Một mùa xuân độc đáo trong cuộc đời vĩ nhân Phan Bội Châu |
Ngày đăng tin : 11/25/2008 |
Cuộc đời của vĩ nhân Phan Bội Châu trải qua 73 mùa xuân (1867-1940), trong đó mùa xuân thứ 38, tức là mùa xuân năm Ất Tỵ (1905) có nhiều nét rất độc đáo... |
Cuộc đời của vĩ nhân Phan Bội Châu trải qua 73 mùa xuân (1867-1940), trong đó mùa xuân thứ 38, tức là mùa xuân năm Ất Tỵ (1905) có nhiều nét rất độc đáo.
Tháng 4 năm 1904, tại trại Nam Thịnh của Tiểu La Nguyễn Thành ở tỉnh Quảng Nam, Phan Bội Châu tổ chức một cuộc họp kín gồm có khoảng 20 người tham dự để thành lập Hội Duy Tân.
Tên Hội là Duy Tân (đổi mới), nhưng nhiệm vụ của hội được xác định là chuẩn bị bạo động, xuất dương cầu viện để đánh đuổi giặc Pháp.
Xuất dương cầu viện là nhiệm vụ bức thiết, hội Duy Tân uỷ nhiệm cho Phan Bội Châu thực hiện. Phan Bội Châu đã chọn mùa xuân Ất Tỵ (1905) để mở đầu cho sự kiện quan trọng bậc nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Lịch trình hoạt động trong mùa xuân Ất Tỵ (1905) được ông tự thuật rõ ràng, cụ thể trong tác phẩm Niên biểu.
Trước đó, Phan Bội Châu đã tu sửa từ đường, đưa hài cốt của song thân là cụ Phan Văn Phổ và Nguyễn Thị Nhàn từ làng Đan Nhiệm bí mật cất táng tại làng Sen, xã Chung Tự (xã Kim Liên ngày nay). Đồng thời cấp cho hai người vợ là Thái Thị Huyên và Nguyễn Thị Đường hai cái giấy ly dị (có thị thực của Lý trưởng làng Đan Nhiệm) đề phòng sau này nếu nhà cầm quyền khủng bố thì hai bà có thể đưa ra làm bằng chứng là chồng đã bỏ rồi.
Ngày mồng 1 tết Ất Tỵ (1905), Phan Bội Châu bảo Tăng Bạt Hổ (người làm phiên dịch và dẫn đường sang Nhật Bản) từ nhà mình ra đi trước, hẹn đợi ở nhà ông Khổng Đốc Biện tại Nam Định, vì “sợ lúc ra đi có người sẽ làm cho người ta bàn tán” (Niên biểu).
Ngày mồng 4 tết Ất Tỵ (1905), Phan Bội Châu tổ chức bữa tiệc để giã từ vợ, con, quê hương, bạn bè, nói với bà con làng xóm là “vào kinh đô Huế toạ giám, để lo ra làm quan” (Niên biểu).
Rời làng Đan Nhiệm, Phan Bội Châu có ghé qua nhà Cử nhân Trần Văn Lương ở làng Sen nghỉ một đêm. Hôm sau những người bạn chí thân như Vương Thúc Quý, Nguyễn Sinh Sắc, Trần Văn Lương tiễn chân Phan Bội Châu đến tận cầu Hữu Biệt, dưới chân núi Độc Lôi, địa giới giữa hai huyện Nam Đàn và Hưng Nguyên.
Khi chia tay, Phan Bội Châu xúc động ngẫu hứng đọc mấy câu thơ:
“Độc Lôi sơn hạ,
Hữu biệt kiều tây
Phong vi vi hề chấp quân quyết,
Vũ tế tế hề dữ quân biệt”.
(Tạm dịch: Dùng dằng chân núi Độc Lôi
Tây cầu Hữu Biệt bạn hiền tiễn ta
Cầm tay chẳng muốn buông ra,
Gió hiu hiu thổi, mưa ra thêm buồn).
Đến Vinh - tỉnh lỵ Nghệ An, Phan Bội Châu vào gặp Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn đang làm Đốc học ở đây, được Đặng Nguyên Cẩn ân cần động viên với một tinh thần trách nhiệm cao: “Anh phải đi ngay, còn việc cần kíp trong nước như mở mang dân trí, bồi dưỡng nhân tài thì đã có tôi và ông Tập Xuyên (Ngô Đức Kế) đảm nhận” (Niên biểu).
Sáng hôm sau, Phan Bội Châu lên tàu hoả ra Nam Định. Đến nhà ông Khổng Đốc Biện thì đã thấy Tăng Bạt Hổ đang đợi ở đấy. Sau đó, Tăng Bạt Hổ dẫn Phan Bội Châu cùng Đặng Từ Kính ra bến cảng Hải Phòng.
Ngày 20 tháng Giêng năm Ất Tỵ (1905), Phan Bội Châu xuống tàu biển đi Móng Cái, qua Trung Quốc để đến Nhật Bản. Niềm tin và chí khí của ông bộc lộ trong bài thơ khẩu chiến lúc bước chân xuống tàu thuỷ ở bến cảng Hải Phòng:
“Sinh vi nam tử yếu hy kỳ,
Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di.
Ư bách niên trung tu hữu ngã,
Khỉ thiên tải hạ cánh vô thuỳ
Giang sơn tử hỉ sinh đồ nhuế,
Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si.
Nguyện trục trường phong Đông hải khứ,
Thiên tùng bạch lãng nhất tề phi”.
(Dịch: Sinh làm nam tử phải kỳ đời,
Há để càn khôn tự chuyển dời
Trong khoảng trăm năm đành có tớ,
Ngàn năm sau nữa há không ai
Non sông đã chết, sống thêm nhục,
Thần thánh còn đâu, học cũng hoài.
Muốn vượt biển Đông theo gió chạy,
Ngàn trùng sóng bạc thảy cùng bay).
Đến Nhật Bản, ngay sau khi nghe nhà cải cách lớn của Trung Quốc là Lương Khải Siêu, lãnh tụ phong trào Mậu Tuất biến pháp đang sống lưu vong ở Yokohama và một số chính khách của Nhật Bản như Bá tước Đại Ôi, Khuyển Dưỡng Nghị v.v... góp ý kiến, nên Phan Bội Châu đã nhanh chóng chuyển chủ trương cầu viện, đổi thành cầu học, hội nhập quốc tế.
Mục đích hội nhập quốc tế của Phan Bội Châu (1905) là chọn những thanh niên ưu tú thông minh, hiếu học, có tinh thần chịu khó, chịu khổ sang Nhật Bản học tập, đào tạo thành nhân tài để chuẩn bị cho công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng một nước “Việt Nam mới” văn minh, tiến bộ.
Ở Nhật Bản, Phan Bội Châu đã sáng tác thơ ca yêu nước gửi về nước tuyên truyền chống Pháp và kêu gọi Đông du như: Việt Nam vong quốc sử, Khuyến quốc dân tư trợ du học văn, kêu gọi Nam Kỳ phụ lão ủng hộ kinh phí và tuyển chọn thanh niên đưa sang Nhật Bản học tập. Lời văn thống thiết, khích lệ của Phan Bội Châu đã thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam, đặc biệt là từng lớp thanh niên có văn hoá mà phần lớn là con em các văn thân, Cần Vương chống Pháp (gọi là cừu gia tử đệ). Tính đến năm 1908, con số thanh niên Việt Nam qua Nhật Bản du học đã có trên 200 người (trong đó Nam Kỳ 100, Trung Kỳ 50, Bắc Kỳ gần 50).
Các gia đình yêu nước đã tự nguyện góp tiền vào quỹ Đông du. Trong đó, Nguyễn Thần Hiến với tổ chức Khuyến du học hội đã vận động giới điền chủ, tiểu tư sản đóng góp trên 40.000 đồng (tương đương 200 lạng vàng), Lâm Bình ở tỉnh Vĩnh Long góp 2.000 đồng (tương đương 10 lạng vàng), Nguyễn Thành vận động được 3.000 đồng (tương đương 15 lạng vàng), Trần Đông Phong ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đóng góp 15 nén bạc. Phan Bội Châu cũng đóng góp vào quỹ Đông du khoản tiền bạn bè ủng hộ khi ông lên đường xuất dương sang Nhật Bản. Cử nhân Trần Văn Lương ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tuy nhà nghèo nhưng đã ủng hộ 15 đồng bạc.
Chi phí cho mỗi lưu học sinh mỗi tháng hết 18 đồng, chưa kể những chi phí đột xuất khác như in 3.000 cuốn sách Hải ngoại huyết thư do Phan Bội Châu viết mất 700 đồng. Mọi việc đều được Phan Bội Châu lo liệu tạm đủ.
Thanh niên du học sinh Việt Nam lúc đầu có một trụ sở tiếp nhận đặt tại Yokohama gọi là Bính Ngọ hiên (vì được thành lập năm Bính Ngọ (1906), mọi người sau khi sang Nhật được tạm trú một thời gian ở đây để học tiếng Nhật. Sau đó, bố trí vào học trường Chấn Võ và Đồng văn thư viện do giáo sư và giảng viên người Nhật Bản giảng dạy.
Du học sinh Việt Nam có một tổ chức quản lý gọi là Cống hiến hội do Cường Để làm hội trưởng, Phan Bội Châu làm Tổng lý kiêm Giám đốc hội. Hội này có lập ra các tiểu ban như: Kinh tế, Giao tế, Kỷ luật, Kiểm tra nhằm giữ gìn sự đoàn kết trong học tập và giáo dục tư cách đạo đức, lo phí tổn và các khoản chi cần thiết khác cho lưu học sinh. Đến ngày chủ nhật, hội mở đại hội để sinh hoạt chính trị và văn nghệ. Người phụ trách hội và toàn thể hội viên đều bình đẳng với nhau, cùng trao đổi, thảo luận mọi vấn đề của hội, thông báo thời sự quốc nội và hải ngoại.
Tìm hiểu, nghiên cứu các hoạt động của Cống hiến hội, giáo sư Shiraishi Masaya cho rằng: “Cống hiến hội có vai trò như một chính phủ lâm thời” của phong trào Đông du và của hội Duy Tân ở hải ngoại.
Nhờ phong trào Đông du được khởi xướng đầu mùa xuân năm Ất Tỵ (1905) mà các nhà cách mạng Việt Nam đã tiếp xúc, mở rộng hợp tác với các nhà cách mạng thế giới, tạo lập được một số tổ chức cách mạng quốc tế như Điền - Quế - Việt liên minh, hội Đông Á đồng minh. Tư tưởng liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Châu Á chính là bắt nguồn từ đây.
Có thể nói, trước Phan Bội Châu chưa có ai biết hướng ra nước ngoài hội nhập quốc tế và tổ chức đào tạo thế hệ trẻ với một quy mô lớn như thế để thực hiện sự nghiệp cứu nước.
Trong thời gian từ mùa xuân Ất Tỵ (1905) đến cuối năm Mậu Thân (1908) việc học tập của du học sinh Việt Nam ở Nhật Bản diễn ra thuận lợi. Nhưng đến tháng 3 năm 1909, đế quốc Pháp và phong kiến tay sai Việt Nam lo ngại trước sự phát triển của phong trào Đông du đã nhanh chóng câu kết với giới cầm quyền Nhật Bản bóp chết phong trào. Đến tháng 10/1909 thì phong trào Đông du bị giải tán.
Mặc dù bị chấm dứt nhanh chóng nhưng trong tiến trình lịch sử, phong trào Đông du đã có một vị trí và ý nghĩa quan trọng trong trào lưu cách mạng Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX.
Phong trào Đông du là một cuộc đổi mới mang tính đột phá về tư duy và hành động cứu nước: từ bạo động cầm vũ khí khởi nghĩa đánh đuổi bè lũ cướp nước, chuyển sang hội nhập quốc tế, giao lưu với nước ngoài để học tập khoa học, kỹ thuật tiên tiến, chuẩn bị lực lượng nòng cốt mới để giải phóng và xây dựng đất nước.
Có một điều cần được nhấn mạnh là phong trào Đông du xuất dương cầu học không chỉ tác động mạnh mẽ về mặt văn hoá mà còn có tác động lớn tới mặt kinh tế ở nước ta lúc bấy giờ. Chính trong thời kỳ này các hội buôn, các công ty thương mại nối tiếp nhau ra đời ở Hà Nội, Sài Gòn và một số tỉnh khác nữa. Ngay cả khu vực nông nghiệp giới hạn trong phương thức canh tác cổ truyền, đến lúc này việc khai hoang, lập đồn điền trồng cây lương thực và cây công nghiệp cũng được mở ra. Nhưng do ít vốn, các nhà nho có tư tưởng đổi mới còn thiếu kinh nghiệm làm ăn, nên đã bị bọn tư bản Pháp và tư bản người Hoa chèn ép, không phát triển được. Nhìn lại suốt 73 mùa xuân trong cuộc đời của Phan Bội Châu thì mùa xuân năm Ất Tỵ (1905) có một ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu sự đổi mới mang tính đột phá trong tư tưởng của ông. Những cống hiến đặc biệt xuất sắc của Phan Bội Châu được khởi dựng từ mùa xuân Ất Tỵ (1905) là nền tảng vững chắc để tôn vinh Cụ là vĩ nhân.
Chính vì lẽ đó, hội thảo khoa học kỷ niệm lần thứ 140 năm ngày sinh của Cụ đã đề nghị Trung ương làm hồ sơ trình UNESCO phong tặng Phan Bội Châu là danh nhân văn hoá thế giới./.
|
Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013
Một mùa xuân độc đáo trong cuộc đời vĩ nhân Phan Bội Châu
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét