Giáo dục thi cử ở Hà Nội thời Pháp thống trị (1884 - 1954)
Tài liệu và bài viết của TS. Nguyễn Văn Ninh, khoa Lịch sử - Trường ĐHSP Hà Nội
GIÁO DỤC THI CỬ Ở HÀ NỘI THỜI PHÁP THỐNG TRỊ (1884-1954)
PHẦN MỞ ĐẦU
Trước khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, nền giáo dục Phong kiến cổ truyền đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đào tạo nhân tài cho đất nước. Thăng Long – Hà Nội trong suốt thời gian dài là kinh đô của Đại Việt chính là cái nôi của nền giáo dục Việt Nam, nơi đào tạo nhân tài , đồng thời cũng là nơi hội tụ nhân tài của bốn phương.
Đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn lên nắm quyền, thời cuộc có nhiều thay đổi. Giáo dục đã tỏ ra không đáp ứng được trước yêu cầu mới của lịch sử, nền giáo dục Phong kiến đã quá cũ kỹ còn lệ thuộc vào nền giáo dục Phong kiến Trung Quốc. Mặc dù trong một số kỳ thi nhà vua có chú ý tới thực tế xã hội, đòi hỏi những nhà quản lí đất nước phải giải quyết, song những nhà lãnh đạo và quản lí giáo dục chưa có biện pháp cụ thể tạo điều kiện cho người đi học tiếp thu cái mới, để họ có điều kiện giải đáp những câu hỏi lớn đang đặt ra. Do đó cả một thời gian dài nền giáo dục của nước ta vẫn cứ dẫm chân tại chỗ không tạo ra những kết quả phù hợp với nhiệm vụ lịch sử mà nó cần phải gánh vác. Nền giáo dục Việt Nam dưới thời nhà Nguyễn đang đi đến chỗ suy tàn.
Từ giữa thế kỷ XIX, đế quốc Pháp bắt đầu xâm lược Việt Nam. Mục đích của chúng là nô dịch nhân dân ta, biến đất nước ta thành một thị trường độc chiếm, một nơi bóc lột và đầu tư, nơi sản sinh lợi nhuận nhanh chóng và bảo đảm cho thế lực tư bản tài chính đang thống trị nước Pháp. Với sự xâm lược, bình định và thống trị của thực dân Pháp trên đất nước ta, giáo dục Việt Nam thời kỳ này không đơn thuần chỉ là nền giáo dục Phong kiến nữa. Nền giáo dục cổ truyền đang từng bước bị đẩy lùi, thay thế dần bằng một nền giáo dục mới, mà Hà Nội là một biểu hiện tiêu biểu nhất, điển hình nhất. Vậy khi thống trị nhân dân ta, về giáo dục, chính sách cai trị của thực dân Pháp là gì và giáo dục thi cử ở Hà Nội dưới thời thực dân Pháp thống trị đã đổi thay như thế nào từ năm 1886 đến 1954?
PHẦN NỘI DUNG
I. Chính sách giáo dục của thực dân Pháp ở Việt Nam.
Muốn thống trị một dân tộc, nhất là một dân tộc đã có nền văn hoá lâu đời hơn cả nước Pháp và có một nền giáo dục từ nghìn xưa, chỉ chinh phục bằng đất đai thôi thì chưa đủ mà còn phải chinh phục bằng cả tâm hồn, cần phải “thuyết phục” và “lôi kéo” trái tim của những người bản xứ. Tiếp theo, thực dân Pháp phải mua chuộc, lừa bịp để chứng minh và hợp lí hoá công cuộc chinh phục của chúng sau khi đã xâm lăng và đàn áp vô cùng dã man bằng quân sự và vũ lực. Muốn vậy, cũng theo Pháp, trong công cuộc chinh phục tâm hồn đó, giáo dục là công cụ mạnh nhất và chắc chắn nhất trong tay kẻ chinh phục. Bởi vì “ Pháp luật chỉ đàn áp được một thời gian. Chỉ có giáo dục mới chinh phục được con người mãi mãi”([1]). Và “muốn biến cải cả một dân tộc, người ta sẽ thất bại nếu tấn công trực diện vào một nền văn minh có trên hai nghìn năm như nền văn minh này. Nếu muốn đạt được vĩnh viễn ảnh hưởng của nước Pháp trên phần đất này của thế giới thì phải làm cho họ tiêm nhiễm về tư tưởng của chúng ta, dậy cho họ tiếng nói của chúng ta và do đó phải bắt đầu từ nhà trường và chú ý trước tiên đến trẻ em.” ([2])
Như vậy, ngay từ đầu, chúng ta thấy thực dân Pháp đã bộc lộ rõ ý thức muốn sử dụng giáo dục làm công cụ phục vụ cho sự thống trị của chúng. Nên ngay từ những ngày đầu xâm lược, thực dân Pháp đã rất quan tâm đến giáo dục.
Quan tâm đến giáo dục nhằm giúp thực dân Pháp khắc phục sự bất đồng về ngôn ngữ và đào tạo được những người thừa hành ngoan ngoãn, những tay sai trung thành giúp việc cho bộ máy cai trị của chúng. Để thực hiện âm mưu đó, thực dân Pháp đã ra sức mua chuộc, lôi kéo tầng lớp sĩ phu- những người có uy tín trong xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Nhưng những âm mưu và ý định ấy đều thất bại vì thực dân Pháp đã vấp phải sự bất hợp tác của các sĩ phu luôn xem chúng như những kẻ thù.
Vì vậy để nô dịch và thống trị được thuận lợi, chính sách giáo dục của thực dân Pháp ở Việt Nam là : thi hành một chính sách ngu dân triệt để.
1. Thứ nhất, chúng ra sức ngăn chặn ảnh hưởng của tất cả các loại tư tưởng tiến bộ trên thế giới thâm nhập vào Việt Nam bằng bất cứ con đường nào. Nói cách khác là chúng dùng đủ mọi cách để “phong toả” tư tưởng của nhân dân Việt Nam nhằm khống chế được tinh thần và tư tưởng của họ, lái theo con đường chúng đã vạch sẵn, tức là ngoan ngoãn cúi đầu làm nô lệ cho chúng. Để thực hiện âm mưu đó, một mặt chúng cấm tất cả các loại sách báo tiến bộ, dù là theo chiều hướng tư sản thâm nhập vào Việt Nam. Không những chỉ có các tác phẩm nói về chủ nghĩa Mác – Lênin, nói về Liên Xô… bị cấm mà ngay cả những tác phẩm chống chủ nghĩa phát xít, thậm chí một số tác phẩm của các nhà tư tưởng tư sản Pháp thế kỷ XVII, XVIII…cũng bị cấm. Bất cứ ai đọc, lưu hành, hay tàng trữ các loại sách đó đều bị ghép vào tội “chống lại chính phủ”. Có những sách báo được phổ biến một cách công khai, rộng rãi ở khắp nước Pháp nhưng sang đến Việt Nam lại trở thành những đồ quốc cấm, và những người đọc những loại sách báo đó thì sẽ bị tù tội ngay lập tức.
Mặt khác, chúng cũng cấm đoán hết sức ngặt nghèo việc ra nước ngoài du học. Vì như Anbe Xaro đã từng nói: “để cho người thượng lưu trí thức được đào tạo ở nước ngoài thoát khỏi vòng cương toả của chúng ta, chịu ảnh hưởng văn hoá và chính trị của nước khác thì thật là nguy hiểm vô cùng. Những người trí thức đó trở về nước sẽ đưa hết tài năng của họ để tuyên truyền vận động chống lại chúng ta – là những người bảo hộ đã ngăn cấm không cho họ học”([3]). Và theo chúng: “con đường sang Pháp là con đường chống lại nước Pháp”, nên việc người Việt Nam sang nước Pháp du học cũng bị hạn chế đến mức thấp nhất. Nếu một người dân nào muốn sang Pháp du học “phải được quan Toàn quyền cho phép sau khi có ý kiến của thủ hiến xứ và giám đốc học chính và phải làm đầy đủ những thủ tục hết sức phiền phức để chứng minh rằng đó là một người “trung thành với nước đại Pháp” và “ không thể chống lại các quan đại Pháp”. Nếu ai không làm đúng như vậy tức là muốn tự mở mang kiến thức bằng con đường riêng của mình đều bị ghép vào tội “ âm mưu phiến loạn”.
Rõ ràng chính sách đó đã làm thanh niên Việt Nam bị tách rời khỏi mọi trào lưu tư tưởng của thế giới và chỉ cho họ được “tự do” trong cái vỏ ốc mà thực dân Pháp đã tạo ra.
2. Thứ hai, một biểu hiện nữa của chính sách ngu dân mà thực dân Pháp thực hiện là chỉ cung cấp cho nhân dân Việt Nam một nền giáo dục nhỏ bé và thấp kém vừa đủ để đáp ứng nhu cầu thống trị và bóc lột của chúng chứ không bao giờ quan tâm đến việc giáo dục dân chúng bị thống trị cả.
Thực dân Pháp chỉ cho phép nhân dân Việt Nam được học dăm ba chữ gọi là có học và vừa đủ để làm những công chức nhỏ, những thầy giáo, thông ngôn và thư ký cho bộ máy cai trị, các cơ sở kinh doanh của các nhà kỹ nghệ, nhà buôn và chủ đồn điền Pháp. Pôn Be trong bức thư đề ngày 1/7/1886 gửi cho khâm sứ Bắc kỳ đã chỉ thị rằng: chương trình học của các trường phải rút gọn, bỏ bớt ngữ pháp, số học, lịch sử, tập viết…Giáo viên phải cố gắng dậy cho học sinh biết thật nhiều từ thông dụng để đặt được nhưng câu dễ. Tên thực dân Pháp hoạt động trong ngành giáo dục H.lơ Brơtrong( H.le.Breton) cũng đã thú nhận: “ Các trường trung học gọi là “Li-xê’’ chỉ có thể so sánh về mặt chương trình học, thời gian học và bằng cấp với các trường Sư phạm của mẫu quốc, chứ không thể so sánh với các trường trung học Pháp được” hoặc những cái gọi là “Đại học Đông Dương”, “Lixe annamit’’ và “Cole”, “Cao đẳng tiểu học” không tương xứng một tí nào với các trường cùng mang tên gọi đó bên chính quốc”.([4]) Do đó vốn kiến thức mà một người học sinh thu nhận được sau bao nhiêu năm công phu đèn sách chẳng qua cũng chỉ là một sự hiểu biết hời hợt, nông cạn, viển vông. Người ta đã đánh giá vốn hiểu biết của học sinh hồi đó là: “ vốn từ ngữ của họ rất nghèo nàn. Cách đặt câu của họ đầy rẫy những ảnh hưởng Pháp, vừa tối nghĩa, vừa vụng về. Kiến thức văn học không có, lịch sử và địa lí của nước họ đối với họ hoàn toàn xa lạ…những người trẻ tuổi đó có thể dễ dàng kể ra các lần phân chia nước Ba Lan, lại không biết tên các tác phẩm văn học hay nhất của dân tộc và những tác phẩm nghệ thuật phong phú nhất của nước họ”. ([5])
Đấy là nói về những hiểu biết chung, còn đối với tiếng Pháp là môn mà được quan tâm nhiều nhất thì kết quả cũng chẳng khả quan hơn gì. Năm 1939, sau khi đi thăm các trường tiểu học và cao đẳng tiểu học, một tên thực dân Pháp đã đánh giá trình độ tiếng Pháp của học sinh Việt Nam lúc đó như sau: “ Tôi không hiểu một tí gì về câu chuyện của thầy giáo cũng như những câu trả lời của học sinh. Lúc đầu tôi tưởng một cách ngây thơ rằng họ nói tiếng An Nam hoặc tiếng Cao Miên. Không phải đâu! đấy là tiếng Pháp đấy!”([6]).
3. Thứ ba, một biểu hiện khác trong chính sách ngu dân của thực dân Pháp là ra sức xuyên tạc nội dung học tập và nội dung giảng dạy trong nhà trường, như đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo: “ gieo rắc một nền giáo dục đồi bại, xảo trá và nguy hiểm hơn cả sự dốt nát nữa, vì một nền giáo dục như vậy chỉ làm hư hỏng mất tính nết của người đi học, chỉ dạy cho họ một lòng “trung thực” giả dối, chỉ dạy cho họ biết sùng bái những kẻ mạnh hơn mình, dạy cho thanh niên yêu một tổ quốc không phải là tổ quốc của mình, một tổ quốc đã từng áp bức dân tộc mình”([7]). Điểm trung tâm mà nội dung chương trình cũng như sách giáo khoa của thực dân Pháp đều nhằm: “nói nhiều đến trật tự, đến an ninh, đến việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên, việc phát triển các cơ quan từ thiện, làm phúc, tóm lại là công ơn của người Pháp ở Đông Dương”.([8]). Tất cả những điều đó đều có mục đích là trong khi làm cho học sinh hiểu biết nước Pháp và nền văn hoá Pháp, nhà trường sẽ làm cho “những người con nuôi” hiểu và yêu nước Pháp. Cụ thể hơn nữa của nội dung chính sách này ta có thể thấy trong nội dung chương trình của các môn học từ môn Luân lí, môn Lịch sử, môn Địa lí, Khoa học tự nhiên…Khi được nhồi nhét những nội dung học tập ấy, làm sao học sinh có thể hiểu biết và yêu đất nước, những con người sống trên đất nước ấy. Nguyễn Ái Quốc đã nói: “ hấp thụ nền giáo dục ấy thanh thiếu niên trở lại khinh rẻ nguồn gốc dòng giống mình và trở nên ngu ngốc thêm. Điều gì có thể rèn luyện cho học sinh biết suy nghĩ, biết phân tích thì người ta không dạy ở nhà trường mà chỉ dạy cho học sinh những kiến thức chín phần mười là vô ích và một phần mười là xuyên tạc”([9].)
Với mục đích biến Việt Nam thành một thị trường độc chiếm của thương nghiệp Pháp, một nơi cung cấp nguyên liệu và nhân công rẻ mạt cho nền công nghiệp Pháp và không thể cạnh tranh với Pháp. Đứng về mặt giáo dục, thực dân Pháp cũng cố hết sức hạn chế sự phát triển của các ngành khoa học kỹ thuật. Bởi vì theo chúng “ không những xây dựng các trường đó với trang bị tối tân và khá tốn kém mà cũng vì trong một nước trước hết là nông nghiệp, thương nghiệp nhỏ và kỹ nghệ gia đình, việc đào tạo ra một số quá lớn (cộng thêm với số người ở Pháp trở về) những người có chuyên môn sẽ rất nguy hiểm”. Do đó, dưới thời Pháp thuộc, nếu nền giáo dục phổ thông và đại học đã nhỏ bé và kém cỏi thì nền giáo dục chuyên nghiệp lại còn nhỏ bé, kém cỏi và quặt quẹo hơn. Các trường đó chỉ có mục đích duy nhất là phục vụ cho nhu cầu về thợ trong các cơ sở kinh doanh.
Với chính sách cai trị về giáo dục như vậy, nền giáo dục của Việt Nam đã đổi thay như thế nào và nhân dân ta có chấp nhận hoàn toàn sự nô dịch của nền giáo dục thực dân đó hay không. Tìm hiểu về tình hình giáo dục ở Hà Nội trong thời Pháp thống trị chúng ta sẽ làm sáng tỏ được vấn đề này.
II. Các giai đoạn phát triển của giáo dục Việt Nam thời thuộc Pháp và hoạt động giáo dục, thi cử ở Hà Nội.
Trong khi nền giáo dục Phong kiến đã suy tàn bất lực trước nhiệm vụ trọng đại của lịch sử là xây dựng và bảo vệ đất nước trước sự đe doạ của một cuộc xâm lăng từ phương Tây, thì thực dân Pháp đánh chiếm đất nước ta và từng bước xây dựng một nền giáo dục mới phục vụ cho công cuộc xâm lược và khai thác tài nguyên.
Trong 25 năm đầu, từ 1861 đến 1886, thực dân Pháp tổ chức giáo dục ở Nam Kỳ nhằm đào tạo thông dịch viên và nho sĩ phục vụ cho đội quân xâm lược, cùng với bộ máy chính quyền trong các vùng đất mới chiếm đóng; đồng thời tổ chức một nền giáo dục phổ cập để truyền bá chữ Pháp, chữ Quốc ngữ và xoá bỏ chữ Hán. Nhưng thực dân Pháp đã không thành công mặc dù đã dùng nhiều biện pháp và luôn luôn thay đổi chính sách, đường lối giáo dục. Chữ Pháp và chữ Quốc ngữ đã không thể thay thế chữ Hán. Họ đã thất bại một bước trong công cuộc truyền bá nền "Văn minh châu Âu" mà tưởng rằng rất dễ dàng, đơn giản. Lý do này giải thích vì sao họ đã tỏ ra thận trọng hơn khi tổ chức nền giáo dục ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ giai đoạn sau.
Trong bài viết này chúng tôi tập trung tìm hiểu rõ giáo dục của Hà Nội gắn liền với dự phát triển chung của nền giáo dục Việt Nam bắt đầu từ 1886 , khi PônBe được cử giữ chức Tổng sứ Bắc kỳ và Trung kỳ mở đầu một thời kỳ mới của giáo dục.
1. Giáo dục – thi cử ở Hà Nội từ 1886 đến 1919.
Những năm đầu tiên khi lên làm Tổng sứ Bắc - Trung kỳ, PônBe đã thấy cần có một chính sách mềm dẻo hơn trong công cuộc "Chinh phục tinh thần" ở Bắc và Trung kỳ, khi phong trào yêu nước của nhân dân đang phát triển, đặc biệt là phong trào Cần Vương. Lúc này bon Pháp hết sức thận trọng để lôi kéo những sĩ phu yêu nước, mua chuộc những quan lại còn ẩn dật chờ xem thế cuộc, còn với nhân dân thì luôn đề cao chính sách "Khai hoá văn minh", truyền bá tư tưởng Âu - Tây song vẫn tôn trọng những giá trị tinh thần, những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Ngay sau khi tới Hà Nội, PônBe đã ra lời kêu gọi đầy "Thiện chí" rằng: "Người Pháp đến đây là để nâng cao đời sống nông nghiệp, công nghiệp, kinh tế và còn nâng cao cả đời sống tinh thần bằng giáo dục".([10])
Trước khi PônBe đến Hà Nội trong thời gian đánh chiếm Hà Nội, thực dân Pháp dùng những thông ngôn đưa từ Sài Gòn ra và tuyển dụng ở các trường truyền giáo Hà Nội một số học sinh biết viết chữ Hán và nói được tiếng La tinh. Đến khi chiếm được Hà Nội, Pháp đã bắt tay ngay vào tổ chức việc giáo dục. Ngày 12/3/1885, tướng Bơrieđơlit (Briedel'iole) quyết định lập một trường học Pháp - Việt đầu tiên của thực dân Pháp ở Bắc kỳ, đặt tại Hà Nội. Trường này dạy cả chữ Hán, chữ Quốc ngữ lẫn chữ Pháp. Giáo viên gồm một giáo viên người Pháp và một giáo viên người Việt. Khi ra Hà Nội, bước đầu PônBe vẫn cho mở thêm những trường tương tự, nhưng chương trình tinh giản hơn nhiều như chữ Pháp không sa lầy vào ngữ pháp, phải dạy nhiều từ vựng có liên quan đến công việc làm. Lên các lớp trên học sinh đã hiểu biết ít nhiều tiếng Pháp thì sẽ được đào tạo thành thông ngôn và công chức. Về việc dạy chữ Quốc ngữ, PônBe cũng hết sức quan tâm. Đối với chữ Hán, PônBe không chủ trương xoá bỏ, nhưng việc dạy phải tuỳ theo từng loại trường. Và trước mắt cần làm cho các Nho sỹ nhận thức được rằng họ phải biết tiếng Pháp, hiểu biết người Pháp, còn người Pháp cũng phải học tiếng "bản xứ" để hiểu biết người dân mình cai trị. Để đạt được mục tiêu này PônBe cũng gợi ý cần thành lập các trường học ở những trung tâm hành chính cho các thông ngôn, công chức và cả hạ sỹ quan trong quân đội Pháp đến làm giáo viên. Ở Hà Nội, ngày 27/1/1886, một trường Thông ngôn được ra đời, lúc đầu trường đặt ở phố Yên Phụ. Giáo viên là một gã người Pháp 19 tuổi, trình độ “mới tạm làm được con tính nhân", và giám đốc trường là một thầy tu hoàn tục đã từng làm cảnh binh ở Sài Gòn.
Chương trình giảng dạy gồm có: Chữ Pháp, chữ Hán, chữ Quốc ngữ và Toán học. Mục đích của trường là đào tạo những giáo viên của các trường Pháp - Việt mà chúng lập nên ở Bắc kỳ. Thực dân Pháp phải dùng học bổng mới có học sinh:"Bây giờ cũng như trước đây, chỉ nhờ độc nhất dùng học bổng mà chúng ta có học trò".([11])
Đầu tháng 7 năm 1886, PônBe ký nghị định thành lập "Bắc kỳ Hàn Lân Viện" ở Hà Nội. Viện này do PônBe làm chủ tịch để tập hợp các nhà "thông thái đất Bắc" gồm một số quan lại và những người có bằng tú tài trở lên làm cử nhân. Cũng như trường Hoàng Gia mà thực dân Pháp lập ra ở Huế, cho con cái hoàng thân và các quan, mục đích của Viện Hàn Lâm này là truyền bá tiếng Pháp trong tầng lớp đó. Ở Hà Nội trong năm ấy còn nhiều lớp dạy tiếng Việt Nam cho người Pháp.
PônBe cũng có dự định mở một nhà in chữ Hán và tổ chức một tờ báo chữ Hán có phần dịch ra chữ Pháp và chữ Quốc ngữ để làm cơ quan ngôn luận cho Viện Hàn Lâm. Phải thừa nhận rằng, PônBe là một viên quan cai trị có nhiều kinh nghiệm và khá năng động trong công việc "chinh phục tinh thần", nhưng cuối năm 1886 PônBe chết, phần lớn công cuộc giáo dục mà ông ta dự tính đều phải đình lại.
Năm 1887, thực dân Pháp mở hai trường Nữ sinh ở Hà Nội. Phần lớn những nữ sinh theo học là người Pháp. Trường này phải tăng cường dạy nữ công để thu hút nữ sinh Việt Nam. Mục đích của chúng khi mở trường này là nhằm gây ảnh hưởng của chúng vào các gia đình Việt Nam qua các nữ sinh người Việt. Trong năm ấy, thực dân Pháp đã thực hiện được kế hoạch giáo dục có quy mô là mở được ở Hà Nội và ở Bắc kỳ 140 trường phổ biến rộng rãi chữ Quốc ngữ nhằm thực hiện âm mưu hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc và các sỹ phu yêu nước của phong trào Văn thân, thay thế dần dần bằng ảnh hưởng của Pháp. Học sinh các trường đó phần lớn đã nhiều tuổi. Riêng ở Hà Nội có trên 200 học sinh đã ngoài 30 tuổi.
Cho đến 10 năm sau, sự nghiệp giáo dục ở Bắc - Trung kỳ nói chung và Hà Nội nói riêng không có gì đáng kể. Đầu năm 1897, bắt đầu dưới thời kỳ Đu me, ông ta cho thành lập trường Viễn Đông Bác Cổ, là cơ quan nghiên cứu khoa học lớn của Pháp. Lúc đầu trụ sở đặt ở Sài Gòn, năm 1902 thì chuyển ra Hà Nội, công việc đầu tiên là đề xuất cho được một chương trình cải cách giáo dục. Chức năng là nghiên cứu, viết bài, thuyết trình về lịch sử, ngôn ngữ, phong tục của những dân tộc Đông Á; Đông Dương và Nam Dương. Người Việt Nam không có tiêu chuẩn nhà nghề để đặt chân vào đây. Mục đích của viện là cung cấp kiến thức cho việc đào tạo các quan lại cai trị tương lai học ở trường thuộc địa Pari và trường Đông Phương Học của Pháp. Dù sao nó cũng có công phát hiện; bảo quản nhiều phế tích lịch sử và có tác động lớn đến nền học thuật nước ta trong bước sơ khai đi vào khoa học xã hội mới.
Tháng 6 năm 1898, Toàn quyền Đông Dương, Dume, kí nghị định về thể thức thi chữ Quốc ngữ và chữ Pháp trong các kỳ thi Hương gồm các môn: Viết tập tiếng Pháp, chính tả tiếng Pháp, dịch Pháp - Việt, hội thoại tiếng Pháp, đọc và dịch miệng một bài tiếng Pháp ra tiếng Việt, chính tả tiếng Việt, dịch chữ Hán ra chữ Việt.
Trong năm 1898, thực dân Pháp mở ở Hà Nội một trường thực nghiệp (đồng thời với hai trường nữa ở Huế và Sài Gòn) để đào tạo những thợ rèn, thợ khoá, thợ máy, thợ mộc, thợ dệt mà chúng cần đến cho công cuộc khai thác thuộc địa của chúng. Trường này do phòng Thương mại Hà Nội tổ chức và điều hành. Điều kiện dự tuyển: Tiếng Pháp và 4 phép tính, sau khi vào học, học sinh tiếp tục học tiếng Pháp.
Năm 1900, Thực dân Pháp mở ở Hà Nội một trường Trung học và một trường Nữ sinh cho học sinh người Pháp và lai Pháp.
Sang đầu thế kỷ XX, năm 1902, để có những người phụ tá phục vụ cho công tác y tế của chúng ở Đông Dương, thực dân Pháp đã mở trường Thuốc ở Hà Nội. Học sinh theo học đều được nuôi ăn, có 6 người được học bổng. Học sinh chỉ biết đôi chút tiếng Pháp và thiếu hẳn các kiến thức phổ thông. Giám đốc của trường là Bác sỹ Yéc-Sanh (Yersin).
Tháng 6 năm 1903, Thống sứ Bắc kỳ ra nghị định tổ chức trường Hậu bổ ở Hà Nội để đào tạo tri phủ, tri huyện, huấn đạo, giáo thụ. Điều kiện nhập học là cử nhân, tú tài, ấm sinh, thời gian học 3 năm nhằm bổ túc thêm một ít chữ Pháp cho các ông nghè, ông tú sắp ra làm quan.
Cũng từ năm 1903 trở đi, chữ Pháp và chữ Quốc ngữ sẽ trở nên bắt buộc trong các kỳ thi hương và dĩ nhiên chỉ những người biết tiếng Pháp mới được tuyển dụng vào các cơ quan Nhà nước. Đồng thời trong năm này toàn quyền PônBô ký nghị định thành lập Hội đồng nghiên cứu cải cách giáo dục và sau 3 năm hoạt động đến năm 1906 một nghị định công bố nội dung cải cách đã ra đời.
Năm 1905, thực dân Pháp tăng cường lôi kéo các quan lại ở Hà Nội bằng cách mở ở Hà Nội một trường học tên là "Pavie" cho các con cái họ học. Thời gian học là hai năm. Trường này nhằm đào tạo học sinh thành những người tuyên truyền đắc lực cho thực dân Pháp.
Ngày 14 tháng11 năm 1905 thực dân Pháp lập Nha học chính Đông Dương tại Hà Nội.
Trước khi có cải cách giáo dục lần thứ nhất, năm 1905, hệ thống giáo dục ở Việt Nam tồn tại dưới 3 hình thức khác nhau. Ở Nam kỳ đa số các tổng xã đều có trường tiểu học Pháp - Việt dạy chữ Pháp và Quốc ngữ, chữ Hán hầu như bãi bỏ hoàn toàn hoặc chỉ là môn phụ. Ở Bắc và Trung kỳ số trường dạy chữ Pháp và chữ Quốc ngữ còn rất ít ỏi. Theo thống kê trường Pháp - Việt ở Hà Nội năm 1900 có 15 trường, trường Trung học có 1 trường với tổng số học sinh 380 học sinh. Ngoài ra Hà Nội còn có 16 lớp học buổi tối do các thông ngôn dạy.
Năm 1906, trước những bất cập của nền giáo dục Việt Nam từ khi thực dân Pháp xâm lược và thống trị, cải cách giáo dục được ban hành, nội dung của nó đã tác động đến những bậc học sau:
* Đối với hệ thống trường Pháp - Việt: Là trường dạy chủ yếu bằng chữ Quốc ngữ và chữ Pháp từ 3 đến 4 năm, lúc này tổ chức thành hai bậc: tiểu học và trung học.
- Ở bậc Tiểu học có 4 lớp (lớp tư, lớp ba, lớp nhì, lớp nhất). Cuối bậc thi lấy bằng tiểu học Pháp - Việt. Chương trình học hầu hết bằng tiếng Pháp, tiếng Việt và chữ Hán vẫn chiếm 1 tỉ lệ rất thấp, chữ Hán chỉ mang nội dung luân lí, không dạy khoa học bằng loại chữ này.
- Bậc Trung học: Sau khi học tốt nghiệp tiểu học, học sinh được thi vào trường Trung học. Bậc này chia làm hai: Trung học đệ nhất cấp và Trung học đệ nhị cấp. Trung học đệ nhị cấp học 4 năm. Trong thời gian này học sinh nhằm sẵn để chọn ngành sẽ học khi lên đệ nhị cấp. Cấp này học một năm gồm có hai ban: ban Văn học và ban Khoa học.
Ban Văn học, học thêm chương trình của ban Tú tài Pháp, nhưng tuỳ theo hoàn cảnh của từng địa phương mà thay đổi cho phù hợp. Ở đây có thể dạy thêm tiếng Pháp, tiếng Việt và chữ Hán. Ban Khoa học chia thành ba ngành: Nông nghiêp, Công nghiệp và Thương nghiệp để đào tạo nhân viên cho các ngành kinh tế. Do đó, Văn học sẽ không còn hoặc còn rất ít. Trái lại, việc học những môn Khoa học thực hành sẽ được chú ý hơn. Ngoài ban Khoa học, còn có thể thi vào lớp Sư phạm hoặc Pháp chính.
* Đối với hệ thống trường chữ Hán: Nếu hệ thống trường Pháp - Việt sau cải cách được hoàn chỉnh thêm một bước nhằm đào tạo nhân viên cho các ngành kinh tế, hành chính và sư phạm thì việc cải cách trong hệ thống trường chữ Hán sẽ làm thay đổi khá nhiều cơ cấu của nền giáo dục cổ truyền này.
Xuất phát từ 2 yêu cầu là trong khi chưa có điều kiện xoá bỏ được chữ Hán thì phải giữ nó lại ở mức độ như thế nào và làm thế nào để đưa vào một chương trình khoa học, nhưng phải dùng chữ Quốc ngữ làm chuyển ngữ. Thực dân Pháp đã chia nền giáo dục chữ Hán thành 3 bậc: Ấu học, Tiểu học và Trung học.
- Bậc Ấu học có 3 trường: Trường 1 năm học chữ Quốc ngữ, trường 2 năm học Quốc ngữ và chữ Hán, trường 3 năm học cả chữ Quốc ngữ, chữ Hán và chữ Pháp. Ở trường 2 năm và 3 năm chữ Hán không bắt buộc nhưng chữ Pháp thì bắt buộc. Sau khi họ xong có một kỳ thi "hạch tuyển", người đậu sẽ được cấp bằng Tuyển sinh.
- Bậc tiểu học, học 2 năm, mở ở các phủ huyện do các giáo thụ, huấn đạo chịu trách nhiệm. Chương trình dạy cũng gồm 3 thứ chữ nhưng chữ Quốc ngữ chiếm nhiều giờ hơn rồi đến chữ Hán và chữ Pháp. Cuối năm thứ 2, học sinh có một kỳ thi để lấy bằng Khoá sinh, người đậu được miễn sưu dịch 3 năm và được học lên Trung học.
- Bậc Trung học được mở ở các tỉnh lỵ do đốc học phụ trách, học sinh được cấp học bổng. Chương trình học vấn gồm các môn của 3 thứ chữ nhưng chữ Quốc ngữ và chữ Pháp được dạy nhiều hơn chữ Hán. Hết Trung học, học sinh phải qua một kỳ thi gọi là "thí sinh hạch", người đậu được cấp bằng Thí sinh được miễn sưu dịch 1 năm và được đi thi Hương.
Đối với kỳ thi Hương trong những năm trước, nhà cầm quyền Pháp cũng đã có thêm chữ Pháp. Lần này có thay đổi về nội dung (còn hình thức và nghi lễ vẫn như cũ). Trong đó: Trường nhất: Văn sách viết bằng chữ Hán gồm 5 đầu bài,Trường nhì: Luận chữ Việt, Trường ba: Dịch 1 bài chữ Pháp hay chữ Việt và 1 bài chữ Hán sang chữ Pháp. Ở kỳ phúc hạch để chọn cử nhân thí sinh phải làm một bài luận chữ Hán, một bài luận chữ Việt và1 bài dịch chữ Pháp sang chữ Hán. Tuỳ theo số điểm cao thấp mà định cử nhân hay tú tài.
Trong lần cải cách này, thực dân Pháp cũng muốn trong một thời gian ngắn có thể biên soạn xong một số sách bằng Quốc ngữ và chữ Hán, dự định biên soạn cuốn Từ điển Pháp -Việt và 1 cuốn sách trích giảng văn học Việt Nam. Còn sách chữ Pháp thì vẫn dùng những sách đã biên soạn từ trước cho các trường ở Nam kỳ.
Ngoài ra, Pháp cũng tiến hành cải cách ở một số trường khác như trường Nữ học, trường dạy nghề….
Ở Hà Nội, ngày 9 tháng 5 năm 1906, Pháp đã lập Hội đồng cải tổ nền giáo dục bản xứ. Thời gian này thực dân Pháp phải chú trọng đến cải tổ công tác giáo dục của chúng là để lừa bịp, ngăn cản phong trào Đông Du. Yêu cầu học tập của nhân dân Việt Nam, đặc biệt là nhân dân Hà Nội thời kỳ này lên rất cao, đã trở thành một phong trào học tập sôi nổi, cũng như đòi xuất dương du học. Hiện tượng mới mẻ này bắt đầu từ ý thức tư sản dân tộc mới nảy sinh do mở mang kinh tế trong nước đồng thời với ảnh hưởng của các nước đang phát triển mạnh mẽ trên con đường tư bản chủ nghĩa vang dội vào trong nước.
Theo đề án của Hội đồng cải cách giáo dục thì không có việc thành lập trường Đại học. Nhưng trước tình hình trên, toàn quyền PônBô thấy cần phải đối phó lại một cách kịp thời nên ngày 16 tháng 5 năm 1906 đã ký nghị định thành lập trường Đại học đầu tiên ở Việt Nam cũng là của Đông Dương. Trong nghị định ghi rõ: Trường đại học Đông Dương bao gồm một số trường Cao đẳng cho sinh viên thuộc địa và các xứ lân cận. Trường sẽ dùng tiếng Pháp để phổ biến những kiến thức khoa học và những phương pháp nghiên cứu của người Châu Âu. Trường Đại học Đông Dương bao gồm 5 trường Cao đẳng:
1. Luật và Pháp chính,
2. Khoa học.
3. Y khoa (đã có sẵn trước gồm 2 ngành Y và Dược).
4. Xây dựng.
5. Văn chương.
Sau 1 năm chuẩn bị khá cập rập, ngày 10 tháng 11 năm 1907, trường Đại học Đông Dương khai giảng, trong tổng số 94 sinh viên chỉ có 39 là có bằng cấp đúng quy định (đã tốt nghiệp trường Trung học Sài Gòn, đã đỗ thi Hương và được chứng nhận đã biết tiếng Pháp).
Sau một tháng học thử, còn lại 68 sinh viên chính thức và 8 dự tính. Đến cuối năm học chỉ còn có 41 người và họ chỉ là sinh viên năm thứ nhất. Song việc mở trường này bị bọn Pháp phản ứng và báo chí Pháp thì lo ngại người bản xứ biết nhiều tiếng Pháp sẽ đọc báo chí thuộc địa có những lời công kích quan lại chính phủ bảo hộ là "Không sáng suốt, không liêm khiết". Thực chất, đây mới chỉ là một thứ trường Cao đẳng tiểu học được thổi phồng lên bằng cái tên Đại học. Sinh viên là những cựu học sinh trường Pháp - Việt, thêm một số cử nhân tú tài Hán học.
Nền Đại học Đông Dương trải qua nhiều bước thăng trầm, thể hiện chính sách giáo dục của thực dân Pháp tuỳ tiện theo sự đấu tranh của nhân dân ta. Chỉ sau 1 năm nhân vụ đầu độc lính Pháp ở Hà Nội (1908), trường Cao đẳng Đông Dương bị đóng cửa vì dư luận người Pháp phản đối là "Không đào tạo trí thức bản xứ"([12]) và không vượt qua được những khó khăn về tổ chức và nội dung giảng dạy.
Năm 1907, ở Hà Nội cũng thành lập trường Trung học bảo hộ gộp từ ba trường đã có sẵn là trường thông ngôn ở Bờ sông, trường Trung học Jules Ferry Nam Định và lớp sư phạm ở phố Pottier (nay là phố Bảo Khánh) cạnh Hồ Gươm. Ban đầu gồm 2 cấp là Cao đẳng tiểu học và tiểu học. Đây là trường học của chính quyền thực dân mở ra nhằm mục đích đào tạo công chức trung cao cấp người Việt.
Như vậy đến năm 1907 với nội dung cải cách giáo dục, chúng ta thấy lần này có toàn diện hơn vì nó đã tác động đến cả hai hệ thống giáo dục Phong kiến và Pháp - Việt. Ở Hà Nội, sau nhiều cố gắng thực dân Pháp cũng mở được tới 8 trường Pháp - Việt với 1.800 học sinh. Nhưng số trường đó vẫn không đáp ứng được yêu cầu học tập của nhân dân Hà Nội cho nên trong thời kỳ này đã xuất hiện ở Hà Nội nhiều trường tư thục, như: Hội Trí Tri, một hội tư nhân mở trường có 3 lớp: lớp 1, lớp 2, lớp 3. Trong chương trình học tập có dạy cả chữ Hán, các môn võ ta và võ Tây. Tầng lớp nghèo thành thị cũng hưởng ứng phong trào học tập và nó còn lan ra cả vùng ngoại ô. Tháng 3 năm 1907, các văn thân ở Hoàng Mai rủ nhau được hơn 60 người góp tiền lập trường học tại đình làng đặt tên là "Mai Lâm nghĩa thục". Mục đích của "Mai Lâm nghĩa thục" là để dạy dỗ các con em trong làng... trước là cho được phổ thông chữ Quốc ngữ, chữ Nho, chữ Pháp, sau là được học tập các kỹ nghệ, toán Pháp, địa dư và hoá học bên thái Tây([13]). Ở các xã Ngọc Xuyên ngoại thành cũng mở trường dạy chữ Quốc ngữ và chữ Nho cho trẻ trong tổng, do một thân hào bỏ tiền ra. Làng Đông Các tổng Kim Liên cũng mở một trường học có hơn 50 học sinh nhằm mục đích trước hết là học cho thông chữ Quốc ngữ.
Tầng lớp trí thức, quan lại và nhà giàu ở Hà Nội trong năm này cũng thành lập "Hội giúp đỡ người An Nam" để học trung đại học và kỹ học ở Pháp.
Các quan lại và thương gia lớn ở Hà Nội còn lập hội "Pháp học bảo trợ" giúp cho con cháu họ qua Pháp du học.
Song việc sang Pháp du học không phải là vấn đề dễ dàng. Vì, thứ nhất, những người đủ điều kiện đi du học thời kỳ đó không nhiều, họ phải xuất thân từ các gia đình có bề thế, quen biết. Thứ hai, trong chính sách giáo dục có tính chất xuyên suốt của thực dân Pháp, chúng cũng không có ý định cho người bản xứ ra nước ngoài du học, đặc biệt là sang Pháp, vì “con đường sang Pháp là con đường chống lại nước Pháp”. Những thủ tục để sang Pháp du học hết sức phiền phức để thực dân Pháp thấy rằng đó là người trung thành với nước đại Pháp và không thể chống lại nước Pháp. Còn những ai muốn đi bằng con đường riêng của mình thì sẽ bị ghép vào tội có âm mưu phản loạn.
Ngay cả sau này, khi chiến tranh Thế giới thứ hai bùng nổ, để tăng cường ảnh hưởng của thực dân Pháp và chống lại những ảnh hưởng của phát xít Nhật, thực dân Pháp vẫn không muốn cho sinh viên Việt Nam sang Pháp du học. Chúng ngăn chặn bằng cách mở thêm một số trường Đại học ở bản xứ và tỏ vẻ quan tâm hơn đến chương trình Đại học.
Tiêu biểu nhất cho quan điểm học tập của nhân dân Hà Nội trong giai đoạn này là trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Có thể nói rằng đây là một trường kiểu mẫu của tinh thần yêu nước cầu tiến của dân tộc Việt Nam trong điều kiện hoàn cảnh lịch sử lúc đó. Đông Kinh Nghĩa Thục là một trường hợp Pháp lúc đó do các sỹ phu yêu nước, tiến bộ lập ra ở Hà Nội vào tháng 3/1907 ở phố Hàng Đào do Lương Văn Can làm Hiệu trưởng và Nguyên Quyền làm giám học. Trường có 4 ban: ban giáo dục, ban tài chính, ban trứ tác và ban cổ động.
Ban giáo dục gồm một số giáo viên dạy Hán học, Tây học.
Ban tài chính: Xây dựng quỹ cho nhà trường. Nguồn cung cấp chính cho quỹ của nhà trường là các người thương trợ, những người có con em theo học ở Đông Kinh Nghĩa Thục. Hàng tháng mỗi người giúp 5 đồng. Ngoài ra còn có sự giúp đỡ từ những người hảo tâm, các giáo viên chỉ lĩnh mỗi người hàng tháng một số cấp phí là 4 đồng. Số tiền còn lại dùng vào việc mua giấy, bút cho học trò và chi tiêu cho công việc nhà trường.
Ban cổ động có nhiệm vụ truyền bá tư tưởng mới thường thường dưới 2 hình thức: Diễn thuyết và trình văn. Một trong những người diễn thuyết có tiếng lúc này là Phan Chu Trinh. Hình thức bình văn cũng thu hút được đông đảo khán giả, đặc biệt là các nhà Nho.
Ban trước tác có nhiệm vụ biên tập các loại tài liệu khác nhau để cho học sinh học tập, vừa để cổ động cho Đông Kinh Nghĩa Thục vừa để hô hào cải cách. Tài liệu giáo khoa phần lớn lấy trong các sách báo mới của Trung Quốc, chữ Hán trích trong các tác phẩm cổ văn thích hợp với mục đích giáo dục của Đông Kinh Nghĩa Thục, và có cả một thư viện sách báo mới, người ngoài có thể vào xem.
Nhà trường tổ chức được 8 lớp, có thể nhận được từ 4 đến 5 trăm học sinh. Học sinh không phải đóng học phí mà còn được cấp cả giấy bút, sách vở và có cả học sinh nội trú được sắp xếp, tổ chức có trật tự. Có lớp học ban ngày và lớp học buổi tối, có cả những lớp đặc biệt cho các ông cử, tú. Người nào giỏi Nho thì học thêm chữ Pháp, người biết chữ Pháp rồi thì học thêm chữ Nho.
Chương trình học tập là những kiến thức mới như: địa lý, sử ký, cách trí, vệ sinh,... Nó không mâu thuẫn với các trường học của Pháp song điểm khác nhau căn bản là Đông Kinh Nghĩa Thục chú trọng biên soạn bài giảng theo quan điểm đào tạo những con người hữu dụng cho đất nước không phải để đào tạo những tay sai như trong trường học của thực dân. Bên cạnh chương trình giáo dục, nhà trường còn tổ chức những buổi diễn thuyết ngoại khoá để hô hào chống những lề thói phong kiến lạc hậu và trọng thực nghiệp, dùng hàng nội hoá, sống theo lối mới và còn có cả hộp thư để nhân dân góp ý kiến xây dựng nhà trường, do đó tổ chức, cũng như mọi hoạt động của nhà trường ngày càng phát triển.
Ngoài việc chống tư tưởng phong kiến lạc hậu, một vấn đề đặc biệt tiến bộ mà nhà trường đã làm là mạnh dạn tuyên truyền những tư tưởng tư sản tiến bộ của Trung Quốc, Nhật Bản và các nước Âu tây như "Dân ước luận", "Tiến hoá luận" và "Vạn pháp tinh lí" nhằm xây dựng một nội dung tư tưởng mới cho tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam thời kỳ đó.
Để truyền bá những tư tưởng, học thuyết mới, Đông Kinh Nghĩa Thục đặc biệt chú trọng phổ biến chữ Quốc ngữ thay thế cho chữ Nho khó học và dịch các sách ngoại ngữ ra chữ Quốc ngữ. Đồng thời vẫn dạy cả chữ Nho, chữ Nôm, chữ Pháp nhằm đạt mục tiêu cụ thể là phát triển văn hoá làm lợi khí để đẩy mạnh hoạt động thực nghiệp làm cho nước giàu dân mạnh, mới mong thoát khỏi ách nô lệ.
Tinh thần yêu nước mà nhà trường Đông Kinh Nghĩa Thục muốn kêu gọi và giáo dục cho người khác đó không thể là điều gì khác ngoài nền tự do của Tổ quốc. Muốn đất nước được tự do độc lập thì không có con đường nào khác là chống lại thực dân Pháp. Vì vậy Đông Kinh Nghĩa Thục đã biên soạn vài bộ Việt sử đề cao những cuộc khởi nghĩa của phong trào văn thân chống Pháp và sáng tác những bài thơ đầy tinh thần yêu nước. Ảnh hưởng của Đông Kinh Nghĩa Thục lan tràn ra nhiều tỉnh khác. Rất nhiều nhà Nho tiến bộ ở các địa phương đã xin chương trình và tài liệu giáo khoa của Đông Kinh Nghĩa Thục về mở trường học, coi như những chi nhánh của Đông Kinh Nghĩa Thục.
Thực dân Pháp lúc đầu còn tỏ thái độ phểnh phờ đối với Đông Kinh Nghĩa Thục, nhưng sau thấy xu hướng chính trị của nó bộc lộ do đó đã gây được ảnh hưởng lớn trong nhân dân nên vội vàng đàn áp.
Tháng 12 năm 1907, thực dân Pháp đóng cửa nhà trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Trong khi nhà trường Đông Kinh Nghĩa Thục còn đang hoạt động, cũng trong năm 1907 trước yêu cầu học tập sôi nổi của nhân dân Hà Nội và ảnh hưởng của phong trào Duy Tân ở Nhật Bản cũng như Trung quốc lan tràn qua kích thích tinh thần hiếu học đó theo chiều hướng bất lợi cho chúng, thực dân Pháp đã phải mở: "Đông Dương cao học cục" ở Đồn Thuỷ. Trường Cao đẳng này chia ra 3 ngành: Văn chương, luật và cách trí. Tiêu chuẩn của những người vào học là đã tốt nghiệp trường Sac-lơ-lu-lô-ba (Chasseloup Laubat), hoặc các cử nhân, tú tài cũ biết tiếng Pháp. Ai không có bằng cấp thì có Hội đồng nghị xét. Ngoài ra lại có cả học sinh tự do. Mục tiêu cụ thể của trường này là đào tạo những nhân viên có trình độ văn hoá giúp cho chúng trong việc củng cố chính quyền thực dân cũng như đẩy mạnh công cuộc khai thác Đông Dương.
Năm 1909, tổ chức giáo dục của thực dân Pháp ở Hà Nội không những không tăng tiến gì chất lượng mà còn giảm cả về số lượng. Số lượng trường học Pháp - Việt do chúng tổ chức cũng vẫn dừng lại ở con số 8 trường như năm 1907 (trong đó có 1 trường cho nữ sinh với 173 người) nhưng số lượng học sinh lại rút xuống con số 1.284 người kém hơn cả năm 1907. Nhưng cũng do nhu cầu cấp thiết của chúng, trong năm 1909, thực dân Pháp phải mở trường Bảo hộ ở Hồ Tây dạy theo chương trình bổ túc, thời gian học 5 năm, năm thứ 4 mới đi vào chuyên môn: sư phạm, hành chính, kỹ thuật và thương mại.
Nhưng sau khi vấp phải ý thức dân tộc mạnh mẽ chống đối ách thống trị của chúng trong lĩnh vực giáo dục mà nhà trường Đông Kinh Nghĩa Thục là tiêu biểu, thực dân Pháp hoảng sợ đã đóng cửa nhà trường. Từ đó đến năm 1917, cũng không bàn tới mở trường đại học nữa và trong khoảng thời gian tương đối lâu dài cũng là thời gian mà chúng mò mẫm, rút kinh nghiệm để tổ chức một nền giáo dục ở thuộc điạ thích hợp với quyền lợi thống trị của chúng.
Năm 1917, trong Đại chiến thế giới lần thứ nhất, một mặt để lừa bịp và dụ dỗ nhân dân Đông Dương góp thêm người và của giúp cho chúng chiến thắng quân Đức, một mặt cũng do nhu cầu để chuẩn bị cho cuộc khai thác Đông Dương lần thứ hai, thực dân Pháp lại mở Đại học ở Hà Nội.
Như vậy, qua nội dung cải cách giáo dục lần thứ nhất của thực dân Pháp và hoạt động giáo dục ở Hà Nội, chúng ta thấy đã có sự xâm nhập mạnh mẽ của nền giáo dục Pháp - Việt vào hệ thống giáo dục Phong kiến.
Nếu như trước kia Pôn Đume chỉ mới có một vài quy chế cho việc học chữ Pháp, chữ Quốc ngữ mang tính chất từng phần thì lần này PônBô đã kế thừa những thành quả trên, hệ thống lại cụ thể hơn và bổ sung một số điểm cho phù hợp với tình hình lúc đó. Do vậy cải cách giáo dục lần này ở một mức độ nào đó đã có tính chất toàn diện hơn vì nó tác động đến 2 hệ thống giáo dục phong kiến và Pháp - Việt, song nó vẫn không triệt để vì: Thực dân Pháp vẫn chưa dám thẳng tay xoá bỏ hoàn toàn nền giáo dục phong kiến và những cơ cấu của nó như nội dung chương trình, sách giáo khoa và tổ chức thi cử,...
Trước kia, nền giáo dục Phong kiến và Pháp - Việt tồn tại hầu như biệt lập với nhau thì sau cải cách đã có sự xích lại gần hơn và sự khác nhau sẽ chỉ như giáo dục cổ điển và giáo dục hiện đại ở Pháp. Do đó ta thấy ở các trường ấu học, tiểu học và trung học của giáo dục Phong kiến chương trình cổ điển là phần chữ Hán, có chương trình hiện đại là chữ Pháp, chữ Quốc ngữ và chính phần chữ Pháp của các trường này cũng lấy trong sách giáo khoa của trường Pháp - Việt. Học sinh sau khi học xong trường ấu học không nhất thiết phải theo học trường tiểu học và trung học để đi thi Hương mà còn có thể học trường tiểu học Pháp - Việt để đi thi vào các trường trung học Pháp - Việt. Tuy cải cách lần này chưa triệt để nhưng nền giáo dục thực dân đã xâm nhập mạnh mẽ vào nền giáo dục Phong kiến cổ truyền, tạo điều kiện xoá bỏ hoàn toàn nền giáo dục này khi cần thiết.
Song, chúng ta cũng thấy chất lượng giáo dục sau cải cách lần thứ nhất đã không đáp ứng được yêu mà thực dân Pháp đã đề ra. Vì hy vọng của thực dân Pháp là trong một thời gian ngắn có thể đào tạo được một số công nhân kỹ thuật và viên chức giúp việc, đó là hướng của các trường Pháp - Việt. Đối với hệ thống giáo dục Phong kiến sẽ có được một tầng lớp quan lại tuy vẫn lấy cựu học làm chính nhưng đã ít nhiều tân học có thể làm cầu nối giữa nhân dân và Nhà nước bảo hộ. Nhưng thực dân Pháp đã gặp khó khăn về thầy, sách giáo khoa, tổ chức cơ sở vật chất, nội dung giảng dạy... Chữ Pháp và chữ Quốc ngữ vốn chưa phải là những thứ chữ quen thuộc của dân tộc ta, muốn tiếp thu nó học trò phải mất rất nhiều thời gian mới có thể lọt qua kỳ thi Hương. Đến kỳ thi Hội, sỹ tử lại phải kiến giải những vấn đề nóng bỏng về kinh tế, chính trị xã hội mà họ chưa được học hỏi bao nhiêu, nên không có cách nào khác là nói dựa chữ Hán trình bày lí giải vấn đề một cách chủ quan, nông cạn và hời hợt. Người ta đã mỉa mai mấy ông đỗ tiến sỹ hồi đó là "Quốc văn như vậy, Hán văn cũng rưa rứa như vậy. Đó là cái tinh hoa của nhân tài nước Đại Nam ta đấy"([14]).
2. Giáo dục thi cử ở Hà Nội từ năm 1919 đến 1945.
Sau cải cách giáo dục lần thứ nhất năm 1906, mục tiêu mà thực dân Pháp đặt ra đã không đạt được, bên cạnh đó sự tồn tại cùng một lúc hai nền giáo dục cũng làm tăng trưởng mâu thuẫn giữa những người "Cựu học" và "Tân học" ngay trong một thế hệ học sinh. Một bên thì không ngừng quay về thời quá khứ âm thầm chống đối những cải cách có nguồn gốc phương Tây, một bên dựa trên quá khứ nhưng lại hướng về và chuẩn bị cho những đổi mới của đất nước. Đương nhiên những mâu thuẫn này không có lợi cho nền thống trị của thực dân Pháp.
Lúc này, Chiến tranh thế giới lần thứ nhất cũng sắp kết thúc, những tổn thất về người và của đã báo hiệu một đợt khai thác lớn của thực dân Pháp ở thuộc địa, nhất là Việt Nam, để bù đắp lại những thiệt hại đó. Trong bối cảnh này thực, dân Pháp thấy không thể cho tồn tại nền giáo dục nửa cũ, nửa mới, họ đã quyết định bãi bỏ nền giáo dục "bản xứ" với những thể chế của nó. Sau khoa thi cuối cùng ở Bắc kỳ năm 1915, ở Trung kỳ 1918 cùng với khoa thi Hội và thi Đình đầu năm1919, ngày 14/6/1919 Khải Định ký Đạo du bãi bỏ tất cả các trường học chữ Hán cùng với hệ thống quản lý từ triều đình đến cơ sở. Từ nay nền giáo dục ở Việt Nam sẽ do nhà cầm quyền Pháp hoàn toàn chỉ đạo và quản lý. Nền giáo dục Phong kiến đã suy tàn từ thế kỷ XIX, sống lay lắt từ khi có sự xâm nhập của nền giáo dục thực dân Pháp đến đây bị xoá bỏ hoàn toàn.
Năm 1919, Xarô được bổ nhiệm làm toàn quyền Đông Dương. Cuối năm đó ông ta đã ký nghị định ban hành bộ "Học chính tổng quy" và đến tháng 3 năm 1919 gửi thông tri cho các Tỉnh giải thích rõ thêm các nội dung cần thiết. Mục đích của cải cách giáo dục lần này theo như bài diễn thuyết của Xarô là: Việc mở mang giáo dục ngoài cái lợi ích to cho đường yên ổn lại còn một cái lợi to nữa là nhờ đó mà luyện tập được những người giúp việc giỏi, có tài, có học, có giá trị hơn để gia công giúp sức trong việc chính trị, hành chính, cũng như các hoạt động khác.
Bộ học quy của Xarô gồm 7 chương có 558 điều, mỗi chương lại chia thành từng mục lớn và mục nhỏ. Gồm những vấn đề chính như:
* Về tổ chức: Xác định rõ công cuộc giáo dục ở Việt Nam chủ yếu là dạy phổ thông và thực nghiệp. Các trường học chia làm: trường Pháp chuyên dạy người Pháp theo chương trình "Chính quốc", trường Pháp - Việt chuyên dạy người Việt theo chương trình bản xứ...toàn bộ nền giáo dục chia làm 3 cấp.
- Đệ nhất cấp (Tiểu học), theo đó mỗi xã đều có 1 trường tiểu học, nếu xã nhỏ thì 2 đến 3 xã gần nhau có thể tổ chức chung 1 trường. Các trường tiểu học có 2 loại: Trường tiểu học bị thể gồm 5 lớp (Đồng ấu, dự bị, sơ đẳng, lớp nhì và lớp nhất). Ở mỗi Tỉnh lị và Huyện có 1 trường tiểu học bị thể để dạy học trò đi thi lấy bằng tốt nghiệp Tiểu học.
- Trường Sơ đẳng Tiểu học là những trường có 2 - 3 lớp chủ yếu mở ở các làng xã, học trò chỉ học cho biết đọc biết viết rồi về làm ruộng, một số học trò nếu có thể đuổi được thì lên trường bị thể nào gần đó để học đến khi tốt nghiệp.
Ngoài ra còn một số quy định về chương trình tiểu học và thời gian học các môn gồm: Tiếng Pháp, Toán, tập đọc, luân lý, vệ sinh, thủ công.
- Hệ Trung học chia làm 2: Cao đẳng tiểu học và trung học. Theo chương trình cũ thì trung học chỉ có Cao đẳng tiểu học và sau đó là 1 năm chuyên ngành. Nhưng lần này do có thêm hệ Cao đẳng hoặc Đại học nên phải thêm một bậc trung học nữa để đi thi lấy bằng tú tài.
Cao đẳng tiểu học có 4 năm: đệ nhất, đệ nhị, đệ tam và đệ tứ niên, cuối năm thứ 4 học sinh thi để lấy bằng Cao đẳng tiểu học (còn gọi là bằng tiểu học).
Trung học có 2 năm kết thúc bằng kỳ thi lấy bằng tú tài. Đây chỉ là bằng tú tài "bản xứ" không có giá trị như "tú tài Tây".
Toàn bộ các trường tiểu học và Trung học đều nằm trong hệ thống trường Pháp - Việt.
Theo quy định thì chỉ có những người đậu tú tài mới được thi vào Cao đẳng. Song những năm đầu do chưa tổ chức được trường trung học nên các học sinh tốt nghiệp cao đẳng tiểu học vẫn được thi vào các trường cao đẳng (trừ trường nông nghiệp, Điện - tuy gọi là Cao đẳng nhưng vì tính chất học nghề nên vẫn lấy học trò có bằng tiểu học).
Với hệ thực nghiệm, ở bậc Tiểu học gồm những trường dạy nghệ mộc, rèn, nề, trường gia chánh, trường canh nông, mỹ thuật công nghiệp và mỹ nghệ. Bậc trung học có các trường thực nghiệm bị thể dậy toàn khoá. Ở hệ thực nghiệm tuỳ tính chất của từng loại trường và số năm học sẽ tương ứng với tiểu học và trung học, sau khi tốt nghiệp sẽ làm ở các cơ sở sản xuất.
Trừ các trường Cao đẳng và trung học khác ở Hà Nội là trực thuộc Phủ Toàn Quyền còn các trường phổ thông và thực nghiệm ở xứ nào thì thuộc ban đầu xứ quản lý có bộ phận chuyên môn giúp việc.
Hệ Cao đẳng theo nguyên tắc các trường cao đẳng Đông Dương họp thành Viện Đại học Đông Dương. Nhưng vì các trường Cao đẳng chưa mở hết nên trong học quy này Xarô chỉ mới nói những nét khái quát.
Vì các trường học chia làm hai nên các khoa thi sẽ chia làm 2 loại: Loại thi theo chương trình "bản xứ" và loại thi theo chương trình Pháp.
- Chương trình bản xứ gồm: Thi tốt nghiệp tiểu học; thi tốt nghiệp trung học gồm cao đẳng tiểu học và trung học (tú tài).
- Chương trình Pháp gồm: Bằng sơ học, Bằng Cao đẳng, Bằng tú tài Tây
Còn thi tốt nghiệp các trường Cao đẳng sẽ có quy chế riêng.
Ngoài những điểm cơ bản nhất ở trên, Học quy còn quy định quyền hạn của Nha học chính, Hội đồng cố vấn, quy chế ngạch bậc giáo viên, lương giáo viên và về thăng trật giáo viên.
Còn về vấn đề dạy chữ, đối với chữ Pháp, điều 134 Học quy Xarô viết: "Về nguyên tắc tất cả các môn học ở bậc tiểu học phải dùng chữ Pháp làm phương tiện giảng dạy". Nhưng thực tế nó gặp nhiều khó khăn và đã thất bại từ thời Pôn Bô. Trong thông tri đề ngày 20/3/1918, Xarô lại nói tiếng Pháp bắt đầu dạy từ lớp 3, nghĩa là sau khi học sinh đã đọc thông viết thạo tiếng mẹ đẻ, vả lại việc này cũng phù hợp với những trường Sơ đẳng tiểu học của các làng xã chỉ dạy vài năm rồi học trò lại trở về đi cày chứ không dạy 5 năm như những trường tiểu học bị thể.
Đối với chữ Quốc ngữ: Theo quy chế mới thì chỉ những trường sơ đẳng mới dạy hoàn toàn bằng chữ Quốc ngữ, còn các trường tiểu học kiêm bị thì hai lớp dưới học bằng chữ Quốc ngữ, từ lớp ba trở lên dùng hoàn toàn bằng tiếng Pháp. Và việc dạy chữ Quốc ngữ phải hướng vào những nội dung phục vụ cho lợi ích của người Pháp.
Còn việc dạy chữ Hán trong các trường Pháp - Việt được quy định: đối với các trường Sơ đẳng tiểu học thì chữ Hán không phải là môn bắt buộc. Những trường nào muốn dậy thì phải có sự thoả thuận giữa cha mẹ học sinh, hội đồng kỳ mục xã và Hiệu trưởng. Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm về nội dung và phương pháp dạy chữ Hán của thầy giáo. Còn ở các trường tiểu học kiêm bị nếu phụ huynh học sinh và chính quyền địa phương yêu cầu học thì thống sứ hoặc khâm sứ sau khi tham khảo hội đồng hàng tỉnh rồi mới ra quyết định đưa chữ Hán thành môn học bắt buộc, tuy vậy cũng chỉ đối với hai lớp cuối cấp mà thôi.
Như vậy với việc ban hành những quy chế mới Xarô đã xoá bỏ hoàn toàn nền giáo dục Phong kiến xác lập một nền giáo dục mới phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa.
Đến năm 1924 toàn quyền Méc Lanh thêm vào một số điểm về chủ trương cho chính sách giáo dục do Xarô đã đề ra, là phát triển giáo dục theo bình diện. Theo đó, Tiểu học gồm hai bậc: Sơ học học 3 năm, dạy bằng tiếng Việt. Cuối lớp ba phải thi bằng Sơ học yếu lược. Tiểu học học ba năm, dạy bằng tiếng Pháp như cũ. Học sinh có bằng Tiểu học vào trường Cao đẳng Tiểu học học bốn năm. Trên đó là bậc Trung học bản xứ, dạy theo chương trình Trung học Pháp, bỏ ngoại ngữ và cổ điển học La – Hy mà thêm vào Việt ngữ và Triết học Trung quốc. Ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn có mỗi nơi một trường kỹ nghệ thực hành đào tạo thợ chuyên môn ra giúp việc ở các xưởng công nghệ, cơ khí, công hoặc tư. Những đô thị lớn, sẽ có những trường Trung học Pháp (lycee) dạy theo chương trình Pháp, nhận học sinh Pháp và một số ít học sinh Việt.
Với Xarô và Méc Lanh chính sách giáo dục của thực dân Pháp cho Hà Nội và chung cho toàn Đông Dương đã rõ ràng. Nó kìm hãm đa số nhân dân trong vòng thất học và chỉ nhằm đào tạo một số người cần thiết giúp đỡ cho chúng. Hà Nội là trung tâm văn hoá của chế độ thuộc địa của thực dân Pháp ở Đông Dương do đó chỉ có ở Hà Nội mới có tổ chức Đại học chung cho toàn Đông Dương. Những tổ chức trung học, tiểu học của thực dân Pháp ở Hà Nội cũng tiêu biểu.
Do các cấp giáo dục đó của chúng ở Đông Dương, vì vậy qua tình hình tổ chức giáo dục các cấp của thực dân Pháp ở Hà Nội có thể thấy rõ tính chất "thuộc địa" của chính sách giáo dục của thực dân Pháp.
* Tình hình Trung học và Tiểu học.
Sau khi thực dân Pháp áp dụng chính sách giáo dục của Xarô và MecLanh, những năm 1918-1924 các trường Trung học và Tiểu học ở Hà Nội do chúng mở ra vẫn rất thiếu thốn, nhất là sau khi dân số Hà Nội tăng cao. Ngay cả sự xuất hiện rất nhiều trường Trung học và Tiểu học tư thục dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chúng vẫn không đáp ứng nổi nhu cầu học tập của nhân dân Hà Nội và học sinh các tỉnh đến Hà Nội học. Trường Anbe Xarô là trường Trung học độc nhất ở Hà Nội giảng dạy theo chế độ giáo dục Pháp dành riêng cho học sinh người Pháp và một số học sinh người Hoa Kiều và Việt Nam thuộc các gia đình có thân thế.
Trong những năm1925-1930 phong trào cách mạng sôi nổi trong toàn quốc cũng như ở Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là ở Hà Nội rất nhiều học sinh, sinh viên tham gia các phong trào ái quốc như cuộc biểu tình của sinh viên cao đẳng năm 1925 đòi thả cụ Phan Bội Châu, phong trào bãi khoá của học sinh năm 1926 để truy điệu, để tang cụ Phan Chu Trinh và gia nhập các Đảng phái chính trị như Việt Nam Nghĩa Đoàn, Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí hội, đồng thời là những người sáng lập ra chi bộ Cộng sản đầu tiên của Đông Dương tại Hà Nội, đa số là những sinh viên trường Bưởi. Bọn thực dân Pháp ra sức theo dõi và đàn áp sinh viên và học sinh. Thái độ hằn học của bọn tư bản Pháp ở Việt Nam đối với phong trào sinh viên và học sinh chống lại chúng được thể hiện rõ trong các bài báo "Chúng ta hãy xây dựng nhiều nhà tù" năm 1932 trong đó chúng coi là "thêm một trường học thêm một nhà tù" và tỏ ý muốn hạn chế giáo dục cho người Việt.
Một điều đáng kể ở xứ thuộc địa vào những thập niên 30 và đầu thập niên 40 có một trường tư thục được giới học sinh rất hâm mộ, đó là trường Trung học Thăng Long - trường có tiếng là có nhiều giáo sư dạy giỏi, tỷ lệ học sinh đỗ cao hơn so với các trường tư khác rất nhiều, nhất là có một số giáo sư được nhiều người kính trọng vì có tâm huyết.
Thời kỳ đó học sinh đông, nhất là các tỉnh về Hà Nội, trường công thì khó thi vào nên những trường tư thục có lớp thành chung và Trung học phát triển mạnh. Trường Thăng Long cũng thành Trường Trung học, thời kỳ thịnh đạt trường có 40 lớp, mỗi lớp 60 học sinh, học làm 2 ca.
Giáo viên dạy ở trường Thăng Long có nhiều người sau ra làm chính trị như Võ Nguyên Giáp, Phan Anh, Nghiêm Xuân Yêm có những người hoạt động xã hội hăng hái như Phan Thanh, Đặng Thai Mai, Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp...
Những năm có phong trào Mặt trận dân chủ, các nhà giáo ở Trường đã cùng những bạn đồng nghiệp trường khác thành lập "Hội các nhà giáo tư thục", học sinh giáo viên ở Hà Nội sôi nổi tham gia các tổ chức và phong trào đấu tranh, nhiều trường học trở thành cơ sở của tổ chức "Thanh niên dân chủ" dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương, Thực dân Pháp lập ra ngạch học quan để tăng cường sự kiểm soát của chúng trong lĩnh vực giáo dục, đồng thời rút bớt một số trường khiến cho các học sinh ở Hà Nội đã thiếu trường lại càng thiếu thốn hơn.
* Tổ chức Đại học của thực dân Pháp ở Hà Nội.
Năm 1917 Thực dân Pháp tổ chức Đại học ở Hà Nội với những trường thuốc Thú y, Luật , Hành chính, Sư phạm, Nông lâm, Công chính, Thương mại...
Trường thuốc Hà Nội có tiền thân là trường Y sỹ, năm 1917 có ban Y - Dược và Sản gọi chung là trường Thuốc Hà Nội. Sau có thêm khoa Mắt. Năm 1924 được nâng lên thành trường Cao đẳng với nhiều chuyên khoa, tổng số sinh viên có 79 y dược và 51 nữ hộ sinh.
Năm 1931 Trường có các lớp học và nội trú ở phố Bobillot (Lê Thánh Tông) sinh viên thực tập ở các bệnh viện Phủ Doãn, Bạch Mai và các phòng khám bệnh ở các khu phố. Trường Thuốc đã mở lớp PCN (Lý - Hoá- Sinh) để đào tạo bác sỹ học 4 năm ở Hà Nội và 2 năm ở các trường Y bên Pháp.
Lúc đầu, giáo sư đều là người Pháp và một số công chức làm việc ở các viện nghiên cứu, trình độ không đồng đều. Từ sau năm 1936-1937, Trường Thuốc Hà Nội được chấn chỉnh, nhiều giáo sư có trình độ từ bên Pháp được cử sang giảng dạy, có nhiều người chuyên môn giỏi. Sinh viên được đào tạo chu đáo hơn trước. Nhiều người trở thành những bác sỹ giỏi như Đặng Văn Chung (Nội); Tôn Thất Tùng (Ngoại) và Nguyễn Hữu Thuyết (Nhi).
Sinh viên trường thuốc đi học mỗi người một mục đích như đi làm cho Nhà nước, mở phòng khám bệnh tư, hoặc đi làm cho các công ty tư bản.
Ngày 21 tháng 3 năm 1918 toàn quyền Đông Dương ký nghị định mở trường Cao đẳng Nông - Lâm ở Hà Nội. Chương trình học 4 năm. Theo quy chế nhà trường chỉ nhận những học sinh đã tốt nghiệp Trung học để đào tạo nhưng trên thực tế thì chỉ đào tạo những người có bằng Cao đẳng Tiểu học, thậm chí từ những người có bằng tiểu học thôi. Vì vậy khi ra trường số người này chỉ là những "kỹ thuật viên" Trung cấp, đến năm 1935 trường đóng cửa.
Ngày 21 tháng 8 năm 1918 toàn quyền Đông Dương ra nghị định mở trường Sư phạm Hà Nội để đào tạo nam nữ giáo viên người Việt nhằm đáp ứng cho việc khai triển "Học chính tổng quy" đã ban hành.
Năm 1922 chúng lập thêm 2 trường: Trường Khoa học thực hành và Trường Thương mại thực hành. Trường Khoa học thực hành gồm 5 ban (công chính, hoá, kỹ nghệ, điện mỏ, địa chính) nhằm đào tạo cử nhân chuyên môn cho công cuộc khai thác Đông Dương lần thứ hai của thực dân Pháp. Trường Thương mại thực hành thời gian học 2 năm nhằm bổ túc cho sinh viên trường Thương mại. Năm 1924 thực dân Pháp bỏ trường Đại học Luật và Hành chính và thay thế bằng Trường Cao đẳng Văn chương. Chương trình gồm có luật và hành chính vài nét về kinh tế xã hội ngôn ngữ và văn chương Hán - Việt .
Cho tới năm 1925 tổng số sinh viên tốt nghiệp của các trường Đại học ở Hà Nội rất ít ỏi: Y dược có 231 sinh viên, Thú y 83 sinh viên, Luật 163 sinh viên; Sư phạm 70 sinh viên, Canh nông 49; Công chính 308; Khoa học thực hành; Thương Mại thực hành 28.
Cuối năm 1925 Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội cũng ra đời, phương tiện của nhà trường lúc đầu rất khiêm tốn. Địa điểm là một khu nhà rộng nhưng trống trải ở đằng sau Nhà Đấu Xảo. Niên học chính thức là 1926 – 1927, có kỳ thi nhập học. Khoá đầu chỉ có khoa Mỹ thuật gồm hội hoạ và điêu khắc. Ngay từ kỳ thi đầu tiên thanh niên Việt Nam đã rất hoan nghênh số người được tuyển vào học là 50 người.([15])
Việc mở Trường Cao đẳng Mỹ thuật tiếp tục bị thực dân công kích dữ dội, chúng cho là tốn tiền, vô ích, không thực dụng. Nhưng năm sau, mở thêm khoa Kiến trúc. Nội dung chương trình học và kỹ thuật theo phương thức Phương Tây song sinh viên Việt Nam đã thể hiện được bản sắc dân tộc qua nghệ thuật tranh lụa và sơn mài là những nguyên vật liệu Việt Nam đã nêu được nét độc đáo của xử sở.
Tới những năm 1938 - 1939 trở về sau, một mặt do nhu cầu những viên chức giúp cho chúng trong tình hình mới của Đại chiến thế giới thứ hai kết hợp với ý định của bọn thực dân không muốn cho sinh viên Việt Nam sang Pháp, một mặt khác để gây ảnh hưởng chính trị cho chúng chống lại ảnh hưởng của phát xít Nhật, số lượng sinh viên dần dần có tăng hơn trước:
Năm
|
Số sinh viên trường đại học Hà Nội
|
1938 - 1939
1939 - 1940
1940 - 1941
1941 - 1942
1942 - 1943
1943 - 1944
|
547
573
602
834
1.050
1.575
|
Riêng trong 3 trường đại học: Luật, Y và Khoa học năm 1943- 1944 có 1.222 sinh viên gồm các thành phần dân tộc như sau:
Sinh viên Việt Nam: 837
Sinh viên Pháp: 346
Sinh viên Khơ me: 18
Sinh viên Lào: 12
Sinh viên Trung Hoa: 8
Sinh viên dân tộc khác: 1 ([16])
Thực dân Pháp tỏ vẻ quan tâm đến việc cải cách chương trình đại học. Năm 1941, chúng mở trường Cao đẳng Khoa học ở Hà Nội. Trường này dạy Vật lí, Hoá học, Khoa học tự nhiên, Toán học đại cương và ứng dụng nhằm góp phần nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật ở Đông Dương, đào tạo cán bộ người Đông Dương cần thiết cho công việc hành chính và kinh tế thuộc địa. Nhưng thực chất của việc cải cách trên, theo bức điện tín của toàn quyền Đờ-cu (Decoux) gửi cho Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp ngày 12/8/1941 thì chỉ là sự thay đổi danh từ chứ không cải cách gì về tổ chức nhằm mục đích "gây ảnh hưởng và uy tín của ngành đại học đối với nhân dân Đông Dương và các cường quốc"([17]).
Cũng trong thời kỳ này thực dân Pháp mở thêm nhiều trường cao cấp như trường Cao đẳng Kiến trúc, hay mở rộng phạm vi giảng dạy của các trường Cao đẳng khác như trường Cao đẳng Mỹ thuật... Nhưng cũng nhằm đáp ứng nhu cầu của chúng là gây ảnh hưởng cho chúng mà thôi.
Từ năm 1940 khi địa vị của thực dân Pháp ở Đông Dương lung lay cực độ, Đờ cu đã ra sức dùng giáo dục để truyền bá ảnh hưởng của Pháp nhằm vớt vát phần nào uy tín của chúng ở thuộc địa. Ông ta rất quan tâm đến giáo dục mà đặc biệt là sử học với mục đích để bảo vệ và tô điểm cho lịch sử của nước Pháp, cho sự nghiệp của nước Pháp trên thế giới và Viễn Đông.
Ngày 28/4/1941 Đờ cu ký nghị định thành lập trường Thú y.
Tháng 11/1941 thành lập trường Cao đẳng Thể dục thể thao Đông Dương. Năm 1942 thành lập trường Cao đẳng Canh Nông gồm 2 ban một ban cho người Pháp và 1 ban cho người Việt, đào tạo kỹ sư canh nông nhiệt đới và kỹ sư canh nông Đông Dương.
Ngoài việc mở trường Cao đẳng, Đờ cu còn cho xây dựng một khu học xá Đông Dương ở Hà Nội từ 1941 - 1945 xây dựng được toà nhà chứa 400 sinh viên lưu trú, phần lớn sinh viên phải trả tiền ăn và ở.
Từ năm 1938 - 1945 số lượng sinh viên có tăng lên, nhưng chất lượng vẫn rất kém. Không những vì chương trình què quặt của các trường đại học đó mà ngay cả đến các giáo sư và các phương tiện để nghiên cứu thực hành cũng rất thiếu. Ngoài ra thực dân Pháp còn chú ý theo dõi kiểm tra tư tưởng và đàn áp sinh viên.
Năm 1930 - 1931, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp nhưng sinh viên viên phản đối chúng đàn áp phong trào cách mạng. Thậm chí trục xuất cả 18 sinh viên du học tại Pháp năm 1930. Và đến năm 1944, 2 sinh viên bị tống đi trại tập trung chỉ vì đã nghỉ học sau khi đã tranh cãi với mấy giáo sư người Pháp.
Bên cạnh giáo dục đại học, giáo dục chuyên nghiệp cũng được tổ chức ở Hà Nội. Năm 1898, chúng đã mở trường thực nghiệm ở Hà Nội để đào tạo một số thợ rèn, thợ khoá, thợ máy, thợ mộc, thợ điện ở một trình độ nghề nghiệp rất thấp để đáp ứng ngay những nhu cầu cấp thiết của chúng và mãi tới năm 1939, để phục vụ cho công cuộc mà chúng gọi là "kỹ nghệ hoá Đông Dương", chuẩn bị cho đại chiến thế giới lần thứ hai, chúng mới chịu lập trường chuyên nghiệp Trung cấp ở Hà Nội. Trường này mặc dù chỉ cung cấp cho học sinh một trình độ rất thấp về điện, nguội, máy, tiện...nhưng cũng chỉ thoả mãn một phần rất nhỏ số lượng người muốn học. Những người muốn xin vào học đều phải qua một kỳ thi loại chỉ 1 phần 10 thí sinh trúng tuyển. Năm 1940, trên 2.000 người thi chỉ có 280 người được vào học.([18])
Hà Nội thời Pháp thuộc là trung tâm văn hoá của cả Đông Dương mà tình hình văn hoá giáo dục còn nhiều bất cấp như vậy. Tuy nhiên, ngoài nhà trường Đông Kinh Nghĩa Thục mở ở Hà Nội với quan điểm tiến bộ trong năm 1907, từ năm 1938 trở đi một tổ chức giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng đối với quảng đại quần chúng người lao động ở Hà Nội là Hội truyền bá Quốc ngữ do sáng kiến của Đảng cộng sản Đông Dương chính thức thành lập ngày 29/7/1938. Hội trưởng là học giả Nguyễn Văn Tố cùng một số nhà trí thức, chủ yếu là những giáo viên trường Thăng Long như Phan Thanh - Võ Nguyên Giáp - Hoàng Xuân Hãn - Đặng Thai Mai.
Hội có nhiều ban: Ban soạn sách giáo khoa, Ban tuyên truyền, ban sư phạm. Ban soạn sách giáo khoa giúp các giáo viên dạy theo phương pháp mới dễ học, dễ nhớ, phù hợp với đối tượng học viên là những người đã đứng tuổi ban ngày lao động vất vả, đó là công của Hoàng Xuân Hãn. Ban tuyên truyền cổ động có những người tích cực và hoạt động có hiệu quả. Sự ra đời của Hội truyền bá quốc ngữ được nhân dân trong nước hoan nghênh nhiệt liệt. Đúng là một phong trào của quần chúng nhân dân. Người cho giấy bút, người ủng hộ tiền bạc, cho mượn địa điểm làm lớp học, cung cấp dầu đèn, người ra sức tạo điều kiện để Hội có thể hoạt động đều. Giáo viên là những người tự nguyện không lấy công, họ là học sinh nhỏ, là sinh viên là những người đã biết chữ trước ra dậy người học chữ sau, những người đi vận động động không quản trở ngại khó khăn, đặc biệt xử trí tuỳ từng trường hợp để học viên được đến lớp đều đặn. Cũng nhờ những người giàu thiện trí đó mà ngay năm đầu tiên Hội đã đạt được kết quả lớn.
Năm đầu thí điểm ở Hà Nội (từ tháng 9/1938-2/1939). Hội mượn lớp học của hai trường tư thục Trí Tri và Thăng Long có 30 giáo viên đã dạy được 800 người biết đọc, biết viết, biết làm 4 phép tính.
Phong trào nhanh chóng lan rộng khắp các khu phố Hà Nội và ngoại thành, các tỉnh Bắc Kỳ, Trung Kỳ và cả Nam Kỳ. Năm năm sau, Hà Nội đã mở được 31 lớp học thường xuyên với 3.300 học trò và 210 giáo viên.
Trong hội nghị tổng kết và rút kinh nghiệm phương pháp sư phạm và sách giáo khoa toàn Bắc kỳ họp ở Hà Nội tháng 7 năm 1944 khai mạc với 700 đại biểu của 11 chi hội theo báo cáo thành quả phong trào truyền bá quốc ngữ đã giúp được cho khoảng 6 vạn người thoát nạn mù chữ, trong đó nhiều nhất là ở Hà Nội và ngoại thành được độ 3 vạn người.
Như vậy, trong giai đoạn từ 1919-1945 trước tiên với cải cách giáo dục lần thứ hai nhà cầm quyền Pháp đã làm được 2 việc lớn là xoá bỏ nền giáo dục phong kiến, củng cố, mở rộng nền giáo dục Việt Nam. Đó là một việc làm cần thiết và phù hợp với sự phát triển của xã hội. Sau những cải cách giáo dục của toàn quyền Anbe Sarô và Méclanh, hệ thống giáo dục mới được củng cố, giảng dạy đi vào ổn định, trường học được kiên cố hoá dần. Thời kỳ này tồn tại song song hai hệ thống trường: Công và tư. Hệ thống trường công gồm hai bộ phận công của của người Pháp và trường công Pháp - Việt. Hệ thống trường tư gồm có: Trường Dòng (chủ yếu là của Pháp), Trường tư giành cho người Việt Nam và trường tư cho người nước ngoài. Đồng thời sau những cải cách giáo dục nó đã làm thay đổi một cách căn bản lối sống và tư duy của người Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Nền giáo dục này được sử dụng như một trong những công cụ chính yếu phục vụ cho công cuộc chinh phục trái tim và tinh thần của người Pháp tại Đông Dương. Chương trình giảng dạy tuy có mô phỏng theo chương trình của Pháp quốc song ít nhiều cũng đáp ứng được phong tục và truyền thống ở Đông Dương, các bậc học từ sơ học, tiểu học lên trung học và Đại học đã tạo nên một tổng thể đồng nhất và tiếp nối nhau thông qua sự lựa chọn và tuyển lọc qua các kỳ thi của mỗi cấp. Hệ thống giáo dục này mang hai đặc tính: Tính thống nhất và tính chọn lọc. Từ đó, nó đem lại hai mục đích: Một mặt giảng dạy cho số đông học sinh những kiến thức sơ đẳng như: đọc, viết, làm tính, vệ sinh, trồng trọt... mặt khác đào tạo và lựa chọn những thành phần ưu tú bản địa ham gia vào công cuộc khai thác thuộc địa.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa nền giáo dục mà thực dân Pháp áp dụng trên đất nước ta là hoàn toàn tiến bộ, nền giáo dục mà thực dân Pháp ra sức gây dựng đó nhằm phục vụ đắc lực cho công cuộc bình định, khai thác, bóc lột và thống trị của thực dân Pháp cả về mặt tinh thần. Những nhược điểm của nền giáo dục này không phải không có, song người ta cũng không cần quan tâm khắc phục khi mà nền giáo dục chỉ có mục đích phục vụ cho quyền lợi cho chủ nghĩa thực dân Pháp hơn là cho quảng đại quần chúng.
Chính vì vậy mà người Việt Nam bên cạnh việc tiếp thu nền giáo dục mới mà thực dân Pháp đưa vào, đồng thời cũng không ngừng đấu tranh trong lĩnh vực giáo dục. Khi nền giáo dục phong kiến cổ truyền không còn nữa thì bên cạnh dòng giáo dục thực dân, dòng giáo dục yêu nước được hình thành. Nó có mầm mống từ cuối thế kỷ XIX, nhưng sang đầu thế kỷ XX mới thể hiện rõ nét. Với các trường học trong phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, các nghĩa thục ở Quảng Nam và các tỉnh Bắc kỳ mà đỉnh cao là Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội, mục đích, nội dụng của dòng giáo dục yêu nước đã hình thành. Và đương nhiên, nhà cầm quyền Pháp không để yên cho dòng giáo dục này phát triển công khai đối lập với nền giáo dục Pháp -Việt lúc đó, nên họ đã thẳng tay đàn áp. Những trường học yêu nước bị đóng cửa nhưng dòng giáo dục yêu nước không vì thế mà bị dập tắt, nó sẽ được các nhà yêu nước lớp sau tiếp thu và phát triển lên một bước mới tạo ra dòng giáo dục cách mạng.
Tiêu biểu là Nguyễn Ái Quốc người mở đầu cho dòng giáo dục cách mạng. Người đã tìm tòi, suy nghĩ học tập, thể nghiệm để tìm ra một con đường cứu nước phù hợp. Là một người am hiểu khá sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lênin cộng với kinh nghiệm thức tiễn, Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức và giảng dạy, đào tạo được lớp lớp cán bộ vừa có lý luận vừa biết cách vận động quần chúng làm cách mạng, rồi biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng. Ngay trong chánh cương sách lược vắn tắt do Người soạn thảo năm 1930 đã ghi "Phổ thông giáo dục theo công nông hoá". Trong quá trình đấu tranh, Đảng Cộng Sản đã nêu nhiều khẩu hiệu như "thực hành giáo dục toàn dân", lãnh đạo nhân dân đấu tranh vạch trần bản chất giáo dục của thực dân Pháp; chống lại chính sách hạn chế việc học. Trong thời kỳ mặt trận dân chủ Đông Dương đã kêu gọi nhân dân đấu tranh đòi "truyền bá giáo dục, cưỡng bức tiếng mẹ đẻ trong các lớp dự bị. Thâu nạp vào trường, chuyển lớp và thi cử phải được mọi sự dễ dàng"([19]). Và để chủ trương, đường lối của Đảng đến với quần chúng nhân dân lao động - những người nghèo chưa biết đọc biết viết; Hội truyền bá quốc ngữ đã ra đời ở Hà Nội và pháy huy được vai trò của mình, từng bước đưa cái chữ đến với những người nghèo thất học, không có khả năng đến trường mà không phải trả học phí, được cuung cấp giấy bút, sách vở...
Trong quá trình đấu tranh, những người lãnh đạo phong trào chẳng những đã dùng chữ Quốc ngữ và cả chữ Pháp để vạch rõ âm mưu thâm độc của giai cấp thống trị, mà còn truyền bá tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước vào học viên và nhân dân đã thu được những kết quả to lớn.
Còn những trí thức yêu nước, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã biết chọn lọc những tư tưởng tiến bộ trang bị cho mình và trở thành những trí thức cách mạng. Năm 1943, trong đề cương văn hoá Việt Nam đã nêu rõ đường lối cách mạng văn hoá của Đảng về giáo dục: "Đấu tranh về tiếng nói, chữ viết, thống nhất và làm giàu thêm tiếng nói, cải cách chữ Quốc ngữ và lợi dụng tất cả khả năng công khai và bán công khai để chống nạn mù chữ.”. Đường lối cách mạng sáng suốt của Đảng đã có tác dụng lôi cuốn động viên nhân dân tích cực tham gia tổ chức giáo dục theo chủ trương của Đảng.
Qua những hoạt động, những kinh nghiệm và phương pháp tổ chức thích hợp, có tinh thần cách mạng kiên cường, biết kết hợp giữa bí mật và công khai, dòng giáo dục cách mạng không bị dập tắt mà đã phát triển một cách bền bỉ, liên tục và cuối cùng đã thắng lợi cùng với thành công của cách mạng Tháng 8 năm 1945.
3.Giáo dục thi cử ở Hà Nội từ 1945 đến 1954.
Sau Cách mạng Tháng Tám, mặc dù chính quyền non trẻ đứng trước một tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng và chính phủ đã phát động toàn dân dấy lên một cao trào bình dân học vụ chưa từng có trong lịch sử đất nước và Hà Nội là một trong những nơi dẫn đầu. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã cho thành lập một cơ quan Nhà nước, đó là Ban Bình dân Học vụ để thay thế cho Hội Truyền bá Quốc ngữ, một tổ chức phong trào quần chúng.
Cùng với việc nâng cao dân trí cho quảng đại quần chúng, chúng ta cũng tiến hành cải tổ và xác định bước đầu các ngành học chủ yếu là tiểu học và trung học. Tuy nhiên một khó khăn lớn trong việc chuẩn bị năm học mới là thiếu giáo viên, nhất là giáo viên có trình độ, năng lực ở bậc trung học. Các cấp chính quyền đã vận dụng chính sách trí thức của Đảng, tuyển dụng hầu hết các giáo sư, giáo viên cũ trở lại giảng dạy, nhiều học sinh trung học và sinh viên đại học được đưa vào đội ngũ giáo viên mới.Những giáo viên tiểu học lâu năm, giàu kinh nghiệm được chuyển lên dạy các lớp đầu cấp bậc trung học. Nhờ đó, các trường cũ được khôi phục lại và hoạt động bình thường, số trường mới cũng đảm bảo việc thực hiện kế hoạch dạy và học theo đúng chương trình.
Cuối năm 1945 đầu năm 1946, các kỳ thi tốt nghiệp tiểu học và trung học phổ thông đã được tổ chức chu đáo, nghiêm túc trong không khí phấn khởi và tin tưởng. Lần đầu tiên các thí sinh không phải nộp lệ phí thi. Nhiều học sinh bỏ học lâu ngày đã trở lại học tập, ôn thi nên số trúng tuyển đã tăng lên rõ rệt. Ngay trong năm học đầu tiên , điều đặc biệt là giáo viên của tất cả các cấp học đều dùng tiếng Việt để giảng dạy ở mọi bộ môn.
Theo sác lệnh số 34/SL, một Hội đồng cố vấn học chính được thành lập để nghiên cứu một chương trình cải cách, theo dõi sự thực hiện chương trình và góp ý kiến cho các vấn đề khoa học giáo dục, đồng thời cử ra một tiểu ban phụ trách việc nghiên cứu chương trình chuyển tiếp bậc tiểu học. Trong thời gian này, Bộ giáo dục cũng cho xuất bản hai tờ “Giáo dục tân san” cho tiểu học và trung học xuất bản hàng tháng để truyền đạt các chỉ thị, chủ trương chính sách giáo dục, hướng dẫn nội dung và phương pháp dạy một số bài và môn học, đăng bài soạn những môn chưa có sách mới như công dân giáo dục, văn học và sử học.
Năm 1946, chính phủ đã ban hành hai sắc lệnh quan trọng về giáo dục: - Sắc lệnh số 146/SL ngày 10/8, khẳng định ba nguyên tắc căn bản của nền giáo dục mới: đại chúng hoá, dân tộc hoá, khoa học hoá và theo tôn chỉ phụng sự lí tưởng quốc gia và dân chủ. Nền giáo dục mới sẽ có ba cấp học: Bậc học cơ bản có 4 năm (bắt đầu từ năm 1950 sẽ là bậc học cưỡng bức); Bậc học tổng quát, chuyên nghiệp và Bậc đại học.
- Sắc lệnh số 146/SL ấn định những điều khoản pháp chế để thực hiện bậc học cơ bản, không phải trả tiền; các môn học dạy bằng tiếng Việt; kể từ năm 1950 trở đi, tất cả các trẻ em từ 7 đến 13 tuổi đều có thể vào trường học.
Từ ngày 25 đến ngày 27/8/1946, tại Nhà Hát lớn Hà Nội, Bộ giáo dục đã triệu tập Đại hội giáo viên toàn quốc gồm đại biểu giáo giới khắp ba miền trong cả nước nhằm củng cố về tư tưởng và tổ chức đội ngũ giáo viên. Đây là diễn đàn đầu tiên để trao đổi về quan điểm lý luận giáo dục mới, khẳng định ba nguyên tắc của giáo dục.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ngành giáo dục trẻ tuổi lại gặp nhiều khó khăn mới. Hà Nội bị địch tạm chiếm, các trường học, thầy trò phải tản cư về nông thôn và các khu an toàn. Ở vùng địch tạm chiếm, phong trào bình dân học vụ vẫn phát triển nhờ phối hợp với các lực lượng như quân đội, công an, dân vận nhằm thanh toán nạn mù chữ cho đồng bào và giúp nhân dân giữ vững niềm tin vào kháng chiến.
Ngày 14 tháng 7 năm 1949, học sinh Hà Nội đã tẩy chay cuộc đón tiếp Bảo đại tổ chức tại Nhà Hát lớn, kéo theo hàng loạt các cuộc bãi khoá của học sinh, sinh viên Hà Nội, Huế, Sài Gòn và các thành phố khác nhằm kỉ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc Khánh 2/9, hoặc đấu tranh chống khủng bố, đòi thả tự do cho một số học sinh, sinh viên bị địch bắt.
Những năm cuối cùng của cuộc trường kỳ kháng chiến (1953- 1954), chiến thắng oanh liệt của quân dân ta ở khắp nơi đã dội đến các vùng tạm chiếm. Cuộc đấu tranh của học sinh, sinh viên chống bắt lính ngày càng được mở rộng với các khẩu hiệu ngày càng cao hơn: đòi chấn dứt chiến tranh, đòi chính phủ Pháp phải thành thật thương lượng với chính phủ kháng chiến Hồ Chí Minh để lập lại hoà bình…
Một mặt khác, âm thầm hơn, song lại thu hút đông đảo học sinh và giáo giới tham gia. Đó là cuộc đấu tranh chống văn hoá đồi truỵ của địch dưới nhiều hình thức hợp pháp và bất hợp pháp. Phong trào đã kêu gọi các bậc phụ huynh các giáo viên quan tâm đến việc giáo dục con em, đến thế hệ trẻ nhằm ngăn ngừa nọc độc của phim ảnh, sách báo, cao bồi, trụy lạc. Tổ chức thanh niên cách mạng này là trung tâm tập hợp các giáo viên, học sinh có cảm tình với kháng chiến, giúp họ tổ chức míttinh kỷ niệm các ngày lễ lớn như 19/8, 2/9, kỷ niệm sinh nhật Hồ Chủ Tịch, nói chuyện về thơ văn yêu nước, cách mạng và kháng chiến, viết báo tường. Ở Hà Nội có tờ “Nhựa sống” để thông tin về tình hình đấu tranh, về những thắng lợi của ta ở chiến trường, cổ vũ lập trường chiến đấu của dân tộc, niềm tin tất thắng của chính nghĩa, lý tưởng sống đúng đắn của thanh niên.
Nhờ vậy nhiều học sinh, sinh viên đã xác định rõ trách nhiệm của mình trước tình hình của đất nước.
Cùng với việc đấu tranh chống chính sách giáo dục của địch, chúng ta cũng từng bước gây dựng cơ sở giáo dục kháng chiến của ta trong lòng địch, bằng hình thức hợp pháp. Trong nhà trường của địch, lập ra nhóm trung kiên giáo viên và học sinh, nêu khẩu hiệu đấu tranh chống văn hoá phẩm đồi trụy, đòi mở thêm trường mới và đưa giáo viên của ta vào dạy. Về hình thức, bề ngoài theo chương trình của địch, bên trong là tài liệu của ta đến các giáo viên tốt trong vùng địch, tổ chức một số giáo viên trốn ra vùng tự do dự lớp huấn luyện rồi trở lại giảng dạy v.v…
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn và kết quả chưa nhiều, song hoạt động trên đây đã dần dần đi vào nhà trường của địch, tạo ra cơ sở đấu tranh chống nền giáo dục nô dịch của thực dân Pháp.
PHẦN KẾT LUẬN
Nhìn lại nền giáo dục Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung trong suốt thời thuộc Pháp, khi nền giáo dục Phong kiến không đáp ứng được trước yêu cầu mới của lịch sử, sự xâm nhập từng bước của nền giáo dục thực dân, đã tác động và làm thay đổi giáo dục thi cử không chỉ ở Hà Nội mà diễn ra trên toàn cõi Việt nam .
1. Nếu như trước kia, trong nền giáo dục Nho giáo, người ta đi học chỉ có một mục tiêu là thi đỗ và chỉ có một nghề duy nhất là làm quan, thì nền giáo dục mới đã khác đi rất nhiều. Nó hướng người học vào nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Đó là chưa nói đến thời gian học nhanh hơn, càng lên cao kiến thức càng phát triển đầy đủ và toàn diện hơn, hướng người học vào những sở trường cá nhân hơn là chỉ có mục tiêu duy nhất. Do đó, cá nhân được phát triển đầy đủ hơn, toàn diện hơn và sẽ phục vụ xã hội theo sở trường và năng lực của mình.
Nền giáo dục mới này của thực dân Pháp đã xuất hiện đúng lúc khi nền giáo dục cổ truyền suy tàn, yêu cầu phải cách tân. Với ưu thế của một nền giáo dục hiện đại, nó đã từng bước đổi mới và cuối cùng đã khẳng định sự tồn tại của mình bằng phương pháp sư phạm khoa học, nội dung học tập phong phú, toàn diện cả về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Kết quả là đã vượt lên hơn hẳn nền giáo dục Nho giáo, làm cho bộ mặt xã hội của ta thay đổi. Việc đưa chữ Quốc ngữ vào bậc tiểu học dù chỉ có ba lớp dưới đã là một cải cách lớn đối với trẻ em khi mới đến tuổi cắp sách tới trường. Với những trường dạy chữ Quốc ngữ, trẻ em sau ba năm hoặc chỉ một hai năm học cũng đã có một số kiến thức tối thiểu bổ ích cho cuộc sống. Những điều này trong nền giáo dục Nho giáo không có, hoặc nếu có thì cũng rải rác thiếu hệ thống mà người học phải đến một độ tuổi nhất định mới có thể nhận thức được. Phải thừa nhận về tổ chức và nội dung chương trình có mang tính hệ thống cao và càng lên cao càng được mở rộng. Song song với những trường tiểu học, trung học còn có những trường dạy nghề, đó cũng là điều mà giáo dục Nho giáo không có. Rõ ràng nền giáo dục mới là một chuyển biến quan trọng, một bước ngoặt trong lịch sử giáo dục của đất nước ta. Ngay cả những nhà Nho cũng thấy được lợi ích của chữ Quốc ngữ mà hô hào mọi người phải cải cách việc học, học cái mới bỏ cái cũ và ho cũng muốn con cái mình vươn lên bằng con đường học vấn. Nguyễn Khắc Viện đã nói về cha mình như sau: “Cha tôi, tiến sỹ dưới thời giáo dục xưa, dạy học ở triều đình song lại gửi con trai đến trường học kiểu mới, gọi là trường Pháp – Việt, do người Pháp dựng lên. Chế độ Vua – tôi, quan lại đã mất hết uy quyền … người Pháp chỉ tuyển chọn những ai trung thành nhất làm việc cho họ ….Những vị quan thời cũ còn giữ một vài kiến thức tối thiểu, bằng cấp đạt được cũng đảm bảo cho họ ít nhiều sự tôn trọng. Còn đội ngũ quan lại đời mới, thiếu hiểu biết, ham danh vọng nên chỉ nhận được sự khinh bỉ và thù ghét”([20])
Nền giáo dục mới đã đào tạo cho xã hội ta nhiều tầng lớp biết chữ khác nhau và tham gia vào các ngành nghề hết sức đa dạng. Do nội dung đào tạo của nền giáo dục mới, sự cần thiết nhiều mặt của một xã hội đang phát triển nên chỉ học hết tiểu học họ cũng có thể là giáo viên các trường sơ học công hoặc tư , là viên chức các sở công, sở tư; cũng có người là chủ xí nghiệp loại nhỏ, chủ tiệm buôn… có người chỉ đỗ sơ học yếu lược học thêm đến lớp nhì, không có điều kiện tiếp tục, họ chuyển sang học nghề trở thành công nhân hoặc thư kí cho những nhà buôn nhỏ … cũng có người trở về làng tiếp tục làm ruộng và trở thành những “trí thức làng xã”… tất cả đã hình thành một lớp trí thức nhỏ, đó là phần đông đảo nhất của học sinh các trường tiểu học Pháp – Việt.
Rồi đến trí thức bậc trung và bậc cao được đào tạo từ các trường trung học, cao đẳng hoặc đại học. Nó phong phú và đa dạng hơn so với nền giáo dục Phong kiến chỉ có “tiến vi quan, đạt vi sư”.
Khi đã bước vào trường cao đẳng hay đại học thì nhờ được học tập kĩ lưỡng và có hệ thống ở các lớp dưới và đội ngũ giáo sư có năng lực giảng dạy nên đa số sinh viên tốt nghiệp đều là những kĩ sư, bác sĩ giỏi, những nhà hoạt động chính trị – xã hội, khoa học, văn hoá nghệ thuật. Những thế hệ học sinh, sinh viên này đã đóng góp công lao vào quá trình giải phóng dân tộc và hiện đại hoá đất nước trên nhiều lĩnh vực.
Ví dụ, nhờ ảnh hưởng của Pháp - văn, văn chương của ta đã phát triển phong phú về hình thức cũng như nội dung. Khác với hồi Hán học, nhà văn ngày nay trọng thực tế, ưa sáng sủa, rõ ràng và trật tự, tránh những cái gì sáo rỗng, không còn bị gò bó trong khuôn khổ của luân lý, đạo đức, được cởi mở về tình cảm, về tự do tri thức, văn chương có những rung động mới, những băn khoăn mới, con người và mọi sự vật được dò xét và phô diễn ra một cách đầy đủ, lý thú hơn. Các nhà thơ muốn thoát khỏi những những quy củ cứng rắn ràng buộc họ để tự do diễn tả những phóng khoáng của tâm hồn: Thơ Mới đã ra đời. Các thể văn mới như kịch, phê bình, phỏng theo Pháp - văn càng ngày càng phổ biến trên văn đàn.
Ngành mỹ thuật, như Hội hoạ, Kiến trúc đã biến theo Tây phương và xuất hiện nhiều nghệ sỹ có tài, nhiều tác phẩm được trưng bày ở Triển lãm Quốc tế. Các nghệ sỹ cũng biết dung hợp hài hoà những yếu tố Đông – Tây để tạo một nền Mỹ thuật mới phù hợp với Việt – Nam.
Trong lĩnh vực Khoa học, không chỉ tác động đến Khoa học thực nghiệm mà nó còn tác động ở cả tinh thần khoa học. Nó đã đem lại cho các học giả sự trật tự, sáng suốt và bắt buộc họ, trong sự khảo cứu phải có óc hoài nghi, phải suy luận, kiểm điểm, phê bình, nhờ đó học thuật phát triển trên những nền móng mới. Mỹ thuật nhờ tinh thần khoa học mà trở nên phong phú, và tinh thần ấy áp dụng trong phương pháp giáo dục đã làm cho Mỹ thuật phổ biến dễ dàng, mở đường cho các tài năng.
2. Song nền giáo dục do người Pháp tổ chức và điều hành đó không có mục đích “khai thông dân trí” hay “khai hoá văn minh” mà là để phục vụ cho công cộc khai thác thuộc địa và truyền bá văn hoá Pháp, đưa lại lợi ích cho giai cấp thống trị là chính. Sau gần một thế kỉ thực dân Pháp đô hộ nhân dân ta từ một dân tộc hiếu học bị biến thành một dân tộc thất học. Trước đây chữ Hán khó như vậy nhưng số người biết không phải là ít. Bây giờ chữ Quốc ngữ là một thứ chữ tương đối dễ nhưng đại bộ phận người Việt Nam lại không biết đọc, biết viết thứ chữ đó. Người ta nói 90-95% dân số Việt Nam mù chữ, nhưng thực tế con số đó còn có thể lớn hơn. Những người đi học chỉ chiếm một thiểu số rất nhỏ, là con cái của tầng lớp trung lưu hoặc tiểu tư sản thành phố, hay con em của quan lại xưa, hào lí, phú nông tỉnh lẻ, còn đại bộ phận con em bình dân, người lao động thì hầu như không thể có điều kiện để đi học. Muốn học hết cao đẳng tiểu học hoặc tú tài phải là con em của những gia đình hữu sản; muốn chiếm được một chỗ ngồi trên các trường cao đẳng hoặc đại học thì phải có những điều kiện khá đặc biệt. Nếu không xuất thân từ những gia đình giàu có hoặc quan lại thì cũng là những học sinh xuất sắc có được học bổng của Nhà nước.
Năm 1941-1942 toàn Đông Dương có ba trường gọi là Đại học đặt tại Hà Nội với tổng số sinh viên là 834, sinh viên Việt Nam có 628. Bên cạnh những trường đại học còn có bốn trường gọi là cao đẳng nhưng tổng số sinh viên chỉ lèo tèo có 201 người cho toàn Đông Dương; sinh viên Việt Nam có 167 người, có trường chỉ có 14 sinh viên như trường Thú y. Nếu so sánh với dân số Việt Nam lúc đó 1942 quãng hơn 20.600.00 người thì trong 1 triệu người dân mới có 38 người được theo các trường cao đẳng, đại học (chiếm 0.0038%) thật là một con số bi thảm([21]).
Khi thực dân hoá nền giáo dục Phong kiến, đi đến chỗ thủ tiêu nền giáo dục cũ, lập ra một nền giáo dục nô dịch mới, đào tạo được một số tay chân, điều chúng mong muốn nhất là dùng giáo dục để làm cho nhân dân ta “cảm” cái “công ơn khai hoá” của chúng và phục tùng chúng thì không làm được.Chỉ một số ít người cam tâm làm tay sai cho chúng còn tuyệt đại đa số nhân dân ta trong thời kỳ này vẫn tập hợp và chiến đấu dưới ngọn cờ cứu nước của các sĩ phu yêu nước tiến bộ . Trong địa hạt giáo dục, một địa hạt có vẻ hoà bình nhưng nhân dân ta đã không ngừng đấu tranh chống chính sách giáo dục của thực dân Pháp và đấu tranh từng bước để xây dựng một nền giáo dục dân tộc độc lập. Cuộc đấu tranh ấy đã diễn ra từ hình thức bất hợp tác, tẩy chay nhà trường thực dân đến việc tìm học ở nước ngoài và mở trường học theo lối mới. Truyền thống của nhân dân đã biểu hiện rất sáng ngời trong lĩnh vực giáo dục: không khư khư lấy cái cũ đã lạc hậu mà biết kịp thời học tập, tiếp thu cái mới mẻ tiến bộ của thời đại, biết kết hợp việc học tập với việc cứu nước và biết học tập kẻ thù để đánh bại kẻ thù .
Có lẽ vì vậy mà trong suốt chiều dài lịch sử, dân tộc ta luôn bị ngoại bang xâm chiếm và tìm mọi cách để “đồng hoá” dân tộc. Nhưng ngay cả thực dân Pháp cũng phải chịu thất bại vì chúng ta không phải là một dân tộc bán khai như một số thuộc địa khác mà là một quốc gia có nền văn hiến lâu đời. Để bảo tồn nền văn hoá dân tộc, nhân dân ta luôn tìm cách chống lại những ý đồ đen tối của nhà cầm quyền Pháp. Mặc dù người Pháp ra sức tuyên truyền “ công ơn khai hoá”, lôi kéo, mua chuộc trí thức nhưng những tầng lớp này một khi được giác ngộ thì lại li khai khỏi ảnh hưởng của người Pháp để đứng về phía dân tộc. Điều này chúng ta cũng có thể thấy rất rõ từ những trí thức được đào tạo trong những trường Pháp – Việt và cả những người được Pháp cho đi du học ở nước ngoài.
Những gương mặt xuất sắc và tiêu biều đó như: Vũ Ngọc Phan, Đặng Thai Mai, Nguyễn Văn Huyên, Đào Duy Anh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Ngọc, Vũ Đình Hoè, Nam Cao, Phạm Huy Thông, Tô Hoài, Tố Hữu, Kim Lân, Nguyễn Đình Thi, Đinh Xuân Lâm….. Họ là những người đã góp phần to lớn cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như xây dựng một nền Giáo dục dân tộc, khoa học và đại chúng.
Thăng Long – Hà Nội trong lịch sử là kinh đô của quốc gia Đại Việt, cái nôi của nền giáo dục Việt Nam, nơi đã đào tạo biết bao thế hệ nhân tài cho đất Việt. Khi nền giáo dục Phong kiến suy yếu, rồi thực dân Pháp xâm lược, chúng đã thấy được cái vị trí và vai trò quan trọng của Hà Nội nên đã tìm mọi cách đánh chiếm, xây dựng Hà Nội không chỉ là thủ phủ của thực dân Pháp ở Việt Nam mà còn của toàn Đông Dương. Mọi chính sách giáo dục và các hoạt động giáo dục như những cải cách, việc mở rộng, hoàn thiện hệ thống trường học, các bậc học đều được triển khai trước tiên và nhiều nhất ở Hà Nội. Nhân dân Hà Nội cũng không ngừng học tập tiếp thu những cái mới của nền giáo dục thực dân, đồng thời cũng không ngừng đấu tranh chống lại sự thống trị về giáo dục của thực dân Pháp. Các phong trào đã diễn ra sôi nổi có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cả nước như Đông Kinh Nghĩa Thục, Hội truyền bá Quốc Ngữ, rồi những hoạt động giáo dục do Đảng ta lãnh đạo đều diễn ra hết sức mạnh mẽ, quyết liệt. Hà Nội cũng tự hào vì có nhiều người được đào tạo từ những ngôi trường của thực dân Pháp (như trường Bưởi) nhưng thấm đẫm tinh thần dân tộc, họ đã dùng vốn tri thức đó để cùng nhân dân chống lại sự nô dịch của thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc. Trong mọi hoàn cảnh, Hà Nội luôn là cái nôi, là trung tâm của nền giáo dục Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Phan Trọng Báu, Giáo dục Việt Nam thời cận đại, NXBKHXH, HN, 1994.
- Phan Khoang, Việt nam Pháp thuộc sử (1862 – 1945), Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn hoá Sài Gòn - XB 1971.
- Nguyễn Trọng Hoàng, Chính sách Giáo dục của thực dân Pháp ở Việt Nam,Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 69, 3 năm 1967
- Nguyễn Trọng Hoàng, Chính sách Giáo dục của thực dân Pháp ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 98, 5/1967Trần Huy Liệu, Lịch sử thủ đô Hà Nội, NXB HN, 2000.
- Nguyễn Thuỵ Phương, Tìm hiểu hệ thống trường học Pháp – Việt thời thuộc địa, Dạy và học ngày nay, Tháng 8/2005.
- Nguyễn Quang Thắng, Khoa cử và giáo duc Việt Nam, NXB VHTT, 1994.
- Nguyễn Ái Quốc, Đây công lí của thực dân Pháp ở Đông Dương, NXB Sự Thật, HN, 1962.
- Nguyễn Văn Uẩn, Hà Nội nửa đầu thế kỷ X, Tập I, Tập II, NXB HN, 1995.
- Viện Khoa học giáo dục, Nhà trường phổ thông Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, NXB ĐHQGHN, 2001.