Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

LÒNG NHÂN ÁI CỦA BÁC HỒ VỚI TÙ BINH PHÁP Ở MẶT TRẬN BIÊN GIỚI NĂM 1950


LÒNG NHÂN ÁI CỦA BÁC HỒ VỚI TÙ BINH PHÁP
 Ở MẶT TRẬN BIÊN GIỚI NĂM 1950

Cao Thị Phương Thảo – K59B 
Khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Hà Nội


         Nhìn lại lịch sử quân sự thế giới hiện đại, hiếm thấy vị nguyên thủ quốc gia nào trực tiếp đi chiến trường. Nhưng trong Chiến dịch Biên Giới năm 1950, Bác Hồ đã đi suốt chiến dịch, ra tận mặt trận, cùng quân và dân ta tiến hành một chiến dịch lớn, giành thắng lợi mang ý nghĩa lịch sử, tạo ra bước ngoặt cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược. Hình ảnh Bác Hồ ra trận đã trở thành biểu tượng cao quý mỗi khi nhắc đến chiến dịch Biên giới thu đông 1950. Nhưng điều đặc biệt, có ý nghĩa hơn cả không chỉ ở hình ảnh Bác trực tiếp ra trận chỉ đạo chiến dịch mà còn ở hình ảnh Bác đối xử tận tình và nhân ái đối với tù binh Pháp bị bắt trong chiến dịch này. Điều này làm cho chiến dịch Biên giới năm 1950 không chỉ có ý nghĩa về mặt quân sự mà còn có ý nghĩa nhân đạo cao cả.
Ngay trước khi ra mặt trận, Bác đã có chỉ thị đối với cán bộ, chiến sĩ, quân và dân ta: “...Ở khu vực Cao Bằng, Lạng Sơn địch bố trí nhiều đơn vị lính Âu Phi tinh nhuệ nên cần chọn cán bộ quân báo thông thạo tiếng Pháp, quán triệt chính sách chủ trương khoan hồng nhân đạo của Đảng, Nhà nước, Quân đội ta đối với hàng binh, tù binh địch đã hạ súng” [3;1]. Vì ngoài một số tên chỉ huy nặng đầu óc thực dân, đa số binh lính địch là người lao động đi lính cho Pháp vì nhiều lý do khác nhau, giác ngộ cho họ mục đích chiến đấu chính nghĩa của chúng ta, để họ trở thành người chống chiến tranh phi nghĩa, người dân lương thiện khi được trả về nước sau này.

Không chỉ trong chỉ thị mà trong cả những lần ra chiến trận, tiếp xúc trực tiếp với tù binh Pháp, Bác Hồ đã thể hiện lòng nhân ái đối với tù binh Pháp, thể hiện tấm gương cao cả về lòng yêu thương con người của vị lãnh tụ đất nước. Trong cuốn “Vừa đi đường vừa kể chuyện” của tác giả T.Lan đã ghi lại một số mẩu chuyện về cuộc đời Cách mạng của Bác Hồ do chính Người kể trên đường ra mặt trận trong chiến dịch Biên giới 1950, trong đó có mẩu chuyện kể về lần tiếp xúc của Bác với tù binh Pháp và thái độ khoan dung của Người. Trong một buổi chiều sau khi đã đi bộ được 40 km, Bác và các đồng chí nghỉ chân ở một xóm đồng bào Nùng. Trong hoàn cảnh ấy, Bác đã gặp “...Một tốp hơn một trăm tên vừa quan vừa lính của tiểu đoàn Sác - Tông, do một tiểu đội ta giải đi, đang kéo qua làng. Số đông chúng chỉ mặc quần áo lót, vì trước đây vài hôm, chúng đã bị quân ta đánh úp, không kịp trở tay, cũng không kịp mặc áo. Tên nào cũng mặt mày khờ khạo, râu ria xồm xoàm. Có tên dù không bị thương cũng đã đi cà nhắc. Bao nhiêu “khí thế yêng hùng” của bọn lê dương của “quân đội đại Pháp” đều biến mất hết. Trước kia chúng ngang tàng dữ tợn bao nhiêu, thì bây giờ chúng càng mếu máo tiều tuỵ bấy nhiêu, chúng đã trở nên một đàn người chẳng nên người, ngợm không ra ngợm. Trong đám chúng có một tên ở trần, áo lót cũng không có. Hoàng hôn ở vùng rừng thì trời bắt đầu rét, nó chạy co ro. Chạnh lòng thương hại, Bác cởi vất cho nó một cái áo. Nó chắp tay vái và miệng lẩm bẩm: “Cám ơn ngài! Cám ơn ngài!” Bác bảo nó: “Thôi, đi đi!” [1;39]. 

Không những thế, Bác còn hoá trang làm một cán bộ mới bị thương, lấy vải băng che tóc, che râu, rồi đến hỏi chuyện những tù binh Pháp. Tên lính thấy  thầy thuốc tỏ vẻ hối hận và nói: “Thôi. Thôi! Tôi chán ngấy chiến tranh lắm rồi! Chính phủ Pháp đã tuyên truyền láo toét! Chúng nói Việt Minh chỉ là một nhóm phiến loạn, không có quần chúng ủng hộ… Bây giờ tôi thấy rõ rồi. Nếu được tha về, tôi sẽ nói hết sự thật cho nhân dân Pháp biết…” [1;12]. Chính lòng nhân ái của Bác đã làm thay đổi thái độ, suy nghĩ của ngay cả kẻ thù, những người ở bên kia giới tuyến. Không chỉ với lính Pháp, ngay cả trong hàng ngũ chỉ huy của Pháp ở mặt trận Biên giới cũng phải thay đổi quan điểm và suy nghĩ trước thái độ khoan dung của Người. Viên chỉ huy quân Pháp ở Cao Bằng là Sác - tông sau khi bị bắt ở mặt trận Biên giới đã hung hăng nói với Bác: “Nếu còn có Thống chế Pê - tanh cầm quyền ở Pháp, thì chắc không xảy ra cuộc chiến tranh này. Nếu có chiến tranh thì quân đội Pháp cũng không đến nỗi thất bại…”[1;13].

Bác không ngắt lời mà còn mời Sác - tông hút thuốc và nói rõ về sự lừa dối của Chính phủ Pháp với binh lính Pháp khi đẩy sang Việt Nam gây chiến tranh phi nghĩa. Cuối cùng Sác - tông cũng phải nhận rằng chiến tranh xâm lược là phi nghĩa, thực dân Pháp đã thua, quân đội ta thắng. Sác - tông còn nói thêm: “Như thái độ của ông, thì tôi có thể nói chuyện. Còn các cán bộ trẻ tuổi của ông muốn thuyết phục tôi, thì thuyết phục sao được…” [1;14].

Sau chiến thắng Biên giới – 1950, số tù binh rất đông, có nhiều người bị thương rất nặng. Đó là một gánh nặng quá lớn với ngành hậu cần. Bác đã chỉ thị phải cứu chữa tận tình cho thương binh địch, không được để tù binh thiếu ăn trong lúc thuốc men lương thực ta không hề dư dật. Bác chỉ thị cho Bộ chỉ huy chiến dịch thông báo cho phía Pháp rằng sẽ trao trả tất cả số tù binh bị thương tại Thất Khê. Bộ chỉ huy chiến dịch của ta đã tổ chức một buổi lửa trại để bộ đội ta chào mừng chiến thắng giòn giã chiến dịch Biên giới và gây ấn tượng sâu sắc đối với thương binh địch. Trong buổi lửa trại đó, bất ngờ một tù binh bị thương nào đó hô to: “Vive Ho-Chi-Minh!” (Hồ Chí Minh muôn năm!), sau đó tất cả thương binh đồng loạt hô theo.

Một thương binh địch ôm cánh tay cụt đứng dậy nghẹn ngào nói bằng tiếng Pháp: “Tôi là người Đức bị Pháp bắt làm tù binh rồi ép sang đây làm lính Lê dương. Năm năm rồi tôi rất khổ mà không thèm khóc. Tối hôm nay tôi khóc vì sung sướng. Tôi không bao giờ  quên được buổi tối hôm nay. Mãi mãi khi nhớ tới buổi lửa trại này tôi sẽ lại khóc. Cảm ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh” [3;1].
Sau này Vô-le (viên chỉ huy Phó đồn Phong Khê) đã viết trong hồi ký của mình: “Chủ tịch Hồ Chí Minh và dân tộc của Cụ đã xem chúng tôi chỉ là những công cụ mù quáng, những quân nhân bị lừa phỉnh bởi những luận điệu tuyên truyền dối trá. Sự giam giữ này không phải là sự trừng phạt mà là cơ hội cho những tù binh biến cải trở thành những chiến sỹ hòa bình…” (Theo tác giả Hữu Ngọc đăng trên báo Le Courrier du Viet Nam số 1857 ngày 27/2/2000).
Hình ảnh Bác Hồ ra mặt trận và trực tiếp chỉ đạo chiến dịch đã trở thành một biểu tượng đẹp của chiến dịch Biên Giới năm 1950. Thái độ ân cần và khoan dung của Người đối với tù binh Pháp không chỉ để lại ấn tượng tốt đẹp trong tâm trí những người lính Pháp về một vị lãnh tụ có lòng nhân ái cao cả mà còn để lại những bài học cho cán bộ chiến sĩ, quân dân ta tại mặt trận năm xưa bài học về lòng nhân hậu với con người, kể cả kẻ thù đã buông súng. Lòng nhân ái của Bác với tù binh Pháp tại mặt trận Biên giới càng tô đậm nhân cách cao đẹp của Người, vị lãnh tụ có tấm gương đạo đức mẫu mực, đúng như Người đã từng nói: “Lòng thương yêu của tôi đối với nhân dân và nhân loại không bao giờ thay đổi” [4;1].

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] T.Lan, 2000, Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb Thanh Niên, Hà Nội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét