Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2012

“Tất cả cho tiền tuyến…”


“Tất cả cho tiền tuyến…”

… Để đẩy mạnh công tác chi viện cho mặt trận, Trung ương Đảng, Chính phủ đề ra khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” và ra chỉ thị động viên toàn dân, toàn Đảng tập trung toàn lực lượng chi viện cho tiền tuyến, nhất định đảm bảo cho chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Các cấp ủy đảng và ủy ban kháng chiến hành chính các địa phương đều coi việc tổ chức động viên nhân lực, vật lực cho mặt trận Điện Biên Phủ là hai nhiệm vụ hết sức quan trọng phải tập trung mọi khả năng để hoàn thành. Khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” đã được nhiệt liệt hưởng ứng và sôi nổi thực hiện ở khắp mọi nơi. Nhân dân ở các vùng tự do cũng như trong các vùng tạm bị địch chiếm đều hăng hái tự nguyện đóng góp sức lực, tiền của sẵn sàng hy sinh hết thảy, kịp thời bảo đảm cung cấp cho tiền tuyến.
Để tăng nhanh khả năng vận chuyển từ hậu phương ra mặt trận, trên tuyến vận tải từ Cao Bằng, Lạng Sơn đi Sơn La, Điện Biên Phủ, ta đã tập trung 16 đại đội xe ô tô với tổng số xe lúc cao nhất là 628 chiếc. Toàn bộ 600 lái xe, 200 thợ sửa chữa được ngành giao thông vận tải cho ra trường trước hạn định và 121 lái xe, thợ sửa chữa đào tạo tại chức, 74 lái xe, thợ sửa chữa vừa tuyển mộ thêm đều được tăng cường cho tuyến vận tải cơ giới hết sức mới mẻ (đối với ta) và quan trọng này. Trên tuyến vận tải dọc theo sông Thao, sông Đà, bên cạnh các đoàn thuyền, mảng vẫn có từ trước, ta đã đưa vào sử dụng 10 ca nô kéo phà và sà lan. Ở phía bắc, ta dùng mìn phá 103 ghềnh thác trên sông Nậm Na để sử dụng bè mảng chở gạo từ Phong Thổ về Lai Châu rồi dùng ngựa thồ, chuyển tiếp gạo từ Lai Châu về Điện Biên Phủ. Trên các tuyến đường bộ từ Thanh Hóa, Hòa Bình, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Thái Nguyên, Phú Thọ và các tỉnh tự do khác thuộc Liên khu 3, Việt Bắc lên Sơn La, Điện Biên ta đã huy động tới hàng trăm nghìn dân công và khoảng 7.000 xe cút kít, 1.800 xe trâu, 300 xe ngựa. Riêng đạo quân xe đạp thồ hoạt động trên các tuyến đường này cũng lên tới hàng vạn và được tổ chức thành các đội, trung đội chặt chẽ, có đầy đủ phụ tùng để sửa chữa, thay thế trên dọc đường.
Chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, chưa bao giờ sức mạnh hậu phương chiến tranh nhân dân lại được phát huy cao độ và sử dụng một cách có hiệu quả như thời kỳ này.
Để bảo đảm cung cấp, tiếp tế cho bộ đội chủ lực, ta mở chiến dịch giải phóng Bắc Tây Nguyên, đồng bào Kinh, đồng bào các dân tộc thiểu số Nam Trung Bộ đã đóng góp 200.000 dân công (tính ra thành 6 triệu ngày công), 2.000 xe đạp thồ, 1.000 ngựa, hàng chục thớt voi, hàng nghìn thuyền bè, xe bò, xe ngựa và đã vận chuyển ra mặt trận, bảo đảm tiếp tế cho bộ đội hơn 1.000 tấn gạo, 50 tấn muối, hàng nghìn trâu, bò, lợn, hàng chục tấn mắm, muối, đường. Trong chiến dịch Trung-Hạ Lào, nhân dân Liên khu 4 đã đóng góp 54.075 dân công (tính ra thành 1.974.800 ngày công), 2.217 xe đạp thồ, 9 xe ô tô, 1.429 thuyền và đã bảo đảm tiếp tế cho các đơn vị chủ lực sang phối hợp cùng bạn hoạt động ở Trung-Hạ Lào 3.409 tấn gạo, 154 tấn muối, 2.102 con trâu, bò, lợn… Nhưng sự huy động sức người, sức của to lớn nhất, quan trọng nhất của ta trong Đông Xuân này là dành cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Theo báo cáo của Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương (báo cáo ngày 10-7-1954) trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng bào các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 đã đóng góp hơn 260.000 dân công (tính ra thành 13-14 triệu ngày công), 20.991 xe đạp thồ và hàng chục nghìn phương tiện vận chuyển thô sơ và bán thô sơ khác. Về mặt bảo đảm vật chất, đồng bào đã đóng góp cho chiến dịch (số huy động tại gốc) tổng cộng là 25.056 tấn lương thực, 907 tấn thịt và hàng nghìn tấn thực phẩm khác. Chỉ tính riêng số vật phẩm đã vận chuyển được ra mặt trận cung cấp cho bộ đội là hơn 20.000 tấn, trong đó 14.950 tấn gạo, 266 tấn muối, 62,7 tấn đường, 577 tấn thịt và 565 tấn thức ăn khô. Đặc biệt đồng bào Tây Bắc đã có những cố gắng rất lớn. Mặc dù là một vùng rừng núi mới được giải phóng, đất rộng người thưa, khả năng kinh tế rất hạn hẹp, nhưng trong chiến dịch này đồng bào các dân tộc Tây Bắc đã dồn hết sức mình tiếp tế cho bộ đội 7.310 tấn gạo, 389 tấn thịt, 700-800 tấn rau xanh và đã đóng góp 31.818 dân công (tính ra thành 1.296.078 ngày công) làm công tác vận chuyển, sửa chữa cầu đường, xây dựng kho lán.
Trong Đông Xuân này Điện Biên Phủ thực sự đã trở thành điểm hội tụ mọi nguồn sức mạnh của hậu phương chiến tranh nhân dân và là nơi biểu hiện tập trung nhất khả năng tiềm tàng của hậu phương ta sau hơn tám năm vừa kháng chiến vừa kiến quốc, vừa chiến đấu, vừa tích lũy xây dựng thực lực mọi mặt…
Theo Điện Biên Phủ-Mốc vàng thời đại

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét