Dựng lại quá khứ lịch sử là một công việc không hề đơn giản, đòi hỏi người viết phải thận trọng tham cứu tất cả các nguồn tài liệu có thể, tìm hiểu đến cả những chi tiết tưởng chừng như nhỏ nhặt, kiểm chứng đến cả những điều tưởng chừng như đã rõ mười mươi thì mới có thể tránh được những sai lầm đáng tiếc, những ngộ nhận chết người. Chỉ một phút bất cẩn, chủ quan là đủ cho người viết sử rơi vào những sai lầm, ngộ nhận bất kể người ấy có bao nhiêu kinh nghiệm, bao nhiêu hiểu biết và có trong tay bao nhiêu nguồn tài liệu tham khảo. Đó là trường hợp của ngài Tạ Chí Đại Trường đối với một chi tiết tưởng chừng như nhỏ trong công trình đồ sộ “Việt Nam thời Tây Sơn – Lịch sử nội chiến 1771-1802”.
Trong bản in năm 2006, Tạ Chí Đại Trường viết: “Tháng giêng năm Giáp Ngọ (1774), quân triều đình từ mặt bắc đánh thốc vào Quy Nhơn. Ngay trong sào huyệt của mình, Tây Sơn có thể để phản công dữ dội. Tập Đình, Lý Tài phục kích quân triều đình ở núi Bích Kê vào lúc khoảng 9 giờ tối, làm rối loạn 40 voi địch và đến sáng hôm sau thì đuổi kịp Tiết chế Tôn Thất Hương đâm chết. Cậu bé Tôn Thất Thăng (12 tuổi) trên đường tiếp chiến, hoảng sợ bỏ quân chạy suốt đêm. Chỉ trong 7 ngày, quân Tây Sơn chiếm lại Quảng Nam và cả tỉnh thành”[1].
Cứ vào chú thích của ngài Tạ Chí Đại Trường thì đoạn sử trên được dựng lên từ lời kể của giáo sĩ Jumilla, Đại Nam liệt truyện và Đại Nam thực lục tiền biên. Ở đây có một chi tiết khó hiểu: cậu bé Tôn Thất Thăng 12 tuổi kia có tài lược gì mà lại được cử cầm quân đàn áp Nguyễn Nhạc? Chẳng lẽ triều đình chúa Nguyễn đã thực sự hết người mới phải tiến cử một cậu bé ra làm thống tướng?
Đại Nam liệt truyện tiền biên phần truyện Các con của Thế Tông hoàng đế, tức chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát có truyện Hoàng tử thứ 18 là Thăng. Truyện ấy viết về Tôn Thất Thăng: “Mẹ là Hữu Cung tần Tống thị. Cuộc biến năm Giáp Ngọ (1774) Duệ Tông hoàng đế chạy vào Nam. Thăng mới 13 tuổi, không đi theo kịp, liền bị Tây Sơn bắt được”[2]. Về sau, Tôn Thất Thăng giả chết, chạy vào Nam theo Nguyễn Ánh, được Nguyễn Ánh phong làm Quốc thúc, Chưởng cơ, tước quận công.
So sánh lời Liệt truyện với lời ngài Tạ Chí Đại Trường thì thấy “cậu bé” Tôn Thất Thăng mà ngài nói tới chính là vị hoàng tử thứ 18 con trai chúa Võ Vương. Liệt truyện kể tuổi Tôn Thất Thăng theo tuổi ta, nên là 13 tuổi. Ngài Tạ Chí Đại Trường nói theo tuổi Tây, nên là 12. Đáng tiếc, ta phải nói rằng ngài Tạ Chí Đại Trường không đọc kỹ những tư liệu mà mình đã dẫn dụng nên đi tới một gán ghép lầm lạc. Người bỏ quân chạy trong trận chiến đầu năm Giáp Ngọ đúng tên là Tôn Thất Thăng, nhưng không phải là cậu bé 12 tuổi con của Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát.
Đại Nam thực lục tiền biên viết: “Giáp Ngọ, năm thứ 9 [1774], mùa xuân, tháng giêng, sai Chưởng cơ Tôn Thất Thăng (con Tôn Thất Tứ) điều bát các quân đến dinh Quảng Nam đánh giặc. Thăng sợ thế giặc lớn, bỏ quân, luôn đêm chạy về”[3].
Thực lục nói rõ ràng: Tôn Thất Thăng nói ở đây là con trai Tôn Thất Tứ, đương nhiên không phải cậu bé Tôn Thất Thăng con trai chúa Võ Vương như ngài Tạ Chí Đại Trường đã tưởng. Trong Đại Nam liệt truyện tiền biên cũng có truyện về Tôn Thất Tứ (1698-1753). Tôn Thất Tứ còn có tên là Đán, là con trai thứ 8 của Hiển Tông hoàng đế, tức Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu, mẹ là Tống hoàng hậu. Tôn Thất Thăng là con trai thứ ba của Tôn Thất Tứ. Liệt truyện viết:
“Con thứ ba của Tứ là Thăng, làm Bố Chính doanh Trấn thủ Chưởng doanh Quận công. Năm Giáp Ngọ (1774) mùa xuân “giặc” Tây Sơn quấy nhiễu cướp bóc Quảng Nam, Thăng điều động chư quân đi đánh, nhưng sợ thế giặc lớn, đương đêm chạy về. Đến lúc quân Trịnh vào Thuận Hóa, Thăng đến cửa quân Hoàng Ngũ Phúc xin hàng. Sau đó chết”[4].
Có thể thấy rằng lúc cầm quân đánh Tây Sơn, Tôn Thất Thăng không phải là một cậu bé. Việc ngài Tạ Chí Đại Trường gọi Tôn Thất Thăng là cậu bé 12 tuổi chỉ là một lầm lẫn theo kiểu râu ông nọ cắm cằm bà kia.
[1] Tạ Chí Đại Trường. Việt Nam thời Tây Sơn – Lịch sử nội chiến 1771-1802. NXB Công An Nhân Dân, Hà Nội, 2006, trang 71-72.
[2] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam liệt truyện tiền biên. NXB Thuận Hóa, Huế, 2005, trang 72-73.
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục, tập I. NXB Giáo Dục, 2002, trang 178.
[4] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam liệt truyện tiền biên. NXB Thuận Hóa, Huế, 2005, trang 54.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét