Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA MĨ ĐỐI VỚI VIỆT NAM (1945 – 1954) QUA SÁCH VÀ TÀI LIỆU GIÁO KHOA MỘT SỐ NƯỚC


CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA MĨ ĐỐI VỚI VIỆT NAM

 (1945 – 1954) QUA SÁCH VÀ TÀI LIỆU GIÁO KHOA MỘT SỐ NƯỚC


              TS. Nguyễn Mạnh Hưởng
                                                                                 Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Sách giáo khoa (SGK) và tài liệu giáo khoa môn Lịch sử (LS) là tài liệu học tập cơ bản cho học sinh (HS) ở các trường phổ thông. Nó thể hiện mục tiêu, nội dung chương trình đã qui định và phản ánh những thành tựu khoa học hiện đại, tương đối ổn định, được nhiều nhà nghiên cứu thừa nhận. Qua SGKLS, chúng ta có thể nhận thấy trình độ, định hướng phát triển về khoa học và giáo dục LS của một nước, cũng như việc đào tạo thế hệ trẻ. Với ưu điểm này, việc biên soạn SGKLS được các quốc gia đặc biệt quan tâm. LS Việt Nam giai đoạn 1945 – 1954 có vị trí quan trọng trong chương trình và SGK các nước, không chỉ ở phần “Lịch sử thế giới” được cấu tạo thành một khóa trình riêng song song với phần “Lịch sử dân tộc”, mà nó còn được tích hợp vào khóa trình của lịch sử dân tộc mình [1], [2], [6],... Trên cơ sở tìm hiểu một số sách và tài liệu giáo khoa của Mĩ và Anh, bài viết này trình bày những nét cơ bản về chính sách đối ngoại của Mĩ đối với Việt Nam giai đoạn 1945 – 1954(**).
1. Ủng hộ Việt Minh đánh Pháp, đuổi Nhật để giúp “họ” giành lại độc lập.
Tiếp cận với một số sách và tài liệu giáo khoa của Mĩ và Anh, các nhà nghiên cứu và giáo dục LS cho rằng trước Chiến tranh thế giới thứ hai, Việt Nam không có ảnh hưởng gì đối với thế giới, vì “họ còn đang chìm trong chế độ thực dân phong kiến và đang phải chống lại sự đô hộ của người Pháp”. Nhưng sau khi ông Hồ (Hồ Chí Minh – TC chú) cứu các nhân viên tình báo Mĩ (OSS) và coi Mĩ là một người bạn thì nước Mĩ đã chú ý đến Việt Nam, ủng hộ nền độc lập của Việt Minh do ông Hồ đứng đầu. Theo các SGK, từ những năm cuối của cuộc chiến tranh, mặc dù biết “Hồ Chí Minh là một cộng sản”, nhưng nước Mĩ vẫn gửi 500 khẩu súng cho Việt Minh để chống lại người Nhật Bản [4; 21], [6; 228], đồng thời phản đối người Pháp có ý định dành lại sự thống trị ở Đông Dương khi quân Nhật liên tiếp thất bại [4;23]. Năm 1943, Tổng thống Rudơven đã lên án chính sách của Pháp đối với nhân dân Đông Dương: “Nước Pháp đã cai trị miền đất 30 triệu dân được gần 100 năm, nhưng những con người ở nơi đây còn nghèo khổ hơn khi họ đến” [4; 23 – 24], vì thế ông mong đợi “khi cuộc chiến tranh kết thúc (Chiến tranh thế giới thứ hai– TG chú), Đông Dương nên được quyền tự trị” [6; 228].
2. Ủng hộ, giúp đỡ Pháp quay trở lại xâm lược Đông Dương.
Sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mĩ đối với Việt Nam từ khi Tơruman lên làm Tổng thống, vì đã không thực hiện theo chính sách đối ngoại của Rudơven. Lúc này, “Đông Nam Á đã là một thế giới khác đối với Tơruman” [4; 24]. Cụ thể hóa cho chính sách của Tổng thống tiền nhiệm mới, các sách và tài liệu giáo khoa ghi rõ: Tại Hội nghị Pốtxđam (tháng 7/1945), các nước đồng minh – trong đó Mĩ đóng vai trò trọng yếu đã vạch ra một kế hoạch tỉ mỉ đối với việc đầu hàng của quân đội Nhật Bản. Theo đó, người Trung Quốc (trên thực tế là quân Trung Hoa dân quốc) sẽ đảm nhiệm việc giải giáp lực lượng Nhật Bản ở Bắc vĩ tuyến 16, quân Anh sẽ đóng ở Sài Gòn và đối phó với lực lượng Nhật Bản ở Nam vĩ tuyến. Sau chiến tranh, nước Việt Nam thuộc Pháp trước đây đã giành được độc lập, do Hồ Chí Minh – một người cộng sản được huấn luyện ở Liên Xô đứng đầu đã buộc nước Mĩ phải quan tâm.
Đặc biệt, từ việc nhìn nhận “Liên Xô là một mối đe dọa đối với nền an ninh hòa bình thế giới”, cũng như Đảng Cộng sản Pháp đang ngày một gia tăng (điều mà Tơruman không hề muốn), chính sách của Mĩ đối với Việt Nam đã thay đổi hoàn toàn: “Ông ta không những không ngăn cản người Pháp quay trở lại xâm lược Đông Dương, mà còn giúp đỡ, ủng hộ Pháp giành lại những thuộc địa của mình” [3; 414]. Tổng thống Tơruman cũng giúp đỡ Pháp khắc phục hậu quả sau Chiến tranh thế giới thứ hai và đối phó với các thuộc địa của mình bằng cách “rót những trận mưa vàng và đôla thông qua kế hoạch Mácsan, dĩ nhiên Việt Minh không nhận được bất cứ thứ gì từ phía Mĩ” [4; 26]. Nhờ có sự giúp đỡ của Mĩ, thực dân Pháp đẩy mạnh xâm lược trở lại Đông Dương và gây nên “chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1946 – 1954)(*).
Như vậy, chính sách đối ngoại của Mĩ đối với Việt Nam những năm cuối của Chiến tranh thế giới thứ hai và những năm đầu sau chiến tranh có sự thay đổi hoàn toàn. Lí giải về sự thay đổi này, các SGK và tài liệu giáo khoa đều đưa ra hai lí do: Tổng thống tiền nhiệm mới – Tơruman không thực hiện theo chính sách ủng hộ nền độc lập của Việt Minh mà Rudơven đã phát biểu; hai là do bối cảnh của “Chiến tranh lạnh”, sự đối đầu giữa hai cực Xô – Mĩ (Việt Nam được Liên Xô ủng hộ).
3. Can thiệp sâu và “dính líu” trực tiếp vào cuộc chiến tranh của Pháp ở Đông Dương.
Nghiên cứu về chính sách đối ngoại của Mĩ đối với Việt Nam (1945 – 1954)  ta thấy việc giúp đỡ Pháp đề ra kế hoạch Rơve (ngày 13/5/1949), công nhận Chính phủ Bảo Đại (ngày 7/2/1950), viện trợ kinh tế và quân sự cho Pháp (ngày 8/5/1950) là thể hiện rõ sự can thiệp sâu và “dính líu” trực tiếp của Mĩ vào cuộc chiến tranh ở Đông Dương [12; 136]. SGK và các tài liệu giáo khoa của Mĩ và Anh lại lí giải về việc can thiệp và “dính líu” của Mĩ là do lo sợ “cộng sản chủ nghĩa” sẽ bao trùm khắp Đông Nam Á, lan sang châu Á, châu Mĩ,…. Theo họ, trong thời gian đầu của cuộc chiến tranh, chính quyền Mĩ khá yên tâm về sự có mặt của người Pháp ở đây, nhưng từ khi cách mạng Trung Quốc thành công, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa ra đời đã giúp đỡ Bắc Triều Tiên đẩy lùi quân Nam Triều Tiên tới vĩ tuyến 38, rồi viện trợ cho Việt Minh đánh thắng Pháp trong nhiều chiến dịch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn thì Mĩ không thể làm ngơ. Chính quyền Oasinhtơn đã bắt đầu nhìn cuộc chiến tranh Đông Dương bằng một viễn cảnh khác, coi Đông Dương là một phạm vi hoạt động quan trọng trong chiến lược chống lại chủ nghĩa cộng sản toàn cầu [4; 32], [9; 34]. Sứ mệnh của nước Mĩ được các nước tư bản đồng minh giao phó sau Chiến tranh thế giới thứ hai là phải bảo vệ được “thế giới tự do”, chống lại “sự đe dọa” của chủ nghĩa cộng sản, nhưng cuộc “chiến tranh Đông Dương thuộc Pháp” cho thấy nguy cơ cộng sản bành trướng đang đến gần, vì vậy Mĩ phải hành động sớm hơn. Sự lo ngại về chủ nghĩa cộng sản lan ra khắp thế giới đã được chính quyền Mĩ đưa ra thông qua ‘Học thuyết Đôminô” vào năm 1950. Học thuyết này cho biết, trong một ván cờ Đôminô, nếu một quân cờ đổ xuống thì tất cả các quân còn lại trong ván cờ ấy cũng sẽ đổ xuống theo như một sợi dây chuyền không thể nào ngăn cản nổi. Sách nhấn mạnh:
“Toàn bộ nền an ninh của thế giới tự do phụ thuộc vào sự sống còn của Đông Dương thuộc Pháp, và nếu Hồ Chí Minh thành công trong việc xâm chiếm Bắc Kì, Trung Kì, Nam Kì thì sự sụp đổ của Lào, Campuchia chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Nếu Đông Dương nằm trong tầm tay của Đảng Cộng sản thì ván vờ Đôminô sẽ bị sụp đổ theo hai hướng: Thái Lan và Miến Điện (tức Mianma – TG chú thích) sẽ đầu hàng, khi ấy Pakixtan và Ấn Độ, Ápganixtan và phần còn lại của Trung Đông sẽ bị sụp đổ. Sau đó, cộng sản sẽ nhanh chóng xâm nhập vào Bắc Phi và toàn bộ miền Địa Trung Hải,… Hơn nữa, sự sụp đổ ở Việt Nam có thể làm lung lay Malaysia, Philippin, Inđônêxia và một khi Inđônêxia sụp đổ thì Australia, Niudilân cũng sẽ sụp đổ theo” [4; 32]. Vì vậy, để “bảo vệ thế giới tự do”, Mĩ “sẽ trả bất cứ cái giá nào, chịu đựng mọi gánh nặng, đương đầu với mọi khó khăn, hậu thuẫn bất cứ người bạn nào, chống lại bất cứ kẻ thù nào để đảm bảo sự sống còn và thắng lợi của tự do” [11; 195].
Từ việc lí giải lí do trên, chính quyền Tơruman đã ủng hộ Bảo Đại và bắt đầu hỗ trợ cho Pháp về kinh tế, quân sự chống lại cuộc xung đột ở Đông Dương, mức viện trợ ban đầu chỉ khiêm tốn 10 triệu USD. Vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh (1954), viện trợ của Mĩ cho Pháp đã lên tới 80%, hơn cả số tiền mà Mĩ cung cấp cho Pháp dưới kế hoạch Mácsan [5; 34]. Song, sự viện trợ của Mĩ cũng không thể làm tăng thêm sức mạnh cho Pháp và Điện Biên Phủ vẫn sẽ bị mất trong một thời gian không xa. Tình hình ấy khiến tướng Pau Ely – Tham mưu trưởng quân đội Pháp tức tốc bay tới Oasinhtơn (ngày 20/3/1954) để gặp Tổng thống Aisenhao. Lập tức, Quốc hội Mĩ thảo luận xoay quanh vấn đề giúp đỡ Pháp bằng cách “sử dụng không quân ném bom nguyên tử” hay “pháo binh”? Hai trong số nhiều người ủng hộ nhất là Phó Tổng thống Níchxơn và Tham mưu trưởng Rát –Pho. Tài liệu dẫn lời của Rát-Pho như sau:
“Chúng ta có thể giúp đỡ người Pháp bằng việc tấn công không quân …. Nếu ta sử dụng vũ khí nguyên tử, chúng ta có thể sẽ thành công” [4; 43 - 44].
Khi thực dân Pháp ngày càng sa lầy, có ý thương lượng với Chính phủ Việt Minh để rút quân về nước thì Níchxơn phản đối: “Không thể hạ vũ khí khi chưa giành được chiến thắng hoàn toàn. Nếu Pháp ngừng chiến đấu, Mỹ sẽ phải đưa quân đến” [13; 69].
Cuối cùng, tại một cuộc họp quan trọng của Hội đồng an ninh quốc gia (vào 4/1954), khi vấn đề tranh cãi lại diễn ra có hay không sử dụng vũ khí nguyên tử thì Tổng thống Aisenhao đã bực tức ngang cuộc thảo luận: “Trời ơi! Các anh hẳn là những đứa trẻ mất trí. Chúng ta không thể sử dụng điều tồi tệ ấy để chống lại những người châu Á lần thứ hai” [4; 46]. Vì không được Mĩ giúp đỡ đến cùng, quân Pháp bị thất bại thảm hại ở Điện Biên Phủ (7/5/1954). Sau đó, Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương được kí kết chấm dứt chủ nghĩa thực dân Pháp, nhưng “Hiệp định hòa bình đã chứa đựng những thiếu sót mà chính nó góp phần vào làm tai họa sau này” Sau năm 1954, miền Bắc Việt Nam trở thành nước Dân chủ cộng hòa (Hà Nội), miền Nam trở thành nước Cộng hòa đặt dưới tay một tên độc tài phản động Ngô Đình Diệm (ở Sài Gòn) [9; 330], [11; 66],….
4. Thay lời kết
Trên cơ sở tiếp cận với một số SGK và tài liệu giáo khoa của Mĩ và Anh viết về chính sách đối ngoại của Mĩ đối với Việt Nam (1945 – 1954), chúng ta thấy LS Việt Nam có vị trí quan trọng trong chương trình “Lịch sử thế giới” và “Lịch sử dân tộc” mỗi nước. Nguồn tài liệu cũng cho biết chính sách của Mĩ đối với Việt Nam không ổn định, liên tục có sự thay đổi: từ ủng hộ Việt Minh đánh Pháp, đuổi Nhật (những năm cuối của Chiến tranh thế giới thứ hai đến tháng 3/1945) đến ủng hộ, giúp đỡ Pháp xâm lược trở lại Đông Dương (từ 1945 đến  1948), sau đó chuyển sang can thiệp và “dính líu” trực tiếp vào cuộc chiến tranh của Pháp ở Đông Dương (từ 1949 đến 1954).
Trên thực tế, Mĩ không chỉ ủng hộ Pháp mà còn giúp đỡ cả quân đội Trung Hoa dân quốc phá hoại cách mạng Việt Nam những ngày đầu sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. Lên thay Rudơven trong bối cảnh phong trào cách mạng thế giới diễn ra mạnh mẽ, Tơruman chủ yếu lo giúp quân Trung Hoa dân quốc (đứng đầu là Tưởng Giới Thạc) chống lại lực lượng của Đảng Cộng sản (do Mao Trạch Đông lãnh đạo). Tại Hội nghị Ianta (2/1945), Tổng thống Tơruman đã đồng ý để quân Trung Hoa Trung Quốc vào Việt Nam giải giáp quân phiệt Nhật Bản từ vĩ tuyến 16 đổ ra Bắc, cũng nhiệm vụ ấy do quân Anh đảm nhiệm từ vĩ tuyến 16 đổ vào Nam. Chính sách của Mĩ đối với Việt Nam lúc này là đưa những phần tử thân Tưởng vào làm “những con ngựa của thành Tơroa”. Nhưng do cuộc chiến tranh ở Trung Quốc ngày càng phát triển và sự kiểm soát của Việt Minh lan ra cả nước Việt Nam, nên chính quyền Tơruman buộc phải lùi một bước, chấp nhận để Pháp quay trở lại Đông Dương, đồng ý cho Tưởng kí với Pháp Hiệp ước Hoa – Pháp (ngày 28/2/1946).
Đến giữa năm 1950, khi Pháp ngày càng thất bại, Mĩ liền đưa phái đoàn “cố vấn” viện trợ quân sự (MAAG) sang Việt Nam để giúp đỡ, ủng hộ tài chính,… Đến năm 1954, chi phí quân sự của Mĩ cho Pháp chiếm 80%, hơn cả số tiền mà Mĩ giúp đỡ Pháp trong kế hoạch Mácsan 1954, [10; 34]. Sự dính líu của Mĩ vào cuộc chiến tranh này ngày càng thêm sâu, đến mức Nghị sĩ Đảng Cộng hòa là Smít lên tiếng: “Mặc dù chúng ta không trực tiếp làm chiến tranh ở Đông Dương, nhưng cũng gần như chúng ta đã làm chiến tranh rồi”[14; 23]. Trong khi quân dân ta đang tấn công Pháp ở Điện Biên Phủ, Tổng thống Aisenhao quyết định, nếu không có cách nào khác để ngăn chặn Đông Dương rơi vào tay cộng sản thì Mĩ sẽ can thiệp, thậm chí dùng cả bom nguyên tử để hủy diệt tiền đồn của Việt Minh. Tuy nhiên, ông ta cũng thận trọng khi tuyên bố chỉ can thiệp nếu có được 3 điều kiện:
-         Được sự ủng hộ của các nước đồng minh, trước hết là Anh
-         Pháp phải trao trả hoàn tòan độc lập cho các nước Đông Dương
-         Được sự đồng ý, tán thành của Quốc hội Mỹ
Đầu tháng 4/1954, khi Tướng Nava báo cáo Điện Biên Phủ có thể mất nếu không có cuộc oanh tạc của không quân Mĩ. Chính phủ Pháp chính thức yêu cầu Mĩ can thiệp, nhưng không thành, do không được sự tán thành của Quốc hội, đặc biệt là không có sự giúp đỡ từ phía nước Anh. Ý của Mĩ lúc này là muốn “quốc tế hóa” cuộc chiến tranh do Mĩ cầm đầu. Cuối cùng, không có sự can thiệp của Mĩ, chiều ngày 7/5/1954, quân Pháp thất bại hoàn toàn ở Điện Biên Phủ. Như thế, sự thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ cũng đồng thời là sự thất bại của Mĩ.
                                                       *         *                   
*                                        
Một cách khái quát, việc tìm hiểu, nghiên cứu SGK và tài liệu giáo khoa nước ngoài để so sánh, đánh giá và có cái nhìn toàn diện về mối quan hệ giữa LS Việt Nam với các nước là cần thiết. Nhưng chúng ta cần có tinh thần khách quan, thái độ đúng đắn, biết phê phán những quan điểm sai lệch của các tác giả./.

Trích dẫn:

1.      Herbert J. Bass, George. H Billas, Emma Johes Lapsansky (1983). America and Americans. Volume II (For High school). The Ecker Institude, New Jenef.
2.      I R Win Unger, Debi Unger (1990). Twentieth Century America. Martin’ Press. New York.
3.      Jack Abramovitz (1984). America history. Sixth Edition, Follett Social Studies.
4.      James S. Olson, Randy Roberts (1996). Where the Domino fell. America and VietNam 1945 – 1954. New York, S.t Martin’ Press.
5.      John Hamer (1986). History in the Twentieth Century. Macmilan Education LTD. Lon Don.
6.      John Martell (1990). The Twentieth Century World. Third Edition. Harpap Limited. Lon Don.
7.      John R. O’ Conno (1998). Exploring World History – A Global Appoach. Globe book Company, Inc. New York – Chicago – Cleveland.
8.      Richrt N. Current, Alescanshe De Conde, Harris L. Dante (1994). States History – A world power. ScoH, Foresman and Company.
9.      Philip Sauvan (1997). The morden world 1914 – 1918. Stanley Thornes Publisher Ltd.
10.  Steven Cohen (1983). Viet Nam Anthology and Guide to A Television History. Alfred A. Knopf. New York.
11.  The World history. New York, 1987
12.  Phan Ngọc Liên (Tổng Chủ biên) (2008). Sách giáo khoa Lịch sử 12. Nxb Giáo dục. HN
13.       Virginia Brodine, Mark Selden, Keith Bucbanan, John Dower (1972). Open scret. The Kissinger – Nixondoc – Trine in Asia. Why we are never leaving? Harper and Row. New York.
14.       Trần Bá Đệ (1983). Từ Điện Biên Phủ đến Điện Biên Phủ trên không – đế quốc Mĩ từ chùn bước đến thất bại. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 6.


(**) Khác với Việt Nam, các trường phổ thông ở Mĩ có thể sử dụng nhiều bộ SGK khác nhau
(*) SGK và tài liệu giáo khoa của Mĩ, Anh gọi cuộc chiến tranh Pháp xâm lược Việt Nam (1945 – 1954) là chiến tranh Đông Dương lần 1 để phân biệt với cuộc chiến tranh Đông Dương lần 2 (1954 – 1975) mà Mĩ xâm lược ở Đông Dương. Một số tài liệu này gọi là cuộc chiến tranh nóng lần thứ hai để phân biệt với chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953) [1; 452], [5; 214], [9; 330],…
Về thời gian kết thúc chiến tranh giữa các cuốn SGK của Mĩ và Anh chưa có sự thống nhất: Hầu hết lấy từ sự kiện đêm 19/12/1946 đến 7/5/1954, nhưng cũng có tài liệu viết từ 1945 đến 1954 [4; 24].

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét