TÌM HIỂU THÁI ĐỘ CỦA NHÀ NGUYỄN ĐỐI VỚI ĐẠO THIÊN CHÚA QUA BỘ QUỐC SỬ ĐẠI NAM THỰC LỤC (1802–1883)
SVTH: Vũ Thu Thảo – K60CLC
GVHD: GS.TS Nguyễn Ngọc Cơ
1. Đặt vấn đề
1.1 Lý do chọn đề tài
Vấn đề chính sách của nhà nước phong kiến Nguyễn đối với đạo Thiên chúa đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử, trở thành sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, tôn giáo nước ta. Tuy nhiên, ít tác giả xem xét và khai thác vấn đề này trong riêng bộ Đại Nam thực lục – bộ chính sử đồ sộ, tiêu biểu do nhà Nguyễn biên soạn. Do đó, em muốn tìm hiểu nội dung có liên quan trong bộ sử này để đánh giá thái độ của nhà Nguyễn đối với Thiên chúa giáo trong lịch sử, từ đó rút ra nhận thức mới mẻ cho bản thân.
Nhà Nguyễn tồn tại trong một bối cảnh lịch sử đặc biệt nhạy cảm, việc tìm hiểu thái độ của nhà Nguyễn đối với Thiên chúa giáo sẽ góp phần làm sáng tỏ câu hỏi: triều vua này đã giải quyết vấn đề Thiên chúa giáo như thế nào, đâu là những cố gắng cần ghi nhận và đâu là nguyên nhân dẫn tới thất bại của nhà Nguyễn. Giúp chúng ta có cơ sở để đánh giá đầy đủ và toàn diện về vị trí của triều Nguyễn trong lịch sử dân tộc; nhận rõ vai trò của tôn giáo trong lịch sử, đặc biệt là Thiên chúa giáo giai đoạn (1802–1883).
Qúa trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước ta đặt ra nhiều vấn đề liên quan tới Thiên chúa giáo cần giải quyết. Thiên chúa giáo ẩn chứa nhiều vấn đề phức tạp. Điều đó, đã đang và có ảnh hưởng không nhỏ tới an ninh trật tự chính trị ở địa phương.
Thực tiễn đó đòi hỏi chúng ta phải nhận thức về Thiên chúa giáo khách quan, phù hợp với thời đại và sự phát triển của đất nước. Do đó, tác giả đã chọn:“ Tìm hiểu thái độ của nhà Nguyễn đối với đạo thiên chúa qua bộ quốc sử: “Đại Nam thực lục” (1802–1883)” làm hướng nghiên cứu cho đề tài của mình.
1.2 Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu
Trong báo cáo, người viết đã tìm hiểu nội dung vấn đề trên cơ sở bộ “Đại Nam thực lục” – một tài liệu chính thống, phản ánh chính sách của nhà Nguyễn đối với đạo Thiên chúa. Ở đây, tác giả không có ý định tìm hiểu toàn bộ các vấn đề về tôn giáo, cũng không bình luận về các công trình nghiên cứu có đề cập tới vấn đề Thiên chúa giáo ở Việt Nam mà chỉ muốn dựa trên nguồn tư liệu văn bản có tính xác thực, có độ tin cậy cao để phản ánh một vấn đề có liên quan đến duyên cớ cuộc xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp và việc xây dựng khối đoàn kết toàn dân, bảo vệ nền độc lập ở nước ta trong thế kỉ XIX.
2. Giải quyết vấn đề
Trong chương 1: Tác giả đi sâu phân tích tình hình phát triển đạo Thiên chúa và những văn bản nói về thái độ của nhà Nguyễn trong bộ quốc sử “Đại Nam thực lục” (1802–1883).
Thứ nhất: Tình hình đạo Thiên chúa ở nước ta thế kỉ XVI – XIX
Năm 1533, công cuộc truyền giáo đã được triển khai ở nước ta, nhưng phải từ năm 1615 trở đi, khi trung tâm truyền giáo của Bồ Đào Nha cử giáo sĩ sang Hải Phố, thuộc tỉnh Quảng Nam (Đàng Trong), việc truyền bá đạo này vào Việt Nam mới thực sự bắt đầu, và ngày càng phát triển.
Dưới thời Gia Long (1802–1820) - người có mối ân tình với người Pháp đã giúp Thiên chúa giáo có thời kì phát triển trong yên bình. Đến thời Minh Mệnh (1820 – 1840), mặc dù nhiều sắc dụ cấm đạo ra đời khiến hàng trăm giáo dân, linh mục, thừa sai tử đạo song lực lượng truyền giáo vẫn được tăng cường, có khi mạnh hơn trước. Thời Thiệu Trị, Thiên chúa giáo ngày càng đi lên, một phần do thái độ khoan hòa hơn với đạo, phần khác do các giáo sĩ đã sử dụng tiền bạc để mở rộng việc truyền giáo trong cả nước. Thời Tự Đức (1848–1883): thái độ hết sức quyết liệt trong giai đoạn đầu khiến Thiên chúa giáo gặp nhiều khó khăn; khi Hiệp ước Nhâm Tuất giữa nhà Nguyễn và thực dân Pháp được kí kết (1862) đã buộc nhà Nguyễn phải thừa nhận sự tồn tại của tôn giáo này. Năm 1874, với điều ước Giáp Tuất thái độ nhân nhượng hoàn toàn Thiên chúa giáo của nhà Nguyễn đã được khẳng định. Từ đây, Thiên chúa giáo chính thức được Nhà nước bảo vệ ở Việt Nam, ngày càng có cơ hội và điều kiện để phát triển mạnh.
Thứ hai, tìm hiểu khái quát về bộ quốc sử: “Đại Nam thực lục”.
“Đại Nam Thực Lục” là bộ chính sử lớn và quan trọng nhất của nhà Nguyễn, do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, viết theo thể biên niên, chia thành 2 phần Tiền biên và Chính biên. Nội dung đề cập tới nhiều vấn đề về chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, ngoại giao, liên quan tới các chỉ dụ, sắc dụ, điều lệ… của các vua quan về nhiều công việc hệ trọng quốc gia cần giải quyết. Trong đó, nhiều nội dung đề cập tới Thiên chúa giáo, thể hiện thái độ của các vua Nguyễn đối với đạo Thiên chúa ở Việt Nam giai đoạn 1802–1883.
Thứ ba, các chỉ dụ, sắc dụ của các vua Nguyễn về Thiên chúa giáo được ghi trong “Đại Nam thực lục” (1802–1883).
Thời Gia Long: 1 điều lệ
Điều lệ hương Đảng, mùa xuân năm Gia Long thứ 3, năm 1804.
Thời Minh Mệnh: 4 dụ và 2 điều lệ
Dụ cho bộ Hình về vấn đề đạo Gia tô và việc giải quyết đạo Gia tô. Mùa đông, tháng 11 năm 1832, Minh Mệnh năm thứ 13.
Dụ cho các tướng quân có liên quan tới vấn đề giáo dân theo Lê Văn Khôi. Mùa thu, tháng 8, năm Minh Mệnh năm thứ 14.
Dụ cho các tổng đốc, tuần phủ, bố chính, án sát 6 tỉnh: Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang và Hà Tiên có liên quan tới vấn đề Thiên chúa giáo. Tháng 12, năm Minh Mệnh thứ 14.
Điều lệ răn dạy, giáo hóa có liên quan tới Thiên chúa giáo. Tháng 6, Minh Mệnh năm thứ 15.
Điều lệ cấm tà giáo Tây Dương (chuẩn y tho điều lệ do Tả phó đô ngự sử viện Đô sát Phan Bá Đạt). Mùa đông, tháng 12 năm Minh Mệnh thứ 16.
Dụ về bắt đạo trưởng. Mùa thu, năm Minh Mệnh thứ 19.
Thời Thiệu Trị: 2 dụ
Chỉ dụ cấm đạo Gia tô Thiệu Trị thứ 7 (1847).
Nhắc lại điều cấm theo tả đạo cho các quan chức trong kinh, ngoài thành.Thiệu Trị năm thứ 7 (tháng9/1847)
Thời Tự Đức: 2 điều lệ, 3 dụ, 2 điều cấm, 1 sức nhắc, 1 sắc chỉ, 1 định lệ, 3 hòa ước.
Điều lệ (bản tâu bày của 13 điểm của Tôn Thất Bật) Tự Đức năm thứ 1.
Điều lệ cấm đạo Gia tô. Tháng 7 nhuận, Tự Đức năm thứ 7 (1854).
Dụ về thái độ của quan lại với giáo dân. Mùa xuân, Tự Đức năm thứ 11.
Điều cấm quan lại theo đạo Gia tô. Mùa thu, Tự Đức năm thứ 12.
Hòa ước 11 điều khoản, mùa xuân Tự Đức năm thứ 13.
Sức nhắc về việc chia ghép dân đạo. Mùa xuân, Tự Đức thứ 14.
Dụ cho giáo dân ngoại trồng cấy ruộng của dân giáo. Mùa thu, Tự Đức năm thứ 14.
Điều lệ về về xử trí dân theo đạo Gia tô. Mùa thu, Tự Đức năm thứ 14.
Hòa ước 5/6/1862, có nội dung đề cập tới vấn đề đạo Gia tô.
Sắc chỉ xóa bỏ sự mặc cảm của người Công giáo với triều đình (1864).
Hòa ước 1874, mùa xuân Tự Đức năm thứ 27.
Định lệ thi cử của giáo dân. Tháng 7, Tự Đức năm thứ 28.
Dụ cho đạo Bình hai miền Nam Bắc, tháng 12 Tự Đức năm thứ 36.
Trong chương 2: báo cáo đi sâu tìm hiểu sự thay đổi thái độ của nhà Nguyễn đối với đạo Thiên chúa qua bộ “Đại Nam thực lục” (1802–1883), nguyên nhân và hệ quả .
Giai đoạn 1802–1883 là giai đoạn tuy không dài trong lịch sử song đây lại là thời kì diễn ra rất nhiều biến động phức tạp về mọi mặt, nó khiến những người đứng đầu đất nước phải đau đầu suy nghĩ, buộc họ phải đứng trước nhiều sự lựa chọn không dễ dàng. Vấn đề Thiên chúa giáo là một nội dung phức tạp như thế. Trong một bối cảnh nhạy cảm và khó khăn ấy, bốn vị vua đầu triều Nguyễn đã có những cách giải quyết khác nhau, thể hiện rõ thái độ và nhận thức của triều đình về một tôn giáo mới được du nhập. Qua tìm hiểu chúng ta thấy rằng: thái độ khác nhau của các vua Nguyễn có ảnh hưởng sâu sắc tới vận mệnh của Tổ quốc và quyền lợi sống còn của quần chúng nhân dân.
Gia Long vì hàm ơn với người Pháp nên đã tỏ thái độ khoan hòa, tạo điều kiện cho các giáo sĩ tự do truyền đạo.
Thái độ chống đố quyết liệt đạo của nhà Nguyễn được thể hiên qua hàng loạt các chỉ dụ cấm đạo của các vua Minh Mệnh, Thiệu trị, Tự Đức nhằm tiêu diệt Thiên chúa giáo dưới mọi hình thức.
Từ Hiệp ước 1862 trở đi, nhà Nguyễn tỏ rõ thái độ nhượng bộ, Thiên chúa giáo được nhà nước bảo vệ, tự do phát triển.
Nguyên nhân của sự thay đổi thái độ của nhà Nguyễn với đạo Thiên chúa
Sự không phù hợp giữa Thiên chúa và truyền thống dân tộc Việt Nam và bất đồng về văn hóa, phong tục phương Đông – phương Tây.
Các chỉ dụ, sắc dụ với nội dung khắc nghiệt song nhiều nội dung không được địa phương thi hành nghiêm chỉnh, không đạt kết quả như mong muốn, càng khiến cho triều đình tìm mọi cách tiêu diệt tôn giáo này.
Thực dân Pháp đã sử dụng lực lượng giáo sĩ làm người dẫn đường cho cuộc xâm lược, một bộ phận giáo dân phản bội dân tộc, khiến triều đình tức giận và cấm đạo. Sau khi Pháp vào xâm lược, thái độ chủ hòa của nhà Nguyễn đồng nghĩa với thái độ nhượng bộ Thiên chúa giáo ở Việt Nam.
Hệ quả của thái độ đó
Quyền lợi của thực dân và quyền lợi của Chúa đã gặp nhau.
Công giáo tiếp tục phát triển ngay cả khi nhà Nguyễn cấm đạo gay gắt
Thái độ phản kháng của nhà Nguyễn tạo cho Pháp cơ hội thực hiện mưu đồ thực dân, hệ lụy của việc cấm đạo.
3. Kết luận
Thiên chúa giáo đã có một lịch sử phát triển khó khăn và phức tạp ở Việt Nam, nhất là dưới thời nhà Nguyễn (1802–1883), nó bị chi phối bởi nhiều vấn đề chính trị, quân sự.
Thái độ của nhà Nguyễn đối với Thiên chúa giáo được thực hiện mặc dù có nhiều sai lầm, song nhìn một cách tổng thể và khách quan ta thấy nó có cơ sở hợp lý cả về chính trị lẫn văn hóa.
“Đại Nam thực lục” đã giúp ta hình dung được phần nào bối cảnh xã hội Việt Nam thế kỉ XIX, nhất là về vấn đề chính sách của nhà Nguyễn với Thiên chúa giáo; lý giải được nguyên nhân của chính sách và hệ quả của việc thi hành chính sách đó. Hơn thế còn giúp ta rút ra được bài học kinh nghiệm cho việc giải quyết vấn đề tôn giáo hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Trần Thị Hải, 2003 Khóa luận tốt nghiệp: Chính sách của nhà nước phong kiến đối với đạo Thiên chúa trong lịch sử dân tộc Việt Nam từ thế kỉ XVII đến thế kỉ XIX, Hà Nội.
[2] Đỗ Quang Hưng, 2007, Công giáo Việt Nam (thời kì triều Nguyễn 1802 – 1883), Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
[3] Nguyễn Văn Kiệm, 2001, Sự du nhập của đạo Thiên chúa vào Việt Nam từ thế kỉ XVII đến thế kỉ XIX, Hội khoa học lịch sử Việt Nam – Trung tâm UNESCO bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam.
[4] Quốc sử quán triều Nguyễn, 1963, Đại Nam thực lục chính biên, tập III, Đệ nhất kỉ, Nxb Sử học, Hà Nội.
[5] Quốc sử quán triều Nguyễn, 2004, Đại Nam thực lục chính biên, tập IV, Viện sử học (tái bản lần 2), Nxb giáo dục, Hà Nội.