Lê Đại Cang- Nho tướng phong lưu (Tham luận của Lộc xuyên Đặng Quý Địch).
Lê Đại Cang sanh năm Nhâm Thìn (1772) tại làng Phú
Nhơn, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn; nay là thôn Luật Chánh, xã Phước
Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ông tên tự là Thống Thiện, tên
hiệu là Kỳ Phong, tiểu hiệu là Thường Chánh thị. Tổ tiên ông gốc Nghệ
An. Thủy tổ là Lê Công Triều, một người từng làm quan hiển hách ở triều
Lê, sau theo chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào lập nghiệp tại huyện Bồng Sơn.
Ông Công Triều có con là Công Ái. Công Ái cưới vợ rồi ở quê vợ là làng
Phú Nhơn, huyện Tuy Viễn. Công Ái sinh ra Công Nghĩa. Công Nghĩa sinh ra
ông Đá. Ông Đá sinh ra ông Am. Ông Am sinh ra ông Hậu. Ông Hậu sinh ra
ông Lê Đại Cang. ...
Lê Đại Cang- Nho tướng phong lưu (Tham luận của Lộc xuyên Đặng Quý Địch).
LÊ ĐẠI CANG – NHO TƯỚNG PHONG LƯU
Lộc Xuyên- Đặng Quý Địch.
Lê Đại Cang sanh năm Nhâm Thìn (1772) tại làng Phú Nhơn, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn; nay là thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Ông tên tự là Thống Thiện, tên hiệu là Kỳ Phong, tiểu hiệu là Thường Chánh thị.
Tổ tiên ông gốc Nghệ An. Thủy tổ là Lê Công Triều, một người từng làm quan hiển hách ở triều Lê, sau theo chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào lập nghiệp tại huyện Bồng Sơn. Ông Công Triều có con là Công Ái. Công Ái cưới vợ rồi ở quê vợ là làng Phú Nhơn, huyện Tuy Viễn. Công Ái sinh ra Công Nghĩa. Công Nghĩa sinh ra ông Đá. Ông Đá sinh ra ông Am. Ông Am sinh ra ông Hậu. Ông Hậu sinh ra ông Lê Đại Cang.
Họ Lê từ nhập cư làng Phú Nhơn đã sản sinh được hai bậc danh nhân là:
1- Lê Công Miễn (sau đổi thành Lê Khôn Ngũ), (1793-1800), thầy học của hai vua Thái Đức và Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn, quan chức đến Thượng thư bộ Hình triều Cảnh Thịnh. Ông Lê Công Miễn là con ông An, em ông Hậu, chú ruột cảu ông Lê Đại Cang. Hiện phần mộ và nhà thờ ông Lê Công Miễn đã được nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.
2- Lê Đại Cang, người có công lớn đánh đuổi quân xâm lược Xiêm La (nay là Thái Lan).
Thiếu thời, Lê Đại Cang học ông Nguyễn Tử Nghiễm, Thị giảng triều Tây Sơn và ông Đặng Đức Siêu, Thượng thư bộ Lễ nhà Nguyễn Gia Miêu.
Sách “Đại Nam Nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn, quyển 9, tỉnh Bình Định, tờ 45a + tờ 46b viết về ông Lê Đại Cang:
Phiên âm: Lê Đại Cang, kỳ tiên Nghẹ An nhân, Viễn tổ Công triều hiển ư Lê, hậu thiên vu An Nhơn phủ, bố cư yên. Cang hữu văn học danh. Gia Long nguyên niên, ứng cử trạc Huyện doãn. Minh Mệnh nhị niên, lịch Sơn Tây Hiệp trấn, chuyển Lễ bộ Hữu Tham tri tầm thụ An Hà Tổng đốc. Thập tứ niên, dễ ngụy Khôi chi biến, tỉnh thành bất thủ, tọa cách hiệu. Tầm khởi phục Viên ngoại lang lãnh An Giang Án sát sứ. Tầm thị Trấn Tây tham tán Đại thần, kinh lý phiên hạt sự vụ. Hậu dĩ thổ Lạp nhân phiến biến, cách chức. Thiệu trị nguyên nien, khởi phục Viên ngoại, lịch thiên chí Hà Nội Bố chánh sứ, niên lão, thỉnh hưu. Sở trước hữu Nam hành thi tập, Tỉnh ngu thi tập tam quyển.
Hiệu đính: Ở hàng thứ 6, sau chữ ngụy là chữ gì không có trong Tự điển. Theo Liệt truyện, truyện Lê Đại Cang, người bị gọi là ngụy chính tên là Khôi, con nuôi của Tả quân Lê Văn Duyệt. Tôi cho rằng thợ khắc gỗ đã nhầm nên đã đính chính như trong bản phiên âm.
Dịch nghĩa: Lê Đại Cang, tổ tiên người Nghệ An. Ông tổ xa đời tên là Lê Công Triều, làm quan vẻ vang dưới triều Lê, sau dời vào phủ An Nhơn (1) , làm nhà ở đó.
Đại Cang nổi tiếng văn học. Gia Long năm đầu (1802) dự tuyển được chọn làm chức Huyện doãn (Tri huyện). Năm Minh Mệnh thứ hai (1821) làm quan trải đến chức Hiệp trấn Tây Sơn, chuyển về triều giữ chức Hữu Tham tri bộ Lễ. Dần dần được trao chức Tổng đốc liên tỉnh An Giang – Hà Tiên. Năm Minh Mệnh thứ 14 (1833) bị bọn ngụy Khôi dấy loạn, ông không giữ được thành tỉnh nên bị cách hiệu (mất chức nhưng cho làm lính đánh trận lập công chuộc tội!). Dần dần được phục hàm Viên ngoại lang, lãnh chức Án sát sứ tỉnh An Giang. Gặp lúc giặc Xiêm (Thái Lan) kéo tới xâm lấn, vua nước Phiên (Chân Lạp) bỏ kinh đô (Nam Vang) trốn chạy ra ngoài. Đại Cang kéo binh sang tiếp viện, chặn đường tiếp tế của giặc, đẩy lui quân giặc. Nhờ chiến công này, ông được thăng chức Bố Chánh sứ, dần dần được trao chức Trấn Tây Tham tán Đại thần, kinh lý mọi việc trong nước Phiên (Chân Lạp). Sau đó vì thổ dân Chân Lạp nổi cuộc biến loạn, ông bị cách chức. Năm đầu đời Thiệu Trị (1841), khôi phục Viên ngoại lang, trải đến chức Bố Chánh sứ tỉnh Hà Nội thì về già yếu nên xin về hưu. Ông có soạn các sách “Nam hành thi tập” (2) , “Tỉnh ngu thi tập”, tất cả ba quyển.
Chú thích:
(1)- Đúng ra là Hoài Nhơn phủ tức tỉnh Bình Định sau này. Vào thời điểm này chưa đặt phủ An Nhơn.
(2)- Còn một thi tập nữa là “Tục Nam hành thi tập” nối theo “Nam hành thi tập” mới đủ ba quyển.
Trong bải Tự dẫn đặt đầu quyển “Lê thị gia phả” do ông soạn vào năm Minh Mệnh 17 (1836), lúc ở Nam Vang làm Trấn Tây Tham tán Đại thần, cho biết rõ hơn về tính khí và chiến công của ông.
Phiên âm: Dư sanh bình lịch thiên vĩ hữu như thử chi gian hiểm dã. Nhiên nhi phong cương nhiệm trọng, đông ngung chi thất, nghi bất khả khinh. Phụng đáo minh chỉ cách chức, nhưng thính đới lãnh binh dõng, quân tiền hiệu lực. Duyệt nguyệt phụng khởi vi Binh bộ Viên ngoại lang, kiêm Phó Lãnh binh. Tầm phục vi Án sát sứ, Bố chánh sứ, tịch kiêm Lãnh binh quan. Tam tứ nguyệt gian, nhi tiết phụng quân ân, điều điệp chí thứ, lao tụy cảm từ.
Thị Đông, Xiêm La thừa khích lai công Cao Miên, giai do thủy đạo tiến phạt. Dư chuyên mệnh do Quang Hóa lục bộ tiệt tiễu. Cùng lâm đoạt hiểm, mạo chướng tranh phong, trực đáo biên ngụy, Phiên phong toàn phục.
Thập ngũ niên tam nguyệt, Phiên vương qui quốc, dư dĩ Tuần phủ An Giang, nhưng lư Nam Vang Phiên thành bảo hộ…
Dịch nghĩa: Ta sinh bình là người lịch thiệp, chưa từng trải qua những nỗi gian nan hiểm nguy như vừa rồi. Nhưng vì trách nhiệm gìn giữ biên cương là nặng. Trước đây để mất góc đằng đông là thành An Giang thì lỗi ấy xét chẳng nhẹ. Khi đạo thánh chỉ sáng suốt đưa đến, cách chức ta nhưng cho lãnh binh dõng, ra trận phải đi trước, để lập công chuộc tội, ta tuân chỉ. Được một tháng thì cho khởi phục chức Viên ngoại lang bộ Binh, kiêm chức Phó Lãnh binh. Dần dần phục chức Án sát, Bố chánh, cùng kiêm chức Lãnh binh. Khoảng ba, bốn tháng mà ta được ơn vua nhiều lần điều động nhưu thế thì lao nhọc dám từ sao?
Mùa Đông năm này (1833), Xiêm La thừa cơ tấn công Cao Miên (làm bàn đạp để tiến đánh An Giang – Hà Tiên), Phiên Vương bỏ kinh thành Nam Vang mà chạy sang ta. Các đạo quân đều được lệnh (vua) theo đường thủy tiến về Nam Vang để đánh giặc Xiêm. Chỉ có mình ta được lệnh (vua) dẫn quân theo đường bộ Quang Hóa chặn đứt đường tiếp tế mà tiêu diệt giặc. Dẫn quân vào núi cùng rừng thẳm mà đoạt địa thế hiểm yếu, xông pha vào nơi lam sơn chướng khí mà giành làm mũi nhọn (cùng các đạo quân) đánh thẳng tới biến giới Xiêm La mà thu hồi toàn bộ lãnh thổ Cao Miên.
Minh Mệnh thứ 15 (1834), tháng ba, đưa quân Phiên Vương về nước, ta bấy giờ đương chức Tuần phủ An Giang nhưng lưu lại Phiên thành Nam Vang làm nhiệm vụ Bảo hộ nước Cao Miên…
Cháu ngoại ông là Tú tài Trần Văn Huệ (1820-1896) viết trong “Trần thị gia phả” vào năm Tự Đức thứ 24 (1871) về quãng cuối cuộc đời ông. Tôi sao y nguyên văn theo hàng ngang như sau: (Phần chữ Hán)
Phiên âm: Lê Công tự Thống Thiện, hiệu Kỳ Phong Thường Chánh thị. Phụ tặng Hàn lâm viện Thị giảng Học sĩ, húy Tử Hậu, thư khoán truyền gia. Mẫu tặng cung nhân, Nguyễn thị húy Quản…Bá húy Tử Mẫn vi tiền triều Nội viện Thị thơ. Thúc húy Tử Miễn vi Tây triều Hình bộ Thượng thư. Công ư Gia Long nguyen niên xuất sĩ. Minh Mệnh gian, quan lịch Thượng thư, Tổng đốc, Tham tán Đại thần. Lưỡng phiên đổng lý bang giao. Tam thứ bảo hộ Phiên quốc. Hậu dĩ sự miễn. Thiệu Trị nguyên niên, phục Binh bộ Lang trung, lãnh Hà Nội Bố chánh, tầm đắc đới nguyên hàm hưu trí. Kiến Giác am dĩ cư, hựu biệt hiệu Giác Am Cư sĩ. Tánh nghiêm cẩn, động hữu lễ phép, nhi vi nhân hào hoa, sở cư thường trần hàn mặc đồ thư cầm tôn hoa thụ dĩ tự thích. Tinh vu Lý học, tường cổ điển, vưu trường ư thi. Sở tác hữu Nam hành, Tựu Nam hành, Tỉnh ngu, Hành dư chư tập. Kỷ Dậu Thu, niên thất thập hữu hữu bát, thọ chung.
Dịch nghĩa: Lê Công tên tự Thống Thiện, tên hiệu Kỳ Phong, Thường Chánh thị. Cha tên húy là Tử Hậu, vốn dòng dõi công thần thế lập, chết được tặng Hàn lâm viện Thị giảng Học sĩ phẩm tùng tứ (4-2). Mẹ Nguyễn Thị Quản, chết được tặng Cung nhân. Bác tên húy là Tử Mẫn, làm chức Nội viện Thị thơ dưới đời chúa Nguyễn. Chú tên húy là Tử Miễn, làm chức Thượng thư bộ Hình triều Tây Sơn.
Ông bắt đầu làm quan vào Gia Long năm đầu (1802). Trong đời Minh Mệnh, ông trải qua các chức vụ Thượng thư, Tổng đốc, Tham tán Đại thần, Hai phen đốc suất và quản lý việc bang giao với nhà Thanh - Trung Quốc. Ba lần bảo hộ Phiên quốc là nước Cao Miên. Sau gặp việc bị bãi chức. Thiệu Trị năm đầu (1841) phục chức Lang trung Bộ binh, lãnh chức Bố chánh sứ tỉnh Hà Nội. Dần dần được phục nguyên hàm (Tuần phủ, phẩm tùng nhị, 2-2) rồi về hưu. Lập Giác Am tại quê để ở (nay là chùa Bảo Thọ). Tự đặt hiệu là Giác Am Cư sĩ.
Ông tính nghiêm cẩn, làm việc gì cũng trong vòng lễ pháp. Ấy thế mà là người hào hoa, nơi ở thường bày bút mực, trang sách, đàn rượu, hoa lá, cây cảnh, Lấy đó tự thích thú.
Ông tinh thông Lý học, am tường điển cố, sở trường về thơ. Có làm các tập: “Nam hành”, “Tục Nam hành”, “Tỉnh ngu”, “Hành dư”.
Mùa Thu năm Kỷ Dậu (1849) mệnh chung (tại Giác am), thọ 78 tuổi Âm, tức 77 tuổi Dương.
Cái tính “lich thiệp” như ông đã từng viết thì sách “Đại Nam Chính biên liệt truyện” của Quốc sử quán triều Nguyễn Gia miêu, bản Việt dịch của Viện Sử học , tập II, NXB Thuận Hóa, Huế - 1997, trang 337 dịch như sau: “(Lê Đại) Cang là người hào mại, phóng dật. Ở đâu cũng bày bút mực, sách vở, đàm, chén uống rượu, hoa, cây cảnh để tự thích…”
Những mỹ từ “lịch thiệp”, “hào mại”, “phóng dật” chắc chắn có để lại dấu ấn trong ba quyển thơ của ông như Nhất thống chí đã nói, trong bốn quyển như ông Tú Huệ đã nói, đó là chưa kể quyển “Lê thị gia phả”. Tiếc thay, bốn quyển kia chưa tìm thấy, chỉ có mỗi một quyển “Lê thị gia phả” hiện trân tàng tại nhà Bảo tàng Quang Trung ở Tây Sơn. Quyển gia phả này do ông soạn và có thể chính tay ông đằng tả. Nếu đúng như thế thì đây là thủ bút duy nhất của ông mà ta có được. Cách đây ba năm, tôi đã nhờ nhà Khảo cổ học Nguyễn Thanh Quang đến Bảo tàng Quang Trung mượn quyển gia phả này rồi phô-tô cho tôi một quyền. Bài Tự dẫn do ông soạn đặt ở đầu sách đã được tôi dao lục, phiên âm, dich nghĩa, chú giải rồi đưa vào sách CHUYỆN CŨ KẺ SĨ BÌNH ĐỊNH do tôi biên soạn, liên kết với NXB Văn hóa Dân tộc, xuất bản tại Hà Nội năm 2009.
Bài viết về ông Lê Đại Cang từ trang 81 đến hết trang 119. Trong khi chưa tìm được ba tập thơ, mời độc giả đọc bài Tự dẫn của ông trong sách của tôi để thưởng thức văn tài Danh nhân Lịch sử Lê Đại Cang, một vị Nho tướng có công với nước, một nhà văn cốt cách phong lưu, văn từ diễm tuyệt, xứng đáng lưu danh thiên cổ.
Bồng Sơn 02-7-2011
Đặng Quý Địch
VanDanViet.Net
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả theo yêu cầu của Đạo diễn- nhà báo
Nguyễn Anh Tuấn gởi từ Hà Nội ngày 22.02.2013
Xin Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn VanDanViet.Net Khi Trích Đăng Lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét