Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

Robert Mcnamara - Người biến nước nghèo thành con nợ


Robert Mcnamara - Người biến nước nghèo thành con nợ


Mọi người thường biết đến Robert McNamara (qua đời hôm 6/7/2009) là cha đẻ của học thuyết phản công hạt nhân lũy tiến và tổ chức cuộc chiến tranh phá hoại Việt Nam, nhưng lại không mấy ai biết rằng sau khi rời Lầu Năm Góc, McNamara chuyển sang làm Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) và bắt đầu sử dụng các nguồn vay nhà băng để mở rộng tầm ảnh hưởng của Mỹ.

Theo Damien Millet và Éric Toussaint (Tổng thư ký và Chủ tịch Ủy ban Quốc tế về xóa nợ cho các nước nghèo) thì chính McNamara là kiến trúc sư trưởng cho những khoản nợ khổng lồ mà các nước nghèo hiện nay phải gánh chịu.
Là Tổng giám đốc đầu tiên của Tập đoàn đa quốc gia Ford Motors, không xuất thân từ gia đình Ford, McNamara chỉ đảm nhiệm chức vụ này 5 tuần trước khi được mời làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời Tổng thống John F. Kennedy (1961-1963), vị trí này được bảo lưu dưới thời của Tổng thống Lyndon B. Johnson (1963-1968) giúp ông ta “tung hoành” trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Năm 1968, khi tình hình trở nên không thể kiểm soát nổi đối với Mỹ, McNamara được thuyên chuyển công tác, làm Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB). Tuy nhiên, trên cương vị này, McNamara tiếp tục việc chống phá hệ thống cộng sản chủ nghĩa.
Vài năm sau đó, trong một cuộc họp các thống đốc của WB, McNamara đã giải thích làm thế nào để việc giảm nghèo lại trở thành một công cụ chính trị: "Quá chậm và quá ít, đó là bia mộ phổ biến nhất trong lịch sử đối với những chính thể bị lật đổ trước sức ép của những người dân không có đất canh tác, không có công ăn việc làm, bị gạt ra ngoài lề xã hội và bị đẩy vào tuyệt vọng. Vì lý do này, việc áp dụng các thủ đoạn chính trị trong việc giảm nghèo cho khoảng 40% các nước nghèo trên thế giới lại tìm được một vỏ bọc đáng tin cậy”.
Lịch sử WB biết đến một bước ngoặt thực sự kể từ khi McNamara lên làm chủ tịch. Bước ngoặt này gồm hai vế, thứ nhất là nguồn vốn hỗ trợ các nước nghèo tăng kỷ lục và thứ hai là lần đầu tiên trong lịch sử hình thành WB, các khoản cho vay được sử dụng như một vũ khí thực sự về địa-chính trị.
Chỉ trong 5 năm (1968-1973), WB đã xuất ra một lượng tiền cho vay nhiều hơn cả trong suốt 23 năm đầu (1945-1968) của tổ chức này. WB khuyến khích các nước đang phát triển vay tiền để tài trợ ồ ạt cho những dự án hiện đại hóa ngành công nghiệp xuất khẩu và kết nối chặt chẽ với thị trường thế giới.
Robert Mcnamara; Damien Millet và Éric Toussaint.
Thực vậy, McNamara đã buộc các nước nghèo tuân theo những điều kiện vay vốn, chấp nhận những cơ sở hạ tầng vô ích, các nguồn ngân sách xã hội thiếu hụt, những công trình thủy điện tốn kém và tàn phá môi trường... Miếng mồi được McNamara sử dụng ở đây là những khoản tiền mặt được dễ dàng cấp cho các chính phủ mà không cần bất cứ một cơ chế chống tham nhũng hay biển thủ công quỹ nào. Để đổi lại các khoản vay này, chính phủ các nước chấp nhận phần lớn các yêu cầu của WB.
Ai được cấp những khoản vay này? Giữa lúc đang diễn ra Chiến tranh lạnh, WB hành động để ngăn cản tầm ảnh hưởng của Liên bang Xôviết, tư tưởng quốc gia chủ nghĩa cũng như những kế hoạch chống chủ nghĩa đế quốc.
Báo cáo năm 2000 của Ủy ban Tài chính Quốc hội Pháp về các hoạt động và việc kiểm soát Quỹ tiền tệ quốc tế và WB từng nhấn mạnh rằng, vai trò của WB là khiến các nước nghèo - khách hàng của họ - trung thành với phương Tây. WB vận dụng chiến lược kép: các khoản cho vay vừa để lôi kéo đồng minh nhưng cũng để chế ngự những "kẻ ương ngạnh".
Trong chương trình phát sóng trên kênh Arte, Pháp, ngày 7/3/2000, có tên "Một sự toàn cầu hóa khác", Joseph Stiglitz (đoạt giải Nobel và là Giáo sư kinh tế tại Đại học Columbia) đã nói toạc ra rằng: "Trong nhiều trường hợp, các khoản cho vay của WB nhằm làm tha hóa các chính phủ trong Chiến tranh lạnh. Vấn đề khi đó không phải là xem khoản tiền cho vay kia có cải thiện được đời sống người dân hay không mà nó có giúp dẫn tới một sự ổn định về thực tế địa chính trị thế giới hay không".
Những lựa chọn của WB dưới thời McNamara phần lớn được dựa trên những chuẩn mực như: tránh duy trì các mô hình phát triển có xu hướng tự cung tự cấp, ủng hộ tài chính các dự án lớn cho phép tăng xuất khẩu của các nước công nghiệp chính, từ chối giúp đỡ những nước bị coi là đe dọa với nước Mỹ, âm mưu thay đổi hệ thống chính trị của một số các quốc gia theo xã hội chủ nghĩa để làm suy yếu khối Xôviết.
Dựa trên những nguyên tắc đó, WB đã bắt đầu tài trợ cho Rumani vào thập niên 70 sau khi nước này có ý định rời khối Warsaw, và tài trợ cho những đồng minh chiến lược của khối tư bản chủ nghĩa phương Tây, đặc biệt là của Mỹ như Indonesia dưới thời Suharto, Zair thời Mobutu, Philippines thời của Marcos, và Brazil thời độc tài từ năm 1964; ngăn cản chính phủ của các nước đang phát triển nhích lại gần khối Xôviết hay Trung Quốc: WB tìm cách làm cho Ấn Độ và Indonesia thời Sukarno tránh xa khối Xôviết; từ năm 1980, WB còn tham vọng đưa Trung Quốc vào "trò chơi liên minh" của Mỹ.
Để thực hiện những sách lược kể trên, WB đã áp dụng một chiến thuật: làm suy yếu một chính phủ cánh tả và tạo điều kiện cho phe đối lập cánh hữu lên nắm quyền. Cũng theo logíc này, McNamara lại tỏ ra dễ dãi hơn với một chính phủ phe hữu đang phải đối mặt với phe đối lập cánh tả để ngăn cản phe này lên nắm quyền. Nhìn chung, chiến thuật thay đổi tùy theo những yếu tố chính trị và địa chính trị tại từng quốc gia.
Tại Chile, khi chính phủ dân chủ của nhân vật theo đường lối chủ nghĩa xã hội Salvador Allende được bầu năm 1970, McNamara đã quyết định cắt viện trợ tài chính của WB cho quốc gia này. Ngay khi tướng Pinochet lật đổ Allende ngày 11/9/1973, McNamara đã lập tức can thiệp để chế độ độc tài này nhận được giúp đỡ tài chính từ WB.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét