Dioxin và cuộc chiến Việt Nam
Hủy diệt
môi sinh luôn luôn là một thủ đoạn rất cổ xưa và rất thông thường trong chiến
tranh. Khi kĩ thuật và công nghệ trở nên tinh vi, sự hủy diệt môi trường càng
trở nên khốc liệt. Có thể nói chiến dịch
dùng độc chất ở Việt Nam
là một sự phá hoại môi sinh lớn nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới.
Ngược dòng lịch sử
Chiến
dịch sử dụng hóa chất trong cuộc chiến Việt Nam của quân đội Mĩ không phải là
lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh cận đại.
Trong Thế chiến thứ II, Chính phủ Mĩ ủy nhiệm và cung cấp ngân sách cho
Hội đồng Khoa học Quốc gia để phát triển một hóa chất dùng cho tiêu hủy đồng
lúa và vụ mùa của Nhật. (Nên nhớ rằng
lúc đó lúa gạo là nguồn thực phẩm chính của người Nhật.) Kết quả của nghiên cứu này là 2,4-D và
2,4,5-T (tức là Chất màu da cam ngày nay) ra đời. Tuy nhiên, qua thảo luận giữa Tổng thống D.
Roosevelt và Chánh văn phòng Nhà trắng, Đô đốc William D. Leahy quyết định
không sử dụng hóa chất này trong cuộc chiến với Nhật. Do đó, chất màu da cam không được dùng trong
Thế chiến thứ II.
Nhưng
trong đầu những nhà cầm quyền Tây phương, việc sử dụng hóa chất như là một vũ
khí trong chiến tranh vẫn là một lựa chọn.
Vào cuối thập niên 1950, qua sự thành công của Anh trong việc sử dụng
hóa chất 2,4,5-trichlorophenoxyacetic (2,4,5-T) để tiêu hủy mùa màng ở Malaya,
Bộ quốc phòng Mĩ lại ủy nhiệm cho cơ quan ARPD (Advanced Research Project
Agency) nghiên cứu và phát triển các hóa chất diệt cỏ để dùng cho các mục đích
quân sự [1]. Một cuộc thử nghiệm tương
đối qui mô đầu tiên dùng hóa chất màu tím (Agent Purple) được tiến hành ở Trại
Drum (bang New York) vào năm 1959, và mô hình này được ứng dụng trong chiến
tranh Việt Nam sau đó vài năm [2].
Giữa
lúc cuộc chiến giữa Việt Nam
và Mĩ càng ngày càng đi vào giai đoạn ác liệt, và trước sự thất bại của Mĩ
trong việc theo dõi quân đội Việt Nam , giới quân sự và chính trị Mĩ
nghĩ đến việc dùng hóa chất. Giới quân
sự Mĩ lí giải rằng, chất màu da cam nên được dùng bởi vì nó có thể “khai
quang”, tức là làm trống đồng cỏ, quân đội Việt Nam sẽ không có nơi để ngụy
trang, và không quân Mĩ tha hồ bỏ bom cắt tuyến đường Trường Sơn.
Ngày 30 tháng 11 năm 1961, Tổng thống John F. Kennedy phê chuẩn cho quân
đội Mĩ tiến hành chiến dịch khai quang đồng cỏ Việt Nam [3]. Quyết định này được Ngô Đình Diệm, lúc đó là
Tổng thống nam Việt Nam
(một chính phủ do Mĩ dựng nên và nuôi dưỡng), ủng hộ nồng nhiệt. Diệm cho rằng ông ta “biết cộng sản đang ở
đâu”, và tin rằng chiến dịch này sẽ thành công mĩ mãn [4]. Ngược lại với quan điểm của Diệm, các giới
chức cao cấp trong Bộ ngoại giao Mĩ như Roger Hilsman và W. Averell Harriman
phản đối quyết định của Tổng thống Kennedy, vì họ cho rằng không có cách gì để
biết được là chiến dịch sẽ “khai quang” hay đồng ruộng của dân sẽ bị tiêu hủy
[5]. (Họ, người Mĩ, xem ra còn có quan
tâm đến sinh mạng và cuộc sống của người Việt hơn là ông Diệm). Ông Averell và Hilsman còn lí giải rằng nếu
Mĩ dùng hóa chất trong cuộc chiến, Việt Nam sẽ có lí do để tố cáo Mĩ là “đế
quốc ngoại bang dã man” (“foreign imperialist barbarism”). Nhưng chiến dịch vẫn được thi hành.
Hóa chất bắt đầu được vận chuyển đến
Việt Nam
trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 12 năm 1961. Các hóa chất này được chứa trong các thùng
phuy, với mã màu khác nhau: chất màu hồng (Agent Pink), chất màu xanh lá cây
(Agent Green), màu tím (Agent Purple), màu da cam (Agent Orange), màu trắng
(Agent White), và màu xanh da trời (Agent Blue). Mỗi thùng phuy chứa khoảng 250 lít (tức 55
gallons). Mỗi loại hóa chất màu có thành
phần hóa học khác nhau, nhưng nói chung phần lớn chúng đều có thành phần
2,4,5-T, tức có chứa dioxin. Dioxin, như
đã và sẽ đề cập trong một phần sau, là một độc chất có khả năng gây ra ung thư
và hàng loạt bệnh tật khác trên con người.
Vì thế, nói đến chất màu da cam, người ta thường hay đồng hóa với
dioxin.
Chiến dịch xịt hóa chất xuống Việt Nam có
tên là "Operation Trail Dust".
Trong chiến dịch này có nhiều chiến dịch và chương trình nhỏ. Chiến dịch Ranch Hand (nằm trong chiến dịch
Trail Dust) thực hiện khoảng 95% việc xịt hóa chất. Khi đến Việt Nam ,
trên danh nghĩa, các hóa chất này thuộc quyền sở hữu của chính phủ miền Nam
Việt Nam
lúc bấy giờ. Điều này có nghĩa là quân
đội Nam Việt Nam
trực tiếp quản lí và sử dụng các hóa chất này.
Trong chương trình có tên là “Farmgate” (do Bộ quốc phòng Mĩ điều
khiển), máy bay mang nhãn hiệu Việt Nam, do phi công mặc đồ dân sự lái và với
sự trợ giúp của một nhân viên người Việt, đã tiến hành những phi vụ tiêu hủy
mùa vụ ở miền Nam và Trung Việt Nam.
Trong
chiến dịch Ranch Hand, có nhiều dự án với những mục tiêu cụ thể, chẳng hạn như
xịt ở đâu, bao nhiêu, loại hóa chất nào, và do ai tiến hành. Mỗi dự án đều có sự chấp thuận của hai bên,
Mĩ và Nam Việt Nam .
Như đề cập trên, cá nhân Tổng thống
John F. Kennedy trực tiếp phê chuẩn chiến dịch xịt hóa chất, nhưng tất cả các
mục tiêu, địa điểm xịt đều phải qua phê chuẩn của Văn phòng tổng thống (Oval
Office). Đến cuối năm 1962, vì bận nhiều
việc khác, Tổng thống Kennedy ủy nhiệm một phần quyền hạn này cho đại sứ Mĩ tư
lệnh quân đội tại Việt Nam (theo “Message, Department of State to AMEMBASSY
Saigon, Joint State-Defense Message No. 561, ngày 30 tháng 11 năm 1962).
Kể từ năm 1962, Lực lượng Không
quân Mĩ đã bắt đầu rải hóa chất ở qui mô lớn trong các vùng đất thuộc miền Nam và Trung Việt Nam . Phần lớn (90%) AO được rải xuống Việt Nam
bằng máy bay loại C-123, và phần còn lại (10%) bằng trực thăng, xe vận tải, và
đi bộ.
Dư luận thế
giới
Chiến dịch
dùng hóa chất của Mĩ ở Việt Nam
bị dư luận thế giới lên án gay gắt. Hầu
như tất cả báo chí Âu châu và ngay trong nước Mĩ, giới khoa học và trí thức thế
giới cực lực phản đối hành động của Mĩ và đòi hỏi Chính phủ Mĩ phải ngưng ngay
việc dùng hóa chất độc hại. Bertrand Russell, một nhà toán học
danh tiếng trên thế giới, tố cáo thẳng thắn rằng quân đội Mĩ đang tiến hành một
cuộc chiến tranh hóa học ở Việt Nam ,
qua việc sử dụng hóa chất có khả năng gây ra ung thư trong con người. Trong khi đó, một thượng nghị sĩ Mĩ, Robert
W. Kastenmeier (Wisconsin), cảm thấy tình hình bất ổn, ông viết cho Tổng thống
Kennedy chất vấn việc dùng hóa chất và đặt vấn đề chế độ Diệm có xứng đáng để
Mĩ phải hi sinh nguyên tắc đạo đức hay không [6].
Tháng 1 năm
1966, Giáo sư John Edsall (Đại học Harvard) và một nhóm gồm 29 nhà khoa học ở
Thành phố Boston viết một thư phản đối việc dùng hóa chất để tiêu hủy mùa vụ
của nông dân. Họ cho đó là một hành động
vô nhân đạo và dã man [7]. Một năm sau,
Cố vấn khoa học cho Tổng thống nhận được
một thư phản kháng từ 5.000 nhà khoa học trên thế giới, trong đó có 17 người
từng đoạt giải Nobel và 129 thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Mĩ, yêu cầu
Tổng thống Lyndon B. Johnson chấm dứt ngay hành động hủy diệt môi sinh tại Việt
Nam [8].
Năm 1967, Hiệp hội vì Phát triển
Khoa học Mĩ (American Association for the Advancement of Science), với sự thúc
đẩy của Giáo sư E. W. Pfeiffer (Đại học Montana), khuyến cáo Bộ quốc phòng Mĩ
về hậu quả lâu dài cho người dân và môi sinh Việt Nam do chiến dịch Ranch Hand
gây ra. Bộ Quốc phòng ủy nhiệm cho Viện
Nghiên cứu khoa học Trung Tây (Midwest Research Institute) nghiên cứu về ảnh
hưởng của chất màu da cam ở Việt Nam . Dựa vào các dữ kiện khoa học thời đó, Viện
này kết luận rằng ảnh hưởng của chất màu da cam ở Việt Nam đến đất đai sẽ không lâu; họ
cho rằng đất đai sẽ hồi phục sau một thời gian.
Nhưng họ cũng đề nghị cần phải nghiên cứu thêm về hậu quả của chất màu
da cam đến sức khỏe con người [10].
Đại sứ Ellsworth Bunker tại Sài Gòn
lúc đó cũng tổng kết sự tiến triển của Chiến dịch Ranch Hand, và ông đánh giá
rằng Chiến dịch đã thành công trên phương diện quân sự, nhưng những tàn phá môi
trường, mùa vụ, và sự sống của người dân là một mối quan tâm [11]. Đại sứ Bunker cũng trình bày báo cáo lên ông
Nguyễn Văn Thiệu, lúc đó là tổng thống Nam Việt Nam, và ông Thiệu cũng đồng ý
với nhận định của ông Bunker, nhưng ông Thiệu đề nghị nên hạn chế việc dùng
chất màu da cam trong tương lai hay chỉ dùng ở những nơi cần thiết.
Năm 1969, khi Richard Nixon lên cầm
quyền, trong xu hướng giảm thiểu sự có mặt của quân đội Mĩ ở Việt Nam, Chiến
dịch Ranch Hand cũng giảm đến 30%. Đến
cuối năm 1969, Chiến dịch này mất 11 trong số 25 máy bay [12].
Trong thời
gian này, Thượng nghị viện Mĩ sắp phê chuẩn Nghị quyết của Liên hiệp quốc về
việc cấm dùng các vũ khí hóa học và sinh học trong chiến tranh. Nixon cũng muốn thông qua Nghị quyết này,
nhưng lí luận rằng việc Mĩ dùng chất màu da cam ở Việt Nam không nằm trong Nghị quyết của
Liên hiệp quốc. Tuy nhiên, Hội đồng
khoáng đại Liên hiệp quốc không chấp nhận lí luận của Nixon, và cho rằng Chiến
dịch Ranch Hand của Mĩ, theo Nghị quyết, là bất hợp pháp [13]. Nhưng dù sao đi nữa, Nixon có thêm một lí do
để chấm dứt chiến dịch Ranch Hand [14].
Mùa Thu năm 1969, một nhóm khoa học
gia công bố một nghiên cứu quan trọng cho thấy chất 2,4,5-T, một thành phần hóa
học của chất màu da cam, ở nồng độ cao, có khả năng gây ra dị thai hay dị dạng
bẩm sinh (birth defects) và chết thai trong bụng mẹ (stillbirth) [15]. Lúc đó, các bản tin tức từ báo chí Sài Gòn
cũng cho biết chất màu da cam là nguyên nhân gây ra nhiều trường hợp dị dạng
bẩm sinh trong người dân. Ngày 15 tháng
4 năm 1970, sau khi nghiên cứu này được công bố, Bộ Y tế, Giáo dục và Xã hội,
Bộ Nội vụ, và Bộ Nông nghiệp Mĩ ra lệnh ngưng ngay việc dùng chất màu da cam ở
Mĩ.
Tháng 4 năm
1970, Bộ quốc phòng ra lệnh tạm thời đình chỉ Chiến dịch Ranch Hand. Nhưng nhưng trên thực tế, các thuốc khai quang
khác vẫn được tiếp tục rải xuống Việt Nam . Đến tháng 7 năm 1971 thì chiến dịch hoàn toàn
chấm dứt [16]. Theo báo cáo chính thức của Chiến dịch Ranch
Hand, quân đội Mĩ đã thành công phá hủy khoảng 14% diện tích rừng nam Việt Nam,
kể cả 50% các rừng đước.
Vài nhận
xét
Xét qua diễn biến Chiến dịch Ranch
Hand và những hậu quả của nó, người ta có thể nói cuộc chiến Việt Nam đã
được giới quân sự Mĩ biến thành một bãi thí nghiệm khổng lồ cho hóa chất độc
hại. Điều đáng nói ở đây là có dấu hiệu
cho thấy họ biết những hóa chất này có khả năng gây ra tác hại cho sức khỏe của
người dân. Trong một lá thư gửi cho Thượng nghị
sĩ Tom Daschle, đề ngày 9 tháng 9 năm 1998, Tiến sĩ James R. Clary, thuộc cơ
quan nghiên cứu vũ khí hóa học (Chemical Weapons Branch) trực thuộc Trung tâm
Phát triển Vũ trang không quân (Airforce Armament Development Laboratory, Florida),
viết như sau [tạm dịch]: “Lúc chúng tôi (các nhà khoa học quân đội) khởi
xướng chương trình khai hoang vào thập niên 1960, chúng tôi biết tiềm năng độc
hại của chất dioxin chứa trong thuốc diệt cỏ.
Chúng tôi còn biết rằng công thức mà giới quân sự dùng có nồng độ cao
hơn nồng độ mà giới dân sự dùng, vì chi phí rẻ và thời gian sản xuất ngắn. Tuy nhiên, vì hóa chất sẽ được dùng trên kẻ
thù, không ai trong chúng tôi quan tâm thái quá. Chúng tôi không bao giờ nghĩ là quân đội
chúng ta lại bị nhiễm độc chất. Và, nếu
chúng tôi nghĩ đến tình huống này, chúng tôi mong muốn chính phủ chúng ta giúp
đỡ các cựu chiến binh bị nhiễm độc chất.” (“When we (military scientists)
initiated the herbicide program in the 1960s, we were aware of the potential
for damage due to dioxin contamination in the herbicide. We were even aware that the military
formulation had a higher dioxin concentration than the civilian version due to
the lower cost and speed of manufacture.
However, because the material was to be used on the enemy, none of us
were overly concerned. We never
considered a scenario in which our own personnel would become contaminated with
the herbicide. And, if we had, we would
have expected our own government to give assistance to veterans so
contaminated.”) Tiết lộ trên cho thấy
giới quân sự Mĩ đã biết trước các hóa chất trong cuộc chiến Việt Nam là độc
hại, nhưng một cách kiêu ngạo, họ cho rằng vẫn có thể dùng trên “kẻ thù”.
Cần phải nói thêm ở đây là không
những chỉ dùng các phương tiện hóa học ở Việt Nam , Mĩ còn có dự định dùng vũ khí
hạt nhân trong thời chiến. Tài liệu của
Viện nghiên cứu Nautilus (Nautilus Institute, Berkeley, California) vừa mới
tiết lộ (2003) cho thấy vào năm 1966, trong lúc Mĩ đang leo thang chiến tranh ở
Việt Nam, Nhà năm góc (Pentagon) đã từng suy nghĩ đến việc dùng vũ khí hạt nhân
tấn công Việt Nam. Ông Freeman Dyson,
cựu giáo sư vật lí tại Đại học Princeton, từng nghe các giới chức Nhà năm góc nói
đến việc dùng vũ khí hạt nhân để đối phương (tức Việt Nam) phỏng đoán [16]. Không phải là người hiếu chiến và muốn ngăn
chận ý đồ điên rồ của giới quân sự, sau khi nghe tin này, ông Dyson và đồng
nghiệp, Robert Gomer và S. Courtenay Wright (thuộc Đại học Chicago), và Steven
Weinberg (Đại học Harvard), quyết định tiến hành một nghiên cứu về những hậu
quả nếu Mĩ quyết định dùng vũ khí hạt nhân ở Việt Nam. Công trình nghiên cứu này ước đoán rằng Mĩ
cần phải dùng đến 3000 vũ khí hạt nhân hàng năm để phá hủy hệ thống giao thông
đường mòn Hồ Chí Minh. Ngoài ra, nếu Mĩ
quyết định như thế thì phía Việt Nam, dưới sự giúp đỡ của Liên Xô và Trung
Quốc, có thể dùng vũ khí hạt nhân để phản công và hậu quả sẽ khủng khiếp cho
quân đội Mĩ hơn là cho quân đội Việt Nam.
Báo cáo của các nhà vật lí được đệ trình lên Bộ quốc phòng, nhưng không
ai biết ảnh hưởng của báo cáo đến chính sách của Mĩ ra sao. Lúc đó, Robert McNamara là Bộ trưởng quốc
phòng, và ông đã từng phản đối ý nghĩ dùng vũ khí hạt nhân trong cuộc
chiến.
Trong
y học, một khi một công thức thuốc được phát triển, người ta phải làm thử
nghiệm về sự an toàn của thuốc trên thú vật như chuột cực kì kĩ càng trước khi
đem ra dùng cho bệnh nhân. Ngay cả thử
nghiệm trên chuột, các nhà khoa học phải được phép của hội đồng y đức trước khi
để tiến hành nghiên cứu. Trong khi đó,
quyết định dùng chất màu da cam chứa dioxin trong chiến tranh Việt Nam chỉ do một
người quyết định (Tổng thống Kennedy) và nhận được sự ủng hộ của ông Ngô Đình
Diệm. Người dân Việt Nam hoàn toàn không biết gì đến
quyết định này. Vì thế, có thể nói rằng
quyết định dùng AO ở Việt Nam
là một việc làm tàn nhẫn và vô nhân đạo.
Nó thể hiện một thái độ ngạo mạn của người Mĩ coi thường mạng sống con
người Việt Nam và môi trường
Việt Nam . Nhận xét đó đã được giới khoa bảng Mĩ nêu lên
từ năm 1966, họ cho đó là một hành động dã man, chỉ có hại cho người lính và
thường dân.
Hiện nay, trong khi Mĩ tìm cách ngăn
chận các nước khác dùng hóa chất trong chiến tranh, thì chính Mĩ lại là nước
dùng những độc chất đó vào những mục tiêu phá hoại và giết người. Lịch sử sẽ ghi nhận việc Mĩ dùng chất màu da
cam và dioxin ở Việt Nam (và nhiều hóa chất độc hại khác ở vùng Vịnh, Balkans
và A Phú Hãn) như là những cuộc chiến tranh hóa học đầu tiên trong lịch sử
chiến tranh thế giới.
Tài liệu tham khảo và chú thích:
[1] Royal Air Force, the Malayan Emergency,
1948-1960. London : Ministry of Defence, June 1970, pp
113-114, 152. Trích theo tài liệu của
Tiến sĩ William A. Buckingham, Jnr “Operation Ranch Hand: Herbicides in
Southeast Asia 1961-1971.”
[2] Report, Wright
Air Development
Center , Wright-Patterson Air Force
Base, Ohio ,
subject: “Engineering Study on a Large Capacity Spray System Installation for
Aircraft, June 3, 1951”.
[3] NSAM 115, subject: Defoliant Operations in
Vietnam, November 30, 1961; và Message, Department of State to American Embassy
in Saigon, Joint State – Defense Message Number 561, November 30, 1962.
[4] Record, 4th SECDEF Conference, HQ CINCPAC,
March 21, 1962.
[5] Letter, W. Averell Harriman to Roswell L.
Gilpatric, September 6, 1961; và Letter, Roger Hilsman to W. Averell Harriman,
subject: Crop Destruction, South
Vietnam , August 8, 1962.
[6] Letter, Robert W. Kastenmeier to President
John F. Kennedy, March 7, 1963.
[7]
“Scientists protest Viet Crop Destruction”, Science, 21/1/1966, trang
309.
[8] “5000 Scientists Ask Ban on gas in Vietnam ”, Washington
Post, 15/2/1967, trang A-1.
[9] Minutes of the Meeting of the AAAS Council,
Washington, DC, 30/12/1966, trang 9, Letter, Don K. Price to Secretary
McNamara, 13/9/1967.
[10] Báo cáo “Assessment of Ecological Effects of
Extensive or Repeated Use of Herbicides”, Midwest Research Institute, ARPA, 22,
Order No. 1086, AD824314, 1/12/1967, trang 290-292.
[11] Báo cáo American Embassy Saigon to Secretary
of State, Subject: Herbicides, 191300Z Sep 68.
[12] History, 12th SOS, October – December 1969,
trang 4, 5, 7, 10.
[13] “UN Rebuffs United
States on Tear Gas Use: Vote Declares Geneva
Pact Also Bans Defoliants”, New York
Times, 11/12/1969.
[14] Memo, William P. Rogers to Richard M. Nixon,
subject: The Geneva
Protocol, 2/2/1971.
[15] K. Diane Courtney, D. W. Gaylor, M. D. Hogan,
H. L. Falk, R. R. Bates, I. Mitchell.
Teratogenic Evaluation of 2,4,5-T.
Science 1970; 168:864-866, 15/5/1970.
[16] Project CHECO Southeast Asia Report, Ranch
Hand Hercide Operations in SEA, 13/7/1971, trang 32, 104.
[17] Nguyên văn: “It might be a good idea to toss
a nuke from time to time, just to keep the other side guessing”). Freeman Dyson interview, January 8, 2003
(www.nautilus.org/VietnamFOIA/report/JASONs.html).
Một vài tài liệu tuyên truyền trong
chiến dịch xịt chất da cam trong thời chiến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét