CHẤT MÀU DA CAM – NHỮNG LỜI THÚ NHẬN VÀ XÁM HỐI CỦA
NGƯỜI CHỈ HUY HẢI QUÂN MĨ TRONG CUỘC CHIẾN TRANH VIỆT NAM
TS. Nguyễn Mạnh Hưởng
Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Cuộc chiến tranh xâm lược của Mĩ ở Việt Nam nếu chỉ tính từ năm 1960, khi có khoảng 600 cố vấn Mĩ tại miền Nam[1] đến lúc tên lính Mĩ cuối cùng rời khỏi nơi này (29/3/1973), kéo dài khoảng 13 năm hai tháng. Hoặc, tính từ lúc quân viễn chinh Mĩ đổ bộ xuống Đà Nẵng (tháng 3/1965) đến tháng 3/1973 thì thời gian kéo dài đúng 8 năm. Cho đến nay, đây là cuộc chiến tranh kéo dài nhất trong lịch sử hơn 200 năm tồn tại của Hoa Kỳ (từ khi nhân dân Bắc Mĩ giành được độc lập, thoát khỏi sự thống trị của thực dân Anh - 1776). Cuộc nội chiến của nước Mĩ chỉ diễn ra trong 4 năm (từ tháng 4/1861 đến tháng 5/1865); cuộc chiến tranh giữa Mĩ và Tây Ban Nha diễn ra trong vòng 1 năm (1898); trong chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918), Mĩ chỉ tham dự trong 1 năm 7 tháng (từ tháng 4/ 1917); trong chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945) là 3 năm; chiến tranh với Triều Tiên kéo dài 3 năm (1950 – 1953); các cuộc chiến tranh vùng Vịnh (1991), ở Côsôvô (1999) và chiến tranh ở Irắc (2003) cũng diễn ra trong một thời gian ngắn và ít “hao người, tốn của” như cuộc chiến tranh mà Mĩ đã từng tham gia ở Việt Nam. Thực ra, cuộc chiến tranh xâm lược của Mĩ ở Việt Nam phải được tính từ năm 1954 (không kể thời gian Mĩ can thiệp vào Đông Dương, 1950 – 1954) đến lúc miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/ 4/ 1975).
Quả thực, nếu ai từng theo dõi lịch sử nước Mĩ kể từ ngày 4/7/1776, ngày công bố Tuyên ngôn độc lập của Mĩ, đến ngày 7 tháng 3 năm 1965, ngày đế quốc Mĩ đưa quân ồ ạt vào, trực tiếp xâm lược miền Nam Việt Nam, chúng đã tiến hành hàng chục cuộc chiến tranh lớn, và khi kết thúc chiến tranh, Mĩ luôn luôn là người chiến thắng. Cho đến trước khi xảy ra “cuộc đụng đầu lịch sử”ở Việt Nam, vai trò “sen đầm quốc tế” và sức mạnh của Mĩ nói chung chưa bị sứt mẻ. Nhưng, kể từ khi đế quốc Mĩ lao vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam thì tình hình này hoàn toàn đảo ngược. Thất bại của Mĩ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam nói riêng và ở Đông Dương nói chung đã đánh dấu bước ngoặt đi xuống của Mĩ. Từ chỗ là cường quốc số 1 thế giới về mọi mặt, Mĩ đã suy yếu nhiều về quân sự, chính trị, kinh tế, tài chính. Chính những người đứng đầu nước Mĩ đã phải thú nhận: trong 199 cuộc “xung đột quân sự” của Mĩ ở nước ngoài từ 1798 đến 1973, đây là cuộc xung đột đầu tiên mà Mĩ không dám nói rằng mình chiến thắng[2]. Mặc dù Mĩ đã tiêu tốn đến mức kỷ lục: chi phí trực tiếp 676 tỷ đôla (trong chiến tranh thế giới thứ hai là 341 tỷ, chiến tranh Triều Tiên là 54 tỷ), nếu tính cả chi phí gián tiếp thì lên tới 920 tỷ đôla[3]; huy động tới lúc cao nhất 68% bộ binh, 60% lính thủy đánh bộ, 32% lực lượng không quân chiến thuật, 50% lực lượng không quân chiến lược của toàn nước Mĩ[4]. Đặc biệt, Mĩ đã dội xuống hai miền đất nước ta 7.800.000 tấn bom đạn các loại, nhiều gấp ba lần số bom đạn mà Mĩ ném xuống châu Âu, châu Phi và Thái Bình Dương trong chiến tranh thế giới thứ hai (2.057.244 tấn)[5], ... nhưng cuối cùng Mĩ vẫn phải cuốn cờ về nước, mang theo hơn 58.000 sinh mệnh Mĩ (hiện được khắc trên những bức đá hoa cương bên cạnh đài tưởng niệm Lincôn ở Oasinhtơn) và hơn 300.000 người bị thương. Đây quả là con số thương vong kỷ lục mà nước Mĩ chưa từng chịu đựng trong lịch sử của mình. Quan trọng hơn nữa, “nước Mĩ đã bị mất mặt với nhiều quốc gia khi rút lui lực lượng của mình khỏi Việt Nam”[6].
Hiện nay, việc giải đáp về những câu hỏi lớn xoay quanh sự thất bại của Mĩ ở Việt Nam đã có hàng trăm cuốn sách dưới các chủ đề khác nhau. Tiêu biểu là “Where the Domino Fell. America and Viet Nam (1945 – 1995)” (Nơi học thuyết Đôminô sụp đổ. Nước Mĩ và Việt Nam từ 1945 đến 1995) đã rút ra kết luận: Việt Nam là nơi mà học thuyết Đôminô của Mĩ bị sụp đổ và nguyên nhân sự thất bại không tránh khỏi là do Mĩ đã phạm “một sai lầm ngớ ngẩn, ghê ghớm, con đẻ của một hỗn tạp kỳ quặc giữa sự hoang đường và tính kiêu ngạo,… mù quáng đối với lịch sử, tin tưởng ngây thơ vào vai trò quyền lực đứng đầu trên trái đất. Đây là một cuộc chiến tranh sai lầm ở một nơi sai lầm, tại một thời điểm sai lầm vì những lý lẽ sai lầm”[7].
Cuộc chiến tranh xâm lược của Mĩ ở Việt Nam đã đi qua 37 năm, nhưng với người Mĩ, nhất là những người từng tham gia cuộc chiến tranh thì kí ức đau thương của họ không bao giờ hết. Nhiều người vẫn luôn day dứt về những tội ác của mình đã gây ra ở Việt Nam, họ đã viết lên nhiều cuốn hồi ký với hi vọng giải thoát phần nào sự ám ảnh của quá khứ tủi nhục. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin dẫn ra những lời thú nhận và xám hối của Đô đốc Zum – oát (theo cuốn “Cha con tôi”), người chỉ huy hải quân Mĩ trong chiến tranh Việt Nam, nhằm cung cấp thêm cho chúng ta một nguồn tư liệu quan trọng từ phía Mĩ nói về chất độc màu da cam mà Mĩ gây ra ở Việt Nam.
Đô đốc Zum – oát, người chỉ huy hải quân Mĩ ở Nam Việt Nam, một trong những người đã ra lệnh rải chất độc da cam dọc các dòng sông để bảo vệ con trai mình và binh lính dưới quyền. Nhưng, hiện nay ông đã phải thú nhận thất bại, nhận trách nhiệm và hậu quả phải trả giá do mình gây nên. Zum – oát dằn vặt: Việc làm này không những gây đau khổ cho biết bao gia đình Việt Nam, mà nó còn làm cho 3 thế hệ dòng họ nhà Zum – oát phải trả giá đặc biệt nặng nề, con trai là En-mô mắc hai bệnh ung thư đã chết năm 1988, cháu nội Ru-xen không có khả năng học hành và cháu gái thì bị dị tật bẩm sinh[8],…
1. Chiến dịch Ranch Hand thất bại và những bi kịch đối với đồng đội.
Theo lời của Zum – oát, vào đầu những năm 60 ông ta làm phụ tá cho Pôn-nít-dơ và đã được phong làm chuẩn đô đốc 2 sao (tháng 7/1965). Từ lâu, ông ta thấy mình đã bị lôi cuốn sâu vào cuộc chiến tranh này, mặc dù cùng với Pôn-nít-dơ nhận thấy đây là cuộc chiến tranh sai lầm. Vào thời điểm này, số thương vong của hải quân tăng lên đáng kể và nước Mĩ ngày sàng dính líu sâu hơn vào cuộc chiến tranh. Số tử vong của các đội tuần tra sông lên đến tỉ lệ cao không thể chấp nhận được là 6% một tháng, có nghĩa cứ một người lính phục vụ một năm tuần tra sông thì có tới 60 – 75% khả năng bị giết hoặc bị thương. Tháng 9/1968, mệnh lệnh cấp trên buộc ông phải có mặt tại Việt Nam để làm chỉ huy trưởng lực lượng hải quân nội địa ở miền Nam, và với lần chỉ huy mới này ông đã được thêm 1 sao (trở thành đô đốc 3 sao).
Sau khi nhậm chức, Zum – oát nghĩ ra một biện pháp có thể cứu sinh mạng lính Mĩ là loại bỏ càng nhiều càng tốt các rừng rậm, phá hủy các tán lá dọc theo bờ sông để đẩy kẻ thù ra xa hơn và gây khó khăn cho họ trong việc phục kích các tàu tuần tra của quân Mĩ. Ông ta cho biết, chất màu da cam đã được sử dụng để làm rụng lá các loại cây, vì vậy phải ra lệnh tăng cường sử dụng chất da cam này. Lực lượng không quân sẽ chịu trách nhiệm rải chất da cam và gọi chiến dịch khai hoang đó là “chiến dịch Ranch Hand”. Sau đó, 24 chiếc C – 130 mỗi tuần rải xuống hàng nghìn ga-lông chất làm rụng lá cây ở các khu rừng rậm Việt Nam.
Theo Zum – oát, khi ông ta đến Việt Nam khoảng 4 – 5 tháng thì nhận được tin con trai của mình là En-mô Zum – oát III tình nguyện sang Việt Nam với cương vị chỉ huy tàu Chim én. En-mô cũng đề xuất nhiều ý kiến để cải tiến công việc rải chất da cam, ngăn chặn sự chi viện vũ khí, lương thực, thuốc men và các đợt phục kích của kẻ thù dọc các con sông và cánh rừng. Mặc dù vậy, “chúng tôi không ngăn chặn được tận gốc việc chở lậu vũ khí trên sông”, cũng “không thể ngăn chặn những con tàu đang đi trên vùng biển quốc tế, . . . Họ còn chở ngày càng nhiều vũ khí vào nam Việt Nam bằng đường bộ, nhiều khi gùi cả trên lưng,…”[9]. Ngày 1 -7 – 1970, Zum – oát trở thành Tư lệnh Hải quân, đến mùa xuân năm 1975, cùng với nước Mĩ ông ta phải chịu thất bại và thú nhận: “Sự thất bại của chúng ta ở Việt Nam, làm cho tôi tràn ngập niềm đau xót, mất mát khủng khiếp cho những nhười đã chết và bị thương cả về thể xác lẫn tâm hồn, … vì ta đã thua trong cuộc chiến tranh”. Những đồng đội của ông ta cũng bị đau đớn rằn vặt, nhiều người bị các chứng bệnh lạ không thể hiểu nổi như mất trí nhớ, bị phù chân tay, ho khan, đau đầu, rụng tóc, … Một số không chịu được đều tìm đến cái chết để kết liễu cuộc đời mình.
2. Những bi kịch đối với gia đình.
Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau dằn vặt của Zum – oát và En-mô (con trai ông ta) trong cuốn “Cha con tôi”, thì không thể dấu nổi. Ông ta thú nhận: “những điều xảy ra đối với con trai, rồi cháu nội đầu tiên Ru-xen như là kết quả của cuộc chiến tranh, nó làm cho nỗi đau của tôi càng thêm bội phần”.
En-mô lúc chưa lìa cõi đời thì kể lại sự thật qua cuốn sách: Khi Ru-xen lên 4 tuổi, thật đau lòng là rõ ràng cháu không phát triển bình thường như những đứa trẻ lên 4 khác. Nguyên nhân tại sao thì cũng không rõ. Nhưng, qua báo chí và truyền hình, En-mô và Ka-ty (vợ En-mô) cũng hiểu được rằng con của các cựu chiến binh từ Việt Nam trở về đều bị nhiều khuyết tật bẩm sinh nghiêm trọng, mà người ta nghi ngờ do chất da cam gây nên. Trong khi đó, En-mô không nén nổi những trận ho khan mà mình đã bị mắc phải ít lâu, và khi đi khám bác sĩ thì biết đã mắc phải bệnh ung thư. Cả gia đình Zum – oát đều vô cùng đau khổ khi biết En-mô mắc căn bệnh hiểm nghèo, En-mô thì cho rằng chất da cam có thể đã liên quan đến bệnh ung thư của mình. Ý nghĩ ấy ngày càng ám ảnh anh ta, đặc biệt còn thể hiện rõ qua sự chậm phát triển trí tuệ của Ru-xen.
Thông qua tìm hiểu kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Mĩ về chất độc hóa học, cả Zum – oát và En-mô biết được rằng, khả năng hủy diệt của DTT đối với côn trùng thế nào thì chất da cam đối với trái cây như vậy. Da cam là hợp chất 50 – 50 của hai loại chất diệt cỏ 2.4 – 5 và 2.4.5 – D. Còn hợp chất thứ ba, đi-ô-xin là chất hóa học có độc tính cao nhất, đã được tìm thấy như một tạp chất trong chất da cam và nó được phát sinh trong quá trình sản xuất da cam. Cả Zum – oát và En-mô đều biết rằng có 11 công ty hóa học ở Mĩ đã tham gia quá trình sản xuất các chất diệt lá cây này. Hai người đã đến Lầu năm góc xem một bản đồ các vùng bị rải nặng nề nhất ở Việt Nam. Khoảng 10 – 15% diện tích của Việt Nam bị rải chất da cam, và hai người đã sống ở hai nơi trong số đó (Đà Nẵng và căn cứ nổi giữa sông Cửa Lớn – bán đảo Cà Mau)[10]. Zum – oát cho biết, dựa trên những gì mà mình đã đọc và những cuộc trao đổi với mọi người, thì chất da cam chính là nguyên nhân gây nên ung thư, bệnh dị tật bẩm sinh đối với con trai và đứa cháu của mình. Bởi vì, rất nhiều trường hợp của cựu chiến binh tham chiến ở Việt Nam đã chứng minh rõ ràng điều đó. Đây chính là lý do khiến ông ta vô cùng day dứt về những quyết định khi cho rải chất màu da cam ở Việt Nam.
Nhưng có lẽ, cái đau đớn nhất đối với gia đình Zum – oát chính là người con trai En-mô của ông. Vào tháng 8 – 1985, khi vừa kết thúc 6 tháng điều trị hóa chất, anh ta cảm thấy vô cùng mệt mỏi, dường như lúc nào mình cũng đang phải kéo một vật nặng 22 kg, cảm thấy căng thẳng và hoàn toàn không có khả năng miễn dịch với các loại vi khuẩn. Khi phát hiện đã bị bệnh, En-mô đã được bác sĩ cho cấy ghép tủy xương nhân tạo (phải lấy của em gái), nhưng không thuần tủy xương mà phải cho cả máu và hồng cầu nuôi sống suốt quá trình, phải nằm trong phòng kính kín mít. Tuy nhiên, khoa học hiện đại của nước Mĩ cũng không đủ để cứu sống anh ta và En-mô đã chết năm 1988. Cho đến nay, ở nước Mĩ đã có nhiều cựu chiến binh bị chết giống như cái chết của En-mô có liên quan đến chất màu da cam. Chính bác sĩ Bơn (người thường xuyên theo dõi bệnh án của En-mô) tiết lộ, nhiều cựu chiến binh Việt Nam đã tới viện ung thư quốc gia với căn bệnh lym-phô-ma như thế.
* *
*
Rõ ràng, cho dù chiến tranh đã đi qua, nhưng “Hội chứng Việt Nam” còn kéo dài, đúng như người cha của En-mô, Zum – oát từng thú nhận: “Những gì đã xảy ra với Ru-xen và En-mô đã làm sâu đậm thêm cảm xúc của cá nhân tôi về sự phù phiếm của cuộc chiến tranh Việt Nam và điều này đã là bài học đau đớn nhất cho tôi … Đó là điều đầu tiên tôi nghĩ đến khi tôi thức dậy mỗi buổi sáng, và điều cuối cùng tôi nhớ đến mỗi buổi tối khi tôi đi ngủ”[11]. Hiện nay, nếu chỉ tính sơ sơ thì ở nước ta cũng có hơn 1 triệu người bị nhiễm chất độc da cam. Những di chứng và tác hại lâu dài của nó không chỉ gây ra đau thương cho những người tực tiếp tham gia chiến trường, mà cả thế hệ sau này. Chúng ta cần nhận thấy rõ điều này và phải lên tiếng tố cáo, yêu cầu chính phủ Mĩ cùng góp sức tìm cách khắc phục. Đây không chỉ là vấn đề nhân đạo, mà còn là trách nhiệm giải quyết hậu quả của cuộc chiến tranh nói chung, chất màu da cam nói riêng./.
Chú thích:
[1] Herbert J. Bass, George. H Billas, Emma Jones Lapsansky – America and Amaricans. Volume II, for high school. The Ecker Institude, New Jenef, 1983, page454.
[2] Viện lịch sử quân sự Việt Nam – Trận quyết chiến lịch sử xuân 1975. Hà Nội, 1970, tr 417.
[3] Đinh Xuân Lâm (Chủ biên) – Lịch sử 12 (In lần thứ 6). Nhà xuất bản Giáo dục, 1998, tr 177.
[4] Viện lịch sử quân sự Việt Nam – Trận quyết chiến lịch sử xuân 1975. Sđd, tr 412.
[5] Nguyễn Trường Đăng - Việt Nam: Góc nhìn từ phía Mĩ. Sự kiện và nhân chứng, số 65, 1999.
[6] Philip Sauvain - The morden world 1914 - 1980. Stanley Thornes Publisher Ltd, 1997, page 333.
[7] James, S. Olson, Randy Robert - Where the Domino fell. America and Viet Nam 1945 – 1995. New York, St Martin’ Press, 1996, page 286.
[8], [9], [10], [11] Chiến tranh nhìn từ phía bên kia: Qúa khứ đau thương khép lại – chất độc da cam chưa. Báo Sự kiện và nhân chứng, số 58, 1998, tr 30 – 31.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét