Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

Vị tổng thống giấu tay


Vị tổng thống giấu tay

Mùa xuân năm 1954, khi mới chớm vào năm thứ hai trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower đứng trước một quyết định mang tính chiến lược: liệu có đưa lính Mỹ vào tham chiến ở Đông Dương.

Vi tong thong giau tay
Khi Eisenhower trở thành Tổng thống Mỹ vào năm 1953, ông thừa hưởng một đường lối chủ trương của chính quyền Mỹ trước đây, trên cơ sở học thuyết mang tên gọi “thuyết domino”. Thuyết này hình thành từ thời Tổng thống Truman, cho rằng nếu không có sự can thiệp của các thế lực bên ngoài thì chủ nghĩa cộng sản sẽ phát triển từ Đông Dương lan khắp Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Đông, và tạo hiệu ứng cộng hưởng tới châu Âu.



Với việc Mỹ đã bị phân tán lực lượng quân đội ở Triều Tiên, Nhận Bản, và châu Âu, trong khi Eisenhower cảm nhận rõ gánh nặng đòi hỏi phải cắt giảm quân ngũ, vì vậy, cho dù không đồng tình với chủ nghĩa thực dân, và cũng không tán thành các chính sách quân sự của Pháp, nhưng Mỹ lại muốn Pháp duy trì cuộc chiến để ngăn chặn phong trào phát triển của chủ nghĩa cộng sản. Ngược lại, Pháp cần đến những đồng dollar của Mỹ để chi trả phí tổn chiến tranh.

Con đường dẫn đến Geneva

Vào thời điểm Eisenhower vừa giành thắng lợi trong cuộc chạy đua vào ghế Tổng thống ở Mỹ thì ở Đông Dương, quân đội Pháp mệt mỏi bước sang năm thứ tám của một cuộc chiến từng được coi là sẽ kết thúc chóng vánh. Vào thời điểm này, chính quyền Pháp đã ném vào cuộc chiến hơn 3,5 tỷ USD – hơn gấp đôi nguồn thu của Pháp từ kế hoạch Marshall. Đó cũng là khi tình hình Chiến tranh Triều Tiên đã ngã ngũ và đi vào ổn định để Trung Quốc có thể hỗ trợ nhiều hơn cho lực lượng Việt Minh, cả về vật chất lẫn cố vấn. Những nguồn lực này giúp Võ Nguyên Giáp, vị tổng tư lệnh quân đội Việt Minh, nâng cấp các lực lượng cả về mặt tổ chức lẫn trang thiết bị. Quân Pháp bị gia tăng tấn công, lùi vào thế co cụm ở châu thổ sông Hồng, miền Trung Việt Nam, và một số thành phố lớn ở miền Nam. 

Ngày 27/10/1953, vị Thủ tướng theo xu hướng bảo thủ của Pháp, Joseph Laniel, tuyên bố rằng ông ta sẵn sàng đàm phán hòa bình với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Về phía Anh, Chính phủ Churchill lo ngại rằng phương Tây đang dồn quá nhiều tâm sức và lực lượng quân đội ở châu Á, khi mà dường như chính quyền Eisenhower theo đuổi chính sách “ăn thua tới bến”. Vào lúc ấy, Anh đặt hi vọng vào lời kêu gọi của lãnh đạo Liên Xô đương thời là Georgi Malenkov về một sự “chung sống hòa bình”. Vì vậy, người Anh tin rằng đàm phán sẽ giúp đem lại kết cục tốt nhất [về phía phương Tây] trong việc kết thúc Chiến tranh Đông Dương, thậm chí có thể giúp kết thúc toàn bộ Chiến tranh Lạnh. Trung Quốc cũng muốn giảm bớt chiến sự căng thẳng ở gần biên giới của mình và đồng ý hòa đàm. 

Chính phủ Mỹ hoảng hốt trước diễn biến này. Mới từ đầu năm 1953, Quốc hội Mỹ từng đồng ý chi 785 triệu USD cho Kế hoạch Navarre (đặt theo tên tư lệnh mới của Pháp ở Đông Dương, tướng Henri Navarre). Nhưng là người ủng hộ chủ nghĩa đa phương, Eisenhower cho rằng ông ta không có lựa chọn nào hơn là ủng hộ quan điểm của các đồng minh, và cố gắng vớt vát những gì tốt nhất có thể đạt được qua hòa đàm, cho dù Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles gọi đây là cuộc chơi cho kẻ thua trận. Mỹ và các bên khác cùng nhất trí sẽ đưa Chiến tranh Pháp – Đông Dương vào chương trình Hội nghị Geneva về Các vấn đề Viễn Đông, dự kiến bắt đầu vào ngày 26/4/1954. 

Năm 1953, là thời điểm những lực đẩy đưa chân nước Mỹ vào con đường can thiệp quân sự là khá mạnh mẽ: Lính Pháp bị quân đội Việt Minh siết chặt vòng vây tại Điện Biên Phủ và Chính phủ Pháp đã nói rõ với người Mỹ rằng chiến dịch này sẽ quyết định vận mệnh cuộc chiến, đồng thời Thủ tướng Pháp Joseph Laniel cảnh báo Washington rằng nếu Điện Biên Phủ thất thủ, Pháp sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài thỏa hiệp vô điều kiện với những người cộng sản. Vì vậy Laniel đề nghị Eisenhower ra lệnh đưa máy bay ném bom vào công kích ở Điện Biên Phủ; Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ và phe cực hữu của Đảng Cộng hòa – đang trong thời điểm cực thịnh về quyền lực – đều khẳng định rằng đây là lúc hành động ngăn chặn sự lan tỏa của chủ nghĩa cộng sản. Quốc hội Mỹ cũng dường như sẵn lòng ủng hộ nếu Tổng thống yêu cầu không kích.
Để đưa Pháp vào thế đàm phán tốt hơn, Navarre cho triển khai chiến dịch cuối cùng của mình. Ông ta dự tính sẽ dụ tướng Giáp vào một trận địa bày sẵn, thay vì tiếp tục bị cuốn theo lối đánh du kích sở trường của Việt Minh. Cái bẫy được giăng ra với 12 nghìn quân tinh nhuệ nhất của Pháp ở Đông Dương được thả dù xuống lòng chảo Điện Biên Phủ, vị trí mà Navarre cho là đủ hấp dẫn để thu hút tấn công từ Việt Minh, nhưng đủ thuận lợi cho việc phòng thủ chống lại các cuộc tấn công. Về phía tướng Giáp, ông lạc quan chấp nhận thách thức này. Hơn 50 nghìn bộ đội Việt Minh hành quân lên phía Bắc cho trận đánh lịch sử. Cả thế giới nhìn về Điện Biên Phủ, chờ đợi kết cục trận đánh sẽ quyết định vận mệnh của Việt Nam, Pháp, và có lẽ toàn bộ châu Á.


Mềm mỏng chiều lòng các phe

Dwight Eisenhower nhìn vào cục diện Điện Biên Phủ với nhiều lo ngại riêng. Ông phải làm sao để vừa lòng Đảng Cộng hòa của mình, lúc này đang bị chia rẽ thành nhiều phe, phe muốn nước Mỹ tách biệt không can dự vào chuyện bên ngoài, phe muốn tăng cường vai trò nước Mỹ trong các vấn đề quốc tế, phe ưu tiên cho châu Á, phe ưu tiên cho châu Âu, phe chống cộng, phe đơn thuần muốn cắt giảm chi tiêu ngân sách. Điều Eisenhower mong muốn là đưa ra một sách lược hứa hẹn những điều mà mọi phe đều chấp nhận được. Về cơ bản, trước đây ông đã cam kết rằng chính phủ mình sẽ đẩy lùi được bước tiến của cộng sản ở Đông Dương mà không cần huy động lính Mỹ. Để thay đổi bất cứ nội dung nào của cam kết này, ông sẽ cần sự ủng hộ của Quốc hội.

Trong vai trò là anh hùng của nước Mỹ thời Thế chiến thứ II, Eisenhower có tiếng nói với trọng lượng nhất định trong các vấn đề đối ngoại của quốc gia. Nhưng phong cách lãnh đạo của Eisenhower thường luôn tránh đối đầu với Quốc hội, trừ phi trong tình huống bất khả kháng.

Cách thức ông ứng xử với các đồng minh cũng tương tự, đặc biệt là với Pháp. Mặc dù giận dữ vì Paris chỉ nhận tiền chứ không nhận tư vấn từ Mỹ, và rất không tán thành kế hoạch của Navarre trong việc lựa chọn Điện Biên Phủ làm địa điểm cho trận đánh cuối cùng - một lòng chảo vây bọc bởi rừng rậm hiểm trở, không có đường bộ để tiếp tế và tăng viện, không có đường rúi lui – “là một quân nhân, tôi kinh sợ [kế hoạch này]”, ông nói – nhưng sau khi trận địa đã bày xong, Eisenhower vẫn ủng hộ Pháp, cả về vật chất lẫn tinh thần, để tránh xảy ra một cuộc tháo chạy vô phương cứu vãn. 

Tháng 1 năm 1954, Thủ tướng Pháp Laniel khẩn thiết đề nghị Washington hỗ trợ cho cuộc chiến sắp xảy ra ở Điện Biên Phủ. Trước kia chỉ đề nghị về tài chính, nhưng lần này Pháp xin hỗ trợ 400 thợ máy của không quân Mỹ, sự hiện diện đầu tiên của quân đội Mỹ trong cuộc chiến ở Việt Nam. Được sự đồng ý của Ủy ban Đặc biệt về Đông Dương, Eisenhower đồng ý gửi đi 200 người. 

Sau đó, ông đã phải đứng ra giải thích với các nhà lập pháp hàng đầu, đang tức giận vì Quốc hội bị đứng ngoài cuộc và chỉ được biết về thỏa thuận với Pháp do tin tức rò rỉ ra báo chí. Nhưng với những lời lẽ mềm mỏng và các hứa hẹn, Eisenhower không những dàn hòa được vụ này mà còn giành được sự ủng hộ từ họ. Sau khi được Quốc hội chính thức thông qua gói hỗ trợ cho Pháp, ngày 10/2 ông đã trả lời họp báo bằng lời xoa dịu những người phản đối: “Không có bi kịch nào lớn hơn cho nước Mỹ là đi dính líu sâu vào một cuộc chiến sinh tử” ở Đông Dương. 

“Không thể thắng bằng quân sự”

Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu ngày 13/3/1954. Trong 5 ngày đầu tiên, Việt Minh chiếm lĩnh ba cứ điểm phía Bắc, xóa sổ hai đường băng, giết và làm bị thương hai tiểu đoàn của Pháp. Một tiểu đoàn nữa đào ngũ. Giám đốc CIA Allen Dulles báo cáo với Eisenhower rằng bên phòng thủ chỉ có 50-50 phần trăm cơ hội giữ vững. 

Đây là bối cảnh khi tướng Paul Ely, Tham mưu trưởng của Pháp tới Washington theo lời mời của Tổng Tham mưu trưởng Mỹ, đô đốc Arthur Radford, người từ lâu muốn thúc đẩy Mỹ can thiệp sâu và mạnh mẽ hơn vào chiến sự ở Đông Dương. Chính Radford thuyết phục Ely rằng việc đưa máy bay Mỹ vào ném bom Điện Biên Phủ là cần thiết, và cùng nhất trí với nhau mỗi người sẽ đi thuyết phục chính phủ của nước mình về chủ trương này. 

Tuy nhiên, Eisenhower đã cân nhắc các lựa chọn khác nhau về chính sách của Mỹ đối với tình hình ở Điện Biên Phủ (thậm chí từng ra lệnh cho Hạm đội 7 sẵn sàng can thiệp trong trường hợp Mỹ tuyên chiến), và ông không tìm được giải pháp nào thỏa đáng. Việc can thiệp quân sự này phá vỡ nhiều nguyên tắc và mục tiêu chính trị mà Eisenhower coi trọng: phi thực dân, thận trọng về quân sự, cân đối ngân sách, duy trì hòa bình [cho nước Mỹ]. Và điều quan trọng nhất là, Eisenhower chưa bao giờ tin rằng việc can thiệp quân sự sẽ đem lại kết quả tốt hơn so với đàm phán. Khi chưa thành Tổng thống Mỹ và vẫn đang là một vị tướng trong quân đội, ông đã viết trong nhật ký của mình về tình trạng vô vọng của Pháp khi cố gắng níu giữ Đông Dương: “Tôi tin là không thể thắng bằng quân sự trong cuộc chiến này. Cho dù Đông Dương không còn người Cộng sản nữa thì ngay bên kia biên giới là Trung Quốc với nguồn nhân lực vô tận”.

Có thể nói rằng Eisenhower đã rất dụng tâm trong việc che dấu chủ trương không can thiệp quân sự vào chiến tranh Đông Dương. Ông ta giấu kín chủ kiến của mình trước công chúng, Quốc hội, những đồng minh thân cận nhất của Mỹ, và giấu kín cả với những cố vấn của mình. Bên cạnh đó, ông làm như thể chuyển giao trách nhiệm đưa ra quyết định vào tay người Anh, qua đó biện minh việc Mỹ không can thiệp cho lý do là các đồng minh của Mỹ đã không đủ quyết tâm. 
Chính sách thao túng kiểu Machiavelli đã khiến sau này người ta gọi Eisenhower là “vị Tổng thống giấu tay”.
Tuy nhiên, trong vai trò là Tổng thống Mỹ, Eisenhower không muốn bộc lộ ra những điều mà một vị tướng quân đội có thể tự do bày tỏ trong nhật ký của mình. Ông không muốn phát ngôn ra điều gì có thể làm hủy hoại nhuệ khí của Pháp. Các cố vấn của Tổng thống thường xuyên cảnh báo rằng nếu tinh thần bại trận lan truyền quá nhanh ở Pháp và quân đội của họ ở Đông Dương, Navarre có thể sẽ đầu hàng trước những người cộng sản từ trước khi diễn ra Hội nghị Geneva. Vì vậy, Eisenhower khuyên người Pháp nên cố gắng duy trì tới cùng, và ông tính rằng Pháp cuối cùng sẽ tự tháo gỡ khỏi Đông Dương tại hội nghị đàm phán hòa bình. 


Kế sách hoãn binh

Trước những đòi hỏi trong nội bộ nước Mỹ từ chính bộ máy của mình cho việc đưa không quân Mỹ vào can thiệp ở Đông Dương, đầu tiên Eisenhower dùng kế hoãn binh, bằng cách yêu cầu tiến hành nghiên cứu. Nhưng tới tháng 4, sức ép từ Hội đồng An ninh Quốc gia quá lớn, buộc ông ta phải đưa ra câu trả lời trực tiếp. Tới lúc này, thay vì tiếp tục thảo luận với các cố vấn của mình, đa số là các diều hâu hiếu chiến, Eisenhower đưa ra câu trả lời rằng quyết định can thiệp hay không phải được đưa ra bởi các nghị sĩ. Ông ra lệnh cho Radford và Dulles đi hỏi ý kiến các lãnh đạo của cả hai đảng trong Quốc hội.

Đúng như Radford nghi ngờ, đây chỉ là một cách khác để Eisenhower né tránh trách nhiệm từ chối thẳng thừng việc giúp đỡ Pháp. Tổng thống Mỹ đã từ chối tham dự cuộc họp với Hạ viện để vận động tấn công bằng không quân. Ông cũng không thực hiện bất kỳ cuộc gọi điện thoại nào để giúp thuộc cấp vận động các nghị sĩ. Ông cũng không cho phép Dulles trình trước các nghị sĩ dự thảo nghị quyết mà Bộ Quốc vụ Mỹ (có vai trò như một bộ ngoại giao) đã chuẩn bị, với nội dung cho phép Tổng thống được ra lệnh tiến hành các hoạt động hải quân và không quân. Thay vào đó, như ông nói, cứ để cho các nghị sĩ bày tỏ họ muốn làm gì.

Quốc hội Mỹ đã hành xử đúng như Eisenhower mong muốn. Các nghị sĩ đại diện trong cuộc gặp với Dulles và Radford đã khẳng định rằng họ chỉ đồng ý cho nước Mỹ can thiệp vào cuộc chiến với 3 điều kiện: một là phải có vai trò tham gia của nước Anh; hai là Pháp hứa sẽ tham chiến cho đến khi giành thắng lợi; ba là Pháp giải phóng cho các thuộc địa. Eisenhower hân hoan chấp nhận các điều kiện này.

Ông ta thậm chí còn đặt ra những đòi hỏi chi tiết hơn. Ông kiên quyết cho rằng mọi hành động can thiệp phải có sự tham dự của lính Anh, mặc dù thừa biết quan điểm của chính phủ Thủ tướng Churchill là cam kết đi theo lộ trình hòa bình Geneva. Ông cũng đòi hỏi để đi đến hành động, trước hết Quốc hội phải tiến hành bỏ phiếu, một quy trình rất tốn thời gian. 

Eisenhower hứa hẹn với các cộng sự đang thất vọng của mình rằng ngay khi các điều kiện nói trên được thỏa mãn, sau khi đánh giá thấy tình hình chiến sự đủ nghiêm trọng, ông ta sẽ ra lệnh ném bom xung quanh Điện Biên Phủ. Còn trước mắt, ông nói, Dulles đã có “đủ cơ sở để đi thương thuyết với các quốc gia khác và nói với họ rằng nếu họ đồng ý với đề xuất mà chúng tôi đưa ra, chúng tôi sẽ sẵn sàng tham gia vào một cuộc hội ý”. Tuy nhiên, ngoài việc cấp cho Dulles một lá thư duy nhất, với những ngôn từ không thật rõ ràng gửi tới Churchill, Eisenhower không làm bất cứ động tác nào khác để thuyết phục các đồng minh. Việc gửi Dulles đi thương thuyết ở Anh đơn thuần chỉ làm phân tán lực lượng những người trong chính quyền muốn Mỹ can thiệp vào Đông Dương, cũng đồng thời hất sang Anh nghĩa vụ từ chối đề nghị cứu trợ của Pháp – dưới vỏ bọc là tôn trọng Quốc hội và tinh thần đa phương quốc tế. 

Vị tổng thống giấu tay

Ngược lại, trước công chúng Eisenhower thể hiện một thái độ tuyên chiến với Cộng sản. Trả lời họp báo ngày 7/4, Eisenhower tuyên bố rằng nước Mỹ không được phép tiếp tục để thua một lần nữa trước Cộng sản. Ông từ chối trả lời khi một phóng viên hỏi trong trường hợp khẩn cấp, liệu Chính phủ Mỹ có hành xử “đơn phương” tham chiến ở Đông Dương. Đúng như Eisenhower dự kiến, báo chí Mỹ tin vào những lời lẽ hiếu chiến của Tổng thống. “Mỹ chọn Đông Dương là nơi chặn bước tiến của Cộng sản ở Đông Nam Á, cho dù cần phải tham chiến”, các tờ US News và World Report cùng công bố. Đây là một trong những đe dọa trống rỗng nhất của Eisenhower. Từ trước khi những bài báo này được viết, Tổng thống Mỹ đã ra lệnh rút hải quân Mỹ ra khỏi Vịnh Bắc Bộ.

Trong khi đó, Dulles đơn thương độc mã tìm cách vận động các đồng minh cùng nhất trí tham gia hành động. Ngay cả Pháp cũng không mặn mà với các hành động đa phương. Chỉ tới lúc bị dồn đến chân tường, đúng một ngày trước khi bắt đầu Hội nghị Geneva, Chính phủ Laniel cuối cùng mới chấp nhận yêu cầu của Washington, và liên hệ với Ngoại trưởng Anh, Anthony Eden về đề nghị Anh tham gia ném bom xung quanh Điện Biên Phủ. Không có gì là bất ngờ khi Eden từ chối. Với việc từ chối tham gia hành động, Chính phủ Churchill đã khiến Dulles không thể thỏa mãn các điều kiện tiên quyết mà Quốc hội Mỹ và Eisenhower đặt ra trước khi tiến hành can thiệp quân sự.

Như vậy, có thể nói rằng Eisenhower đã rất dụng tâm trong việc che dấu chủ trương không can thiệp quân sự vào chiến tranh Đông Dương. Ông ta giấu kín chủ kiến của mình trước công chúng, Quốc hội, những đồng minh thân cận nhất của Mỹ, và giấu kín cả với những cố vấn của mình. Bên cạnh đó, ông làm như thể chuyển giao trách nhiệm đưa ra quyết định vào tay người Anh, qua đó biện minh việc Mỹ không can thiệp cho lý do là các đồng minh của Mỹ đã không đủ quyết tâm. 

Chính sách thao túng kiểu Machiavelli 1 đã khiến sau này người ta gọi Eisenhower là “vị Tổng thống giấu tay”. (Phải 3 thập kỷ sau, khi mở những giấy tờ riêng tư của Eisenhower, các học giả mới thực sự biết được những tính toán ẩn dưới vẻ ngoài điềm đạm của ông).

Kết thúc

Ngày 7/5, Điện Biên Phủ hoàn toàn thất thủ vào tay Bộ đội Việt Minh. Khoảng 6500 tới hơn 10000 quân Pháp bị bắt sống, trong đó 40% đang bị thương. Ngày 21/7 Hội nghị Geneva đưa ra tuyên bố cuối cùng kết thúc cuộc chiến, và khẳng định ba nước Đông Dương không còn là thuộc địa của Pháp. Việt Nam “tạm thời” bị chia cắt ở vĩ tuyến 17 cho tới khi một cuộc tổng tuyển cử sẽ quyết định tương lai chính trị của quốc gia.

Các sử gia cùng nhất trí cho rằng thành công lớn nhất của Eisenhower trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình là bảo tồn được hòa bình cho nước Mỹ. Bản thân ông cũng cho là như vậy. “Nước Mỹ không để mất người lính nào, hay một tấc đất nào dưới chính quyền của tôi”, ông nói. “Chúng ta giữ được hòa bình. Người ta hỏi nhờ đâu mà được như vậy – nhờ Thượng đế, không phải tự nhiên mà có điều ấy, tôi có thể khẳng định như vậy với các bạn”.

Đúng là mọi chuyện không tự nhiên mà xảy ra với những người trong cuộc. Eisenhower đã bị vây bọc giữa những lựa chọn mà quyết định nào cũng để lại hậu quả, và ông đã đưa ra những quyết định cứng rắn đi ngược lại lời khuyên từ đa số Hội đồng An ninh Quốc gia, làm lung lay Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Vậy mà bằng cách thức riêng, ông đã làm như thể mình chẳng làm gì, đơn thuần chỉ là chứng nhân bất lực trước các sự kiện, phụ thuộc vào Quốc hội, vào đồng minh. Ông thậm chí còn cải thiện mối quan hệ giữa hành pháp và lập pháp ở Mỹ qua thái độ tỏ ra hết mực tôn trọng quyền lực của Quốc hội.

Nhưng chính sách cẩn trọng của Eisenhower cũng khiến quan hệ của Mỹ với các đồng minh sứt mẻ. Mầm mống của sự ngờ vực lẫn nhau đã được gieo, và bùng nổ trong cuộc khủng hoảng kênh đào Suez. Sự không tin cậy của Pháp đối với Mỹ lên đến đỉnh điểm khi De Gaulle rút nước Pháp khỏi mạng lưới điều hành NATO, trục xuất trụ sở NATO khỏi Fontainebleau, và xác lập sự độc lập về vũ khí hạt nhân.

Chính sách thận trọng của Eisenhower đã giúp ông duy trì uy tín của mình giữa các phe khác nhau ở trong nước, giúp ông tiếp tục điều hành hiệu quả trong một giai đoạn phức tạp của lịch sử nước Mỹ. Đáng tiếc, điều này chưa đủ để giúp nước Mỹ sau này tránh sa chân vào một cuộc chiến mà Eisenhower đã thấy trước là không thể thắng được. 1

Thanh Xuân lược dịch 
-----------------
1 Nhà ngoại giao, triết học chính trị, nhà viết kịch người Ý sống thời thế kỷ 15-16

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét