Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Chiến dịch tiến công Bắc Tây Nguyên năm 1972: Lập thế trận và nghi binh, tác chiến hiệp đồng binh chủng


Chiến dịch tiến công Bắc Tây Nguyên năm 1972: Lập thế trận và nghi binh, tác chiến hiệp đồng binh chủng






Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương về phối hợp với các chiến trường mở cuộc tiến công chiến lược ở miền Nam, tháng 3-1972, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định mở chiến dịch tiến công ở khu vực Bắc Tây Nguyên (gồm Kon Tum, Gia Lai). Mục đích chiến dịch là nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng địch, giải phóng Đắc Tô-Tân Cảnh và thị xã Kon Tum, mở rộng vùng căn cứ phía tây Gia Lai, Đắc Lắc, nối liền với căn cứ địa miền Đông Nam Bộ.
Chiến dịch diễn ra rất quyết liệt từ ngày 30-3 đến 5-6-1972. Chiến dịch chia làm hai đợt. Đợt thứ nhất từ ngày 30-3 đến 24-4-1972 và đợt 2 từ ngày 25-4 đến 5-6-1972. Đây là chiến dịch thể hiện cuộc đấu trí, đấu lực căng thẳng giữa ta và địch, đặc biệt là sự sáng tạo về nghệ thuật lập thế trận và nghi binh, hiệp đồng binh chủng đánh địch của các lực lượng tham gia chiến dịch của ta.
Ban đầu, Bộ tư lệnh chiến dịch xác định phương án tiến công quân địch phòng ngự ở Đắc Tô-Tân Cảnh theo cách bóc vỏ, đánh từ ngoài vào trong. Thế nhưng sau khi nghiên cứu kỹ điều kiện địa hình, cách bố trí phòng ngự của địch, Bộ tư lệnh chiến dịch thống nhất đánh theo phương án đề xuất của Sư đoàn 2: Bí mật mở một con đường nhanh chóng đưa lực lượng và phương tiện vũ khí áp sát, bất ngờ đánh thẳng vào Đắc Tô-Tân Cảnh từ hướng đông - hướng địch bố trí phòng ngự sơ hở.
 
Đội hình xe tăng ta vận động tiến công vào Đắc Tô-Tân Cảnh năm 1972. Ảnh tư liệu.
Để tạo thế bảo đảm cho phương án đánh địch từ hướng đông, Bộ tư lệnh chiến dịch sử dụng một bộ phận lực lượng công binh mở con đường 50A theo sườn phía đông dãy Ngọc Linh để đưa lực lượng, nhất là xe tăng, pháo binh, pháo phòng không có xe kéo gấp rút vào vị trí tập kết chiến dịch. Cùng thời gian này, ta tổ chức lực lượng làm lại cầu Đắc Mót (trên đường số 18 bị địch phá), tiếp tục mở đường 70B qua dãy núi phía tây sông Pô Cô sang Võ Định.
Trong quá trình xây dựng đường và triển khai lực lượng, Bộ tư lệnh chiến dịch tổ chức một số đơn vị tập kích vào các vị trí vòng ngoài của địch ở tây sông Pô Cô, sau đó tiến vào bao vây Võ Định; đồng thời ta sử dụng 2 trung đoàn phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương đánh cắt các vị trí địch trên đường số 14 và 19, thực hiện bao vây chia cắt chiến dịch. Lợi dụng thế bố trí dài và hẹp của địch trên địa bàn rừng núi vùng bắc Tây Nguyên, ta tạo thế chia cắt buộc địch phải đối phó cả ở phía trên và dưới thị xã Kon Tum, khiến 2 lữ đoàn dù và Sư đoàn 23 Quân đội Sài Gòn bị giam chân không thể ứng cứu cho nhau. Cụm phòng ngự của Sư đoàn 22 (thiếu) của Quân đội Sài Gòn ở Đắc Tô-Tân Cảnh cũng bị cô lập. Sau khi tập trung tạo thế trực tiếp đánh vào Đắc Tô-Tân Cảnh, bộ đội ta tiến công bất ngờ vào hệ thống phòng ngự sơ hở do địch không thể ngờ tới để tiêu diệt chúng.
Điểm đặc sắc của chiến dịch là nghệ thuật nghi binh hạn chế thế mạnh của địch, phát huy thế mạnh của ta. Quyết tâm chiến dịch là: Để nghi binh không cho địch phát hiện được ý đồ của ta và để chúng vẫn xác định hướng tiến công chủ yếu vào Đắc Tô-Tân Cảnh từ đường số 18, Bộ tư lệnh chiến dịch thống nhất với Sư đoàn 2 sử dụng một số đơn vị, chủ yếu là hai trung đoàn 1 và 141 (Sư đoàn 2), tập kích vào một số vị trí địch ở vòng ngoài và tổ chức một số trận địa phòng không chi viện hỏa lực, khiến địch phải đưa quân ra đối phó. Ta tiêu diệt 2 tiểu đoàn địch ở phía tây sông Pô Cô, tạo điều kiện để tập kết bộ đội chủ lực tiến công vào mục tiêu chủ yếu. Các hoạt động nghi binh chiến dịch đã chín muồi, thời cơ đánh Đắc Tô-Tân Cảnh xuất hiện. Sau đó, ta tập trung lực lượng bí mật cơ động theo đường 50A nhanh chóng triển khai, bất ngờ tiến công Đắc Tô-Tân Cảnh.
Đây là lần đầu tiên trên chiến trường Tây Nguyên, bộ đội ta vận dụng cách đánh vây ép, buộc địch phải co cụm lực lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho ta tiến công bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng cấp sư đoàn vào cụm cứ điểm Đắc Tô-Tân Cảnh. Khi nhận nhiệm vụ, Sư đoàn 2 (thiếu) được tăng cường Trung đoàn 66, Tiểu đoàn đặc công 37 cùng một đại đội xe tăng và một bộ phận pháo binh, pháo phòng không cùng lực lượng vũ trang địa phương tập trung lực lượng và vận dụng cách đánh phù hợp. Đặc biệt, ta bí mật triển khai lực lượng, trong đó bố trí cả xe tăng và pháo lớn ở nơi hiểm yếu, hướng địch không ngờ, khi nổ súng phát huy được sức mạnh tổng hợp, nhanh chóng đánh vào các mục tiêu chủ yếu, phá vỡ hoàn toàn căn cứ phòng thủ then chốt vững chắc của địch ở Đắc Tô-Tân Cảnh. Phát huy thắng lợi, cả bộ binh và xe tăng ta phát triển tiến công căn cứ Diên Bình. Từ ngày 28-4 đến 5-6-1972, bộ đội ta phát triển tiến công vào cụm phòng thủ thị xã Kon Tum, gây cho địch một số thiệt hại.
Chiến dịch tiến công Bắc Tây Nguyên đã vận dụng thành công nghệ thuật lập thế trận, điều địch ra khỏi công sự để tiêu diệt, làm giảm sức chiến đấu của chúng; đồng thời thực hành nghi binh buộc địch phải để một bộ phận lực lượng quan trọng ở trong thị xã đối phó, tạo điều kiện cho ta tập trung tiến công bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng tiêu diệt địch. Chiến dịch tiến công Bắc Tây Nguyên đã thực hiện được phần cơ bản của ý định chiến lược, làm thay đổi cục diện chiến trường Tây Nguyên, tạo hành lang nối thông giữa Mặt trận Trị - Thiên, Tây Nguyên với căn cứ địa miền Đông Nam Bộ, góp phần tạo thế và lực phát triển cuộc tiến công chiến lược giành thắng lợi trên chiến trường miền Nam năm 1972.
Đại tá, Tiến sĩ Dương Đình Lập

Nắm chắc thời cơ, kịp thời chuyển hướng tác chiến chiến lược


Nắm chắc thời cơ, kịp thời chuyển hướng tác chiến chiến lược








QĐND - Tháng 8-1971, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta ra Nghị quyết mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên các hướng: Đông Nam Bộ (hướng chủ yếu), Tây Nguyên, Trị-Thiên (hướng phối hợp quan trọng), hình thành một cuộc tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam, nhằm tiêu diệt lớn quân địch, mở rộng vùng giải phóng, giữ vững quyền chủ động chiến lược. Bộ Chính trị chỉ rõ: Trên chiến trường miền Nam, ta sẽ đánh địch ở cả 3 vùng nông thôn đồng bằng, đô thị và miền núi; đánh bằng ba đòn tiến công chiến lược: Đòn thứ nhất của bộ đội chủ lực; đòn thứ hai của quần chúng nhân dân ở các vùng nông thôn đồng bằng quan trọng và đòn thứ ba kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao.
Bộ đội Sư đoàn 390 tiến công đánh chiếm căn cứ Cam Lộ (Quảng Trị) năm 1972. Ảnh tư liệu.
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, đầu năm 1972, Bộ tổng tham mưu điều động lực lượng cho các hướng tác chiến chiến lược. Đầu tháng 3-1972, các đơn vị chủ lực tham gia tiến công trên các hướng đã lần lượt bí mật vào vị trí tập kết theo kế hoạch. Miền Đông Nam Bộ gồm 3 sư đoàn, 3 trung đoàn bộ binh, một số đơn vị binh chủng của Miền và lực lượng vũ trang địa phương; Bắc Tây Nguyên gồm 2 sư đoàn, 4 trung đoàn bộ binh và một số đơn vị binh chủng; Mặt trận Trị-Thiên gồm 3 sư đoàn, 2 trung đoàn bộ binh, các đơn vị binh chủng của Bộ, Quân khu Trị-Thiên và lực lượng vũ trang địa phương.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình địch, thực tế chiến trường và khả năng của ta, nhất là nắm bắt ý đồ, thế bố trí lực lượng của địch, Thường vụ Quân ủy Trung ương quyết định chuyển hướng tiến công phối hợp Trị-Thiên thành hướng tiến công chủ yếu, thay hướng miền Đông Nam Bộ; đồng thời, quyết định mở 3 chiến dịch tiến công quy mô lớn: Chiến dịch Trị-Thiên trên hướng chủ yếu, Chiến dịch Bắc Tây Nguyên và Chiến dịch Bắc Bình Định trên hướng phối hợp quan trọng.
Chọn Trị-Thiên làm hướng tiến công chiến lược chủ yếu là quyết định sáng suốt, nhạy bén đúng thời cơ, sát tình hình, tạo thuận lợi cho ta phát huy tối đa ưu thế trên chiến trường Trị-Thiên, bởi đây là nơi bộ đội và nhân dân có truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất, tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong Cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, lại là địa bàn liền kề hậu phương lớn miền Bắc; đồng thời, gây khó khăn cho địch ứng cứu, tăng viện vì không có lực lượng dự bị chiến lược, thiếu phòng bị… Như vậy, chọn Trị-Thiên làm hướng tiến công chiến lược chủ yếu, ta càng có điều kiện khoét sâu điểm yếu chí tử của địch. Trị-Thiên bị tiến công, sẽ là nhân tố tác động mạnh đến tinh thần, tư tưởng quân địch và làm thay đổi cục diện chiến tranh có lợi cho ta trên toàn chiến trường miền Nam. Xuất phát từ vị trí, vai trò là hướng tiến công chiến lược chủ yếu, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nên Bộ tổng tư lệnh quyết định tổ chức Sở chỉ huy tiền phương ở Quảng Trị để trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy chiến dịch Trị-Thiên.
Nắm chắc thời cơ, chuyển hướng tác chiến kịp thời trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, là nét đặc sắc của nghệ thuật chỉ đạo chiến lược của Đảng ta. Điều đó thể hiện tầm tư duy, tài thao lược của Quân ủy Trung ương trên cơ sở phân tích, đánh giá khách quan khoa học tình hình mọi mặt về ta-địch, nhất là tầm quan trọng chiến lược của chiến trường Trị-Thiên. Thực hiện kế hoạch tác chiến chiến lược đề ra, ngày 30-3-1972, bộ đội ta mở cuộc tiến công vào các tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch ở Đường 9-Bắc Quảng Trị, Kon Tum (Tây Nguyên). Trên hướng tiến công chiến lược chủ yếu Trị-Thiên, với sức mạnh vượt trội và bảo đảm được yếu tố bí mật, bất ngờ, bộ đội ta bắn pháo mãnh liệt, dồn dập vào các căn cứ chủ yếu, các trận địa pháo của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ binh, cùng với xe tăng đột phá vào các vị trí quân địch. Chỉ trong thời gian ngắn, ta đã đập tan hệ thống công sự, vật cản ở các căn cứ, khu vực phòng ngự vòng ngoài của địch. Trị-Thiên bị đánh bất ngờ, Mỹ và quân đội Sài Gòn vội vàng tung toàn bộ lực lượng dự bị chiến lược và điều quân ở các chiến trường khác về ứng cứu. Đây là thời cơ thuận lợi cho Chiến dịch Bắc Tây Nguyên, Chiến dịch Bắc Bình Định đẩy mạnh hoạt động tác chiến mở vùng, mở mảng. Theo đó, cả 3 chiến dịch trong cuộc tiến công chiến lược đã phối hợp nhịp nhàng, làm chủ hoàn toàn, buộc địch phải hành động theo ý định của ta.
Cùng với đòn tiến công trên mặt trận Trị-Thiên, Bắc Tây Nguyên, Bắc Bình Định, bộ đội ta mở cuộc tiến công ở các mặt trận Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long. Cuộc tiến công chiến lược của ta đã làm cho Mỹ-chính quyền Sài Gòn hoàn toàn bất ngờ cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, buộc địch phải phân tán lực lượng, thụ động đối phó và chịu những thiệt hại nặng nề. Đến giữa năm 1972, cuộc tiến công chiến lược của ta đã giành thắng lợi to lớn, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn, tạo nên bước chuyển biến nhanh chóng về cục diện chiến trường, làm thay đổi tương quan so sánh lực lượng có lợi cho ta. Thắng lợi này đã mở ra một thế mới cho mặt trận đấu tranh ngoại giao của ta trên trường quốc tế, tạo thuận lợi cho ta phát triển thế tiến công quân sự trong những tháng cuối năm 1972 ở cả hai miền Nam-Bắc, giành thêm những thắng lợi quyết định.
Đại tá, TS Dương Đình Lập






Lộc Ninh sau 38 năm giải phóng


Lộc Ninh sau 38 năm giải phóng


Lộc Ninh là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, địa đầu biên giới của tỉnh Bình Phước. Nơi đây đã trải qua những thời kỳ đấu tranh khốc liệt chống Pháp và Mỹ; đồng thời cũng là nơi diễn ra những trận chiến đấu ác liệt của quân dân ta nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và an ninh Tổ quốc. Lộc Ninh được giải phóng ngày 7-4-1972, trở thành thủ đô của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nơi diễn ra hội nghị 4 bên và trao trả tù binh chiến tranh năm 1973. Phát huy truyền thống địa phương Anh hùng LLVT trong kháng chiến, sau 38 năm giải phóng, Lộc Ninh đã đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc rất đáng trân trọng.



Từ một chiến trường trọng điểm, khốc liệt sau năm 1972, Lộc Ninh đã trở thành thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; căn cứ Bộ Chỉ huy Quân ủy Miền; đoạn cuối của tuyến đường Hồ Chí Minh, một trong những nơi quan trọng nối liền huyết mạch hậu phương miền Bắc với chiến trường miền Nam; nơi đặt Trụ sở Chỉ huy cơ bản Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Và cũng chính nơi đây đã chứng kiến giờ phút xúc động đón những người con ưu tú của Tổ quốc từ ngục tù Côn Đảo, Phú Quốc... gan dạ kiên cường bất khuất chiến thắng trước nanh vuốt của kẻ thù trở về.
Phát huy truyền thống anh hùng, bằng sự bươn chải, lam lũ, năng động và tự lực tự cường vốn có trong quá khứ, cộng với sự giúp đỡ có hiệu quả của cấp trên và bạn bè. Đặc biệt là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ và điều hành chặt chẽ sáng tạo của cả hệ thống Nhà nước; quá trình vận động và tổ chức thực hiện của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể nhân dân, Lộc Ninh đã đi lên trở thành một huyện miền núi biên giới của tỉnh Bình Phước phát triển về mọi mặt.
Đời sống của đồng bào các dân tộc trong huyện từng bước ổn định và phát triển. Nhiều năm liền huyện đều đạt và vượt chỉ tiêu kinh tế - xã hội và giữ được trong nhiều năm mức tăng trưởng GDP bình quân từ 13,5% – 14%. Năm 2008 mặc dù gặp nhiều khó khăn do lạm phát song thu nhập bình quân đầu người đạt 9.500.000 đồng/người/ năm.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư phục vụ đắc lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh. Sự nghiệp giáo dục; y tế, văn hóa, xã hội chuyển biến nhanh và vững chắc, đáp ứng khá tốt những nhu cầu thiết yếu của nhân dân. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới khu dân cư, kết hợp việc phát huy dân chủ ở cơ sở đã được phát động ngày càng đi vào đời sống của mỗi người dân, góp phần lành mạnh hóa đời sống xã hội nông thôn huyện biên giới. An ninh chính trị trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố ngày càng hoạt động có hiệu quả cao.
Ba mươi tám năm phấn đấu, Lộc Ninh đã trải qua nhiều thử thách nhưng đã không ngừng lớn mạnh và có bước đi vững chắc. Có được thành tích đó là nhờ sự nỗ lực chung của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong huyện. Song khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng có ý nghĩa quyết định. Đảng bộ Lộc Ninh đã vận dụng các nghị quyết của Đảng vào thực tế của địa phương. Ở từng thời kỳ đều có sự sáng tạo, biểu hiện ở những quyết sách về phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với đặc điểm, thế mạnh và nguồn lực của mình, do đó các chủ trương đưa ra đều được sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.
Nhằm phát huy thế mạnh của địa phương, trong những năm qua huyện luôn chú trọng và tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ưu tiên các loại cây có giá trị kinh tế cao. Nhờ đó thu nhập của nhân dân tăng nhanh, góp phần xóa đói giảm nghèo, toàn huyện hiện còn 1.519 hộ nghèo, chiếm 5,66% dân số toàn huyện. Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 16 của Huyện ủy về vận động xây dựng quỹ “Vì mái ấm người nghèo”, huyện đã xây dựng được 775 căn nhà tình thương cho các đối tượng khó khăn về nhà ở, trị giá mỗi căn 9 triệu đồng.
Nhân kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng Lộc Ninh (7-4-1972 – 7-4-2009), Đảng bộ và nhân dân Lộc Ninh đã đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, khai thác mọi tiềm năng thế mạnh của mình, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006 –2010. Đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng từ 13,5% – 14%; bằng các giải pháp hữu hiệu giảm hộ nghèo xuống còn 5% – 5,5% vào cuối năm 2009, tiếp tục nâng cao đời sống nhân dân, góp phần xây dựng quê hương Lộc Ninh ngày càng giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về quốc - phòng an ninh.
Ngô Hiền - Võ Lượng

TÀ THIẾT-NƠI ÂM VANG CHIẾN DỊCH MANG TÊN NGƯỜI


TÀ THIẾT-NƠI ÂM VANG CHIẾN DỊCH MANG TÊN NGƯỜI


Căn cứ Tà Thiết không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ và phát triển các hoạt động của Bộ Chỉ huy Miền, một căn cứ dự trữ hậu cần chiến lược, mà còn là căn cứ cơ bản của Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi vẻ vang của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Theo quốc lộ 13, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 130 ki-lô-mét, cách trung tâm thị trấn Lộc Ninh 17 ki lô mét là địa danh Tà Thiết - Kroom nằm trên địa bàn xã Lộc Thành. Ngày trước, người dân trong vùng quen gọi nơi này là “rừng chính phủ” - chính là căn cứ của Quân ủy và Bộ Tư lệnh các lực lượng giải phóng miền Nam Việt Nam và Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, thường gọi là Căn cứ Tà Thiết.

Tiền thân nơi đây là sở Chỉ huy tiền phương của chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972. Ngày 7/4/1972, Lộc Ninh (Bình Phước) là huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng, Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh miền quyết định dời căn cứ Quân ủy Miền từ Sóc Con Trăng (Tây Ninh) về đóng tại Tà Thiết. Lý do là: so với vùng Bắc Tây Ninh, khí hậu ở đây ít khắc nghiệt hơn, có thế rừng giải phóng rộng lớn; đặc biệt, Lộc Ninh là điểm cuối cùng của đường mòn Hồ Chí Minh nên có điều kiện để nắm bắt nhanh mọi diễn biến về chính trị, quân sự và rất thuận lợi cho sự chỉ đạo, lãnh đạo và tiếp nhận vũ khí, lương thực, thực phẩm phục vụ cho chiến trường miền Nam. Việc chọn Tà Thiết cũng gây bất ngờ đối với địch, vì lâu nay, các căn cứ của Bộ Chỉ huy Miền thường đóng ở rừng sâu, nay chuyển dịch ra ở một khu vực có dân, có rẫy. Đầu tháng 3-1973, căn cứ Tà Thiết bắt đầu được xây dựng và được xác định đây là căn cứ cuối cùng của cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cuối tháng 1 - 1973, các đơn vị công binh của Miền bát đầu mở các con đường mới cho 3 cục tham mưu, chính trị, hậu cần (Bộ chỉ huy Miền) di chuyển về căn cứ Tà Thiết. Ngày 8-2-1973, các con đường ở đây đã nhanh chóng được hoàn tất. Cuối quý 1 năm 1973, tất cả các cơ quan trong Bộ Chỉ huy Miền và các đơn vị trực thuộc đã ổn định xong nới ăn, ở. Tại đây, dưới những tán cây lớn, xung quanh là những rừng le đan chằng chịt là những công trình nhà làm việc của các đồng chí chỉ huy cao cấp trong Bộ Tư lệnh miền: Tư lệnh Trần Văn Trà, phó Tư lệnh Nguyễn Thị Định, Chính ủy Phạm Hùng, phó Tư lệnh kiêm tham mưu trưởng Lê Đức Anh…riêng nhà ở và làm việc của thượng tướng Nguyễn Văn Trà lại được dựng ngoài một trảng trống theo kiến trúc nhà sàn của đồng bào dân tộc Khơ-me nằm đan xen giữa hơn mười nóc nhà của đồng bào để đánh lạc hướng địch. Cùng với nhà ở và làm việc là hệ thống các công trình phục vụ khác như bếp Hoàng Cầm, nhà Chính ủy, hầm giao ban, hội trường... tất cả đều được xây dựng theo lối nhà bán âm (nửa chìm nửa nổi) để về đêm hạn chế ánh sáng đèn phát ra ngoài; bên trên được lợp bằng lá trung quân để tránh bị máy bay địch phát hiện, bốn xung quanh mỗi công trình đều có hệ thống giao thông hào để thoát hiểm. Các hầm trú ẩn thường được làm kế cận nhà, chìm vào lòng đất, trên đặt mái bằng. Những hầm đặc biệt như hầm chỉ huy, hầm thông tin, hầm quân y… thường được làm khá rộng để tiện hoạt động, phòng khi trên mặt đất không an toàn.. Giao thông hào chỉ dành cho một số hầm đặc biệt nói trên, không phổ biến toàn căn cứ. Các hạng mục cách nhau từ 50 đến 200 mét.

Ngày 20-7-1974, tại Hội nghị quân chính Miền ở căn cứ Tà Thiết, đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương cục miền Nam thay mặt Trung ương Đảng tuyên bố Quyết định thành lập quân đoàn 4, gồm 2 sư đoàn bộ binh 7 và 9, các trung đoàn 24 pháo binh, 71 phòng không, 429 đặc công và 3 tiểu đoàn thông tin. Đồng chí Hoàng Cầm được bổ nhiệm Tư lệnh quân đoàn 4. Đây là sự kiện quan trọng làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ vì nó đánh dấu bước trưởng thành mới của chủ lực Miền. Nhưng căn cứ Tà Thiết sau đó còn mang những sự kiện lịch sử đặc biệt hơn. Thứ nhất, đây là nơi từng diễn ra các cuộc hội họp và tiếp các phái đoàn cao cấp của Bộ Chính trị, Bộ trưởng tham mưu - Trung ương Cục miền Nam. Thứ hai, đặc biệt hơn, cũng tại hội trường này, ngày 8-4-1975, đồng chí Lê Đức Thọ thay mặt Bộ Chính trị phổ biến Nghị quyết 7 của Trung ương Đảng về việc thành lập Bộ chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Thứ ba, để có một tên gọi xứng tầm với một chiến dịch lớn nhất và có ý nghĩa nhất kết thúc cuộc chiến tranh trường kỳ 21 năm chống Mỹ, Bộ Chỉ huy chiến dịch đề nghị Trung ương đặt tên cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Đáp ứng nguyện vọng đó, Bộ Chính trị đồng ý đổi tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định thành chiến dịch mang tên Bác - chiến dịch Hồ Chí Minh, bằng bức điện 37 TK do Tổng Bí thư Lê Duẩn ký. Bức điện lịch sử đó đã được phổ biến cũng tại Hội trường này.

Như vậy, Căn cứ Tà Thiết đã làm tròn nhiệm vụ lịch sử là căn cứ cuối cùng của Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền; không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ và phát triển các hoạt động của Bộ Chỉ huy Miền, một căn cứ dự trữ hậu cần chiến lược, mà còn là căn cứ cơ bản của Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi vẻ vang của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Những bài học kinh nghiệm được rút ra từ quá trình hình thành và phát triển của các căn cứ của Bộ Chỉ huy Miền trong cuộc chiến tranh chống Mỹ là một đóng góp thiết thực vào kho tàng tri thức quân sự của ông cha ta và của quân đội ta trong quá trình giữ nước.

Khu di tích lịch sử này có địa bàn rộng, bằng phẳng, không gian yên tĩnh, không khí trong lành. Đến đây, chúng ta không chỉ được tận mắt chứng kiến những hình ảnh, hiện vật, tư liệu sinh động, mà còn được thưởng thức những món ăn mang tính đặc trưng của miền rừng núi và của thời kỳ kháng chiến: cơm nắm muối vừng, canh thục cơm lam, canh chua lá giang, măng rừng đọt mây, khoai mỳ nướng lùi; và có dịp sẽ được thưởng thức những giai điệu cồng chiêng, các làn điệu dân ca và giao lưu các hoạt động văn hóa với dân tộc bản địa như múa lâm thôn, múa xoan… Trên địa bàn Lộc Ninh, ngoài căn cứ Tà Thiết lịch sử, còn có trụ sở của Chính phủ cách mạng Lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, nơi từng diễn ra các cuộc họp của Ban liên hợp quân sự 4 bên để bàn về các điều khoản đã được ký kết trong Hiệp định Pari năm 1973; Nhà Giao tế Lộc Ninh, trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, sân bay quân sự Lộc Ninh - nơi diễn ra các cuộc trao trả tù binh năm 1973; ngã ba liên ngành (ngã ba Lộc Tấn) với các tổng kho nhiên liệu VK 99, VK 98 ở Lộc Hòa, Lộc Quang, khu di tích trưng bày đoạn cuối đường mòn Hồ Chí Minh v.v...

Ở Bình Phước đã có 9 di tích lịch sử được công nhận cấp quốc gia, riêng huyện Lộc Ninh - điểm cuối của hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh,- đã có tới 5 di tích./.

Trần Văn Lượng (Theo Báo Đẳng Cộng Sản Việt Nam)

Trận đánh “nhớ đời” của một người lính tham gia chiến dịch Nguyễn Huệ


Trận đánh “nhớ đời” của một người lính tham gia chiến dịch Nguyễn Huệ

Chiến thắng Lộc Ninh (7-4-1972) gắn liền với chiến dịch Nguyễn Huệ nổi tiếng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bốn mươi năm đã đi qua nhưng lịch sử vẫn còn in đậm mãi những trang sử vàng về chiến dịch này trên vùng đất Đông Nam bộ nói chung và Bình Phước nói riêng. Những người lính đã từng tham gia chiến đấu trong chiến dịch này hiện cư trú tại Bình Phước cũng rất ít. Trong số những người hiếm hoi ấy, tôi may mắn được gặp ông, đại tá Nguyễn Hồng Giúp, nguyên Cục phó Cục chính trị Quân đoàn 4. Ông tham gia chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 và lúc bấy giờ mới chỉ là Trung đội trưởng của Đại đội 6, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 165, Sư đoàn 7 anh hùng.
Ông Nguyễn Hồng Giúp kể lại trận đánh “nhớ đời” trong chiến dịch Nguyễn Huệ
Ông Giúp nhớ lại những năm thập niên 70 (thế kỷ XX), khi ấy trên chiến trường miền Nam quân đội ta càng đánh càng mạnh, giỏi về đánh vận động, bám trụ chốt chặn, đánh hợp đồng binh chủng rất tài tình. Trên khắp các mặt trận, bộ đội được nhân dân che chở, bao bọc và dẫn lối đưa đường nên rất thuận lợi. Từ tình hình trên, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch lấy tên là Nguyễn Huệ, quyết tâm tiêu diệt cho được một số đơn vị chủ lực của quân ngụy Sài Gòn, mở rộng vùng giải phóng để xây dựng căn cứ địa cách mạng. Chiến dịch được chọn hướng chính yếu là Quảng Trị, miền Trung và cho nổ súng trước để lôi kéo phần lớn lực lượng tổng trù bị chiến lược ra ngoài đó, tạo thuận lợi cho hướng thứ yếu phát triển. Hướng thứ yếu giao cho Bộ Chỉ huy miền Đông Nam bộ, có nhiệm vụ đánh quỵ Quân đoàn 3 ngụy, tiêu diệt phần lớn lực lượng của Sư đoàn 5 ngụy đang án ngữ hướng Tây - Bắc Sài Gòn, đánh xóa sổ 3 tiểu đoàn biệt động quân, 1 tiểu đoàn biệt kích, 1 chiến đoàn thiết giáp số 3. Mặc dù là hướng thứ yếu nhưng diễn biến trên mặt trận miền Đông Nam bộ có vai trò hết sức quan trọng nhằm mở rộng vùng giải phóng, xây dựng căn cứ Bộ chỉ huy Miền để chỉ đạo cuộc kháng chiến. Trận mở màn của giai đoạn 1 chiến dịch quân ta đã giải phóng hoàn toàn huyện Lộc Ninh vào ngày 7-4-1972.
CHIẾN DỊCH NGUYỄN HUỆ (TỪ 1-4-1972 - 19-1-1973):
Chiến dịch tiến công của Quân giải phóng miền Đông Nam bộ vào quân ngụy Sài Gòn ở các tỉnh Bình Long, Phước Long, Tây Ninh, Thủ Dầu Một, nhằm giải phóng tỉnh Bình Long (cửa ngõ phía Bắc Sài Gòn), khôi phục và mở rộng địa bàn đứng chân ở miền Đông Nam bộ, tạo điều kiện cho nhân dân vùng lên.
Chiến dịch diễn ra 3 đợt. Đợt 1 (từ 31-3 đến 15-5-1972), ta lần lượt tiến công giải phóng Sa Mát, Bàu Dũng, Lộc Ninh. Đợt 2 (từ ngày 20-5 đến 1-9-1972) ta tổ chức bao vây thị xã Bình Long và đánh cắt giao thông trên đường 13. Đợt 3 (từ ngày 1-10-1972 đến 19-1-1973) ta chuyển trọng tâm chiến dịch vào đánh phá bình định ở Bắc Thủ Dầu Một. Ngày 30-12-1972, Sư đoàn 5 quân ngụy Sài Gòn mở cuộc hành quân ra đường 14. Ta đã đẩy lùi cuộc hành quân này, giữ vững vùng giải phóng, kết thúc chiến dịch.
Kết quả ta diệt 3 chiến đoàn, đánh thiệt hại nặng 12 chiến đoàn và lữ đoàn bộ binh, bắt hơn 5.000 quân, thu và phá hủy 60 khẩu pháo, 882 xe quân sự (có hơn 400 xe tăng), 201 tàu xuồng, trên 5.000 súng bộ binh, bắn rơi và phá hủy 400 máy bay, thu nhiều quân trang, quân dụng. Lần đầu tiên, quân và dân miền Đông Nam bộ giải phóng được một vùng rộng lớn trên hướng chiến lược xung yếu Bắc Sài Gòn, mở rộng vùng giải phóng nối thông với Tây Nguyên.
(Nguồn: “Chặng đường mười nghìn ngày” của Thượng tướng Hoàng Cầm, nxb QĐND, H.2001).
Trung đoàn 165 của ông Giúp có nhiệm vụ đánh địch vận động và phục kích dọc tuyến quốc lộ 13, đồng thời chốt chặn địch phía Bắc Chơn Thành, tạo điều kiện để quân ta giải phóng Lộc Ninh, Bù Đốp, Bình Long. Những ngày cuối tháng 3-1972, quần nhau với giặc trên vùng đất này vẫn còn khắc ghi trong tâm trí của ông. Địch tăng cường quân với quyết tâm phá vỡ phòng tuyến của ta để tăng chi viện cho Lộc Ninh, Bù Đốp. Quân ta từng đợt bẻ gãy các đợt tấn công và làm thất bại âm mưu của địch. Trong những trận đánh đó, ông Giúp có lần chỉ còn một mình với chốt của trung đội tại ấp Đức Vinh (xã Tân Khai, Hớn Quản bây giờ) nhưng vẫn quyết tâm giữ vững chốt để chờ quân ta tiếp viện và chiếm lại trận địa. Đó cũng là trận đánh “nhớ đời” nhất của ông trong chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972. Sau trận đánh, tiểu đoàn của ông chỉ còn lại vài chục người nhưng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngăn chặn không cho hơn một vạn quân ngụy từ Sài Gòn lên chi viện cho Lộc Ninh.
Giải phóng Lộc Ninh, Bù Đốp, Tây Ninh... là kết quả giai đoạn 1 của chiến dịch Nguyễn Huệ lịch sử, góp phần lớn trong việc mở rộng vùng giải phóng, hoàn thiện căn cứ Bộ Chỉ huy Miền tại Tà Thiết, đồng thời có tác động to lớn buộc Mỹ - ngụy phải ký kết Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh Việt Nam vào ngày 27-1-1973. Những năm 1973, 1974, ông Nguyễn Hồng Giúp cùng đơn vị lại tiếp tục hoạt động trong vùng Đông Nam bộ, đánh địch lấn chiếm tại Tân Uyên, tham gia chiến dịch đường 14 - Phước Long, giải phóng Bù Na. Tháng 12-1974, ông Giúp là Chính trị viên tiểu đoàn cùng đơn vị trong đoàn quân giải phóng tỉnh Phước Long vào ngày 6-1-1975 và bước vào trận quyết chiến chiến lược của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trở về đời thường với quân hàm đại tá nhưng ông Nguyễn Hồng Giúp vẫn chưa chịu nghỉ, hiện ông đang tham gia công việc quản lý tại một nhà máy sản xuất giày da tại thị xã Đồng Xoài. Ký ức của người lính thời chiến tranh vẫn còn nguyên vẹn, mặc dù để ghi lại thật chi tiết từng ngày, từng giờ, từng trận đánh thì ông Giúp không nhớ rõ, nhưng với chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 và với trận đánh lịch sử ở ấp Đức Vinh ông tự hào đã góp một phần nhỏ vào trận toàn thắng giải phóng Lộc Ninh cách đây 40 năm.
Hà Thanh

CHIẾN THẮNG ĐĂK TÔ – TÂN CẢNH 40 NĂM MỘT CHẶNG ĐƯỜNG

CHIẾN THẮNG ĐĂK TÔ – TÂN CẢNH 40 NĂM MỘT CHẶNG ĐƯỜNG

Với truyền thống lịch sử vẻ vang của Huyện Đăk Tô anh hùng, trải qua những năm chiến tranh và 40 năm sau ngày giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong huyện luôn có truyền thống yêu nước, đoàn kết đấu tranh với kẻ thù, cần cù trong lao động, đã biết khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để xây dựng và phát triển huyện nhà ngày càng giàu mạnh.
 

Với truyền thống lịch sử vẻ vang của Huyện Đăk Tô anh hùng, trải qua  những năm chiến tranh và 40 năm sau ngày giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong huyện luôn có truyền thống yêu nước, đoàn kết đấu tranh với kẻ thù, cần cù trong lao động, đã biết khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để xây dựng và phát triển huyện nhà ngày càng giàu mạnh.
Cách đây vừa tròn 40 năm, căn cứ Đăk Tô – Tân Cảnh được Mỹ Ngụy bố phòng, củng cố, xây dựng vững chắc như một pháo đài bất khả xâm phạm. Bọn địch huênh hoang: “Bao giờ nước sông Pô Kô chảy ngược thì Việt cộng mới chiếm được Đăk Tô – Tân Cảnh”. Toàn bộ căn cứ được bố phòng chặt chẽ, ngoài cùng là hàng rào mìn, tiếp đến là 8 đến 12 lớp rào kẽm gai bùng nhùng, đến hàng rào phòng thủ với 40 lô cốt nối với nhau bằng giao thông hào. Trong căn cứ gồm 12 khu và có 5 pháo đài chính, phía tây cách căn cứ 7km là sân bay Phượng Hoàng. Cho đến cuối tháng 3/1972, toàn bộ lực lượng địch tại căn cứ 42 gồm: Sở chỉ huy Sư 22, 3 tiểu đoàn bộ binh, 01 đại đội trinh sát, 01 đại đội hậu cần, 01 trung đội quân báo, 01 tiểu đội an ninh, 01 chi đội xe tăng M48 và M113, 02 pháo đội 105 và 155 ly, 01 sở chỉ huy cố vấn Mỹ.
ảnh: Căn cứ Đăk Tô - Tân Cảnh năm 1967 nguồn Internet
Về phía ta tham gia chiến dịch gồm: Các trung đoàn chủ lực của Tây Nguyên, Trung đoàn 26, 36, 95 và Trung đoàn 243 đảm nhiệm. Lực lượng trực tiếp tiến công vào căn cứ 42 gồm Trung đoàn 66 được tăng cường Tiểu đoàn 37 đặc công và 01 đại đội xe tăng T54.
Với khí thế, quyết tâm cao độ: “Trường sơn chuyển mình, Pô Kô dậy sóng, quét sạch quân thù, giải phóng quê hương”, lực lượng ta hợp đồng tác chiến gồm nhiều quân binh chủng (phòng không, có tên lửa tầm nhiệt, pháo binh, công binh, xe tăng, bộ binh …) đã anh dũng chiến đấu vô cùng ác liệt và dũng cảm kiên cường, chỉ trong một thời gian ngắn với 10 giờ đồng hồ, căn cứ 42 đã bị bộ đội ta tiêu diệt hoàn toàn, Trung đoàn 42 thuộc Sư 22 Ngụy sau hơn 10 năm án ngữ cửa ngõ phía bắc Tây Nguyên đã bị quét sạch khỏi Đăk Tô – Tân Cảnh, một vùng đất đai rộng lớn và hàng chục ngàn dân được giải phóng, thắng lợi này đánh một đòn chí tử vào bọn địch ở Tây Nguyên và đã làm thay đổi cơ bản cục diện chiến trường Tây Nguyên và cục diện tình hình giữa ta và địch, buộc Mỹ -  Ngụy phải ngồi vào bàn đàm phán tại hội nghị Pari. Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh mang một ý nghĩ to lớn trên nhiều mặt, mang tính thời đại.
Sau khi được giải phóng (4/1972), quê hương Đăk Tô bị tàn phá nặng nề. Đảng bộ và nhân dân Đăk Tô đứng trước vô vàn những khó khăn cần phải giải quyết; sau khi dốc hết lương thực phục vụ chiến dịch giải phóng Đăk Tô – Tân Cảnh, với hành động cao đẹp là dốc lon gạo cuối cùng để tiếp tế cho bộ đội ăn no để chiến đấu và chiến thắng. Quần chúng vùng giải phóng bị địch liên tiếp đánh phá nên ta phải tổ chức dân sống sơ tán nhiều nơi, việc ăn ở, sản xuất không ổn định, vùng căn cứ lại bị mất mùa nặng; đến đầu năm 1973, quần chúng trở về làng cũ gặp khó khăn, thiếu lương thực, thiếu nhà ở, lạt muối nghiêm trọng. Tính đến giữa năm 1973, số người đói trong toàn huyện là 10.157 người, trong đó dân vùng giải phóng là 6.000 người. Mặt khác đau ốm cũng là vấn đề nổi cộm do môi trường không tốt từ hậu quả chiến tranh để lại. Vùng giải phóng và vùng căn cứ của huyện đều xảy ra các bệnh dịch cúm, sởi, sốt rét, cộng thêm thiếu đói sinh ra phù thủng.
Đứng trước tình hình đó, Huyện ủy đã động viên toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết tương trợ lẫn nhau trong nhân dân giữa 2 vùng căn cứ và vùng giải phóng. Hơn nữa tinh thần đoàn kết, lòng nhiệt tình cách mạng của đồng bào vùng căn cứ được phát huy đến mức cao độ. Mỗi người dân vùng căn cứ tuy còn nhiều khó khăn thiếu đói, vẫn sẵn sàng nhận giúp đỡ nuôi dân vùng giải phóng. Các cấp ủy đảng và các cơ quan, ban ngành của Huyện tranh thủ sự viện trợ của trên đã huy động tối đa nguồn lương thực và các mặt hàng dự trữ còn lại để trợ cấp giải quyết những bức xúc trước mắt cho nhân dân. Tháng 1, 2/1973, Huyện dành 4 tấn gạo cấp cho những người quá đói, từ tháng 3 trở đi, bình quân mỗi nhân khẩu vùng giải phóng mỗi tháng được trợ cấp 10 kg gạo. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 1973, Huyện đã xuất 1.356.550 kg gạo để cứu đói cho dân. Bên cạnh đó vấn đề giải quyết lạt muối cho dân cũng được các cấp quan tâm trợ cấp từ đầu khi mới giải phóng; đến giữa năm 1973 đã cấp cho dân được 79 tấn muối cứu lạt. Về nhà ở, sau chiến dịch Xuân – Hè, địch đánh phá liên tục nên nhà cửa đồng bào tan nát, Huyện đã cùng đoàn cán bộ Tỉnh tăng cường phối hợp với bộ đội chủ lực trên địa bàn (Trung đoàn 24) tổ chức vận động quần chúng ở Diên Bình giúp đỡ làm cho đồng bào Tân Cảnh 130 nóc nhà. Cùng với việc lo cái ăn, cái mặc, nhà ở cho nhân dân, Đảng bộ còn chủ động, kiên cường, mưu trí đấu tranh, đập tan nhiều âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định an ninh chính trị trên địa bàn huyện, giữ vững vùng giải phóng.
Năm 1976, đất nước thống nhất, Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện tập trung vào xây dựng quê hương Đăk Tô từng bước vượt qua khó khăn để vươn lên vững mạnh. Trong những năm đầu xây dựng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện đã tập trung toàn lực thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng bộ đề ra, vì vậy đã lập được nhiều thành tích quan trọng, trở thành địa phương tiêu biểu của Tỉnh Kon Tum và địa bàn Tây Nguyên, với nhiều phong trào cách mạng nổi bật như: phong trào khai hoang mở rộng diện tích đất sản xuất, xây dựng cánh đồng, định canh, định cư, làm thủy lợi, xây dựng huyện điểm, hợp tác xã điểm, … với những công trường khai hoang ruộng nước ở Đăk Tờ Kan, Tân Cảnh, cánh đồng lúa nước Kon Cheo, Diên Bình… Huyện Đăk Tô được chọn thí điểm xây dựng mô hình hợp tác xã ở miền Nam, rồi lại được chọn làm thí điểm Khoán 100 ở tỉnh Gia Lai – Kon Tum. Đồng thời, Đăk Tô cũng là điểm sáng nổi bật trong phong trào toàn dân tham gia làm đường giao thông nông thôn, phong trào văn nghệ quần chúng, mô hình vừa học – vừa làm v.v… Có được những thành tích đáng phấn khởi và tự hào trên là vì Đảng bộ luôn biết vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, sát hợp với yêu cầu thực tiễn ở địa phương. Từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, với sự năng động sáng tạo, Đảng bộ sớm nhận thức rõ những vấn đề bức xúc nhất của đời sống nhân dân, từ đó lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung mọi nguồn lực xã hội vào phát triển lương thực, Đảng bộ đã xác định nông nghiệp là mặt trận hàng đầu; Ngay từ đầu năm 1981, năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (1981 – 1985), Đảng bộ chủ trương phát triển nông nghiệp toàn diện mà trọng tâm là giải quyết vững chắc vấn đề lương thực nên sản xuất nông nghiệp của huyện có sự chuyển biến tích cực([1]). Phát triển chăn nuôi và trồng trọt, tăng cường sản xuất lương thực, thực phẩm, phát triển ngành nghề tạo hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, huy động mua công trái xây dựng Tổ quốc được nhân dân tích cực thực hiện. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân đạt nhiều kết quả. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Huyện giải quyết dứt điểm sớm vấn đề Fulro, góp phần quan trọng cùng với tỉnh đập tan âm mưu và hành động xâm lấn lãnh thổ của tập đoàn Pôn Pốt.
Sau một phần ba thế kỷ hòa bình xây dựng kinh tế, đặc biệt là trong hơn 20 năm đổi mới, Đăk Tô đã có sự biến đổi sâu sắc trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội, an ninh quốc phòng. Từ một huyện miền núi, vùng cao có đông đồng bào dân tộc thiểu số, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, đất rộng người thưa, heo hút; kinh tế tự cấp - tự túc, tập quán du canh du cư khá phổ biến, trình độ sản xuất lạc hậu, còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, tình trạng thiếu lương thực diễn ra phổ biến; tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ hầu như chưa có gì, diện tích đất canh tác nhỏ, đường sá đi lại khó khăn, an ninh phức tạp, là điểm nóng về Fulro, … ngày nay, số hộ giàu không ngừng tăng lên, giảm thiểu số hộ nghèo, cơ bản xóa hộ đói một cách vững chắc, xóa bỏ hẳn tập quán du canh, du cư. Đăk Tô đã trở thành Huyện miền núi phát triển với cơ cấu kinh tế hợp lý([2]), phát huy cao độ tiềm năng, nguồn lực của địa phương, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội không ngừng được đầu tư nâng cấp và xây mới. Đăk Tô trở thành một trong những Huyện phát triển của Tỉnh, thu hút được sự quan tâm hợp tác, đầu tư của các thành phần kinh tế. Trên đà công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng bộ và nhân dân Đăk Tô đang nổ lực tạo dựng một huyện miền núi có sự hài hòa giữa vóc dáng đô thị sinh thái với một vùng sơn cước yên bình và có đủ các thế mạnh về công nghiệp, nông lâm nghiệp và dịch vụ; bảo tồn được những bản sắc văn hóa truyền thống trong sự hài hòa với đời sống văn minh, hiện đại và năng động, … Đăk Tô đang chuyển mình nhanh chóng với những bước đi mạnh mẽ, diện mạo quê hương không ngừng đổi thay từng ngày.
Cùng với sự phát triển và lớn mạnh của đất nước, huyện H80 xưa, Đăk Tô ngày nay sau nhiều lần chia tách. Hiện nay tổng diện tích tự nhiên là: 50.640,8 ha, với tổng dân số 42.849 người. Trong đó, dân tộc thiểu số có 20.231 người, chiếm 52,35%. Toàn huyện được chia thành 8 xã và một thị trấn. Đảng bộ huyện có 48 Tổ chức cơ sở Đảng, với 1.267 đảng viên. Với truyền thống vẻ vang của Đảng bộ, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, cần cù lao động và sáng tạo, một lòng theo Đảng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Đăk Tô đã đạt được nhiều thành tích vô cùng to lớn và hết sức tự hào của quê hương sau 40 năm chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh.
Từ một huyện có mặt bằng dân trí thấp, nạn mù chữ còn phổ biến, đến năm 2000, Huyện đã phổ cập giáo dục tiểu học, năm 2005 phổ cập trung học cơ sở, đời sống tinh thần ngày càng phong phú, các sinh hoạt văn hóa truyền thống được duy trì, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, gia đình diện chính sách xã hội được chăm lo đầy đủ, chu toàn và trách nhiệm. An ninh quốc phòng luôn được giữ vững, thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân được củng cố vững chắc, xây dựng huyện thành khu vực phòng thủ cơ bản, liên hoàn vững chắc, làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.
Cùng với quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, Đảng bộ không ngừng phấn đấu, rèn luyện để trưởng thành và ngày càng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, vai trò lãnh đạo của Đảng bộ được nâng cao; hệ thống chính trị ở cơ sở không ngừng được củng cố. Đội ngũ cán bộ, đảng viên qua thực tiễn và thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ ngày càng trưởng thành. Đăk Tô là nơi đào tạo, rèn luyện và cung cấp cho Tỉnh và các huyện được chia tách từ Huyện Đăk Tô một số lượng đáng kể cán bộ chủ chốt của các huyện mới.
Điểm qua vài nét trong báo cáo của Đảng bộ huyện Đăk Tô năm 2011 để thấy rõ sự phát triển vượt bậc của Huyện Đăk Tô ngày nay:
Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2011 đạt 16,02%, cơ cấu kinh tế: nông lâm, thủy sản chiếm: 39,9%, công nghiêp – xây dựng chiếm: 37,08%, dịch vụ chiếm: 22,95%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt trên 19,9 triệu đồng/người/năm (giá hiện hành). Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch đúng hướng([3]).
Hoàn thành quy hoạch, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện đến năm 2015, có tính đến 2020; quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm các xã mới chia tách và một số công trình, dự án trên địa bàn thị trấn, Cụm công nghiệp - dịch vụ 24/4.
Công tác quảng bá, thu hút đầu tư đạt kết quả tốt. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển cả về quy mô và chất lượng; giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 302,77 tỉ đồng, vượt 73,76% so với chỉ tiêu đề ra, bình quân hằng năm tăng trên 47%. Một số dự án đầu tư cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã được xây dựng hoàn thành và đi vào hoạt động như: Nhà máy tinh bột sắn, Nhà máy thủy điện Đăk Rơ Sa 1, các nhà máy chế biến mủ cao su... góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và tạo việc làm cho người lao động. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với chỉ tiêu đề ra: tinh bột sắn, điện thương phẩm, khai thác cát, đá, sỏi. Một số dự án đang trong giai đoạn đầu tư như: Nhà máy bột và giấy Tân Mai - Kon Tum, Nhà máy thủy điện Đăk Rơ Sa 2, Nhà máy cồn Tân Cảnh...
Kết cấu hạ tầng kỹ thuật kinh tế, xã hội có bước phát triển khá, nhất là lĩnh vực giao thông, thuỷ lợi, nước sinh hoạt, trường học v.v... Đến nay, hầu hết các thôn (làng) có đường ô tô đến được cả 2 mùa; 100% số trường, lớp học được xây dựng cấp 4 trở lên; 100% thôn (làng) có điện lưới quốc gia; 8/9 trạm y tế xã, thị trấn được xây dựng kiên cố; số hộ sử dụng điện và có đủ nước sinh hoạt tăng; đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình thủy lợi, đảm bảo nước tưới cho trên 800 ha đất nông nghiệp.
Một số tuyến đường liên thôn, liên xã đã được nâng cấp, làm mới. Phong trào làm đường giao thông nông thôn hàng năm đã phát huy hiệu quả, hình thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm" để đầu tư bê tông hoá một số ngõ phố ở thị trấn bước đầu phát huy hiệu quả. Từ 2006 - 2010, đã huy động được trên 165 ngàn ngày công và đóng góp của công chức, viên chức và nhân dân với tổng kinh phí trên 5,5 tỷ đồng.         
Thực hiện chủ trương xây dựng thị trấn Đăk Tô đến năm 2015 đạt đô thị loại IV miền núi đã đạt được kết quả quan trọng. Từ năm 2007 đến nay đã bố trí ngân sách hơn 110,2 tỉ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của thị trấn, một số tiêu chí về đô thị loại IV miền núi đã đạt được như: cơ cấu kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, tỉ lệ lao động phi nông nghiệp, tỉ lệ hộ nghèo.
Văn hóa – xã hội có bước chuyển biến tích cực, trình độ, năng lực công tác của cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên được nâng lên. Công tác tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp có hiệu quả hơn; tỉ lệ học sinh khá giỏi, học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng tăng qua từng năm. Công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phổ cập tiểu học đúng độ tuổi đạt tiến độ đề ra. Quy mô trường lớp ngày càng phát triển; trang thiết bị, đồ dùng dạy học được trang bị tương đối đầy đủ cho yêu cầu dạy và học; số trường học đạt chuẩn quốc gia vượt chỉ tiêu đề ra. Công tác xã hội hóa giáo dục từng bước được thực hiện, gắn với thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài. Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 03/12/2007 của Tỉnh ủy “Về nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số giai đoạn 2008 - 2015”, gắn với triển khai mô hình lớp bán trú dân nuôi ở một số xã.
Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai kịp thời, đúng đối tượng và hiệu quả; đối với chương trình 167 (hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở) đã triển khai hỗ trợ xây dựng 724 căn nhà. Thực hiện tốt công tác “đền ơn, đáp nghĩa” đối với người có công; huy động các nguồn lực xây dựng 79 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, tình thương trị giá gần 1,2 tỉ đồng. Thực hiện tốt công tác cứu trợ đối với các gia đình bị thiên tai, hỏa hoạn, gia đình đặc biệt khó khăn.  Công tác xóa đói, giảm nghèo đạt được kết quả khá; số hộ nghèo giảm từ 39,61% (năm 2005) xuống còn 18,3%. Tuổi thọ trung bình của người dân tăng.
Đảng bộ luôn quan tâm, triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đưa nội dung thực hiện Cuộc vận động là một trong những nội dung sinh hoạt cấp ủy, chi bộ, sinh hoạt cơ quan, đơn vị định kỳ hàng tháng và là một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và của từng cá nhân. Việc “học tập” và “làm theo” tấm gương đạo đức của Bác được tất cả cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn hưởng ứng với nhiều hành động thiết thực; tạo được sự chuyển biến sâu sắc cả trong nhận thức và trong hành động.
Nhìn lại chặng đường cách mạng 40 năm qua, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Huyện Đăk Tô đã gặt hái được nhiều kết quả hết sức quan trọng, vô cùng phấn khởi và tự hào. Mặc dù vẫn còn không ít những khó khăn, thách thức ở phía trước, nhưng những thành quả mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Huyện Đăk Tô đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển là vô cùng quan trọng và quý báu. Thành quả đó luôn là nền tảng, tiền đề để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Đăk Tô hôm nay kế thừa và vững bước đi lên trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đứng trên chiến tích E42 năm xưa, hướng tầm mắt về hướng đông trải dài một dải hơn 4 cây số, con đường Hồ Chí Minh chạy dọc Thị trấn Đăk Tô với nhà cao tầng san sát, mang vóc dáng sầm uất của một đô thị vùng cao đang hiện ra trước mắt, nhìn về hướng bắc, hướng nam ngút ngàn cao su xanh xa tít tắp, nổi bật nhà máy tinh bột giấy và giấy Tân Mai Kon Tum đang gấp rút hoàn thành, dõi mắt về hướng tây thấp thoáng sân bay Phượng Hoàng xưa, uy nghi nhà máy mì và nhà máy cồn trắng xóa một vùng đồi núi, dòng sông Pô Kô hiền hòa chảy mãi như tiếng vọng non sông vút lên đại ngàn cao nguyên hùng vĩ, tiếng gió thông reo ca trong chiều nắng vàng miên man tràn đầy sức sống và phát triển mãnh liệt của quê hương Đăk Tô anh hùng. Xứng danh là cửa ngõ phía bắc Tây Nguyên và vùng ngã ba biên giới đang mang dáng vóc mới mạnh mẽ, giàu đẹp và phát triển.




([1]) Tổng diện tích gieo trồng năm 1981 là 6.910 ha, trong đó có 930 ha ruộng nước ổn định, hình thành vùng lúa nước tập trung chuyên canh như: Đăk Tờ Kan: 130 ha, Diên Bình: 105 ha, Măng Xăng: 96 ha, Tân Cảnh: 60 ha.
([2]) Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm (giai đoạn 2006 - 2010) là 13,1%/năm. Tổng giá trị sản phẩm tăng thêm trên địa bàn ước đạt 495,7 tỉ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 8,5 triệu đồng/năm.
([3]) Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm: 9.147 ha. Trong đó: Diện tích trồng lúa: 1.655 ha, sản lượng 6.309 tấn; diện tích trồng ngô: 222 ha, sản lượng 684 tấn; diện tích trồng sắn: 6.943 ha, sản lượng đạt 92.910 tấn. Diện tích cây lâu năm có 7.598 ha. Trong đó, diện tích cây cà phê 745 ha, sản lượng đạt 1.029 tấn; diện tích cây cao su 6.579 ha, sản lượng đạt 2.275 tấn. Tổng đàn gia súc toàn huyện có 2.710 con trâu, đàn bò có 5.051 con, đàn heo có 9.341 con.
Phạm Như Tứ - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy 

Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 40 năm chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (24/04/1972-24/04/2012)

 Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 40 năm chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (24/04/1972-24/04/2012)


I. Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh, mang tầm vóc thời đại to lớn.
1. Bối cảnh lịch sử.
Liên tục bị thất bại và thua đau trong chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đế quốc Mỹ buộc phải xuống thang chiến tranh, tìm lối thoát và gỡ thế thua trong danh dự bằng chiến lược chiến tranh mới: “chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh”. Để thực hiện âm mưu chiến lược trên, đế quốc Mỹ vạch ra các kế hoạch:“quét và giữ”“bình định nông thôn”“phi Mỹ hóa”, trong đó “bình định nông thôn” là trọng tâm cơ bản, để giành lại dân, chiếm lại đất, tiến tới đánh bại phong trào cách mạng của nhân dân miền Nam, kết thúc cuộc chiến tranh theo hướng có lợi cho Mỹ.
Đăk Tô vốn là vùng địa bàn quan trọng không những với tỉnh Kon Tum mà cả khu vực Bắc Tây Nguyên và miền Nam. Đồng thời, Đăk Tô – Tân Cảnh còn là căn cứ quân sự mạnh nhất của ngụy quân ở Bắc Tây Nguyên, được mệnh danh là vành đai thép của Mỹ ngụy. Sau nhiều lần bị ta tấn công đánh phá các cứ điểm và tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch, nhất là trong đợt tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, địch ở Đăk Tô có phần co cụm phòng ngự, đồng thời phân chia lực lượng chốt giữ các nơi trong vùng chúng kiểm soát.
Năm 1969 chương trình “bình định cấp tốc” của địch nhằm mục tiêu giành dân và kìm kẹp dân tại chỗ trong vùng chúng kiểm soát, nhất là những nơi chúng thấy không ổn định cho là mất an ninh và tập trung làm trước như, vùng đồng bào kinh ở Diên Bình, các làng đồng bào dân tộc quanh Đăk Tô, một số ấp ở đường 18 và một số nơi dọc trục đường 14 như Kon Hơ Ring, Kontrăng – Long Loa, Đăk Cang, …
Giữa năm 1971, trên chiến trường Kon Tum, địch liên tiếp bị thất bại nặng nề đã đi dần vào thế phòng ngự chiến lược bị động. Toàn bộ lực lượng địch được bố trí thành 2 tuyến phòng ngự: một tuyến từ phía tây sông Pô Kô – Đăk Tô – Tân Cảnh và đường 18, một tuyến từ thị xã Kon Tum dọc theo đường 14 đến Đăk Tô.
Đầu năm 1972 trên chiến trường miền Nam, cục diện chiến trường có những thay đổi quan trọng. Nhìn chung: diễn biến cơ bản của tình hình là ta đang ở thế thắng, thế chủ động, thế thuận lợi, thế đi lên; địch đang ở thế thua, thế bị động, thế khó khăn, thế đi xuống. Tại hội nghị lần thứ 20 của Trung ương Đảng, trên cơ sở phân tích tình hình địch, ta đã quyết định mở cuộc tiến công chiến lược với quy mô lớn trên toàn miền Nam.
Tại miền núi và đồng bằng khu 5, Khu ủy đã thông qua phương án mở chiến dịch xuân hè 1972, chọn Tây Nguyên làm hướng tấn công chính với quy mô vừa và lớn. Tỉnh Kon Tum được xác định là hướng tấn công quan trọng của chiến dịch với mục tiêu trọng điểm là cụm phòng ngự then chốt của địch tại Đăk Tô – Tân Cảnh nhằm tiêu diệt địch giành thắng lợi, mở ra điều kiện để giải phóng tỉnh Kon Tum, phát triển về hướng Pleiku, tạo bàn đạp để mở rộng vùng giải phóng ở đồng bằng.
Chấp hành chủ trương của khu ủy và sự phối hợp cùng mặt trận Tây Nguyên, tỉnh Kon Tum đã khẩn trương chuẩn bị cho chiến dịch. Quyết tâm của toàn Đảng bộ và quân  dân Kon Tum là tích cực tham gia cùng bộ đội chủ lực nhằm mục tiêu trọng tâm tấn công tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch trên tuyến phòng thủ tây sông Pô Kô – Đăk Tô – Tân Cảnh của sư đoàn 22 ngụy và các lực lượng tăng cường ở Đăk Tô – Tân Cảnh, tiêu diệt lực lượng dự bị của quân đoàn 2 và lực lượng tổng dự bị ngụy đến cứu viện; giải phóng Đăk Tô – Tân Cảnh và bắc thị xã Kon Tum, phát động quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ.
Tỉnh ủy động viên sự nổ lực cao nhất của toàn Đảng bộ, quân dân trong tỉnh dồn sức phục vụ cho chiến dịch, nguồn nhân lực được huy động đến mức tối đa với 446.758 ngày công phục vụ, nhằm mục tiêu ở Đăk Tô – Tân Cảnh. Tỉnh huy động đến 600 cán bộ và 700 du kích tham gia chiến dịch. Nhiều cán bộ từ tỉnh được tăng cường thêm cho Đăk Tô; các lực lượng vũ trang gấp rút được kiện toàn bổ sung quân số; tiểu đoàn bộ binh 304 và tiểu đoàn đặc công 406 của tỉnh đội được phân công trụ bám tại Đăk Tô, phối hợp cùng bộ đội chủ lực tấn công địch …
Là vùng địa bàn trọng điểm của chiến dịch, Đảng bộ và quân dân Đăk Tô (H80) đã quán triệt đầy đủ tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và Khu ủy, tích cực chuẩn bị mọi mặt để phối hợp tham gia chiến dịch nhằm đạt mục tiêu chung, với quyết tâm mong muốn giải phóng Đăk Tô – Tân Cảnh, giải phóng toàn huyện.
Căn cứ vào nhiệm vụ chung của Tỉnh, Huyện ủy đã xây dựng phương án nổi dậy với yêu cầu nhiệm vụ: Diệt và làm tan rã một phần lớn sinh lực địch và phương tiện chiến tranh, quét toàn bộ và tan rã lực lượng phụ quân và lực lượng kìm kẹp tại cơ sở, nhanh chóng phát động quần chúng và xây dựng thực lực, kết chặt với tấn công 3 mũi bên ngoài trong một thời gian ngắn để tiến tới giành toàn bộ dân, không để bị tổn thất. Tiếp theo là tiếp quản tốt vùng mới giải phóng, xây dựng và nhanh chóng phát triển thực lực của ta về mọi mặt.
Toàn Đảng bộ, quân dân Đăk Tô và tỉnh Kon Tum đã khẩn trương tập trung cho công tác chuẩn bị với một quyết tâm “Tất cả cho tuyền tuyến, tất cả cho chiến thắng” và một khí thế vô cùng sôi động là:“Trường sơn chuyển mình, Pô Kô dậy sóng, quét sạch quân thù, giải phóng quê hương”.
Đầu tháng 3/1972, địch đã hình thành 3 cụm phòng thủ mạnh ở khu vực bắc Tây Nguyên: Đăk Tô – Tân Cảnh, thị xã Kon Tum và thị xã Pleiku. Trong đó, Đăk Tô – Tân Cảnh và thị xã Kon Tum là 2 cụm phòng ngự then chốt.
Trên địa bàn Đăk Tô, binh lực địch tập trung khá lớn gồm trung đoàn bộ trung đoàn 42 với 2 tiểu đoàn thường trực đóng tại căn cứ Kon Hơ Yao và sân bay Phượng Hoàng; năm đại đội bảo an thuộc liên đội bảo an 2/17 chia nhau đóng giữ cầu nước Ui, đông Kon Hơ Ring, Diên Bình, đông Đăk Tô, Tân Cảnh; nghĩa quân trong các ấp và khi dồn khoảng 1.200 tên, phòng vệ dân sự khoảng 3.500 tên và 6 đoàn bình định nông thôn với 150 tên. Chi cảnh sát ở thị trấn Tân Cảnh có 80 tên các loại, lực lượng thám báo, thám kích cộng mật vụ khoảng 300 tên. Ngoài ra còn có một ủy ban chiêu hồi 12 tên ở Tân Cảnh, một ủy ban tâm lý chiến 18 tên và 01 ủy ban phụ trách các đoàn bình định 25 tên ở Đăk Tô. Số nhân viên ngụy quyền ở quận, xã ấp có đến 800 tên.
Địch tuy đi vào thế phòng ngự chiến lược, nhưng lực lượng vẫn còn đông, vũ khí và phương tiện chiến tranh còn nhiều, lực lượng kèm kẹp cơ sở vẫn còn khống chế và kiểm soát dân ở các xã, ấp trên một diện rộng. Chúng rất ngoan cố  tiếp tục thực hiện bình định nông thôn, đánh mạnh vào lực lượng của ta trong vùng chúng kiểm soát bằng thủ đoạn “tam giác chiến”, đồng thời lập tuyến phòng thủ từ xa để ngăn chặn ta tấn công, quyết giữ đất, giữ dân vùng chúng kiểm soát, theo đuổi đến cùng của mục đích của chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh.
Khu ủy đã thông qua phương án mở chiến dịch xuân hè 1972, chọn Tây Nguyên làm hướng tấn công chính với quy mô vừa và lớn. Tỉnh ủy Kon Tum được xác định là hướng tấn công quan trọng của chiến dịch với mục tiêu trong điểm là cụm phòng ngự then chốt của địch tại Đăk Tô – Tân Cảnh nhằm tiêu diệt địch giành thắng lợi, mở ra điều kiện để giải phóng tình Kon Tum, phát triển về hướng Plei ku, tạo bàn đạp để mở rộng vùng giải phóng ở đồng bằng.
Bộ chỉ huy chiến dịch tại Tây Nguyên, qua nghiên cứu tình hình phòng ngự của địch đã chủ trương hình thành thế trận đánh chia cắt địch ở Kon Tum với Pleiku, Kon Tum với Đăk Tô – Tân Cảnh, tạo thế cô lập từng cụm quân địch; đồng thời dùng thế trận vây hãm địch ở thị xã Kon Tum buộc chúng phải bung ra ngoài để ta tiêu diệt, làm hao mòn lực lượng địch, khiến cho lực lượng phòng thủ ở Đăk Tô – Tân Cảnh bị suy yếu sơ hở, nhân cơ hội đó bộ đội chủ lực ta cùng với lực lượng vũ trang địa phương và phong trào nổi dậy tại chỗ của quần chúng sẽ tấn công tiêu diệt địch. Phương pháp tác chiến được sử dụng là: “Vây hãm, tiêu diệt sinh lực kết hợp với đột phá” để đánh bại địch giành thắng lợi.
Với mục tiêu và hướng tấn công đã được xác định, ta tập trung lực lượng binh lực khá lớn gồm: Sư đoàn 320, Trung đoàn pháo 40 và 675, Trung đoàn 7 công binh, các đoàn xe tăng, một đội pháo cao xạ. Với quyết tâm dùng lực lượng vũ trang làm quả đấm thép kết hợp với tấn công và nổi dậy của quân và dân trên địa bàn tại chỗ đập tan hệ thống kèm kẹp của địch giải phóng những vùng trọng điểm, mở đường tấn công và nổi dậy ở thị xã và thành phố.
Tết Nhâm Tý đã qua, mùa khô sắp kết thúc mà vẫn chưa thấy quân ta tiến công, Mỹ - Ngụy huênh hoang cho rằng “Việt Nam hóa chiến tranh” đã thắng lợi.
Đúng lúc địch chủ quan sơ hở, ngày 30/3/1972 quân và dân ta mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam.
Tuy nhiên, ngay từ đầu chiến dịch, Đăk Tô – Tân Cảnh đã là mục tiêu trọng tâm then chốt sớm bị ta chia cắt, bao vây cô lập. Việc giải phóng Đăk Tô – Tân Cảnh không chỉ là lòng mong muốn và quyết tâm của Đảng bộ và quân dân Đăk Tô cũng như tỉnh Kon Tum mà còn là yêu cầu nhiệm vụ chung đối với chiến trường khu 5 và toàn miền. Bộ tổng tư lệnh khi giao nhiệm vụ cho bộ đội chủ lực ở hướng Tây Nguyên đã chỉ rõ: “Tiêu diệt địch, giải phóng vùng Đăk Tô – Tân Cảnh, có điều kiện thì giải phóng thị xã Kon Tum hướng phát triển có thể là hướng Pleiku, có điều kiện thì mở rộng vùng giải phóng tây Pleiku, giải phóng thị xã Buôn Mê Thuột, hình thành căn cứ địa hoàn chỉnh nối liền với căn cứ địa miền đông Nam bộ”.
Qua nghiên cứu thế bố trí phòng ngự của địch ở Đăk Tô – Tân Cảnh, bộ chỉ huy chiến dịch nhận thấy địch tập trung sức mạnh về hướng tây và hướng bắc; hướng đông nơi có sở chỉ huy cụm của địch nằm trong căn cứ 42 cũng nằm lùi sâu về hướng này lại bị bỏ trống, thế che đỡ yếu. Từ đó việc tập trung lực lượng đánh vào yếu điểm sơ hở của địch được bộ chỉ huy chiến dịch quyết định và là mục tiêu trọng tâm của cuộc tấn công.
Tình hình lực lượng giữa địch và ta lúc đó là:
Về lực lượng địch: Cụm phòng ngự Đăk Tô – Tân Cảnh lúc này địch tập trung lực lượng gồm: 13 tiểu đoàn bộ binh, một trung đoàn thiết giáp và 3 tiểu đoàn pháo, 2 đại đội bảo an. Tất cả được bố trí ở 2 cụm cứ điểm lớn là Đăk Tô II và căn cứ 42 – Tân Cảnh. Trong đó, căn cứ 42 – Tân Cảnh là vị trí then chốt, nơi đặt sở chỉ huy nhẹ sư đoàn 22, Trung đoàn 42 ngụy với sự thường trực tại chỗ của đại tá Lê Đức Đạt – Sư đoàn trường sư đoàn 22 ngụy, sau đó có thêm đại tá Tôn Thất Hùng – phái viên của Tư lệnh quân đoàn 2 lên làm nhiệm vụ đốc chiến. Ngoài ra còn có lực lượng tổng hợp gồm: Nghĩa quân, dân vệ, cảnh sát, thám báo, biệt kích, cán bộ bình định, phượng hoàng …
Lực lượng chủ lực của ta gồm: Trung đoàn 66 được tăng cường thêm tiểu đoàn 37 đặc công nằm trong đội hình chiến đấu sư đoàn 2, cùng với một số lớn binh khí kỹ thuật, có cả xe tăng và pháo binh, được điều chuyển từ phía tây sang phía đông để  tấn công vào căn cứ 42. Quá trình vận chuyển đầy khó khăn, vất vả, nhưng nhờ khéo nghi binh và giữ bí mật nên thế trận theo kế hoạch được đảm bảo.
2. Diễn biến của trận đánh.
Đêm 23 rạng sáng ngày 24/4/1972, từ phía đông tại ngầm sông Pô Kô hạ, đại đội thiết giáp 7 gồm 9 xe tăng T54 cùng Trung đoàn bộ binh 66 và tiểu đoàn 37 đặc công bắt đầu xuất kích bất ngờ đột phá trận địa phòng ngự của địch. Những đơn vị địch nằm trên phía đông căn cứ 42 nhanh chóng bị lực lượng ta quét sạch. Pháo của ta liên tục đánh phá các mục tiêu bên trong căn cứ.
Kho đạn bị nổ tung, kho xăng bốc cháy, khu trung tâm thông tin bị đạn pháo ta bắn sụp đổ. Các công sự, lô cốt, boong ke án ngữ trên các hướng cửa mở bị đạn B72 của lực lượng ta bắn sập. Trong khói lửa mù trời, các chiến sĩ trung đoàn 66 và tiểu đoàn đặc công 37 áp sát vào hàng rào căn cứ địch. Từ phía sau, 9 chiếc xe tăng T54 của đại đội 7 thiết giáp bí mật ém quân ở ngầm Pô Kô hạ đã xuất kích tiến ra đường 14, vượt qua quận lỵ Đăk Tô lao nhanh về căn cứ 42.

Địch đang bàng hoàng về sự tấn công bất ngờ của lực lượng bộ binh ta ở hướng đông, lại thấy có thêm nhiều xe tăng xuất hiện đang đánh mạnh về hướng này, biết sắp bị tiêu diệt liền vừa xin cứu viện, vừa cố sức chống cự.
Từng tốp máy bay các loại từ các sân bay Pleiku, Kon Tum liên tiếp lao lên Đăk Tô – Tân Cảnh bắn phá ác liệt vào trận địa và đội hình chiến đấu ta để cứu nguy cho đồng bọn. Nhiều chiến sĩ ta đã dũng cảm hy sinh khi chiến đấu dưới bom đạn của địch.
Ở bên trong căn cứ 42, bọn địch chống cự quyết liệt. Chúng gọi pháo ở các điểm lân cận bắn về, đồng thời dùng xe tăng lao ra phản kích, bắn chất độc hóa học có hơi ngạt, hơi cay hòng chặn bước tiến các cánh quân ta. Tuy nhiên, pháo ta át hẳn pháo địch, buộc chúng phải câm họng, tên lửa chống tăng của ta xuất hiện như những vật lạ bay vào đốt phá xe tăng địch. Bộ đội ta với tinh thần dũng cảm đã phá xong các lớp rào ở phía đông căn cứ 42, giữ vững được cửa mở ở phía bắc căn cứ.
5 giờ 10 phút ngày 24/4, pháo lệnh xuất hiện. Từ các hướng bộ đội nhất tề xung phong. Các loại đạn pháo xe tăng, đạn B40 và thủ pháo của bộ binh ta lần lượt phá sập từng lô cốt của địch, xe tăng ta tiến sâu vào bên trong chà đạp nhiều ụ súng địch kháng cự. Lực lượng ta nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa, đè bẹp sức chiến đấu của địch. Bọn cố vấn Mỹ dùng máy bay lên thẳng tháo chạy, tên Tôn Thất Hùng kịp bám theo. Đại tá Lê Đức Đạt – sư đoàn trưởng và đại tá cố vấn Mỹ bị bắn chết tại trận. Đại tá Vi Văn Bình – sư đoàn phó chạy trốn bị ta bắt sống cùng với số sĩ quan tham mưu, một số cố vấn Mỹ và hơn 400 binh lính.
Đúng 11 giờ trưa ngày 24/4 ta hoàn toàn làm chủ căn cứ 42. Lá cờ giải phóng do Tỉnh ủy Kon Tum trao cho trung đoàn 66 hôm làm lễ xuất quân được các chiến sĩ ta mang vào trận đánh, đã được cắm và tung bay ở đỉnh trung tâm căn cứ 42 của địch, báo tin chiến thắng.
Hướng căn cứ Đăk Tô 2, nơi phòng giữ của trung đoàn 47 thuộc sư 22 ngụy vừa tăng cường đến, cũng đã nằm trong thế bị lực lượng ta bao vây. Ngày 24/4 trung đoàn 1 (sư đoàn 2) của ta được tăng cường thêm tiểu đoàn 10 đặc công đã áp sát cứ điểm địch, đánh thẳng vào sào huyện trung đoàn 47. Pháo và xe tăng ta trong thế áp đảo địch ở căn cứ 42 cũng kịp thời chuyển sang chi viện… sức chống cự của địch tại căn cứ Đăk Tô 2 nhanh chóng bị đè bẹp. Bọn tàn quân bỏ đồn chạy qua sông bị ta phá cầu chặn đánh, số vượt được qua bên kia bờ lại rơi vào vòng vây của lực lượng vũ trang và dân quân du kích Đăk Tô, tất cả bị ta tiêu diệt và bắt sống. Trung đoàn 47 địch bị ta tiêu diệt hoàn toàn, ta chiếm lĩnh và làm chủ căn cứ Đăk Tô 2.
Tại quận lỵ Đăk Tô, tiểu đoàn 304 tỉnh đội Kon Tum từ đầu tháng 3 đã thực hiện vây lấn, ép địch, đột nhập quấy phá ấp Kon Đào, đánh ấp Đăk Chu diệt gọn một đại đội địch, đến ngày 24/4 tiểu đoàn 406 đặc công tỉnh đội tiến công vào quận lỵ, địch bỏ chạy ra ngoài, đã bị tiểu đoàn 304 vây đánh bắt nhiều tù binh, thu nhiều súng đạn, tên quận trưởng Lò Văn Bảo cùng một số sĩ quan ngụy vội vã dùng máy bay HU 1A chạy về thị xã Kon Tum.
Đêm ngày 24/4 trung đoàn 2 (sư đoàn 2) cùng lực lượng vũ trang địa phương Đăk Tô tập kích vào căn cứ Diên Bình diệt gọn 2 liên đội bảo an, thu nguyên vẹn 2 máy bay lên thẳng.
Hai căn cứ trụ cột và Diên Bình bị tiêu diệt, quận lỵ Đăk Tô cũng bị phá tan, bộ đội và lực lượng vũ trang huyện tiếp tục phát triển tấn công phá tung thế trận phòng ngự địch. Bọn đang chốt giữ ở các điểm cao Ngọc Rinh Rua, Ngọc Bơ Biêng phải co cụm về Plei Cần, bọn địch ở Tri Lễ, tàn quân ở quận lỵ Đăk Tô, tây sông Pô Kô hốt hoảng chạy về thị xã Kon Tum.
Hơn 2 vạn đồng bào ở các ấp, khu dồn quanh Đăk Tô, Tân Cảnh, dọc đường 14, Diên Bình, Kon Hơ Ring đã nổi dậy phá tan rã toàn bộ hệ thống phòng vệ dân sự, giải tán ngụy quyền, diệt ác ôn trở về làng cũ.
Ta chiếm lĩnh và làm chủ toàn bộ khu vực Đăk Tô – Tân Cảnh. Ủy ban quân quản quận Đăk Tô đã tiến vào tiếp quản quận lỵ và thị trấn Tân Cảnh, công bố thông lệnh và 9 chính sách đối với vùng mới giải phóng, thông báo cho toàn thể các lực lượng vũ trang, nửa vũ trang, đội công tác cùng với nhân dân tiếp tục truy lùng bọn tàn quân, bọn kèm kẹp và bắt giữ bọn ác ôn, nhanh chóng đưa dân về vùng giải phóng, vùng căn cứ.
3. Kết quả, nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử.
a. Kết quả.
Cuộc tấn công chiến lược xuân hè 1972 trên địa bàn Đăk Tô đã giành được thắng lợi to lớn. Ta đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch trên tuyến phòng thủ bắc và tây bắc Kon Tum, đập tan cụm phòng ngự Đăk Tô – Tân Cảnh. Kết quả các lực lượng ta đã:
Tiêu diệt bộ tư lệnh và toàn bộ cơ quan tham mưu tiền phương của sư đoàn 22 ngụy.
Tiêu diệt ban chỉ huy và cơ quan tham mưu của trung đoàn 42 và trung đoàn 47.
Tiêu diệt ban chỉ huy trung đoàn 14 thiết giáp.
Tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng trung đoàn 42 và trung đoàn 47.
Tiêu diệt 3 tiểu đoàn xe bọc thép và xe tăng, trong đó 2 tiểu đoàn của trung đoàn 14 và 1 tiểu đoàn của trung đoàn 19 ngụy.
Tiểu diệt tiểu đoàn pháo binh 223 và một số đại đội pháo binh khác.
Đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 1 trung đoàn 41 và tiểu đoàn dù số 9 của ngụy.
Tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ 7 đại đội bảo an, toàn bộ lực lượng cảnh sát thuộc chi khu Đăk Tô – Tân Cảnh.
Ngoài ra còn bắn rơi 17 máy bay, thu và phá hủy 30 khẩu pháo hạng nặng, thu rất nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh của địch, bắt sống trên 600 tù binh trong đó có rất nhiều sĩ quan cấp úy và cấp tá.
Một vùng rộng lớn hơn 300 km2 từ Đăk Tô – Tân Cảnh đến Võ Định với 25.000 dân hoàn toàn được giải phóng.
b. Nguyên nhân thắng lợi.
Có được chiến thắng to lớn của chiến dịch xuân hè 1972 mà tiêu biểu là chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh là bởi những những nguyên nhân sau:
- Nhờ đường lối, phương châm đúng đắn của Đảng; sự nhận định đánh giá chính xác, đúng đắn thực lực và thế trận của địch và ta; sự chỉ đạo sáng suốt của các cấp ủy, của bộ tư lệnh chiến dịch.
- Có quyết tâm lớn của toàn tỉnh Đảng bộ Kon Tum, Ban chỉ huy Mặt trận và Đảng bộ H80.
- Là thắng lợi của tinh thần quyết tâm và tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm, tinh thần quyết thắng cao độ, tinh thần đoàn kết nhất trí của quân và dân ta nói chung, của quân và nhân dân các dân tộc huyện H80 và tỉnh  Kon Tum nói riêng.
- Là kết quả của một quá trình chuẩn bị công phu và nỗ  lực  của quân và dân ta: Về bộ đội đã nỗ lực vượt khó khăn, rèn luyện, học tập, nâng cao trình độ chiến đấu và chỉ huy hiệp đồng binh chủng. Các đội công tác tích cực trụ bám, hăng hái, xông xáo. Nhân dân đã đem hết sức mình phục vụ tiền tuyến, thực hiện khẩu hiệu: “Tất cả vì tiền tuyến”, sát cánh cùng bộ đội góp phần giành thắng lợi.
c. Ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh.
Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh là khúc ca hùng tráng về tinh thần chiến đấu dũng cảm và kiên cường, đoàn kết một lòng, hợp đồng chặt chẽ giữa các binh chủng, giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích.
Lần đầu tiên lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên tiến công bằng hiệp đồng quân binh chủng quy mô lớn, có tốc độ tấn công nhanh, chỉ trong một thời gian ngắn đã tiêu diệt toàn bộ lực lượng tương đương cỡ một sư đoàn tăng cường của địch, đã đập tan toàn bộ tập đoàn phòng ngự mạnh của địch ở Bắc Tây Nguyên.
Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh đã làm thay đổi cục diện chiến trường ở Tây Nguyên, góp phần làm nên thắng lợi tại hội nghị Pa Ri (ngày 27/01/1973) buộc đế quốc Mỹ phải ký hiệp định Pa Ri, chấp nhận thất bại rút quân về nước; góp phần tạo bàn đạp cho đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
II . Đăk Tô trên đường đổi mới và phát triển.
1. Giai đoạn khắc phục hậu quả chiến tranh, tập trung ổn định và xây dựng quê hương Đăk Tô anh hùng.
Trải qua cuộc chiến đấu vô cùng oanh liệt, chiến tranh qua đi, quê hương Đăk Tô bị tàn phá nặng nề. Đảng bộ và nhân dân Đăk Tô đứng trước vô vàn những khó khăn cần phải giải quyết; song với truyền thống vẻ vang của Đảng  và dân tộc ta, quân và nhân dân Đăk Tô đã tiếp nối truyền thống, vượt lên khó khăn thách thức, gian khổ, từng bước khắc phục tàn tích chiến tranh, đói nghèo, lạc hậu để không ngừng vươn lên lớn mạnh và phát triển như ngày hôm nay.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, ý thức tự lực, tự cường, truyền thống đoàn kết cộng đồng được nhân dân Đăk Tô phát huy cao độ hơn, rực rỡ hơn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhân dân các dân tộc Đăk Tô đoàn kết, kiên trì, cần cù lao động, khắc phục những hậu quả nặng nề do chiến tranh ác liệt cùng những chính sách thực dân để lại; đồng thời kiên cường, mưu trí đấu tranh, đập tan nhiều âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định an ninh chính trị trên địa bàn.
Trong những năm đầu xây dựng quê hương Đăk Tô anh hùng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện đã giành được nhiều thành tích quan trọng, trở thành địa phương tiêu biểu của tỉnh Kon Tum và địa bàn Tây Nguyên, với nhiều phong trào cách mạng nổi bật như: phong trào khai hoang mở rộng diện tích đất sản xuất, xây dựng cánh đồng, định canh, định cư, làm thủy lợi, xây dựng huyện điểm, hợp tác xã điểm, … với những công trường khai hoang ở Đăk Tờ Kan, Tân Cảnh, cánh đồng lúa nước Kon Cheo, Diên Bình… Do vậy, Đăk Tô được chọn thí điểm xây dựng mô hình hợp tác xã ở miền Nam, rồi lại được chọn làm thí điểm Khoán 100 ở tỉnh Gia Lai – Kon Tum. Đồng thời, Đăk Tô cũng là điểm sáng nổi bật trong phong trào toàn dân tham gia làm đường giao thông nông thôn, phong trào văn nghệ quần chúng, mô hình vừa học – vừa làm v.v…
Đảng bộ luôn biết vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, sát hợp với yêu cầu thực tiễn ở địa phương. Từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, với sự năng động sáng tạo, Đảng bộ sớm nhận thức rõ những vấn đề bức xúc nhất của đời sống nhân dân, từ đó lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung mọi nguồn lực xã hội vào phát triển lương thực, nhằm giải quyết vững chắc vấn đề lương thực; phát triển chăn nuôi và trồng trọt, tăng cường sản xuất lương thực, thực phẩm, phát triển ngành nghề tạo hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Đảng bộ đã thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội VI (1986) của Đảng, đã đề ra chủ trương thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn:  Chương trình lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Nhờ đó, nền kinh tế của toàn huyện sớm có những chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Đảng bộ đã làm tốt 2 nhiệm vụ phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội. Như vậy, chỉ hơn 10 năm sau chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân khắc phục khó khăn, thiếu thốn, tổ chức tốt cuộc sống, ổn định các mặt của đời sống và xã hội, từng bước xây dựng đời sống của các dân tộc trên địa bàn huyện Đăk Tô ngày càng văn minh, ấm no, hạnh phúc.
2. Giai đoạn hội nhập, đổi mới, xây dựng quê hương Đăk Tô ngày càng giàu mạnh và phát triển.
Bước vào thực hiện đường lối đổi mới, Đảng bộ phát huy trí tuệ, sức lực, tìm tòi, vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng vào địa phương, tháo gỡ khó khăn để hiện thực hóa đường lối đổi mới trên quê hương. Chuyển sang cơ chế mới, thực hiện kinh tế hàng hóa thị trường nhiều thành phần, định hướng xã hội chủ nghĩa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, đa dạng hóa sở hữu, đã và đang tạo bước chuyển căn bản trên chặng đường xây dựng phát triển quê hương.
Sau một phần ba thế kỷ hòa bình xây dựng kinh tế, đặc biệt là trong hơn 20 năm đổi mới, Đăk Tô đã có sự biến đổi sâu sắc trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội, an ninh quốc phòng. Từ một huyện miền núi, vùng cao có đông đồng bào dân tộc thiểu số, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, đất rộng người thưa, heo hút; kinh tế tự cấp - tự túc, tập quán du canh du cư khá phổ biến, trình độ sản xuất lạc hậu, còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, tình trạng thiếu lương thực diễn ra phổ biến; tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ hầu như chưa có gì, diện tích đất canh tác nhỏ, đường sá đi lại khó khăn, an ninh phức tạp, là điểm nóng về Fulro, … ngày nay, số hộ giàu không ngừng tăng lên, giảm thiểu số hộ nghèo, cơ bản xóa hộ đói một cách vững chắc, xóa bỏ hẳn tập quán du canh, du cư. Đăk Tô đã trở thành huyện miền núi phát triển với cơ cấu kinh tế hợp lý, phát huy cao độ tiềm năng, nguồn lực của địa phương, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội không ngừng được đầu tư nâng cấp và xây mới. Đăk Tô trở thành một trong những huyện phát triển của tỉnh, thu hút được sự quan tâm hợp tác, đầu tư của các thành phần kinh tế. Trên đà công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng bộ và nhân dân Đăk Tô đang nổ lực tạo dựng một huyện miền núi có sự hài hòa giữa vóc dáng đô thị sinh thái với một vùng sơn cước yên bình, bảo tồn được những bản sắc văn hóa truyền thống trong sự hài hòa với đời sống văn minh, hiện đại và năng động, … Đăk Tô đang chuyển mình nhanh chóng với những bước đi mạnh mẽ, diện mạo quê hương không ngừng đổi thay từng ngày.
Từ một huyện có mặt bằng dân trí thấp, nạn mù chữ còn phổ biến, đến năm 2000, huyện đã phổ cập giáo dục tiểu học, năm 2005 phổ cập trung học cơ sở, đời sống tinh thần ngày càng phong phú, các sinh hoạt văn hóa truyền thống được duy trì, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, gia đình diện chính sách xã hội được chăm lo.
An ninh quốc phòng luôn được giữ vững, thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân được củng cố vững chắc, xây dựng huyện thành khu vực phòng thủ cơ bản, liên hoàn vững chắc, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực phản động, thù địch, bảo vệ vững chắc sự nghiệp xây dựng quê hương Đăk Tô anh hùng.
Cùng với quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, Đảng bộ không ngừng phấn đấu để trưởng thành và ngày càng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng bộ; hệ thống chính trị ở cơ sở không ngừng được củng cố, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đội ngũ cán bộ, đảng viên qua thực tiễn và thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ ngày càng trưởng thành. Đăk Tô là nơi đào tạo, rèn luyện và cung cấp cho tỉnh và các huyện được chia tách từ huyện Đăk Tô một số lượng đáng kể cán bộ chủ chốt.
Công tác lãnh đạo nhân dân xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, xây dựng cơ sở vật chất trong chặng đường đầu đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng bộ Đăk Tô đã không ngừng phát triển, trưởng thành; mối quan hệ gắn bó máu thịt với dân không ngừng được tăng cường, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng luôn giữ vững.
Sau 40 năm chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Đăk Tô đã đoàn kết một lòng phát huy truyền thống để vượt qua mọi khó khăn, thử thách đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển huyện nhà. Cùng với sự phát triển và lớn mạnh của đất nước, huyện H80 xưa, Đăk Tô ngày nay sau nhiều lần chia tách. Hiện nay tổng diện tích toàn huyện có50.640,8 ha, với tổng dân số 42.849 người. Trong đó, dân tộc thiểu số có 20.231 người, chiếm 52,35%. Với quy mô diện tích và dân số nêu trên, về kinh tế Đăk Tô tập trung phát triển mạnh các cây công nghiệp, ổn định an ninh lương thực, đem lại cuộc sống ngày càng no ấm, giàu mạnh cho nhân dân các dân tộc trong huyện.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2011 đạt 16,02%, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, cụ thể: nông lâm, thủy sản 39,97%; công nghiệp, xây dựng 37,08%; dịch vụ 22,95%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt trên 19,9 triệu đồng/người/năm (giá hiện hành). Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm: 9.147 ha. Diện tích một số cây trồng chủ yếu: diện tích trồng lúa: 1.655 ha, sản lượng 6.309 tấn; diện tích trồng ngô: 222 ha, sản lượng 684 tấn; diện tích trồng sắn: 6.943 ha, sản lượng 92.910 tấn. Diện tích cây lâu năm có 7.598 ha; trong đó: diện tích cây cà phê 745 ha, sản lượng đạt 1.029 tấn; diện tích cây cao su 6.579 ha, sản lượng đạt 2.275 tấn. Chăn nuôi: Tổng đàn gia súc toàn huyện có 2.710 con trâu, đàn bò có 5.051 con, đàn heo có 9.341 con.
Hoàn thành quy hoạch, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện đến năm 2015, có tính đến 2020; quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm các xã mới chia tách và một số công trình, dự án trên địa bàn thị trấn, Cụm công nghiệp - dịch vụ 24/4.
Công tác quảng bá, thu hút đầu tư đạt kết quả tương đối tốt. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển cả về quy mô và chất lượng; giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 302,77 tỉ đồng, vượt 73,76% so với chỉ tiêu đề ra, bình quân hằng năm tăng trên 47%. Một số dự án đầu tư cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã được xây dựng hoàn thành, đi vào hoạt động như: Nhà máy tinh bột sắn, Nhà máy thủy điện Đăk Rơ Sa 1, các nhà máy chế biến mủ cao su... góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và tạo việc làm cho người lao động. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với chỉ tiêu đề ra: tinh bột sắn, điện thương phẩm, khai thác cát, đá, sỏi. Một số dự án đang trong giai đoạn đầu tư như: Nhà máy bột và giấy Tân Mai - Kon Tum, Nhà máy thủy điện Đăk Rơ Sa 2, Nhà máy cồn Tân Cảnh...
Thương mại - dịch vụ tiếp tục phát triển. Ngành bưu chính, viễn thông phát triển vượt bậc; 100% xã có điểm phục vụ bưu chính, 75% xã có điểm bưu điện văn hóa; số thuê bao điện thoại tăng nhanh, bình quân đạt 24,81 máy điện thoại/100 dân, vượt 230,8% so với chỉ tiêu đề ra.
Kết cấu hạ tầng kỹ thuật kinh tế, xã hội có bước phát triển khá, nhất là lĩnh vực giao thông, thuỷ lợi, nước sinh hoạt, trường học v.v... Đến nay, hầu hết các thôn (làng) có đường ô tô đến được cả 2 mùa; 100% số trường, lớp học được xây dựng cấp 4 trở lên; 100% thôn (làng) có điện lưới quốc gia; 8/9 trạm y tế xã, thị trấn được xây dựng kiên cố; số hộ sử dụng điện và có đủ nước sinh hoạt tăng; đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình thủy lợi, đảm bảo nước tưới cho trên 800 ha đất nông nghiệp.
Một số tuyến đường liên thôn, liên xã đã được nâng cấp, làm mới. Phong trào làm đường giao thông nông thôn hàng năm đã phát huy hiệu quả, hình thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm" để đầu tư bê tông hoá một số ngõ phố ở thị trấn bước đầu phát huy hiệu quả. Từ 2006 - 2010, đã huy động được trên 165 ngàn ngày công và đóng góp của công chức, viên chức và nhân dân với tổng kinh phí trên 5,5 tỷ đồng.         
Thực hiện chủ trương xây dựng thị trấn Đăk Tô đến năm 2015 đạt đô thị loại IV miền núi đã đạt được kết quả quan trọng. Từ năm 2007 đến nay đã bố trí ngân sách hơn 110,2 tỉ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của thị trấn, một số tiêu chí về đô thị loại IV miền núi đã đạt được như: cơ cấu kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, tỉ lệ lao động phi nông nghiệp, tỉ lệ hộ nghèo.
Văn hóa – xã hội có bước chuyển biến tích cực, trình độ, năng lực công tác của cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên được nâng lên. Công tác tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp có hiệu quả hơn; tỉ lệ học sinh khá giỏi, học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng tăng qua từng năm. Công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phổ cập tiểu học đúng độ tuổi đạt tiến độ đề ra. Quy mô trường lớp ngày càng phát triển; trang thiết bị, đồ dùng dạy học được trang bị tương đối đầy đủ cho yêu cầu dạy và học; số trường học đạt chuẩn quốc gia vượt chỉ tiêu đề ra. Công tác xã hội hóa giáo dục từng bước được thực hiện, gắn với thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài. Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 03/12/2007 của Tỉnh ủy “Về nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số giai đoạn 2008 - 2015”, gắn với triển khai mô hình lớp bán trú dân nuôi ở một số xã.
Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai kịp thời, đúng đối tượng và hiệu quả; đối với chương trình 167 (hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở) đã triển khai hỗ trợ xây dựng 724 căn nhà. Thực hiện tốt công tác “đền ơn, đáp nghĩa” đối với người có công; huy động các nguồn lực xây dựng 79 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, tình thương trị giá gần 1,2 tỉ đồng. Thực hiện tốt công tác cứu trợ đối với các gia đình bị thiên tai, hỏa hoạn, gia đình đặc biệt khó khăn. 
Công tác xóa đói, giảm nghèo đạt được kết quả khá; số hộ nghèo giảm từ 39,61% (năm 2005)xuống còn 18,3%. Tuổi thọ trung bình của người dân tăng.   
Nghị quyết 04-NQ/TU, ngày 14/6/2007 của Tỉnh ủy “Về đẩy mạnh xây dựng các xã đặc biệt khó khăn” đã được triển khai thực hiện có hiệu quả, đồng thời lồng ghép các chương trình, dự án với phát huy nguồn lực tại chỗ để tập trung đẩy mạnh việc xây dựng các thôn (làng) đạt tiêu chí “no đủ - vững mạnh - an toàn”. Chính vì vậy mà tình hình an ninh, trật tự xã hội được ổn định, giữ vững. Công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đạt kết quả tốt; chủ động phòng, chống đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng của các thế lực thù địch, phản động, nhất là âm mưu “Diễn biến hòa bình”, lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tích cực đấu tranh có hiệu quả với các đối tượng có hành động lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật trên địa bàn.
Đảng bộ luôn quan tâm, triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đưa nội dung thực hiện Cuộc vận động là một trong những nội dung sinh hoạt cấp ủy, chi bộ, sinh hoạt cơ quan, đơn vị định kỳ hàng tháng và là một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và của từng cá nhân. Việc “học tập” và “làm theo” tấm gương đạo đức của Bác được tất cả cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn hưởng ứng với nhiều hành động thiết thực; tạo được sự chuyển biến sâu sắc cả trong nhận thức và trong hành động.
Nhìn lại chặng đường cách mạng 40 năm qua, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc huyện Đăk Tô đã gặt hái được nhiều kết quả hết sức quan trọng, vô cùng phấn khởi và tự hào. Mặc dù vẫn còn không ít những khó khăn, thách thức ở phía trước, nhưng những thành quả mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Đăk Tô đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển là vô cùng quan trọng và quý báu. Thành quả đó luôn là nền tảng, tiền đề để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Đăk Tô hôm nay kế thừa và vững bước đi lên trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Những thành tựu đạt được trong 40 năm qua là kết quả của tinh thần đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng bộ, toàn quân và các dân tộc trong huyện; là kết tinh của sự kế thừa và phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng bất khuất trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm mà các thế hệ cách mạng đã dày công xây dựng, vun đắp. Đảng bộ, quân và nhân dân các dân tộc huyện Đăk Tô rất trân trọng, tự hào và xin tỏ lòng biết ơn, sự tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.