Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

GÓP PHẦN TÌM HIỂU QUAN NIỆM VỀ “ĐỔI MỚI”, “CẢI TỔ”, “CẢI CÁCH

GÓP PHẦN TÌM HIỂU QUAN NIỆM VỀ
 “ĐỔI MỚI”, “CẢI TỔ”, “CẢI CÁCH”

Đổi mới là cái vốn có của mọi vận động và phát triển trong tự nhiên, xã hội cũng như trong tư duy. Bất kỳ sinh vật nào cũng luôn luôn tự Đổi mới để thích nghi với những sự thay đổi của môi trường sống. Đối với xã hội, Đổi mới là một phản ứng mang tính tự nhiên của xã hội để bảo đảm sự thích nghi của nó trước những biến đổi môi trường tự nhiên, môi trường quốc tế, để thích ứng với tình thế. Đổi mới là quá trình vận động tự nhiên của mọi hiện tượng xã hội.
Ngay từ năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng khái niệm “Đổi mới” trong sự vận dụng cụ thể vào Đổi mới đất nước. Người viết: “Công cuộc Đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân”. Khi nhấn mạnh sự cần thiết phải không ngừng Đổi mới nhận thức để phản ánh đúng tình hình thế giới, tình hình trong nước vốn không ngừng biến đổi, Hồ Chí Minh viết: thế giới ngày ngày Đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”. Đổi mới, theo Hồ Chí Minh, còn là để thắng sức ỳ của thói quen, của tập quán cũ. Dù đó là việc khó khăn, nhưng chẳng có việc gì là không thể Đổi mới”.
Đổi mới còn là cách để thay đổi một phương thức sống, tạo lập một phương thức sống mới, đáp ứng nhu cầu của sự phát triển. Về vấn đề này, Hồ Chí Minh viết: “Khi trước nhà nào lo làm nhà nấy, làm thế nào cũng được. Nhưng bây giờ không phải như thế. Bây giờ mình phải Đổi mới nông thôn”.Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Đổi mới và phát triển là những khái niệm rất gần gũi, đôi khi được hiểu như nhau. Trong Báo cáo tại Hội nghị Chính trị đặc biệt năm 1964, Người viết: “Trong 10 năm qua, miền Bắc nước ta đã tiến những bước dài chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc. Đất nước, xã hội, con người đều Đổi mới”.
Vận dụng vào vấn đề mà chúng ta nghiên cứu “Đổi mới’ là thay cách nghĩ, cách làm cũ lạc hậu, lỗi thời, không đáp ứng được nhu cầu phát triển, bằng cách nghĩ, cách làm khác, tiến bộ hơn, hợp với quy luật của sự phát triển.Phân tích tình hình đất nước trong những năm cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 thế kỷ XX, Đại hội VI của Đảng ta đã nhấn mạnh: Đổi mới là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Sau khi nêu nội dung Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, Đổi mới chính sách xã hội,… Đại hội tập trung làm nổi bật nội dung Đổi mới Đảng: Đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; Đổi mới tổ chức; Đổi mới đội ngũ cán bộ; Đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác của Đảng. Từ đây, “Đổi mới” được sử dụng rộng rãi trong các văn kiện của Đảng, trong sách báo cũng như trong ngôn ngữ hằng ngày của nhân dân ta.
Trong 20 năm qua, nhận thức về “Đổi mới ở Việt Nam” cũng không ngừng phát triển. Thời kỳ đầu, “Đổi mới” được hiểu như là những suy nghĩ, những hành động riêng lẻ, cụ thể nhằm thay đổi một nhận thức, một cách làm nhất định nào đó; càng về sau, càng nhận thức đầy đủ hơn về “Đổi mới” – đó là vấn đề chiến lược lâu dài trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội; nó bao quát toàn diện, không trừ lĩnh vực nào của quá trình đó.
Đổi mới là quá trình loại bỏ những gì kìm hãm và cản trở sự phát triển, tổ chức lại xã hội, đưa vào cơ chế vận hành của xã hội một hệ thống đồng bộ các yết tố vật chất và tinh thần, tạo nên lực lượng cho sự phát triển vượt bậc. “Đổi mới” – đó là quá trình giải phóng mang ý nghĩa toàn diện của từ đó – giải phóng về tư tưởng, giải phóng lực lượng sản xuất, giải phóng mọi tiềm năng sáng tạo của con người, giải phóng khả năng trí tuệ của nhân dân,… để phục vụ cho sự phát triển con người, bảo đảm tự do, sáng tạo của nhân dân.“Đổi mới’ còn là quá trình sửa lại những nhận thức không đúng về “cái cũ”, nhưng “cái cũ” ấy lại là cái đúng, để hiểu đúng nó hơn, vận dụng có hiệu quả hơn vào thực tiễn mới.
“Đổi mới” còn là làm rõ cái gì là đúng của ngày hôm qua, nhưng do hoàn cảnh đã thay đổi, ngày hôm nay không còn thích hợp, cần từ tổng kết thực tiễn để khái quát lý luận nhằm bổ sung, phát triển nhận thức, phát triển nền tảng tư tưởng của chúng ta. Nhờ vậy, nền tảng tư tưởng đó thực hiện có hiệu quả hơn chức năng là cơ sở hoạch định và triển khai đường lối của Đảng, thúc đẩy đất nước phát triển.
Như vậy, “Đổi mới” có mục tiêu lý luận và mục tiêu thực tiễn. Về lý luận, Đổi mới nhằm xác lập hệ thống quan điểm đúng đắn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Về thực tiễn, Đổi mới để xã hội xã hội chủ nghĩa từng bước được xác lập vững chắc. Hai mục tiêu đó có quan hệ biện chứng với nhau: Mục tiêu lý luận phục vụ cho mục tiêu thực tiễn; mục tiêu thực tiễn vừa là yêu cầu, là đòi hỏi nâng cao chất lượng mục tiêu lý luận, vừa là phương thức kiểm tra thành quả đạt được của mục tiêu lý luận. Trong sự tác động qua lại đó, mục tiêu thực tiễn là cơ quan quan trọng nhất.
Mục tiêu lý luận và thực tiễn đó cũng khẳng định rằng, chúng ta “Đổi mới” nhưng không “đổi mầu”. Đổi mới để giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, để làm cho chủ nghĩa xã hội được nhận thức đúng đắn hơn và được xây dựng có hiệu quả cao hơn. Đổi mới không phải là xa rời chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mà là làm cho lý luận đó, tư tưởng đó được nhận thức và vận dụng, phát triển sáng tạo hơn, mang lại kết quả thiết thực hơn. Đổi mới không phải là phủ định sạch trơn nhận thức và cách làm trước đây cùng những thành tựu đã được tạo ra, mà là khẳng định những gì đã nghĩ đúng, làm đúng, giữ lại những giá trị tích cực của quá khứ, lấy đó làm tiền đề để Đổi mới, để tiến lên; đồng thời loại bỏ những gì hiểu sai, làm sai, những hậu quả do những sai sót đó tạo ra. Cho nên, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình Đổi mới là vấn đề có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Nó giúp chúng ta tránh những sai lầm hữu khuynh cũng như “tả” khuynh.
Gần nghĩa với từ “Đổi mới”, có từ “Cải tổ”, “Cải cách”.“Cải tổ”, là tổ chức lại cho khác hẳn trước; là thay đổi căn bản và toàn diện về tổ chức, thể chế, cơ chế… trong mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội nhằm khắc phục hậu quả sai lầm trong quá khứ, đưa xã hội tiến lên.Vận dụng quan niệm đó vào việc xem xét Cải tổ như một sự kiện nhằm thực hiện thay đổi cơ bản trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô vào những năm 80, 90 thế kỷ XX. Ở thời kỳ xuất phát của sự kiện đó, “Cải tổ” được hiểu là quá trình cải tạo toàn diện, triệt để xã hội Xô viết trên cơ sở đường lối đẩy nhanh sự phát triển kinh tế – xã hội do Hội nghị toàn thể tháng 4 (năm 1985) của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đề xướng và được Đại hội XXVII Đảng Cộng sản Liên Xô tiếp tục thực hiện. Khi khởi xưởng, “Cải tổ” được hiểu là quá trình cách mạng nhằm Đổi mới tất cả mọi mặt đời sống của xã hội Xô viết, làm cho chủ nghĩa xã hội mang những hình thức hiện đại nhất, làm bộc lộ một cách đầy đủ nhất tiềm lực sáng tạo của xã hội xã hội chủ nghĩa. Cải tổ nhằm kiên quyết khắc phục các quá trình trì trệ, phá bỏ cơ chế kìm hãm để đẩy nhanh phát triển kinh tế – xã hội. Nó dựa trên sự sáng tạo sinh động của quần chúng, đòi hỏi phát triển toàn diện nền dân chủ, chế độ tự quản, mở rộng tính công khai phê bình và tự phê bình trong tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Cải tổ – đó là việc kiên quyết đưa xã hội ra khỏi những lệch lạc trong đạo đức xã hội chủ nghĩa, thực hiện nguyên tắc công bằng xã hội, bảo đảm thống nhất giữa lời nói và việc làm, giữa quyền lợi và nghĩa vụ.
Chính trên quan niệm như vậy, M. Goocbachốp tuyên bố: “Cải tổ” – đó là khắc phục một cách kiên quyết những quá trình trì trệ, phá vỡ cơ chế kìm hãm, sáng tạo cơ chế đáng tin cậy và có hiệu quả để đẩy nhanh sự phát triển kinh tế – xã hội đem lại cho sự phát triển ấy tính năng động cao. Cải tổ – đó là dựa vào sự sáng tạo sinh động của quần chúng; là sự phát triển toàn diện của nền dân chủ, tăng cưởng tính công khai, mở rộng phê bình và tự phê bình trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Cải tổ – đó là sự phát triển theo chiều sâu một cách toàn diện nền kinh tế Xô viết, là chuyển một cách kiên quyết theo hướng khoa học bảo đảm mọi sáng kiến trên cơ sở khoa học vững chắc; là sự phát triển ưu tiên lĩnh vực xã hội nhằm thoả mãn ngày càng đầy đủ hơn nhu cầu của nhân dân trong điều kiện tốt về lao động sinh hoạt, nghỉ ngơi, giáo dục và phục vụ y tế; là kiên quyết tránh cho xã hội khỏi sự xuyên tạc đạo đức xã hội chủ nghĩa, thực hiện nhất quán những nguyên tắc công bằng xã hội. Mục đích cuối cùng của Cải tổ là Đổi mới sâu sắc tất cả các mặt của đất nước, đem lại cho chủ nghĩa xã hội những hình thức tổ chức xã hội hiện đại nhất, là sự phát triển đầy đủ nhất tính chất nhân đạo trong tất cả mọi khía cạnh quyết định của nó – kinh tế, chính trị, xã hội và đạo đức. Thực chất của Cải tổ chính là ở chỗ nó kết hợp chủ nghĩa xã hội và dân chủ cả về lý luận lẫn thực tiễn, khôi phục một cách đầy đủ quan niệm của V.I.Lênin về chủ nghĩa xã hội.
Để đưa Cải tổ tiến lên Đại hội lần thứ XXVII Đảng Cộng sản Liên Xô xem “phát triển sản xuất theo chiều sâu về mọi mặt trên cơ sở tiến bộ khoa học – kỹ thuật, Cải tổ cơ cấu nền kinh tế, thực hiện những hình thức quản lý có hiệu quả, tổ chức và khuyến khích lao động” là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng, toàn dân. Do một nền kinh tế quá to, có sức ỳ quán tính quá lớn, lại mới được tiến hành Cải tổ trong một khoảng thời gian quá ngắn, nên nền kinh tế đó không có bước chuyển đáng kể, sự hoài nghi về tính đúng đắn của việc xác định điểm xuất phát của Cải tổ – đi từ Cải tổ kinh tế – tăng lên. Một quan niệm khác dần hình thành và có vai trò chi phối: Xuất phát từ quan niệm cho rằng, Cải tổ là một cuộc cách mạng, mà trong quá trình cách mạng thì vị trí then chốt nhất nhất thiết là thuộc về chính trị, cho nên, muốn cho Cải tổ thành công, phải bắt đầu bằng việc đạt được những cuộc cải tạo to lớn, căn bản trên lĩnh vực chính trị theo hướng “Hãy mang lại nhiều hơn nữa ánh sáng cho tính công khai!”, “phê bình và tự phê bình trong tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội”, “đẩy mạnh dân chủ hoá toàn diện đời sống xã hội”…
Trong thực tế triển khai “công khai” trở thành sự bộc lộ một cách trắng trợn những mưu đồ phủ nhận thành tựu lý luận và thực tiễn của 70 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội. “Phê bình và tự phê bình” trở thành sự bắn phá vào những thế hệ tiền bối một cách không thương xót, thành sự “xám hối” về một thời oanh liệt mà nhân dân Liên Xô đã trải qua. “Đẩy mạnh toàn diện dân chủ hoá” trở thành sự thoán quyền của một số người trong giới chóp bu chính trị, còn trong xã hội thì phát triển thành đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, cuộc đấu tranh phe cánh diễn ra triền miên, “khôi phục một cách đầy đủ quan niệm của V.I.Lênin về chủ nghĩa xã hội” biến thành sự phủ định sạch trơn những tư tưởng căn bản của chủ nghĩa Mác-Lênin …Trái với lời tuyên bố của người khởi xướng công cuộc Cải tổ, xem Cải tổ là một cuộc cách mạng triệt để nhưng “bom không nổ và đạn không bay”, người ta đã nã đại bác vào toà nhà Quốc hội ở Matxcơva. “Cải tổ để có chủ nghĩa xã hội nhiều hơn” biến thành sự tan rã của Liên bang Xô viết, từ một Liên bang Xô viết thống nhất phân rã ra thành hàng chục quốc gia trong cái gọi là “Cộng đồng quốc gia có chủ quyền” (SNG), trong những năm đầu thập niên 90 thế kỷ XX, hằng ngày, hằng giờ họ dùng bom, đạn, đại bác nói chuyện với nhau.
Sự tan rã của Liên bang Xô viết, sự biến mất của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu là tổn thất lớn nhất của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, là bi kịch lớn nhất của chủ nghĩa xã hội thế giới trong thế kỷ XX. Nhân loại chắc chắn còn phải bỏ ra nhiều công sức, thời gian, giấy bút để tổng kết sự kiện có một không hai đó để rút cho mình những kinh nghiệm cần thiết trên con đường tiến lên đạt mục tiêu giải phóng hoàn toàn con người.
“Cải cách” là đổi khác đi, làm cho biến đổi thành khác trước, là sửa đổi những bộ phận cũ không hợp lý cho thành mới, đáp ứng yêu cầu của tình hình khách quan.
Vận dụng vào xã hội, “Cải cách xã hội” được hiểu là cải tạo, thay đổi, sắp xếp lại một mặt nào đó của đời sống xã hội (những trật tự, thiết chế), đồng thời vẫn duy trì những cơ sở của chế độ xã hội hiện tồn.
Trong gần 30 năm qua, thế giới theo dõi công cuộc “Cải cách mở cửa” của Trung Quốc với sự quan tâm đặc biệt.
Hội nghị Trung ương ba khoá XI (năm 1978) của Đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức khởi xướng công cuộc Cải cách và mở cửa, xác định nhiệm vụ trung tâm, quan trọng nhất là xây dựng chủ nghĩa xã hội với bốn hiện đại hoá, phát triển lực lượng sản xuất xã hội. Để đạt bước tiến căn bản trong Cải cách mở cửa, phải “Cải cách toàn diện, bao gồm Cải cách thể chế kinh tế, Cải cách thể chế chính trị và Cải cách lĩnh vực tương ứng khác”. Xuất phát từ quan niệm cho rằng, chính trị và kinh tế là hai mặt quan trọng nhất của bất kỳ chế độ xã hội nào, chúng có ảnh hưởng lẫn nhau và ảnh hưởng tới toàn bộ những lĩnh vực khác của đời sống xã hội, hơn nữa chính trị luôn xâm nhập vào kinh tế, cho nên, muốn Cải cách kinh tế có hiệu quả nhằm thúc đẩy sự phát triển lực lượng sản xuất, Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng, không thể không Cải cách thể chế chính trị. Nhưng, muốn Cải cách thể chế chính trị một cách tích cực và ổn định, phải lấy Cải cách thể chế kinh tế, từ đó phát triển lực lượng sản xuất, làm cơ sở. Đây chính là triết lý cơ bản trong tư duy Cải cách toàn diện của Trung Quốc.
Trong khi khẳng định tính toàn diện của công cuộc Cải cách mở cửa, Đảng Cộng sản Trung Quốc xem tiêu chí của mọi Cải cách là nhằm phát triển lực lượng sản xuất. Cải cách mở cửa nhằm loại trừ mọi nhân tố ngăn cản sự giải phóng và phát triển đó. Đề cập vấn đề này, Đặng Tiểu Bình viết: “Mọi cuộc Cải cách của chúng ta đều chung một mục đích, chính là quét sạch mọi lực cản đối với sự phát triển của sức sản xuất”.
Xác định xuất phát điểm là Cải cách để giải phóng sức sản xuất, Đảng Cộng sản Trung Quốc có bước đột phá lớn về lý luận, khẳng định rằng, kinh tế thị trường không phải là cái riêng có của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa xã hội cũng cần áp dụng kinh tế thị trường. Từ đó, xây dựng lý luận về nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.
Cải cách kinh tế càng tiến lên, càng đòi hỏi và tạo điều kiện để đẩy mạnh Cải cách trên lĩnh vực thể chế chính trị và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.
Nhờ tiến hành Cải cách mở cửa với trình tự, bước đi thích hợp, 27 năm qua Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, mở ra một triển vọng huy hoàng cho nhân dân Trung Quốc, dân tộc Trung Hoa.

GS.TS. Phạm Ngọc QuangTạp chí Thông tin Công tác Tư tưởng, Lý luận, số 1-2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét