Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

ƯỚC LƯỢNG DÂN SỐ VIỆT NAM THẾ KỶ XVII-XVIII.

ƯỚC LƯỢNG DÂN SỐ VIỆT NAM THẾ KỶ XVII-XVIII.
Đặt vấn đề:

Người đọc có một chút băn khoăn về số liệu dân đinh và binh lính 2 miền được huy động vào thời điểm thế kỷ XVI - XVIII được nêu trong 2 tài liệu của 2 tác giả Li Tana và Nguyễn Thanh Nhã. Nếu suy luận theo logic gia tăng dân số về những tài liệu ghi số đinh ở những thời kỳ trước và thống kê đến gian xảy ra Trịnh Nguyễn phân tranh thì chưa thuyết phục lắm. Phải chăng đây là 2 khiếm khuyết của tài liệu này và hiện nay các công trình sử học thống kê lại dân số nước ta trong khoảng thời gian này cũng khá hiếm. Nhưng việc cố gắng tìm ra được những số liệu về dân số cũng là cố gắng lớn nhất của 2 tác giả trên - Thai Tri Hai.

Bàn thêm:

Có thể nói việc đặt ra một định hướng nghiên cứu mới về dân số Việt Nam qua các triều đại là đóng góp lớn nhất của Li Tana trong công trình luận án mang tên “Xứ Đàng Trong: Lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18”. Cứ liệu liên quan trực tiếp đến dân số hiện tồn chỉ là số liệu nhân đinh qua các thời kỳ. Tuy nhiên, với tình trạng ẩn lậu nhân đinh của các làng Việt Nam, các nhà nghiên cứu không thể nào xác định nổi một tỷ lệ chính xác giữa số nhân đinh được đăng bộ với số đinh thực tế, chưa nói tới liên hệ với số người già, phụ nữ và trẻ em không được ghi sổ bộ.

Li Tana đã lưu ý rằng có một hạn ngạch sàn về quy mô dân số mỗi xã được thiết lập năm 1490. Theo đó xã nào đủ 500 hộ mà thừa ra 100 hộ trở lên được tách thêm thành một xã nhỏ. Lại nữa, trước đó, vào năm 1419, ở nước ta đã bắt đầu thiết lập hệ thống lý do Lý trưởng đứng đầu. Mỗi lý trưởng quản lý 110 hộ. Tiến hành so sánh tỷ lệ số đinh với số xã ở mỗi thừa tuyên, Li Tana đặt giả thiết quy mô làng xã trung bình của Việt Nam là 110 hộ và mỗi hộ có 5 khẩu. Bà ước tính dân số Việt Nam qua các thời đoạn như sau:

Đàng Ngoài:
-1417: 3.385 xã - 1.861.750 dân.
-1490: 7.950 xã – 4.372.500 dân.
-1539: 10.228 xã – 5.625.400 dân.
-1634-1643: 8.671 xã – 4.769.050 dân.
-1730s: 11.766 xã – 6.471.300 dân.
-1750s: 10.284 xã – 5.656.200 dân.
-1810: 10.635 xã – 5.849.250 dân.

Đàng Trong – Thuận Hóa:
-1417: 116 xã – 63.800 dân.
-1555: 688 xã – 378.400 dân.
-1770: 1.436 xã – 789.800 dân.

Đàng Trong – phủ Điện Bàn:
-1555: 66 xã – 29.040 dân.
-1777: 197 xã – 86.680 dân.

Chú thích ảnh: Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ

Kinh tế đồn điền của người Pháp ở Phú Yên

Kinh tế đồn điền của người Pháp ở Phú Yên
Kinh tế đồn điền là một trong những chính sách khai thác thuộc địa quan trọng của thực dân Pháp, nên sau khi ổn định chính quyền, người Pháp đã triển khai mạnh mẽ chính sách này ở Việt Nam và Đông Dương.

Bài viết trên mong muốn tái hiện lại toàn bộ chính sách khai thác kinh tế đồn điền của thực dân Pháp ở Phú Yên, với nhiều biểu hiện như là số lượng, sự phân bố, đặc trưng đồn điền và những tác động của nó đến kinh tế nông nghiệp, thương mại, đặc biệt là các giai tầng xã hội ở  Phú Yên. Do nguồn tư liệu hạn chế cũng như khả năng bản thân nên chúng tôi chỉ giới hạn trong khoảng thời gian từ năm 1887 đến những năm 20 thế kỷ XX, mà thực chất là trong giai đoạn khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897 – 1918). Bài viết bước đầu đặt vấn đề xem xét lịch sử trong mối quan hệ cấu trúc giữa kinh tế và xã hội, những tác động của kinh tế tư bản thực dân Pháp đến “não trạng” hay “tâm thức” đến con người Phú Yên.

bd1.jpg
Bảng 5:  Bảng thống kê về số lượng, diện tích và hình thức kinh doanh các đồn điền ở Phú Yên từ năm 1897 – 1918(2)



QUÁ TRÌNH THIẾT LẬP KINH TẾ ĐỒN ĐIỀN

Từ cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp mở rộng quá trình chiếm đất ở Phú Yên, với mục đích là xây dựng các cơ quan hành chính và lập đồn điền. Thời kỳ đầu, tư bản Pháp tiến hành xây dựng nhiều cơ quan hành chính phục cho chính sách cai trị và khai thác thuộc địa, nên đã trưng thu nhiều thửa đất với diện tích nhỏ ở Phú Yên, nếu ruộng đất trưng thu thuộc quyền sở hữu tư nhân thì tư bản Pháp phải trả số tiền cho chủ sở hữu theo giá đất qui định của chính quyền. Điển hình vào năm 1917, Toàn quyền Đông Dương đã mua 3 thửa đất với diện tích 1419m2, 1953m2 và 1780m2 của tư nhân tọa lạc ở Vĩnh Cửu (Đồng Xuân) nên họ đã hoàn tiền lại cho chủ đất; ngược lại, loại đất trưng dụng thuộc quyền công quản thì tư bản Pháp hoàn trả số tiền cho ngân sách làng xã ấy. Đối với ruộng đất trưng dụng vào mục đích lập đồn điền thì người Pháp dựa theo nghị định năm 1897, thừa nhận quyền hợp pháp của tư bản Pháp trong việc chiếm đất lập đồn điền ở Trung kỳ.

Theo kết quả thống kê từ các hồ sơ lưu trữ đến đầu những năm 20 thế kỷ XX, tư bản Pháp đã lập hơn 8 đồn điền ở Phú Yên với tổng diện tích chiếm dụng khoảng 31.756ha, trong đó đồn điền có diện tích lớn nhất là 14.5000ha, nhỏ nhất là 8 ha. Dựa theo cách phân loại của Tạ Thị Thuý trong tác phẩm Đồn điền của người Pháp ở Bắc kỳ thì ở Phú Yên có 7 đồn điền có qui mô sở hữu lớn, chỉ có một đồn điền loại vừa, không có loại đồn điền nhỏ và trong các loại đồn điền quy mô lớn thuộc vào 3 loại: từ 100 – 500ha (đồn điền Ramond, Lyard); từ 2001 – 5000 (Gilbert, Montpezat, Boujard); từ 5001ha trở lên (Duval, Dombret)(1).

Đa số ruộng đất trưng dụng để lập đồn điền ở Phú Yên là đất hoang nhàn hoặc những ruộng đất công của làng xã, các đồn điền phân bố chủ yếu ở khu vực miền Tây, dọc theo lưu vực sông Ba, sông Con và sông Hinh, bên cạnh đó gần các nguồn suối; ngoài ra có một số đồn điền phân bố dọc theo bờ biển và chỉ có một đồn điền nằm ở khu vực đồng bằng (Moreau). Đặc điểm các đồn điền ở Phú Yên thời kỳ này: quy mô vừa và nhỏ (lớn nhất là 14.500ha); đồn điền “xen canh” nhiều loại cây trồng hoặc đồn điền hỗn dung giữa trồng trọt và chăn nuôi; diện tích đồn điền manh mún, phân tán. Dưới đây là bảng thống kê về số lượng, diện tích và phân loại các đồn điền ở Phú Yên:

Dựa trên bảng thống kê trên cho chúng ta thấy quy mô diện tích đồn điền ở Phú Yên rất lớn, có đến 5 đồn điền dùng vào mục đích chăn thả gia súc với diện tích 29.616ha, chiếm hơn 93% tổng diện tích chiếm dụng lập đồn điền của tư bản Pháp và đây chính là đặc trưng kinh tế đồn điền ở Phú Yên; ngoài ra có một số nhỏ diện tích đồn điền dùng vào mục đích trồng trọt mà chủ yếu các loại cây đậu đỗ, ngô, thuốc lá,… Diện tích đồn điền dùng để chăn thả trâu bò lớn như vậy là đáp ứng nhu cầu xuất khẩu lượng lớn trâu bò của tư bản Pháp trong thời kỳ này.

Trước đây lượng trâu bò Phú Yên chỉ xuất khẩu sang các tỉnh Nam kỳ và Trung kỳ (Quy Nhơn, Quảng Nam, Quảng Ngãi), chủ yếu là để xẻ thịt và phục vụ công việc đồng áng. Nhưng kể từ sau khi ông Schoss, một nhà tư sản Mỹ ở Sài Gòn đệ đơn lên nhà cầm quyền thu mua số lượng lớn gia súc từ 1.000 – 1.200 con mỗi năm và một số gia cầm ở Phú Yên(3) thì tư bản Pháp mới quan tâm nguồn lợi này. Sau ông Schoss, nhiều nhà tư sản ở Philippin đệ đơn xin trưng mua và thiết lập các đồn điền chăn thả gia súc ở Phú Yên. Trước tình hình trên, vào năm 1900 chính quyền thực dân Pháp đã ban hành một văn bản quy định về trưng mua và xuất cảng gia súc, gia cầm ở các tỉnh Trung kỳ, theo đó chính quyền cho phép các nhà tư sản đặc quyền thu mua gia súc ở Phú Yên xuất cảng sang Philippin.

Sở hữu nền khí hậu nhiệt đới, quanh năm mưa thuận gió hòa và địa hình tương đối bằng phẳng, cộng thêm thổ nhưỡng tươi tốt nên miền tây Phú Yên có những đồng cỏ rộng hàng chục hecta (cao nguyên Vân Hoà) phù hợp cho việc chăn thả gia súc lớn. Trong bản báo cáo kinh tế năm 1900, công sứ Phú Yên đã nhận định về tính nguồn lợi về chăn nuôi ở Phú Yên như  sau: “Phú Yên là xứ chăn nuôi, có quy mô chăn thả lớn”(4). Thêm vào đó, Phú Yên có nhiều giống trâu, bò và ngựa nổi tiếng khắp cả nước. Dưới triều Minh Mạng đã có lần ông yêu cầu trấn thần Phú Yên mua nộp về kinh 25 con ngựa, ở triều Thiệu Trị thì ông ra lệnh Phú Yên nuôi ngựa thành thục nộp về kinh. Về sau tác phẩm Le province de L’Annam (Phu Yen) cũng mô tả đặc điểm của ngựa Phú Yên: “dai sức và hung dữ, dáng nhỏ thó chỉ cao từ 1,15m đến 1,24m”(5). Chính những yếu tố này đã thôi thúc tư bản Pháp chiếm đất dọc lưu dọc sông Ba, sông Con và sông Hinh để chăn thả trâu bò.

Nhà tư sản Montpezat là người sớm nhất đến Phú Yên xin trưng mua đất để chăn thả trâu bò và trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày, khu vực mà ông xin cấp nhượng phân bố dọc theo lưu vực sông Ba, sông Con, với tổng diện tích 4216 ha. Nhà kỹ nghệ Hà Nội này chia đồn điền của mình làm 3 khu vực nhỏ:(6)

Khu vực 1: Tọa lạc ở cao nguyên Vân Hoà, đất của đồn điền phân bố ở các ngôi làng dọc theo con đường từ Vân Hoà đi Thạnh Hội (nay là đường Dốc Dán). Khu vực này trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày và cây lương thực – thực phẩm như thuốc lá, ngô, đậu đỗ, mía, lúa. Ngoài ra với khí hậu nhiệt đới, địa hình bằng phẳng chủ đồn điền Montpezat còn chăn thả số lượng lớn trâu bò.

Khu vực 2: Diện tích 800ha, nằm dọc theo sông Con và các suối Cau, suối Bạc thuộc khu vực làng Thạnh Hội, Ngân Điền (tổng Sơn Xuân, Sơn Tường). Khu vực này trồng lúa, bông ở Thạnh Hội, mía ở Ngân Điền và chăn thả trâu bò.

Khu vực 3: Tọa lạc ở tả ngạn sông Ba, đoạn từ Lạc Hiền đến tiếp giáp với sông Con, trung tâm đồn điền ở làng Lạc Đạo (tổng Sơn Lạc), biên giới phía nam của khu vực này là làng Đồng Me và Đồng Thạnh. Khu vực này cũng chăn thả gia súc và trồng các loại cây lương thực - thực phẩm.

Ngoài 3 khu vực có diện tích lớn trên, đồn điền Montpezat phân bố ở các làng người dân tộc thiểu số tổng Sơn Bình. Như vậy, diện tích của đồn điền Montpezat phân bố ở 4 tổng Sơn Xuân, Sơn Tường, Sơn Lạc, Sơn Bình (huyện Sơn Hoà). Quy mô sở hữu lớn 4216ha chiếm hơn 13% diện tích đồn điền thời kỳ này, hình thức kinh doanh của đồn điền là kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi.

Trong bảng dự kiến khi xin đất chăn thả gia súc ở cao nguyên Vân Hòa (10-10-1898), ông Montpezat nêu lên con số 1500 – 2000 con trên diện tích 1.600 ha. Với số lượng con giống 2.500 con cái và 200 con đực, ông dự định trung bình mỗi năm sẽ sản sinh ra 1825 con, trong vòng 4 năm thu được 10.000 con và ông phấn đấu số đàn gia súc tăng lên 90.000 con(7). Đây là đồn điền có thời gian tồn tại dài và có ảnh hưởng đến kinh tế nông nghiệp Phú Yên trong giai đoạn khai thác thuộc địa lần thứ nhất.

Ban-do-090119.jpg


Về sau các nhà tư sản Dombret, Boujard, Duval và Lyard lần lượt xin nhà cầm quyền Pháp ở Phú Yên cấp nhượng đất chăn thả gia súc, ngoại trừ đồn điền Lyard ở phía tả ngạn sông Ba, các đồn điền còn lại phân bố ở khu vực lưu vực sông Hinh và dọc theo hữu ngạn sông Ba (hiện nay thuộc huyện Sông Hinh và một phần Tây Hòa. Vào năm 1902, một viên luật sư người Pháp ở Sài Gòn xin trưng thu 14.000ha ở khu vực dọc hai bên bờ tả hữu sông Hinh, nó được giới hạn trong các buôn: Rich, Quen, Thia, Muoi, Teng, Xu, Hin, Run, Duc, Ruom, Fou. Đến năm 1903, chính quyền Pháp cấp thêm cho ông 500ha trên cơ sở mở rộng diện tích ở khu vực trên. Do nguồn tư liệu hạn chế nên chúng tôi chưa đi sâu phân tích hoạt động kinh doanh của đồn điền Duval, đồn điền lớn nhất Phú Yên trong giai đoạn này

Một loại kinh tế đồn điền đặc biệt và thể hiện sự du nhập của nền văn minh phương Tây vào Phú Yên là đồn điền trồng cây thơm tàu của công ty Gilbert. Vào năm 1905, Hiệp hội Gilbert ở Hà Nội đã đề nghị chính quyền Phú Yên cấp một khu đất rộng 2.032,75ha tọa lạc ở 11 ngôi làng: Đông Tác, Phú Lâm, Phú Lạc, Thạnh Lâm, Phú Hiệp, Phú Nhuận, Phước Lâm, Uất Lâm, Đông Mỹ, Thọ Lâm, Đa Ngư thuộc tổng Hoà Đa (nay là Hoà Hiệp Bắc, Hoà Hiệp Trung, Hoà Hiệp Nam) với mục đích trồng cây thơm tàu (avage) sản xuất thảm, dây thừng, yên ngựa, bao bố, vải bạt,… phục vụ cho nhu cầu của chính quyền thực dân. Chủ đồn điền Gilbert đầu tư hệ thống máy móc hiện đại: máy dập chạy bằng hơi nước, máy ép, máy tước sợi. Sau thời gian làm ăn thua lỗ, cùng với việc xuất hiện nhiều cỏ gà ở đồn điền, Hiệp hội Gilbert đã thôi đầu tư vào năm 1910(9).

NHỮNG TÁC ĐỘNG CỦA CHÍNH SÁCH KINH TẾ ĐỒN ĐIỀN ĐỐI VỚI NÔNG NGHIỆP, THƯƠNG MẠI

Nông nghiệp

Quá trình khẩn hoang chiếm đất lập đồn điền của tư bản Pháp đã làm cho diện tích ruộng đất canh tác ở Phú Yên ngày càng mở rộng, diện tích đất hoang ngày càng thu hẹp do việc mở rộng các đồng cỏ chăn nuôi trâu, bò. Theo thống kê của Le province de l’ An nam (Phu Yen), năm 1907, diện tích nông nghiệp Phú Yên khoảng 71.058,7ha, trong đó diện tích ruộng lúa nước 40.768ha, diện tích trồng cây công nghiệp và cây lương thực – thực phẩm (dừa, cau, thuốc lá, đậu đỗ, ngô,…) khoảng 29.785,6ha. Như vậy vào những năm đầu thế kỷ XX, diện tích canh tác nông nghiệp ở Phú Yên tăng nhanh, cùng với đó là sự biến đổi về cơ cấu cây trồng, năng suất và kỹ thuật canh tác trong nền kinh tế nông nghiệp thời kỳ này. Mặt khác, dựa trên những đặc điểm của kinh tế đồn điền, chúng ta có thể khẳng định chính quyền thực dân không can thiệp sâu vào quyền sở hữu lớn của địa chủ cũng như sở hữu nhỏ của nông dân Phú Yên thời kỳ này. Quyền tư hữu về ruộng đất được thừa nhận, người dân có thể tự do mua bán và thế chấp theo ý họ. Riêng ruộng đất công của làng xã ngày càng bị thu hẹp do quá trình chiếm đất xây dựng các cơ quan hành chính, nhà thờ, nhà nghỉ... và lập đồn điền của tư bản Pháp.

Cũng nhằm mục đích tăng cường vơ vét các nguồn nông sản từ người nông dân Phú Yên, tư bản Pháp mở rộng diện tích cây trồng bằng việc thiết lập hàng loạt các đồn điền trồng các loại cây lương thực – thực phẩm ở khu vực miền Tây Phú Yên. Mặc dù nền kinh tế đồn điền là biểu hiện kinh tế thực dân của tư bản Pháp, nhưng với sự tồn tại loại hình kinh tế này đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Phú Yên phát triển. Ngoài việc mở diện tích canh tác chung, kinh tế đồn điền thúc đẩy diện tích của một số loại cây trồng như mía, ngô, đậu đỗ, thuốc lá… tăng nhanh và góp phần khai hoang ở khu vực miền Tây Phú Yên. Một số loại cây trồng có giá trị xuất khẩu cao như mía, ngô, bông vải và dâu thì diện tích ngày một mở rộng, quan niệm về vị trí độc tôn cây lúa đã thay đổi, người nông dân có thể sinh sống bằng những loại cây trồng này. Kinh tế đồn điền đã bước đầu du nhập kỹ thuật canh tác hiện đại như kỹ thuật làm đất, kỹ thuật bón phân vào nông nghiệp Phú Yên. Sau mỗi vụ thu hoạch, người nông dân cày xới thửa đất giúp cho đất tươi xốp, tận dụng các loại cây đậu và rễ đậu ủ phân.

Kinh tế đồn điền cũng có những tác động đáng kể đến những thay đổi trong lĩnh vực chăn nuôi ở Phú Yên trong thời kỳ này. Chính quyền thực dân đã có những quan tâm như cải tạo về hình thức chăn thả, thức ăn và vệ sinh phòng dịch gia súc. Tư bản Pháp mở rộng chăn nuôi gia súc ở khu vực tổng Sơn Xuân, Sơn Lạc và Sơn Tường (huyện Sơn Hoà), số lượng đàn gia súc lên đến hàng nghìn con được chăn thả ở lưu vực sông Ba, sông Con, sông Hinh và các suối hoặc những vùng bình nguyên như cao nguyên Vân Hoà. Việc chăn thả trâu bò thường xuyên luân chuyển theo mùa, theo vùng để bảo vệ sự phục hồi của các đồng cỏ. Để đảm bảo nguồn thức ăn của trâu bò, họ tìm cách mở rộng diện tích đồng cỏ, thậm chí huỷ bỏ diện tích của một số loại hoa màu để trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Thời kỳ này, chính quyền thực dân cũng quan tâm đến bảo vệ phòng dịch các loại gia súc. Theo các bản báo kinh tế quý II năm 1909, công sứ Phú Yên nêu lên tình hình bệnh dịch ở khu vực Bình Định, Khánh Hoà sau đó lây sang đàn gia súc lớn ở Phú Yên, đặc biệt là đàn lợn. Nhiều thông báo của người dân gửi đến các quan Tri phủ, Tri huyện yêu cầu can thiệp vào vấn đề này, nhưng họ thờ ơ trước việc lây lang dịch bệnh. Cuối cùng, công sứ B.Lehé đã ra lệnh cấm giết mổ và buôn bán gia súc trong tỉnh, yêu cầu các quan địa phương trợ giúp nông dân chữa bệnh gia súc(10).

Thời kỳ này chính quyền thực dân Pháp cũng thử nghiệm một số giống gia súc mới ở Phú Yên. Vào năm 1900, một kiều dân Pháp đến cư trú ở Vũng Lắm, xin trưng thuê nuôi cừu ở đảo nhỏ Xuân Đài. Kiều dân này nuôi một giống dê Cachemire, về sau lai ra giống dê màu xám, lông dài, gọi là dê Chà và (Chèvres malabares)(11). Việc chăn nuôi các loại gia cầm cũng có những chuyển biến trong thời kỳ này. Năm 1900, nhà buôn Marquet đến Phú Yên thu mua trứng vịt mang về Qui Nhơn. Đến năm 1911, hãng buôn Derobert và Fiard ở Đà Nẵng đến Phú Yên thu mua trứng vịt, sau đó xử lý lòng trắng để xuất cảng sang Pháp. Chính cơ sở này mà chúng tôi cũng đã đặt vấn đề về hình thức kinh doanh của đồn điền Ramond, phải chăng nhà kỹ nghệ Bắc kỳ này đã nuôi một lượng vịt lớn dọc theo bãi cát ở làng Bình Thạnh, Tiên Châu, Tân Thạnh. Tuy nhiên đây chỉ là giả thiết từ việc đối chiếu các tư liệu liên quan.

Thương mại

Với số lượng diện lớn phục vụ chăn thả trâu bò từ các đồn điền của tư bản Pháp để phục vụ nhu cầu xuất cảng sang Philippin, nên kể từ năm 1900, hoạt động xuất khẩu gia súc ở Phú Yên có nhiều chuyển biến về số lượng, chất lượng và thị trường. Theo số liệu thống kê sở Thương chính thì số lượng trâu bò xuất cảng sang Manila từ năm 1906 – 1908 gần 6.878 tấn, riêng năm 1908 xuất cảng với số lượng 4.101.459kg với lợi nhuận gần 2 triệu frăng vàng(12). Nếu chúng ta so sánh giá trị xuất khẩu gia súc với giá trị hàng hoá xuất khẩu chung ở Phú Yên cho một kết quả là năm 1907 số lượng xuất khẩu trâu bò chiếm gần 24% tổng số lượng hàng hoá xuất khẩu; năm 1908 chiếm 23% về số lượng và chiếm gần 40% về lợi nhuận. Còn so sánh với số lượng và giá trị xuất khẩu của hai mặt hàng muối và đường mật trong năm 1908 thì rõ ràng về xuất khẩu trâu bò vượt trội về mọi mặt, riêng lợi nhuận frăng vàng gấp 16 lần lợi nhuận xuất khẩu muối. Giá xuất khẩu mỗi loại gia súc có sự chênh lệch giữa ngựa và trâu bò, giá ngựa thường cao gấp 2-3 lần giá trâu bò, thông thường giá xuất khẩu trâu bò loại 1 từ 23-25 đồng/con, giá  trâu bò loại 2 từ 18-20 đồng/con; giá ngựa loại 1 từ 80-100 đồng/con, giá ngựa loại 2 40-60 đồng/con.(13)

Theo các bảng báo cáo kinh tế của toà công sứ Sông Cầu cho biết từ năm 1900 – 1908 có hơn 12 nhà tư sản và hiệp hội đến Phú Yên thu mua và đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi gia súc gồm nhà tư sản Jose Gerenacoi, Daniel de Movellan, Matheu (Qui Nhơn), Houdetot (Nha Trang), Defert là những nhà tư sản trưng mua trâu bò xuất sang Philippin; Montpezat, Lyard, Dombret, Duval và Boujard là những nhà tư sản thuê đất chăn thả gia súc ở miền tây nam Phú Yên. Trong số những nhà tư sản trên, ông Defert đại diện hiệp hội thu mua gia súc Ynchanssi được chính quyền Pháp ưu tiên về một số quyền hạn về trưng mua trâu bò ở Phú Yên, nhà tư sản Philippin này lập một thương điếm và định cư lâu dài ở Vũng Lắm, ông thu mua trâu bò ở Phú Yên vận chuyển về Philippin bằng tàu hơi nước tại cảng Vũng Lắm.

Sau một thời gian xuất cảng, tư bản Pháp nhận ra những bất cập trong việc xuất cảng trâu bò sang Manila. Nếu con số xuất cảng trâu bò mỗi năm là 2.292,7 tấn, thì trung bình mỗi năm tỉnh Phú Yên xuất khẩu sang Philippin 6.550 con, tính liên tục trong vòng 10 năm lên đến 65.550 con. Lượng gia súc cung ứng xuất khẩu mỗi năm sẽ không đủ, những lái thương Philippin phải mua trâu bò cái và bò mộng để xuất khẩu, vì vậy đàn trâu bò của tỉnh không có khả năng phục hồi và sẽ tuyệt chủng. Thêm vào đó, trâu bò là tư liệu sản xuất chính không chỉ cho nông dân Phú Yên mà cả khu vực Nam Trung kỳ. Điều này đe doạ đến nền an ninh lương thực cũng như nền kinh tế Phú Yên. Nhận thức được vấn đề trên, từ năm 1909 chính quyền thực dân Pháp đã cấm chỉ xuất khẩu trâu bò sang Philippin và tịch thu giấy phép mà nhà cầm quyền đã cấp cho các nhà tư sản ở Philippin trước đó.

TÁC ĐỘNG CỦA KINH TẾ ĐỐI VỚI LĨNH VỰC XÃ HỘI

Dưới tác động của chính sách khai thác thuộc địa của tư bản Pháp và những chuyển biến trên các lĩnh vực kinh tế đã tác động đến tình hình xã hội Phú Yên trong thời kỳ này. Các giai tầng xã hội cũ đã có những bước quá độ thay đổi về nhiều mặt, quan hệ giữa nông dân và địa chủ biến đổi dần, thay vào đó là các mối quan hệ giữa thực dân Pháp với nhân dân Phú Yên, địa chủ với tá điền, quan lại với nông dân, chủ nhà máy với công nhân… trong xã hội Phú Yên. Kinh tế đồn điền người Pháp là một trong những nhân tố quan trọng tác động đến những biến đổi xã hội Phú Yên, mà trước tiên là các giai tầng xã hội cũ (nông dân, thợ thủ công, lái thương, địa chủ) và làm chớm nở giai tầng xã hội mới. Đối với tầng lớp thợ thủ công và thương lái có nhiều chuyển biến, thợ thủ công và lái thương tách khỏi hoạt động sản xuất nông nghiệp, bước đầu trở thành giai tầng riêng. Tuy nhiên còn ở mức độ thấp, vì theo lời nhận xét của công sứ B.Lehé về việc bện dây gai ở Sông Cầu: “Vào tháng 11 ở các làng đánh cá, nơi đây người dân thường rảnh rỗi vào mùa này, còn kỹ nghệ làm dây dừa thì người thợ thủ công ít chú đến việc thuê mướn người làm”.(15)

Đội ngũ các lái thương ở Phú Yên chủ yếu là người Hoa. Thời kỳ này, người Hoa cư trú chủ yếu ở Sông Cầu, Phú Xuân (Đồng Xuân) và Tuy An, mặt hàng trao đổi buôn bán chủ yếu là nông thổ sản. Theo thống kê Annuaire géneral de L’Indochine, năm 1917, số lượng người Hoa ở Phú Yên là 505 người, trong đó số lượng dòng Minh Hương là 55 người(16). Đối với đội ngũ tiểu thương người Việt, thành phần chủ yếu là những người buôn bán nhỏ ở khu vực nông thôn và thành thị, việc buôn bán gắn liền với sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp và ngư nghiệp. Tuy nhiên, một bộ phận nhỏ bắt đầu tách ra khỏi lĩnh vực sản xuất trên, hoạt động độc lập trong lĩnh vực thương nghiệp trong thời kỳ này.

Tác động lớn nhất của chính sách kinh tế đồn điền Phú Yên là sản sinh ra một tầng lớp xã hội mới, đó là tầng lớp lao động làm thuê tự do. Họ  là những người nông dân, công nhân làm việc mùa vụ, làm các công việc chăn thả trâu bò ở các đồn điền, một phần công nhân làm việc tại đồn Gilbert và một số khác trở thành tá điền cho tư bản Pháp. Mặt khác chính sách kinh tế đồn điền của tư bản Pháp góp phần làm thay đổi tư tưởng trong các tầng lớp xã hội ở Phú Yên, đó chính là “não trạng” của con người tại đây, thông qua cách làm của người Pháp đã giúp “não trạng” của một số tầng lớp xã hội ở Phú Yên thay đổi.

KẾT LUẬN

Với nhiều hình thức kinh doanh đồn điền khác nhau, tư bản Pháp đã tạo nhiều đổi thay trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội ở Phú Yên trong giai đoạn khai thác thuộc địa lần thứ nhất. Hệ quả của chính sách trên đã tạo ra đội ngũ công, nông dân làm thuê trong các đồn điền, họ dần tách hẳn khỏi sản xuất nông nghiệp, điều này góp phần thúc đẩy chuyển biến xã hội Phú Yên vào đầu những năm 20 thế kỷ XX. Thông qua chính sách kinh tế đồn điền người Pháp đã để lại cho bài học về phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay, phải chăng chúng ta thiết lập những đồng cỏ ở khu vực miền tây nam Phú Yên phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; phải chăng chúng ta tận dụng lượng lớn diện tích đất hoang để trồng cây thơm tàu (trân) sản xuất thảm, bao tải dùng trong mục đích công nghiệp, đồ dùng trang trí mỹ thuật.

(9). Concession de Gilbert et Cie à Tuy Hoa 1906-1909. RSA\HC 420; Concession de Gilbert  à Tuy Hoa 1905-1910. RSA\HC 372.
(10),(15). Rapporte economique province de Phu Yen, Residence de Phu Yen 1909, TVHP\VV 321 – 322 , tr.2, 6.
(11). Laborde (1929), La province de Phu Yen, BAVH, Tap 16, số 4, (tỉnh Phú Yên), 2003, tr.432.
(12),(14). Tổng hợp từ Rapporte Economique province de Phu Yen, Residence de Song Cau année 1908, TVHP\VV324.
(13). Rapporte economique province de Phu Yen, Residence de Phu Yen 1901, TVHP\VV 323, tr.7.
(16). “Province de Binh Dinh”, Annuaire general de l’ Indochine, anee 1914-1918, Ha Noi. TVHP/VV 225, tr.240


THS. NGÔ MINH SANG
(Phòng Quản lý khoa học - Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ)

Thực hư câu chuyện vị tướng 12 tuổi Tôn Thất Thăng.

Dựng lại quá khứ lịch sử là một công việc không hề đơn giản, đòi hỏi người viết phải thận trọng tham cứu tất cả các nguồn tài liệu có thể, tìm hiểu đến cả những chi tiết tưởng chừng như nhỏ nhặt, kiểm chứng đến cả những điều tưởng chừng như đã rõ mười mươi thì mới có thể tránh được những sai lầm đáng tiếc, những ngộ nhận chết người. Chỉ một phút bất cẩn, chủ quan là đủ cho người viết sử rơi vào những sai lầm, ngộ nhận bất kể người ấy có bao nhiêu kinh nghiệm, bao nhiêu hiểu biết và có trong tay bao nhiêu nguồn tài liệu tham khảo. Đó là trường hợp của ngài Tạ Chí Đại Trường đối với một chi tiết tưởng chừng như nhỏ trong công trình đồ sộ “Việt Nam thời Tây Sơn – Lịch sử nội chiến 1771-1802”.

Trong bản in năm 2006, Tạ Chí Đại Trường viết: “Tháng giêng năm Giáp Ngọ (1774), quân triều đình từ mặt bắc đánh thốc vào Quy Nhơn. Ngay trong sào huyệt của mình, Tây Sơn có thể để phản công dữ dội. Tập Đình, Lý Tài phục kích quân triều đình ở núi Bích Kê vào lúc khoảng 9 giờ tối, làm rối loạn 40 voi địch và đến sáng hôm sau thì đuổi kịp Tiết chế Tôn Thất Hương đâm chết. Cậu bé Tôn Thất Thăng (12 tuổi) trên đường tiếp chiến, hoảng sợ bỏ quân chạy suốt đêm. Chỉ trong 7 ngày, quân Tây Sơn chiếm lại Quảng Nam và cả tỉnh thành”[1].

Cứ vào chú thích của ngài Tạ Chí Đại Trường thì đoạn sử trên được dựng lên từ lời kể của giáo sĩ Jumilla, Đại Nam liệt truyện và Đại Nam thực lục tiền biên. Ở đây có một chi tiết khó hiểu: cậu bé Tôn Thất Thăng 12 tuổi kia có tài lược gì mà lại được cử cầm quân đàn áp Nguyễn Nhạc? Chẳng lẽ triều đình chúa Nguyễn đã thực sự hết người mới phải tiến cử một cậu bé ra làm thống tướng?

Đại Nam liệt truyện tiền biên phần truyện Các con của Thế Tông hoàng đế, tức chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát có truyện Hoàng tử thứ 18 là Thăng. Truyện ấy viết về Tôn Thất Thăng: “Mẹ là Hữu Cung tần Tống thị. Cuộc biến năm Giáp Ngọ (1774) Duệ Tông hoàng đế chạy vào Nam. Thăng mới 13 tuổi, không đi theo kịp, liền bị Tây Sơn bắt được”[2]. Về sau, Tôn Thất Thăng giả chết, chạy vào Nam theo Nguyễn Ánh, được Nguyễn Ánh phong làm Quốc thúc, Chưởng cơ, tước quận công.

So sánh lời Liệt truyện với lời ngài Tạ Chí Đại Trường thì thấy “cậu bé” Tôn Thất Thăng mà ngài nói tới chính là vị hoàng tử thứ 18 con trai chúa Võ Vương. Liệt truyện kể tuổi Tôn Thất Thăng theo tuổi ta, nên là 13 tuổi. Ngài Tạ Chí Đại Trường nói theo tuổi Tây, nên là 12. Đáng tiếc, ta phải nói rằng ngài Tạ Chí Đại Trường không đọc kỹ những tư liệu mà mình đã dẫn dụng nên đi tới một gán ghép lầm lạc. Người bỏ quân chạy trong trận chiến đầu năm Giáp Ngọ đúng tên là Tôn Thất Thăng, nhưng không phải là cậu bé 12 tuổi con của Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát.

Đại Nam thực lục tiền biên viết: “Giáp Ngọ, năm thứ 9 [1774], mùa xuân, tháng giêng, sai Chưởng cơ Tôn Thất Thăng (con Tôn Thất Tứ) điều bát các quân đến dinh Quảng Nam đánh giặc. Thăng sợ thế giặc lớn, bỏ quân, luôn đêm chạy về”[3].

Thực lục nói rõ ràng: Tôn Thất Thăng nói ở đây là con trai Tôn Thất Tứ, đương nhiên không phải cậu bé Tôn Thất Thăng con trai chúa Võ Vương như ngài Tạ Chí Đại Trường đã tưởng. Trong Đại Nam liệt truyện tiền biên cũng có truyện về Tôn Thất Tứ (1698-1753). Tôn Thất Tứ còn có tên là Đán, là con trai thứ 8 của Hiển Tông hoàng đế, tức Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu, mẹ là Tống hoàng hậu. Tôn Thất Thăng là con trai thứ ba của Tôn Thất Tứ. Liệt truyện viết:

“Con thứ ba của Tứ là Thăng, làm Bố Chính doanh Trấn thủ Chưởng doanh Quận công. Năm Giáp Ngọ (1774) mùa xuân “giặc” Tây Sơn quấy nhiễu cướp bóc Quảng Nam, Thăng điều động chư quân đi đánh, nhưng sợ thế giặc lớn, đương đêm chạy về. Đến lúc quân Trịnh vào Thuận Hóa, Thăng đến cửa quân Hoàng Ngũ Phúc xin hàng. Sau đó chết”[4].

Có thể thấy rằng lúc cầm quân đánh Tây Sơn, Tôn Thất Thăng không phải là một cậu bé. Việc ngài Tạ Chí Đại Trường gọi Tôn Thất Thăng là cậu bé 12 tuổi chỉ là một lầm lẫn theo kiểu râu ông nọ cắm cằm bà kia.



[1] Tạ Chí Đại Trường. Việt Nam thời Tây Sơn – Lịch sử nội chiến 1771-1802. NXB Công An Nhân Dân, Hà Nội, 2006, trang 71-72.

[2] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam liệt truyện tiền biên. NXB Thuận Hóa, Huế, 2005, trang 72-73.

[3] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục, tập I. NXB Giáo Dục, 2002, trang 178.

[4] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam liệt truyện tiền biên. NXB Thuận Hóa, Huế, 2005, trang 54.