng, bị động đối phó. Khi Xô viết Nghệ-Tĩnh bị đàn áp đẫm máu (10-1930), Trung ương Đảng ra Thông cáo về việc đối phó với chính sách tàn sát quần chúng, chủ trương rải truyền đơn trong cả nước phản đối chính sách khủng bố “trắng” của thực dân Pháp và tay sai.
Thực hiện chủ trương và lời kêu gọi của Đảng, nhân dân nhiều địa phương trong cả nước đứng dậy đấu tranh, phản đối chính sách đàn áp, bóc lột hà khắc của chính quyền thực dân, phong kiến, hô vang các khẩu hiệu ủng hộ đồng bào Nghệ An, Hà Tĩnh, chống khủng bố “trắng”. Nhiều cuộc đấu tranh nổ ra ở Thái Bình, Hà Nam, Vĩnh Yên, Quảng Trị, Quảng Ngãi... đã thể hiện tinh thần yêu nước, tình đoàn kết và sự “chia lửa” đấu tranh cùng nhân dân Nghệ-Tĩnh Đỏ. Cuộc đấu tranh lan rộng ra phạm vi cả nước, thể hiện cả dân tộc là một khối đoàn kết, thống nhất trong phong trào cách mạng chống sự nô dịch. Đây là cơ sở đầu tiên, đặt nền móng cho nghệ thuật chỉ đạo đấu tranh cách mạng giữa mặt trận chính diện (Xô viết Nghệ-Tĩnh) với mặt trận sau lưng địch (các vùng, miền). Nó cũng đánh dấu bước khởi đầu tiến trình phát triển không ngừng của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Cao trào Xô viết Nghệ-Tĩnh còn thể hiện sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại và tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới.Trong lúc trực tiếp chỉ đạo các phong trào đấu tranh cách mạng, Đảng ta và đồng chí Nguyễn Ái Quốc còn thường xuyên báo cáo tình hình và nhận được sự chỉ đạo, cổ vũ kịp thời của Quốc tế Cộng sản (QTCS). Mặc dù sự chỉ đạo của QTCS có một số điểm chưa thật phù hợp với thực tế cách mạng Việt Nam, nhưng nó có ý nghĩa lớn, tạo hậu thuẫn và gây tiếng vang cho phong trào cách mạng Đông Dương, cũng như uy tín của Đảng Cộng sản (ĐCS) Đông Dương. Nhờ đó, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành QTCS (tháng 4-1931) đã chính thức công nhận ĐCS Đông Dương là một chi bộ độc lập của QTCS và đến Đại hội VII QTCS (tháng 7-1935), đã công nhận ĐCS Đông Dương là Phân bộ chính thức.
Cùng với đó, Đảng ta kêu gọi sự ủng hộ của các ĐCS anh em, của dư luận tiến bộ trên thế giới. Đáp lời kêu gọi của Đảng, Báo Sự thật của ĐCS Liên Xô (tháng 1-1931) và Báo Vô sản của ĐCS Pháp (tháng 10-1931) đã đăng bài giới thiệu và ủng hộ Xô viết Nghệ-Tĩnh. Thậm chí trên chính trường Pháp, ĐCS Pháp còn kêu gọi nhân dân tiến bộ Pháp ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Đông Dương, dẫn đến việc ra đời Ủy ban toàn xá tù chính trị Đông Dương. Ngày 15-10-1933, ĐCS Pháp, Trung Quốc và Nhật Bản gửi thư bày tỏ sự ủng hộ ĐCS Đông Dương... Cao trào Xô viết Nghệ-Tĩnh đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, vượt ra ngoài biên giới. Đó là kết quả của sự kết hợp chặt chẽ giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, trước hết là sự đồng tình ủng hộ của bạn bè quốc tế, cũng như của nhân dân tiến bộ trên thế giới.
Cao trào Xô viết Nghệ-Tĩnh, bước đầu đã thể hiện phương châm đấu tranh toàn diện (kinh tế, chính trị, văn hóa...), kết hợp vừa đấu tranh, vừa xây dựng lực lượng và bồi dưỡng sức dân. Cao trào không chỉ in đậm dấu ấn về nội dung, tính chất của cuộc đấu tranh, với tinh thần cách mạng bất khuất, sôi sục, quả cảm của quần chúng mà còn thể hiện ở việc thành lập và hoạt động của các Ban Chấp hành Nông hội Đỏ ở thôn, xã. Tại Nghệ An, Nông hội Đỏ nắm chính quyền ở các làng, xã thuộc huyện Thanh Chương, Nam Đàn và một phần huyện Anh Sơn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Diễn Châu. Tại Hà Tĩnh, chính quyền Xô viết được thành lập ở 172 xã, mà phần lớn thuộc các huyện Can Lộc, Thạch Hà và Đức Thọ. Các tổ chức đó đã đứng ra đảm nhiệm chức năng của chính quyền cách mạng, thực hiện nhiều chính sách về kinh tế, chính trị, văn hóa, làm cho nhân dân thấy rõ tính ưu việt của chế độ chính trị mới; từ đó, tin theo Đảng và chính quyền Xô viết, tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh cách mạng do Đảng lãnh đạo. Các chính sách do chính quyền Xô viết thực hiện tuy chỉ tồn tại rất ngắn, nhưng đã mang lại cho nhân dân nhiều quyền lợi mà họ không bao giờ có được dưới chế độ thực dân, phong kiến. Nó có tác dụng kích thích cao độ tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh của đông đảo nhân dân. Chỉ riêng trong hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã có trên 60.000 người tham gia các tổ chức quần chúng do Đảng lãnh đạo3.
Cao trào Xô viết Nghệ-Tĩnh giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chính từ cao trào cách mạng này, nghệ thuật chỉ đạo cách mạng, nhất là đấu tranh cách mạng của Đảng đã bước đầu hình thành và ngày càng được bổ sung, phát triển trong thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc cùng với mỗi bước xây dựng và trưởng thành của Đảng.
 TS. HOÀNG VĂN TUỆ và TS. NGUYỄN BÌNH
Viện Lịch sử Đảng, Học viện CT-HCQG Hồ Chí Minh
 _________
1 - Tiền thân là Đội tự vệ Ba Xã, thành lập tháng 6-1930 tại Hậu Lộc,  Can Lộc, Hà Tĩnh
2 - Tiểu ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ An - Xô viết Nghệ-Tĩnh, Nxb Nghệ An, 2000, tr. 121.
3 - ĐCS VN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 3, Nxb CTQG, H. 1999, tr. 52.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét