Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Luận cương chính trị (tháng 10/1930) của Đảng - 80 năm nhớ lại


Luận cương chính trị (tháng 10/1930) của Đảng - 80 năm nhớ lại

Cách nay 80 năm, Đảng Cộng sản Việt Nam vừa mới ra đời đã bước ngay vào trận tuyến đấu tranh, lãnh đạo quần chúng dấy lên phong trào cách mạng rộng lớn chưa từng có trước đó.
            Đang lúc phong trào cách mạng phát triển đến đỉnh cao, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng Cộng sản Việt Nam họp Hội nghị lần thứ nhất tại Hương Cảng - Trung Quốc (từ ngày 14 đến ngày 31 tháng 10 năm 1930). Hội nghị quyết định đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Đông Dương và thông qua bản "Luận cương chính trị" do đồng chí Trần Phú khởi thảo.
Luận cương chính trị (10/1930) của Đảng (thường được gọi là Luận cương cách mạng tư sản dân quyền) gồm ba phần:
1. Tình hình thế giới và cách mạng Đông Dương.
2. Những đặc điểm về tình hình ở Đông Dương.
3. Tính chất và nhiệm vụ cách mạng Đông Dương.
           Trên cơ sở phân tích một cách khoa học tình hình thế giới và trong nước, đặc điểm xã hội và mâu thuẫn giai cấp ở Đông Dương, Luận cương chính trị đã nêu rõ tính chất của cuộc cách mạng ở Đông Dương là cách mạng tư sản dân quyền do giai cấp công nhân lãnh đạo, là thời kỳ dự bị để làm xã hội cách mạng, bỏ qua thời kỳ tư bản chủ nghĩa phát triển tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ của cách mạng Đông Dương thời kỳ đầu là đánh đổ thực dân Pháp giành độc lập dân tộc và đánh đổ phong kiến mang lại ruộng đất cho dân cày. Hai nhiệm vụ ấy quan hệ khăng khít và không thể tách rời nhau: "có đánh đổ đế quốc chủ nghĩa mới phá được cái giai cấp địa chủ và làm cách mạng thổ địa được thắng lợi; mà có phá tan chế độ phong kiến thì mới đánh đổ được đế quốc chủ nghĩa".
            Về lực lượng cách mạng, Luận cương xác định: Giai cấp vô sản vừa là động lực chính vừa là giai cấp lãnh đạo nhân dân lao động đấu tranh. Dân cày là động lực mạnh. Các phần tử lao khổ ở thành phố như người bán rao, thủ công nghiệp nhỏ do đời sống cực khổ nên đều tham gia cách mạng. Đối với các đảng phái quốc gia cải lương, Đảng ta kiên quyết vạch trần tính chất nguy hiểm, lừa gạt và phá hoại phong trào cách mạng công nông của họ. Đối với các đảng phái tiểu tư sản, Đảng có thể tạm thời hợp tác, với điều kiện là họ phải thật sự chống đế quốc, không cản trở công tác tuyên truyền cộng sản trong công nông.
Về phương pháp cách mạng, Luận cương chỉ rõ rằng, phải có phương pháp cách mạng trong lúc bình thường và có phương pháp cách mạng trong lúc có tình thế trực tiếp cách mạng. Khi có tình thế trực tiếp cách mạng thì Đảng phải lãnh đạo quần chúng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. "Võ trang bạo động không phải là một việc thường... phải theo khuôn phép nhà binh".
            Về thời cơ khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, Luận cương viết: "Đến lúc sức cách mạng lên rất mạnh, giai cấp thống trị đã rung động, các giai cấp đứng giữa đã muốn ngã về phe cách mạng, quần chúng công nông thì sôi nổi cách mạng, quyết hy sinh phấn đấu thì Đảng phải lập tức lãnh đạo quần chúng để đánh đổ chính phủ của địch và giành lấy chính quyền cho công nông". Luận cương chính trị cũng nhắc nhở nguy cơ chiến tranh đế quốc ngày càng gần, cho nên phải làm cho khẩu hiệu chống chiến tranh ăn sâu trong quần chúng như khẩu hiệu: "Đổi chiến tranh đế quốc thành chiến tranh cách mạng", "Phản đối binh bị" v.v... đồng thời tăng cường công tác vận động binh lính địch, tổ chức đội tự vệ của công nông.
            Về vai trò lãnh đạo của Đảng, Luận cương khẳng định: "Điều kiện cốt yếu cho sự thắng lợi của cuộc cách mạng ở Đông Dương là cần phải có một Đảng Cộng sản có một đường lối chánh trị đúng, có kỷ luật, tập trung, mật thiết liên lạc với quần chúng, và từng trải đấu tranh mà trưởng thành. Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp lấy chủ nghĩa Các Mác và Lênin làm gốc mà đại biểu quyền lợi chánh và lâu dài chung cho cả giai cấp vô sản ở Đông Dương và lãnh đạo vô sản giai cấp Đông Dương ra tranh đấu để đạt được mục đích cuối cùng của vô sản là chủ nghĩa cộng sản".
          Cuối cùng, Luận cương chính trị của Đảng chỉ rõ: Cách mạng Đông Dương là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản thế giới.
          Đã 80 năm trôi qua nhưng tính thời sự và giá trị thực tiễn của Luận cương chính trị tháng 10/1930 vẫn còn đó. Vẫn còn đó tính duy nhất đúng về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cho dù hiện nay, đây đó đã và đang vang lên những tiếng nói lạc lõng về cái gọi là "đa nguyên, đa đảng", đòi xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa của những phần tử cơ hội chính trị và những kẻ bất mãn với chế độ. 80 năm đọc lại Luận cương chính trị của Đảng, ta vẫn tiếp tục nhận ra cái chân giá trị và sức sống của bản Luận cương. Bởi Luận cương chính trị tháng 10/1930 của Đảng là sự kế thừa và phát triển tư tưởng, đường lối đúng đắn của cuốn Đường kách mệnh do Bác Hồ biên soạn, củaChính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt của Hội nghị thành lập Đảng (03/02/1930); đồng thời thể hiện sự vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta. Có thể nói, Luận cương chính trị “rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta là nông dân. Vì vậy Đảng đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình. Còn các đảng phái của các giai cấp khác thì hoặc bị phá sản, hoặc bị cô lập. Do đó, quyền lãnh đạo của Đảng ta - Đảng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam - không ngừng củng cố và tăng cường” (Hồ Chí Minh: Ba mươi năm hoạt động của Đảng, Tạp chí Học tập, số 1-1960).





Ngôi nhà số 90 phố Thợ Nhuộm - Hà Nội, nơi đồng chí Trần Phú viết bản Dự thảo “Luận cương chính trị” của Đảng vào tháng 10 năm 1930 (TL- TNN st)



        Cũng 80 năm qua, kể từ ngày Đảng ta ra đời và cũng kể từ ngày Luận cương chính trị 10/1930 được công bố, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên trì giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, phấn đấu không mệt mỏi vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Xã hội chủ nghĩa mà Đảng lãnh đạo nhân dân ta xây dựng là xã hội nhân dân lao động là chủ và thực sự làm chủ. Một xã hội như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ:“Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”...
Nguyễn Viết Chính
(Ngày 08 tháng 11 năm 2010)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét