Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2012

Trận Buôn Ma Thuột – đỉnh cao của nghệ thuật chỉ đạo chiến dịch


Trận Buôn Ma Thuột – đỉnh cao của nghệ thuật chỉ đạo chiến dịch

Trận Buôn Ma Thuột – trận then chốt quyết định giành thắng lợi đã để lại nhiều bài học điển hình về nghệ thuật chỉ đạo chiến dịch. Nó cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng trong điều kiện hiện nay.
Chiến dịch Tây Nguyên là chiến dịch mở đầu cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975; trong đó, trận Buôn Ma Thuột là trận đánh mở đầu, trận then chốt quyết định, có tầm quan trọng đặc biệt, trực tiếp là với chiến dịch Tây Nguyên và ở góc độ nào đó, còn có ý nghĩa chiến lược đối với cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975.
Tây Nguyên là địa bàn chiến lược, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về quân sự đối với cả miền Nam. Nếu đánh và chiếm được Tây Nguyên sẽ chia cắt hoàn toàn hệ thống phòng ngự chiến lược của địch, buộc chúng lâm vào thế lúng túng, bị động đối phó; còn về phía ta có điều kiện phát triển lực lượng, tiếp tục triển khai hướng tiến công xuống các tỉnh ven biển, các tỉnh miền Đông Nam Bộ, góp phần thúc đẩy cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 giành thắng lợi trong thời gian ngắn.
Chiến dịch Tây Nguyên, vì thế, có ý nghĩa hết sức quan trọng, là sự lựa chọn rất đúng đắn, chính xác của ta. Theo đó, việc ta chọn Buôn Ma Thuột để đánh trận mở đầu, trận then chốt quyết định cũng vậy. Bởi vì, đánh chiếm được Buôn Ma Thuột sẽ tạo ra đột biến về chiến dịch, và chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi sẽ dẫn đến đột biến về chiến lược, tạo nên bước ngoặt quyết định, phá vỡ thế phòng ngự chiến lược của địch. Cho nên, mục tiêu kế hoạch của chiến dịch Tây Nguyên là phải thực hiện bằng được quyết tâm đó, để tạo khí thế, cổ vũ tinh thần chiến đấu cho quân và dân không chỉ ở địa bàn chiến lược Tây Nguyên mà còn trên khắp chiến trường miền Nam. Qua đó, giáng những đòn chí mạng tiếp theo bằng những chiến dịch tiến công đánh bại ý chí chiến đấu của nguỵ quyền Sài Gòn, kết thúc thắng lợi cuộc Tổng tiến công chiến lược bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Thắng lợi của trận then chốt quyết định – Buôn Ma Thuột đã thể hiện sự sắc sảo của nghệ thuật chỉ đạo chiến dịch, nhất là trong tổ chức, chỉ huy và điều hành chiến dịch của Bộ Tư lệnh chiến dịch.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên nói chung và trận Buôn Ma Thuột nói riêng; trong đó, trước hết là nghệ thuật sử dụng không gian và thời gian mở chiến dịch. Việc chọn Buôn Ma Thuột là trận đánh mở đầu, then chốt quyết định là vấn đề hết sức quan trọng đối với chiến dịch. Vì, Buôn Ma Thuột có vị trí quan trọng trong hệ thống phòng ngự của địch ở Tây Nguyên; diện tích rộng, bình độ thấp so với xung quanh, lại tương đối bằng phẳng, rải rác có một số điểm cao độc lập cách thị xã 2-15 km. Như vậy, đối với ta, sẽ thuận lợi cho quá trình cơ động, triển khai và che dấu lực lượng; còn với địch, khi bị tiến công sẽ khó giữ và khó cơ động ứng cứu, chi viện cho nhau. Đặc biệt, các mục tiêu của địch ở trong và xung quanh thị xã hầu hết là lộ thiên, dễ bị ta phát hiện và tiêu diệt. Thực tế đã diễn ra đúng như vậy. Chúng ta đã lợi dụng những yếu tố thuận lợi của địa hình để khai thác, khắc phục mặt yếu và phát huy mặt mạnh của ta; đồng thời, triệt để khoét sâu những điểm yếu và hạn chế những mặt mạnh của địch. Về mặt thời gian, thời điểm nổ súng tiến công của trận đánh Buôn Ma Thuột được Bộ Tư lệnh chiến dịch tính toán kỹ (2 giờ sáng ngày 10 tháng 3 ta mở màn chiến dịch và kết thúc vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 11 tháng 3); đó là thời điểm thuận lợi nhất để tổ chức tiến công. Trong thời điểm này, mọi hoạt động của địch đều lỏng lẻo và mất cảnh giác, ta cơ động triển khai, bố trí đội hình tiến công bảo đảm giữ được bí mật; khi triển khai xong lực lượng tiến công thì gần sáng, sương mù tan, tạo thuận lợi cho ta phát hiện dễ dàng các mục tiêu lộ thiên của địch để thực hành tiến công tiêu diệt. Ngoài ra, còn có một yếu tố quyết định đến thời gian kết thúc trận đánh, đó là yếu tố về thời tiết. Đây là mùa khô, chưa có mưa, sông suối cạn, rất thuận tiện cho các phương tiện xe cơ giới phát huy được tính năng kĩ thuật, chiến thuật.
Một yếu tố hết sức quan trọng, góp phần làm nên thắng lợi của trận then chốt quyết định, đó là: nghệ thuật xác định hướng, chọn mục tiêu tiến công. Để chọn hướng tiến công, trước hết, phải phân tích khách quan, toàn diện và cụ thể tình hình địch, ta và điều kiện địa hình, thời tiết… Về mặt nguyên tắc, chọn hướng tiến công thường phải chọn vào chỗ hiểm, yếu của địch; đó là nơi địch bố trí lực lượng, phương tiện phòng ngự mỏng, yếu, sơ hở; đồng thời, lại phù hợp với cách đánh, sở trường của ta. Trong chiến dịch Tây Nguyên, ta chọn hướng Nam Tây Nguyên làm hướng chủ yếu, bởi ở nơi đây lực lượng của địch tương đối yếu. Đánh chiếm Buôn Ma Thuột, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã chọn 3 hướng tiến công: Bắc, Nam và Tây; trong đó, hướng Tây là hướng thọc sâu và chọn Sở chỉ huy sư đoàn 23 nguỵ là mục tiêu đột phá chủ yếu. Việcchọn hướng, mục tiêu tiến công đã thể hiện sự sắc sảo, sáng tạo của Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên. Bởi vì, Sở chỉ huy Sư đoàn 23 nguỵ là trung tâm chỉ huy, có vị trí quan trọng nhất của địch ở Buôn Ma Thuột; đồng thời, còn là chỗ dựa vững chắc của địch ở khu vực này và Tây Nguyên. Như vậy, chọn Sở chỉ huy sư đoàn 23 nguỵ làm mục tiêu tiến công chủ yếu là ta đã điểm trúng huyệt, đánh vào nơi rất hiểm, nhưng tương đối yếu của địch. Đây là một nguyên tắc trong tác chiến chiến dịch: “bỏ chỗ vững, đánh chỗ núng, tránh chỗ thực, đánh chỗ hư”. Khi Sở chỉ huy sư đoàn 23 nguỵ bị tiến công, có nguy cơ bị tiêu diệt thì địch nhất thiết phải tăng viện, ứng cứu; đó là thời cơ mới để ta tiếp tục bố trí thế trận đón đánh lực lượng địch đến cứu viện ở phía Đông Buôn Ma Thuột. Diễn biến của trận đánh đúng với dự kiến của ta. Buôn Ma Thuột nhanh chóng bị thất thủ đã gây chấn động lớn đến toàn chiến trường Tây Nguyên và lan sang các chiến trường khác; đồng thời, tạo nên những đột biến dây chuyền lớn hơn tiếp theo, khiến chúng không thể chống đỡ nổi, đi đến sụp đổ hoàn toàn.
Đánh chắc thắng trận đầu là một trong những truyền thống quý báu của quân đội ta. Điều đó càng được khẳng định khi nghệ thuật sử dụng lực lượng, bố trí đội hình tiến công đã đạt đến trình độ cao, là yếu tố quyết định thúc đẩy trận đánh Buôn Ma Thuột giành thắng lợi nhanh chóng. Quy luật của chiến tranh là mạnh được, yếu thua. Xét về tương quan lực lượng và vũ khí trang bị ban đầu ở chiến trường Tây Nguyên nói chung, trực tiếp trong trận Buôn Ma Thuột nói riêng, ta không chiếm ưu thế lớn hơn địch; nhưng ta có những ưu thế khác để tạo thành sức mạnh tổng hợp, mà địch không thể có được; đó là, tinh thần chiến đấu của toàn quân, toàn dân, đặc biệt là về nghệ thuật quân sự… Do nắm chắc quy luật chiến tranh và tư tưởng chỉ đạo đánh chắc thắng trận đầu cùng với sự chỉ đạo tài tình của Bộ Tư lệnh chiến dịch, chúng ta đã làm chuyển biến so sánh lực lượng có lợi cho ta, bất lợi cho địch ở vào thời điểm quyết định. Đây là nét độc đáo của nghệ thuật chỉ đạo chiến dịch. Trong trận then chốt quyết định này, ta sử dụng lực lượng hơn 2 sư đoàn bộ binh và các đơn vị binh chủng để tiêu diệt lực lượng tương đương 1 trung đoàn tăng cường của địch. Trong khi đó, chúng ta còn phát huy cao độ chiến tranh nhân dân để tạo nên sức mạnh áp đảo đối với địch. Trong trận đánh Buôn Ma Thuột, ta đã tổ chức và bố trí lực lượng một cách khoa học, hợp lí; thành phần gồm: lực lượng tập trung và lực lượng phân tán; lực lượng tiến công và lực lượng nổi dậy; bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Đỉnh cao của nghệ thuật chiến dịch ở đây là sự bố trí đội hình tiến công trên 3 hướng, tạo thành 5 mũi tiến công sắc, nhọn: hướng Bắc 2 mũi, hướng Nam 2 mũi; riêng hướng Tây tổ chức 1 mũi (đây là mũi thọc sâu, đánh thẳng vào mục tiêu chủ yếu là Sở chỉ huy tiền phương – Sư đoàn 23 nguỵ). Trong 5 mũi tiến công thì 4 mũi có xe tăng phối hợp với bộ binh trong đội hình chiến đấu. Với sự sáng suốt của Bộ Tư lệnh chiến dịch trong việc xác định không gian, thời gian mở chiến dịch cộng với nghệ thuật chọn hướng, mục tiêu tiến công và nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng và bố trí đội hình tiến công, ta đã đánh trận mở đầu giành thắng lợi trong thời gian ngắn, tạo ra những thuận lợi mới cho các trận truy kích và tổ chức đánh các trận kế tiếp thắng lợi.
Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra) chắc chắn sẽ có những phát triển mới do có sự phát triển mạnh mẽ về vũ khí, trang bị và trình độ tác chiến của cả ta và đối tượng tác chiến. Thế nhưng, nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam nói chung và của trận Buôn Ma Thuột nói riêng vẫn còn nguyên giá trị. Điều đó cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng để góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, một khi địch liều lĩnh gây chiến tranh xâm lược đối với đất nước ta.
Thượng tá, ThS. ĐỖ HẢI ÂU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét