Báo Nông cổ mín đàm tường thuật trận bão lịch sử năm Thìn (1904)
Báo Nông Cổ Mín Đàm là tờ báo kinh tế đầu tiên của Việt Nam do Canavaggio sáng lập. Số 1 ra ngày 1-8-1901. Những người cộng tác với Canavaggio làm chủ bút tờ báo nầy lần lượt gồm có: Dũ Thúc Lương Khắc Ninh, Gilbert Trần Chánh Chiếu, Tân Châu Nguyễn Chánh Sắt… Đây cũng là tờ báo đầu tiên tổ chức cuộc thi viết tiểu thuyết ở Việt Nam. Riêng mục "Thương cổ luận" tồn tại trong suốt hơn 100 số báo đã khẳng định quan điểm: Trọng thương là cách thứ nhất giúp cho dân phú quốc cường, đồng thời hướng dẫn các thương nhân Việt Nam về nghệ thuật buôn bán và khuyến khích, kêu gọi họ đoàn kết để cạnh tranh với các thương nhân nước ngoài.
Nhân đây chúng tôi mời các bạn đọc lại văn phong của thời bình minh chữ Quốc ngữ, kể cả các lỗi chính tả để cho thấy cách viết tin, bài thời đó. Đây là bài báo viết về lũ lụt lịch sử ngày 16 tháng ba năm Giáp Thìn (tức ngày 1-5-1904) với tựa “Thiên biến”:
Bài 1:
“Chưa rõ việc dữ lành, xem đề mục lòng người đã áy náy, chừng một trăm năm trở lại, người tuổi cao tác cả cũng chưa nghe. Chưa nghe rằng bão tố trong tháng ba, tục hẳn nói tháng mười thì bão lụt. Tục ngữ thường nghe như vầy:
“Ông tha mà bà chẳng tha, dành nhau một trận 23 tháng mười. Bởi vậy cho nên trong tháng mười là lệ. Ai dè lẽ trời không rõ, dời đổi thình lình; có công sanh thì hại há dám hờn, nhưng mà phận dằn vặt động lòng nên than thở. Thương thế cuộc phải chịu nhiều tai biến, buồn cho sinh linh mắc lắm hiểm nghèo. Rủi ro nhiều, đã nghèo mà lại gặp eo, đóng thuế nước lại bị thêm trời phạt, nhiều kẻ thác miếng cơm chưa kịp nuốt, lắm người chiêm cái áo chữa tròng tay; hởi ai ai làm tội lắm thay, nên tạo hóa đày thân cho cơ cực, tuổi bất hoặc cũng đã nhiều lần tức, nhưng lại mà cái lần này thấy cũng bớt buồn; cũng bởi vì xét lý cho tường, nhớ cổ ngữ răn câu tác nghiệt “Thiên tác nghiệt du khả vi, tư tác nghiệt bất khả hượt”. Nghĩa là, “trời làm dữ còn khá trách, chớ người làm dữ chẳng khá trốn”. Tôi tuy luận vậy, chớ xét rõ thiệt buồn, buồn cho người sống thác tựa trái chơi, buồn cho thế nên hư theo chiều gió, buồn lắm kẻ lìa mẹ cha, xa con vợ, buồn nhiều người hao sự sản, mất nhà cửa, buồn cho người chìm nổi giữa phong ba, buồn cho kẻ dật dờ trôi giang hải.
Trong ngày 16 tháng ba, sáu giờ ban mai, trời mưa rỉ rả tục gọi mưa kéo vải, trời rợp chẳng có mặt trời, mưa như vậy đến 12 giờ trưa, gió có hơi thổi nặng ngọn, thổi riết đến 2 giờ chiều, lúc này thổi mạnh lắm, thổi cho đến nhà xiêu cột ngã, thổi thẳng hơi tàu úp ghe chìm. Tại Sài Gòn me ngã đầy đàng, bên Xóm Chiếu nhà lăn chật đất, nước dâng lụt. Nhà Bè - Long Kiểng, trâu bò trôi người vật lao xao, người mất con kẻ lạc mẹ cha, nói rõ chuyện đau lòng cho dằn vặt. Sông Bến Nghé ghe chài ghe gạo, cùng dầu lửa ghe đò, hơn ngoài trăm chìm mất xác mất thây, dư ngàn họ khóc than đều dị biến. Đường xe lửa Mỹ Tho không chạy đến, cũng vì cây ngã cột xiêu, giông bão xem càng mạnh càng nhiều, đến chiều tối nội thành đều chịu tối, bởi đèn khí bị giông ngã cột, máy sập rồi không dám chạy hơi. Trọn một đêm cứ thổi hoài hoài, qua 17 mới ngơi ngọn gió. Số hao mất bao nhiêu chưa rõ, chớ lý nghĩ thường ắt quá ngàn người. Xin anh em rót xét việc đời, trời còn biến huống người sao khỏi. Nhưng vậy mà hởi chớ lòng dời đổi, mà quên đạo quên nhơn, khuyên đừng dạ bất lương mà sang tai sang hại, ít lời phải trái cho bạn giải khuây. Chủ bút ” (Nông Cổ Mín Đàm số 139 (5-5-1904)
Bài 2 :
“Kỳ nhật trình kế đây số 139 nhằm ngày 5 Mai 1904 có nói về việc bão lụt hôm ngày 16 tháng 3, song nói chung, nay xin kể ra những xứ nào bị hại cho quý chư hữu xem mà buồn giùm cho những người chẳng may.
Tại Sài Gòn, ở dưới sông ghe chài và ghe đò chìm chẳng biết là bao nhiêu, còn trên bờ cây ngã chật đàng, cu li làm đàng dọn không hết đến đổi nhà nước phải cho hơn bốn năm mươi lính tập đi dọn hai ba ngày mới xong, còn đèn khí đứt hết, chạy không đặng đến đổi cả thành phố đều phải ở thầm, còn những kho tàng, dinh giảy, nhà cửa ghe tàu hư hại tính phỏng ước chừng 1 vạn 2 ngàn 9 trăm 5 chục đồng bạc.
Hạt CHỢ LỚN, tại chợ thì nhà cửa, kho tàng, ghe thuyền, nhà máy, lò rượu, lò heo… hư hại tính phỏng ước chừng 1 vạn 7 muôn 3 ngàn 1 trăm đồng bạc. Còn trong 3 tổng dưới: Lộc Thành hạ, Phước Điền trung và Phước Điền hạ thì nước lụt chìm chết người ta chẳng biết là bao nhiêu, từ chợ Cần Đước sắp lên chợ Cần Giuộc cách vài bửa sau thây nổi đầy sông, thấy mà đau lòng cho người bạc phận. Lúc tan mây tạnh gió rồi, mà còn thảm cảnh, những người may mà còn lại, nhà cửa kho tàng, gạo tiền trôi sạch, không nơi mà đình trú, đói rách lang thang. Lúc ấy có viên nguyên soái Nam kỳ với quan Giám đốc Escoubet có đi dài theo rạch Cần Giuộc mà viếng mấy xứ ấy, hai quan lớn này đến đâu thì thấy những dân sự bị rủi ro đói rách khốn nạn lắm vậy, thì quan nguyên soái có xuất tiền mà bố thí cho dân.
Hạt GÒ CÔNG, Gò Công thiên hạ hao nhiều lắm, tại chợ thì nhà cửa phố xá hư hại mà thôi, chớ người ta ít hao, duy có mấy làng ở gần biển thì đều rạp hết, nhà sập người trôi, người ta chết dư ngàn, đến nay mà chôn thây chưa hết. Tại làng Tân Bình Điền và Tân Thành mỗi làng còn sót lại chừng vài chục người mà thôi; làng Kiến Phước và Tân Duân Đông cũng bị nặng lắm mà những người còn lại thì đói rách lang thang, quan Tham biện sở tại cũng làm phước mà phát gạo cho dân.
Còn VŨNG TÀU, hôm nay người ta vớt những thây mà chôn, dư trăm ngoài mà chưa hết.
BÀ RỊA cũng hao dân, ước chừng vài trăm.
NAM VÀN và BA NAM nhà cửa cây cối sập gãy ghe chìm bè rả, dưới sông thì lên những thây người thây vật.
Tại MỸ THO, nhà cửa lầu đài, dinh giảy gì cái thì hư, nơi thì lốc nóc, chỗ thì sập, cây cối lớp thì gãy ngang, lớp thì trốc gốc, trường học bãi cũng vì hư sập, còn những nhà lá thì 10 phần hết 9. Chaloupe của các chủ 3, 4 chiếc đều chìm hết.
Những ghe buôn chìm, bể chẳng biết là bao nhiêu; người ta chết dư ngàn. Có một điều này cũng lạ! Tại làng kia có anh một người giàu, đêm ấy ăn cướp kéo đến đánh anh nhà giàu ấy mà lấy tiền, chẳng ngờ lúc ấy trời bão, mấy cái nhà lối xóm đó đều sập ráo, có một cái nhà anh ta không sập, nên những kẻ bị nhà sập không nơi đình trú, đều ùn ùn kéo đến, thấy có đông người không dám đánh, kêu nhau buổm đi mất hết, xi bụt! Té ra nhà anh ta vô sự, cũng nhờ trận bão ấy. Xem coi, cũng một trận bão mà kẻ may người rủi khác nhau.
Cũng trong ngày ấy, chuyến xe lửa hồi hai giờ rưởi chiều chạy đi Mỹ Tho, chạy đến giữa đàng, bị gió thổi lật nghiêng, bộ hành bị bịnh hết nhiều. Còn mấy cái nhà bán giấy xe lửa, từ Sài Gòn xuống Mỹ Tho cũng đều sập hết.
Hạt GIA ĐỊNH, thì có mấy tổng phía dưới là tổng Cần Giờ, An Thít, Bình Trị hạ và Dương Hòa hạ, có nhiều làng đều bị hư hại, ghe thuyền chìm, lúa bị nước lụt trôi hết, thuốc cùng cây trái đều hư nhiều lắm.
Hạt THỦ DẦU MỘT, thì chẳng có hư hao chi cho lắm, duy có đường giây thép về Sài gòn, miệt Hóc Môn, Thủ Đức đều đứt hết.
Hạt TÂY NINH: vô sự.
Hạt SA ĐÉC, thì nhà cửa cũng hư sập nhiều, cây trái gãy trốc hết, mà nhất là mấy đường giây thép, bị cây ngã nhằm giây đứt hết, còn cột, cây thì gãy ngang, cây thì trốc gốc, tuy vậy mà chẳng nghe có người bị hại.
Hạt VĨNH LONG, tại tỉnh và các nơi cũng nhiều nhà hư sập, song người ta không hề chi; cây cối ngã cũng nhiều, dưới sông ghe thuyền chìm, có một chiếc ghe chở cát bị chìm, con người chủ ghe và hai tên bạn trôi mất.
Hạt BẾN TRE, những nhà lá 10 phần sập hết 9, còn phần nhiều nhà ngói thì tốc hết, còn vườn tược cây trái; cây dừa, gạo lúa cũng đều hư hại hết nhiều.
Ba chiếc tàu Chaloup để đưa bộ hành theo trong hạt, có 2 chiếc bị chìm, một chiếc chìm tại sông Hàm Luông gần Ba Tri, chết hết 9 người, còn một chiếc chìm tại sông Cái Mơn, những người đi trong tàu đều khỏi chết.
Mấy tỉnh phía tây đều bình yên, tại Sóc Trăng ngày ấy có một đám mưa lớn mà thôi; Trà Ôn vô sự. Cần Thơ cây trái hư hại chút đỉnh mà thôi.
GIÂY THÉP: Lục tỉnh đâu đâu đều bị gãy nằm ngang, giây đứt, cột ngã hết, những mấy cây cột cao lớn xây bằng sắt để giăng ngang qua mấy chỗ sông lớn, đều bị ngã hết, chỗ thì cong vòng xuống đất, nơi thì trốc gốc nằm ngang, giá mỗi cây ước chừng 3 ngàn quan tiền tây, mà hư ngã hai mươi ngoài cây. Chư quý hữu xem coi một trận bão này hư biết bao nhiêu của dân và của nước.
RỒNG LẤY NƯỚC: Chẳng những là bão lụt mà thôi mà còn lại sanh biến dị thường nữa. Cách ít bửa sau mây tan gió tạnh, thiên hạ ai ai cũng mừng, chẳng dè qua ngày thứ sáu, nhằm ngày 2 Annam, tại Chợ Quán, hồi đang 4 giờ rưởi chiều, thình lình trời vùng u ám, mây kéo đen sì, ở dưới sông vùng cất lên một vòi nước rất lớn kéo thẳng lên trời, thiên hạ lao xao lố xố, bỗng đâu thấy gió xây vần, lật trốc mấy cái kho xe lửa nhổ tại Dépôt, và có nhiều cái nhà lá ở chung quanh lối đó cũng bị hư sập hết, cây lá bay lên cùng trời, thiên hạ đều sợ hãi, có một người bị rút lên trên không, khi té xuống thì mình dập như dưa mà chết” (Nông cổ mín đàm số 140 (12-5-2004).
Số báo cùng của Nông Cổ Mín Đàm phát hành vào ngày 4.11.1924. Giới nghiên cứu đánh giá, tờ báo này đã góp phần thúc đẩy việc phát triển nền báo chí và văn học chữ quốc ngữ tại Nam kỳ nói riêng và Việt Nam nói chung.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét