Báo chí Việt Nam và cái thuở ban đầu…
Tờ báo do đích thân Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Chính vì vậy, 21/6 được chọn là Ngày Báo chí Việt Nam.
Thế nhưng, ít người biết rằng, trước đó vài chục năm, tại Việt Nam, hoạt động báo chí đã từng diễn ra khá sôi động. Báo Bình Định giới thiệu đôi nét về báo chí Việt Nam "cái thuở ban đầu".
* Tờ báo đầu tiên ở Việt Nam: Đó là tờ Le Bullentin Officiel de L’Expedition de la Conchinchine (Công báo của cuộc viễn chinh xứ Nam Kỳ). Đây là tờ báo do thực dân Pháp lập ra, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thống đốc Nam kỳ. Báo in hoàn toàn bằng tiếng Pháp. Số đầu tiên của Le Bullentin Efficbl de Lexpedition de la Conchichine xuất bản vào ngày 29-9-1861.
* Tờ báo quốc ngữ đầu tiên: Đó là tờ Gia Định báo, ra mắt số đầu tiên vào ngày 15-4-1865. Đây là tờ tuần báo, do nhà học giả Trương Vĩnh Ký sáng lập và làm chủ nhiệm. Gia Định báo có khuôn khổ 25x32cm và có giá 0,97 đồng/tờ. Là tuần báo nhưng ngày ra báo của Gia Định báo không cố định, khi thì thứ ba, thứ tư, lúc lại thứ bảy. Số trang của Gia Định báo cũng khá "thất thường", khi thì 4 trang, lúc lại 12 trang. Nội dung chính của Gia Định báo ban đầu gồm 2 phần: công vụ và tạp vụ. Phần công vụ chuyên về các vấn đề chính trị, pháp lý, công quyền; còn phần tạp vụ gồm các lĩnh vực: kinh tế, tôn giáo, văn hóa - xã hội… Sau đó, Gia Định báo mở rộng thêm phần khảo cứu, nghị luận, gồm các bài dịch thuật, sưu tầm, khảo cứu, sáng tác thơ, văn… Đến năm 1897, Gia Định báo chấm dứt vai trò "tạo nền móng" cho báo chí Việt Nam.
* Tờ báo quốc ngữ tư nhân đầu tiên: Là tờ Thông Loại Khóa trình, xuất bản năm 1888. Đây là tờ báo ra định kỳ hàng tháng và có đánh số thứ tự hàng năm. Thông Loại Khóa trình được kết cấu, trình bày giống như 1 tập san, 1 cuốn sách hơn là một tờ báo. Thông Loại Khóa trình có khuôn khổ 16x23,5cm, có cả trang bìa và trang nhan đề. Tờ báo này chủ yếu đăng những bài sưu tầm, dịch thuật và thỉnh thoảng có những ghi chép về lịch sử, phong tục tập quán, địa lý… Mỗi số báo, Thông Loại Khóa trình chỉ phát hành được 500 bản. Qua gần 2 năm hoạt động, Thông Loại Khóa trình xuất bản được 18 số báo và đến tháng 10-1889, tờ báo này đành phải đình bản vì… không có vốn.
* Tờ báo đầu tiên ở miền Trung: Là tờ Tiếng Dân, do nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng đồng sáng lập và trực tiếp làm chủ nhiệm, kiêm chủ bút. Ngày 10-8-1927, số báo đầu tiên của Tiếng Dân được xuất bản. Thời gian đầu, Tiếng Dân ra 1 tuần 1 kỳ, sau đó tăng lên 1 tuần 3 kỳ và cuối cùng lại trở về 2 kỳ/tuần. Trụ sở của Tiếng Dân đóng tại đường Đông Ba (Huế). Bên cạnh một số người quản lý tờ báo, Tiếng Dân còn quy tụ được khá nhiều nhân sĩ, trí thức cộng tác, như Phan Bội Châu, Đào Duy Anh, Lê Nhiếp, Nguyễn Quý Hương… Tiếng Dân là tờ báo luôn luôn đứng bên cạnh nhân dân, lên tiếng, đấu tranh với chính quyền thực dân. Ngày 24-4-1943, sau khi phát hành được 1766 số báo, Tiếng Dân bị thu hồi giấy phép và phải đình bản.
* Nhà báo Việt Nam đầu tiên: Là nhà học giả Trương Vĩnh Ký (còn gọi là Petrus Ký). Ông sinh năm 1837 và mất năm 1898. Trương Vĩnh Ký là nhà ngôn ngữ học Việt Nam đầu tiên, là 1 nhà khoa học của nhiều ngành khoa học, là nhà dịch thuật đầu tiên dịch các tác phẩm tiếng Pháp, tiếng Hán sang tiếng Việt. Tên của ông được ghi trong danh sách các nhà khoa học lớn của thế giới. Riêng lĩnh vực báo chí, Trương Vĩnh Ký được coi là nhà báo đầu tiên của Việt Nam. Ông là người sáng lập, là chủ bút của những tờ báo quốc ngữ đầu tiên, như: Gia Định báo, Thông Loại Khóa trình… và là cây bút chủ lực của nhiều tờ báo khác.
* Nhà báo nữ Việt Nam đầu tiên làm chủ bút: Là nữ sĩ Sương Nguyệt Ánh (1864-1921). Bà tên thật là Nguyễn Xuân Khuê, con gái của nhà thơ đất Ba Tri (Bến Tre) - Nguyễn Đình Chiểu. Đầu thế kỷ XX, hưởng ứng phong trào Đông Du do nhà cách mạng Phan Bội Châu phát động, bà Khuê từng bán cả ruộng vườn, lấy tiền gửi giúp du học sinh. Năm 1917, tại Sài Gòn, một nhóm chí sĩ yêu nước chủ trương sáng lập 1 tờ báo dành cho phụ nữ Việt Nam, lấy tên là Nữ giới chung. Nhóm chí sĩ này mời bà Sương Nguyệt Ánh làm chủ bút và bà đã vui vẻ nhận lời. Ngày 1-2-1918, số báo đầu tiên của Nữ giới chung ra đời và Sương Nguyệt Ánh trở thành nữ chủ bút đầu tiên ở Việt Nam. Tờ Nữ giới chung duy trì được đến tháng 7 năm 1918 thì đình bản.
* Người đầu tiên cách tân báo chí Việt Nam: Đó là ông Hoàng Tích Chu (1897-1933). Ngay từ năm 1921, ông Hoàng Tích Chu đã giúp việc cho tòa soạn báo Nam Phong. Sau đó, tháng 7-1921, khi nhà tư sản Bạch Thái Bưởi sáng lập tờ Khai Hóa, thì ông Hoàng Tích Chu được chọn làm chủ bút. Trong thời gian làm báo ở Việt Nam, ông Hoàng Tích Chu đã nghĩ đến việc phải sang Pháp học nghề báo. Năm 1923, nguyện ước của ông đã trở thành hiện thực và ông trở thành người Việt Nam đầu tiên được học nghề báo. Về nước, cùng với một người bạn tên là Đỗ Văn (học nghề in), Hoàng Tích Chu đã lập ra tờ Hà Thành Ngọ báo. Với nhiệm vụ biên tập, Hoàng Tích Chu tiến hành hàng loạt cải cách báo chí. Bấy giờ, tình trạng chung của báo chí Việt Nam là nặng về lối văn biền ngẫu, đầy chữ nho, điển tích, rườm rà, rắc rối… Trên tờ Hà Thành Ngọ báo, Hoàng Tích Chu sử dụng lối văn mới sáng sủa, gọn gàng, giàu lượng thông tin. Trước đó, phần lớn các báo đều chỉ đăng tin ở trang 2, 3; còn Hoàng Tích Chu thì cho in ngay trang nhất những tin sốt dẻo, quan trọng. Ban đầu, Hoàng Tích Chu bị coi là "kẻ lập dị", nhưng sau khi ông qua đời, giới báo chí đã tôn vinh ông là "ông tổ văn mới"./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét